Gặp vượn

Thứ Tư, 16/02/2011, 05:20
Gần chục năm nay, kể từ năm 2002, khi cả nhân loại sửng sốt vì phát hiện trở lại sự tồn tại của khoảng 30 cá thể vượn Cao Vít ở hai xã Ngọc Khê, Phong Nậm của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (và vùng rừng giáp ranh với nước bạn Trung Hoa), tôi đã "bị" thôi thúc trí tò mò và… "ngứa chân cẳng" muốn dọn mình để leo núi tìm gặp vượn lắm rồi.

Sau 43 năm không được ghi nhận, bị coi là tuyệt chủng trên quy mô khắp địa cầu; nay, cả thế giới chỉ còn 30 con Cao Vít, không thấy ở đâu ngoài khu vực vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây kia. Phân loài vượn Cao Vít (tên khoa học là Nomascus nasutus nasutus), thuộc loài vượn Mào đen Phương Đông (Nomascus nasutus) tính đến năm 2009, sau khi đổ bao nhiêu tỉ đồng và bao nhiêu công sức vào bảo vệ, vẫn chỉ có chừng 97 cá thể, vẫn chỉ duy nhất có ở các cánh rừng giáp ranh Trùng Khánh của ta và rừng tiếp giáp của nước bạn. 97 cá thể chia làm 17 đàn tất cả, thì 14 đàn ở rừng Việt Nam, 3 đàn được gọi vui là "Vượn sứ giả", bởi chúng vẫn qua lại biên giới mà không cần hộ chiếu hoặc visa.

Sự hiếm hoi đó, lại cộng thêm: tất cả các "đương sự", đặc biệt là giới bảo tồn đều nhất nhất thề thốt: chưa có một nhà báo nào của Việt Nam chụp được ảnh, được nghe tiếng hót mê hồn của vượn Cao Vít. Thêm nữa, ông Giám đốc khu bảo tồn Nông Văn Tạo cứ đánh cược: nếu gã thư sinh như tôi mà đủ "nhiệt" đi suốt 5 ngày 4 đêm trong rừng già Trùng Khánh để tìm thấy vượn quý, thì… ông bé bằng con kiến.

Thế là tôi cắm cúi leo núi cho kỳ được.

Bởi, với tất cả những cuộc chinh phục, cái ngáng trở "khi đi vướng núi khi về vướng sông" kiểu đó, nó chỉ có tác dụng thôi thúc khát vọng đi đến cùng của người ta thôi. Tôi bặm môi, thuê 10  người gánh cõng lương thực và máy móc, quyết tâm vào rừng tìm vượn Cao Vít. "Sơn lộ" dự kiến 5 ngày 4 đêm vắt kiệt sức mình đó, chưa đi, tôi đã hiểu, nó sẽ là một trong những chuyến thám hiểm vất vả bậc nhất của đời mình…

Thế kỷ XXI, ở Việt Nam ta, có bao nhiêu người từng được nghe vượn hót?

Nói sòng phẳng là cuối cùng thì tôi đã gặp vượn. Cái kỷ lục: nhà báo đầu tiên của Việt Nam gặp và chụp ảnh vượn Cao Vít đã trở nên có gì đó rất trẻ con và nực cười trước vẻ đẹp ngộ nghĩnh của đàn vượn 12 cá thể mà tôi đã gặp, trước tiếng hát mê hồn của các đàn vượn khác mà tôi đứng giữa bát ngát non cao để nghiêng mình thưởng thức. Dòng thác âm thanh nhỏ nhẹ, dài miên man, đàn cà, chằng chịt, trong ngần, ngọt lịm…, nó cứ thế tuôn chảy giữa hoang vu tột độ.

Vượn bao giờ cũng thích hót giữa ban mai, phải là khi trời đẹp, vừa nô đùa, bẻ lá kiếm ăn vừa hót. Mà phải hót theo bầy. Tiếng vượn ríu ran, vút cao, mà nó chỉ hót khi không có loài vật nào đang hót trong không gian nguyên sơ "ta là một là riêng là thứ nhất" của nó cả. Nghe kỹ, tiếng vượn hót, nó có cái gì giống còi cảnh sát hú lên dẹp đường đón nguyên thủ. Nhưng nó không giống ở chỗ, rằng là vượn chỉ hót trong thanh bình, tĩnh lặng, tĩnh lặng đến mức không có cả tiếng chim sâu chim sáo lích rích, tung túc kiếm ăn. Càng nghe, càng miêu tả, tôi càng không hiểu rõ sự xôn xao xúc cảm của mình và các bạn đồng hành đến từ đâu mà… nhiều thế, mỗi khi tiếng đàn vượn thống lĩnh không gian. Chưa bao giờ tôi gặp thứ tiếng gì lại tinh khiết, quyến mời và đáng xúc động đến như vậy.

Ngày xưa, Bác Hồ ở chiến khu giữa núi rừng miền Bắc, Người có viết thơ: "Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng", tôi nghĩ, tiếng vượn đó chắc chắn cũng gieo cho Người cảm xúc dâng trào như chúng tôi đã gặp hôm đó. Lũ vượn chun miệng lại, hóm hỉnh hót, "Cao vít, huýt! Cao vít, huýt…". Sự râm ran đó, nó khiến người Tày ở bên dòng Quây Sơn nương theo để mà đặt thành tên: vượn Cao Vít.

Tôi đã hơn một lần được nghe tiếng vượn hót, đúng hơn nhiều loài vượn cùng hót ở Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương (đóng tại Nho Quan, Ninh Bình), mái nhà bình yên lớn nhất Đông Nam Á của các loài vượn, voọc, cu ly, khỉ. Sáng ấy, rừng núi bị đánh thức, con người ta như bị ném vào một thế giới rộn ràng, tinh nghịch, hồn nhiên tựa cây cỏ; tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhiều người nhoài ra khỏi chỗ ngồi, chỗ ngủ, cứ thế ngó ra cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương hỏi xem có xe cảnh sát hộ tống đoàn nào vào thăm khu rừng đặc dụng đầu tiên của Việt Nam này chăng?

Vợ chồng ông Tilo Nadler, Giám đốc Trung tâm (những người bỏ cả đời chăm sóc và cho những con voọc, vượn quý hiếm nhất hành tinh lần đầu tiên được sinh sản trong bàn tay con người) cứ mủm mỉm cười đầy mãn nguyện, bảo tôi: "Vượn hót đấy".

Tôi muốn so sánh rằng, nghe vượn hót ở Cúc Phương thì hơi bị lẫn nhiều tạp âm, thì ai cũng dễ hiểu là hàng chục chiếc xe cảnh sát đang hú còi (nhưng trong vắt tinh khôi hơn vạn lần). Người ta nhầm vì hầu hết chưa ai được nghe vượn hót bao giờ. Từ lâu, gặp vượn giữa thiên nhiên hoang dã thật sự, luôn là một thứ xa xỉ, thứ không thể hình dung của người Việt Nam.

10 người dẫn đường, tư vấn tìm vượn, gồng gánh hành lý máy móc và trăm thứ bà rằn khác của cuộc sống 4 đêm 5 ngày "ăn trong rừng, ngủ trong rừng". 4 đêm 5 ngày leo núi thì không phải là dài lắm, trong hành trình mười mấy năm làm báo gắn bó đặc biệt với núi thẳm hoang vu của miền Bắc Việt Nam của tôi; song, để mà leo núi dựng thành vách như sống mũi ngựa, như thiên la địa võng án ngữ trước mỗi bước chân người như thế, thì đúng là lần đầu tiên tôi "vấp" phải.

Núi dốc đến mức, mặt người sau thường xuyên phải gí sát gót chân người đi trước, chỏm mũi tôi gần như chạm vào đá tai mèo xám xịt, sắc lạnh của Núi Mẹ thì mới bò lên được. Bò cả tiếng đồng hồ, ném hòn sỏi, nó vẫn rơi trúng các mó nước xanh thẫm, trong vắt như gương, xung quanh kè đá hộc tròn xám của bản Tày dưới chân mình. Núi dựng đứng.

Các cánh đồng phì nhiêu bằng phẳng tuyệt đối (rất hiếm hoi) của đất Trùng Khánh huyền thoại như càng trải dài ra hơn sau mỗi bước thượng sơn của chúng tôi. Núi giăng hàng, nhấp nhô, mờ ảo trong sương  mờ của nắng quái, như một thứ Hạ Long trên cạn. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc đã kiến tạo nên kỳ quan thác Bản Giốc phía xã Đàm Thủy trôi về đến đây, sông chia đôi ngả: nhánh rẽ Phong Nậm những 14km, quành tới các bản làng nguyên sơ Đông Si - Nà Giào - Tử Bản - Pác Ngà đủ 18km nữa, rồi nó lại hợp lưu ở tít hút Giàng Cốc. Tuyệt kỹ sông Quây Sơn chùng chình chia nhánh, vắt mình qua ruộng vàng, núi thắm, băng qua giữa đèo dốc quanh co con đường liên huyện và xuyên… quốc gia.

Cái con sông thật lạ, nó xanh ngọc ngà, óng ánh, sự nhiệm mầu của sắc nước và sắc núi đó đã sinh cho sông hồ Việt Nam một loài cá quý mà khi xưa dùng để tiến vua: cá trầm hương. Cá trầm hương chỉ duy nhất có ở khúc sông Quây Sơn này, nó ăn rong rêu và thứ rễ cây trầm hương đặc biệt của Trùng Khánh, thơm thảo "hàm hương" từ tên gọi đến da thịt.

Đôi khi, quên mất mình đang đi tìm vượn Cao Vít, chúng tôi lạc chìm dần vào rừng già với bao nhiêu kỳ hoa dị thảo, đôi khi cỏ tranh cỏ lau lút đầu người, hai tay cứ phải vạch cỏ mà đi theo lối của con gấu ngựa, gấu chó vừa di chuyển vừa thủ thế, giơ "tay" bảo vệ tử huyệt là sống mũi của mình. Lắm lúc, trườn mình như loài bò sát, tôi ngóc đầu lại thì thấy bụi cây bùng nhùng như có hoang thú sắp tấn công - rùng mình! - hóa ra anh bạn đồng hành Triệu Văn Ứng (thành viên Tổ tuần rừng) của tôi ngúc ngắc kéo lê thân xác trên đá tai mèo, anh vạch lá cây nhòm lên phía trước đầy… chán nản.

Rừng lạnh toát nguyên sinh, mà mồ hôi ai cũng đầm đìa. Có lúc địa  hình hang động phủ lá mục khiến tôi rơi tọt xuống khe núi, có khi mặt đường hang hốc, bất ngờ một cái chân thò trọn vẹn vào vùng u tối của lòng núi triệu năm chưa có hơi người. Cảm giác sẩy chân là sẩy mạng sống lúc nào cũng túc trực. Thế giới kỳ hoa, dị thảo, quái thạch, kỳ thạch hiện ra từng giờ từng phút, nó quyến gọi người ta cứ hăm hở, hào hứng như có một mùi hương mê dụ đang cuốn mình theo. Mà không bước tiếp thì địa bàn này, đá lởm chởm, không có nước uống, làm sao dựng lều ngủ qua đêm được đây? Nhiều lúc hãi hùng, thót tim nghĩ đến những hiểm họa rình rập.

Có khi ngã toạc máu ướt vai áo, có khi đá tai mèo cứa đứt giày dép chuyên dụng leo núi của lực lượng biên phòng (chuyến đi của chúng tôi có cán bộ Đồn biên phòng dẫn đường), phải dừng lại, đốt lửa, nung con dao hộ thân của người Tày lên mà hàn lại dép. Không ai đi được qua những ngọn núi sắc như dao đó bằng chân trần. Giữa lúc loay hoay tìm cách sống sót giữa đại ngàn như thế, chợt bàn tay tôi gặp vật gì, bỗng dưng nó phát ra tiếng gì văng vẳng, tiếng ấy trong và vang hơn cả chuông khánh trong chùa cổ vùng châu thổ Bắc Bộ.

Dùng ngón tay gõ nhẹ, Hoàng Văn Sum, Đội trưởng Đội tuần rừng của Khu bảo tồn tủm tỉm: "Các anh đang lạc vào rừng đá hát" (dịch theo tiếng Tày). Đá ở đây nhọn, sắc, mỏng như bánh cuốn, giẫm mạnh có thể từng tảng lăn xuống người phía sau, gõ vào, dù là dùng một ngón tay nhè nhẹ, nó rất vang xa, tiếng kêu trong hơn cả chuông chùa có pha vàng và đồng đen…

Đội tuần rừng ở Trùng Khánh - Cao Bằng.

Bằng mọi giá phải đi trên đỉnh vây giữa sống lưng "con cá"!

Bài học thấm thía về cách sống sót nhiều ngày trong rừng nguyên sinh, núi đá điệp trùng, không một mó nước hay một nhánh suối khô cằn nào được 10 người đàn ông Tày truyền đạt dần cho tôi sau mỗi ngày leo núi, ngủ rừng. Hốc núi nào sẽ có nước mưa, hàng ngàn loài rau rừng loài nào ăn được, còn loài nào ăn một phần mười của lá sẽ đứt ruột chết luôn (đoạn trường thảo). Hoa rừng đẹp nhất, nấm sặc sỡ nhất thường là loài thảo mộc có khả năng giết người nhanh nhất. Một con bọ cánh cứng óng ánh sắc xanh và tím thật kiều diễm.

Loài rau cải mọc hoang trong rừng, khi nấu với nước mưa, sẽ cho bạn cảm nhận về một thứ rau ngon nghẻ và thanh tao không tưởng tượng nổi. Hương vị nhằng nhặng đắng của nó thật ám ảnh. Chúng tôi nắm cơm, cắm lều, hái nấm hái măng làm thức ăn, cứ thế cắm mặt leo lên các đỉnh núi cao nhất.

Đi tìm vượn voọc thì  nhất định phải lên được các đỉnh núi cao nhất. Nếu ví các dãy núi, đỉnh núi chất ngất, điệp trùng, bất tận của thiên nhiên biên viễn và hoang sơ tột độ của Trùng Khánh như những con cá đang bơi trong không gian, thì bao giờ phần vây dựng đứng nhô lên, nối liền từ đuôi đến đỉnh đầu của con cá cũng "giăng hàng" ở nơi cao nhất trong không gian (so với phần thân thể tương ứng của con cá). Và, chúng tôi phải tìm cách liên tục đi trên đỉnh của cái "vây" đang dựng như tường thành trên "sống lưng cá" đó. Chúng tôi cứ đi, phóng ống nhòm, phóng các ống kính tê-lê của máy quay, máy ảnh sang tứ phía. Mọi giác quan căng ra như những cái ăng ten, dò tiếng hót của vượn, dò hình ảnh của vượn.

Gió mùa đông bắc chợt về, mưa tầm tã, rồi nắng hửng lên trong nỗi phấp phỏng của cả đoàn. Đến lúc kiệt sức, đôi chân tứa máu, đá vẫn miên man, người nọ phải giẫm chân lên vai, lên đùi người kia thì mới vượt qua hay tụt xuống được các vách đá dựng đứng.

Giờ mới hiểu, tại sao Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFF), khi bỏ nhiều tỉ đồng ra làm dự án bảo tồn vượn và sinh cảnh (cùng với Khu bảo tồn Vượn Cao Vít của Cao Bằng), họ đều phải chọn… thợ săn để liên kết thành lập tổ tuần rừng. Bởi chỉ có thợ săn mới hiểu tập tính của vượn, voọc, khỉ, gấu và hoang thú nói chung đến nhường ấy; chỉ họ mới leo rừng và biết cách sống sót giữa hoang vu hung hiểm tài tình đến nhường ấy.

Anh Trường và anh Khai, nhà ở dưới xã Phong Nậm, là người từng xiết cò bắn nhiều con gấu, nhiều con vượn và voọc ở nơi này, giờ là linh hồn của tổ tuần rừng bảo vệ vượn và sinh cảnh của vượn. Mỗi tháng anh và 6 thành viên của mình đi rừng tới 15 ngày, họ thượng lá cây, hạ ngọn cỏ, chỗ nào họ cũng hiểu.

Trong nỗi tuyệt vọng vì kiệt sức mà bóng vượn vẫn mịt mù thăm thẳm, trong những đêm rét mướt, đốt lửa, uống rượu với quả rừng chát sít trong mái đá xa xôi, anh Ứng mới thật sự cởi lòng nói về cái thời còn "dã man" coi vượn Cao Vít chỉ là con chó, con cầy của rừng, bắn nó rồi về nấu giả cầy xì sụp ăn với nhau kia.

"Vượn ăn ngon hơn khỉ, vì nó ăn quả rừng. Vượn không bị người Tày ghét bỏ, vì nó không phá nương rẫy như khỉ, khỉ nó hay về bản bẻ ngô, nhổ sắn, bới khoai, vừa ăn vừa ném nhau. Vượn nó không phá, không ăn cắp cái gì của bà con, tiếng hót nó lại hay vô cùng. Nó hót, tiếng nó cứ vút cao, nghe giống như tiếng gọi "cao vít", "cao huýt". Nhưng, khi bắn hết gấu, hết nai, chúng tôi cũng bắn vượn chứ. Về nấu như nấu thịt chó mà ăn thôi".

Đã một thời, rượu ngâm cả con vượn Cao Vít được nhiều gã nát rượu, gã thích cường dương coi là đặc sản số 1. Vì thế họ bắn vượn nhiều lắm. Bắn vượn dễ, cứ tìm những cây dâu da xoan, cây móc thật sai quả, quả thật chín mọng, thợ săn ngồi phục kích ở đó, đạn lên nòng, kiểu gì đàn vượn cũng ríu rít rủ nhau đến. Vượn "ngu" lắm, trước khi đến nó còn hót vang khắp chín núi mười lũng. Nên, đã định bắn, đã phục dưới gốc cây móc, cây dâu da xoan chín mọng, là kiểu gì vượn cũng chết. Vượn mẹ đã chết thì kiểu gì vượn con cũng loanh quanh tìm kiếm, thậm chí xuống ôm xác mẹ mà buồn bã (khi vượn con chết, vượn mẹ cũng "cá chuối đắm đuối vì con" như vậy), bất chấp bàn tay tàn độc của thợ săn. 

Bọn voọc còn dại hơn. Thấy mùi mỡ là nó đến. Nó đi đến đâu, tưới nước tiểu ra đó, thợ săn cứ theo đó, cứ nhử mồi, rồi dụ voọc vào những cái bẫy lồng lớn có lẫy sập (gọi là bẫy sập). Sập một cái, có khi bắt cả 10 con voọc. Người bên kia biên giới họ bắt hết voọc vùng Trùng Khánh. Bọn vượn thì vào hũ rượu ngâm "toàn thây", đến mức, suốt hơn 40 năm, từ năm 1960 đến 2002, nhân loại phải buồn bã đưa ra thông báo "không còn ghi nhận được" sự tồn tại của vượn Cao Vít trên toàn thế giới.

Tiếng vượn có thể làm nhiều người phải "tỉnh ngộ"?

Trời ủ rũ, lòng người buồn bã vì hành trình khổ ải 3 ngày giời mà vẫn chưa đem lại một kết quả nào, chúng tôi dựng lều nấu cơm. Chợt nắng hửng, chợt vượn kéo nhau ríu ran về ngay trên nóc lều, chúng ôm ấp, ve vuốt, bẻ lá, nô đùa và cứ chun cái miệng xinh xẻo vào hú hót tưng bừng. Một dàn hợp xướng kỳ lạ. Tất cả chúng tôi nín thở. Tiếng hót như bước ra từ cõi thiên thai mộng mị nào đó, qua ống nhòm, chỉ thấy cái màu vàng màu đen (màu lông vượn Cao Vít) lòe nhòe ngơ ngác. Nay, vượn vuốt má, đu cành, ngỏn ngoẻn ăn quả một cách ngon lành ngay trước mắt chúng tôi.

Chúng đến như một cơn bão rừng, rồi ra đi như một cơn gió lớn tràn qua muôn trùng lá núi. "Lòng cứ run hoài như chiếc lá/ Sau khi trận gió đã im lìm". Thơ ông Xuân Diệu viết thế, như không chỉ tặng đám người yêu nhau nhùng nhằng kia, mà viết tặng cả cánh "chán người đi tìm vượn" đang nín thở, săm soi chúng tôi hôm nay. Cơn bão âm thanh, cơn bão lá rừng và màu vàng cùng màu đen nhoáy của vượn Cao Vít đã tràn qua, núi rừng trở lại lặng phắc… - thế nhưng, vượn đi rồi, dòng thác âm thanh  ngọt lịm tắt rồi, lòng chúng tôi vẫn run hoài.

Anh bạn tôi ngửa cổ hét vang giữa núi rừng thề thốt, xin thần rừng đừng bắt anh què chân trên chặng về thăm thẳm, gập ghềnh. Thề nữa, con trở về sẽ gột sạch mình trở thành người khác, thiên nhiên hoang dã đã cảm hóa anh, đã dần nhấc anh khỏi những tham vọng nhỏ bé ở phố thị. Sự quẩn quanh của đời anh như tan biến sau những ngày được nở phổi hít không khí trong lành, rừng già và trời biên ải bao dung, quyến rũ lạ thường. Đôi khi, rừng và hoang thú tuyệt đẹp kia còn đem đến một đức tin, một thứ tôn giáo vĩnh cửu, vượt mọi thứ biên giới giúp cho con người ta giác ngộ được cái vô cùng của thiên nhiên cũng như cái hữu hạn của thân kiếp mình, phải thế không?

Đường về như gần hơn, bước chân còn tứa máu đấy, cảnh bò như thạch sùng qua các hang núi và nhiều tầng lá mục phủ lên đá tai mèo còn gây thêm sứt sẹo khắp nơi đấy, nhưng chúng tôi đều hào hứng hơn, đều thấy mình có một thứ nhựa đam mê, nhựa run rẩy sau khi được thưởng thức vẻ đẹp cũng như tiếng hót cực kỳ quyến rũ của đàn vượn Cao Vít ở trạng thái hoàn toàn hoang dã. Phải nói mà không sợ mình hơi mất bình tĩnh rằng: thật diễm phúc cho ai từng được run rẩy nghe tiếng hót mê hồn, được hào hển ngắm nhìn vẻ thơ ngộ tuyệt sắc của một đàn vượn Cao Vít trên các đỉnh trời "núi tiếp núi, mây lồng mây"...

Đ.D.H.
.
.