Ghi ở bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang
- Tình yêu và nỗi nhớ ở Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang
- Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang điều trị bệnh nhân COVID-19 lớn nhất miền Bắc
- Bổ sung 200 giường tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang
Xung trận
Mới 9h sáng mà Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang - nơi trở thành Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang nóng bức như chảo lửa. Từ bên ngoài, bệnh viện im lìm, vắng lặng đến tột độ.
Bác sĩ Bùi Quang Hưng - Phó trưởng đoàn y tế CAND, tranh thủ vừa điều hành công việc qua bộ đàm, vừa nói với tôi rằng: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian, với công việc để làm sao phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng y tế ở đây (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, trung tâm y tế các huyện, thành phố, các phòng khám tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bệnh viện Bạch Mai) nhằm phục vụ, chăm sóc, điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân”.
Bác sĩ trong Bệnh viện dã chiến số 2 bày tỏ quyết tâm chiến thắng bệnh dịch. |
Những hình ảnh đầu tiên trong Bệnh viện dã chiến số 2 do camera ghi lại được chuyển về cho tôi xem qua điện thoại của bác sĩ Hưng mới thấy được sự khẩn trương, cần kíp, hối thúc của tất cả những công việc mà các y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai và của Bộ Công an đang làm ở đây.
Hơn 600 giường bệnh nằm gọn trong 2 tầng nhà thi đấu nhìn như mạng nhện. Đó là hơn 600 bệnh nhân, hơn 600 gia đình họ đang gửi trọn niềm tin nơi các y, bác sĩ tuyến đầu này. Hơn chục bệnh nhi bé bỏng cũng phải theo mẹ vào đây để điều trị bệnh. Trong cái nóng bức, ngột ngạt của mùa hè, trong sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID, nhìn những bệnh nhân đang được điều trị ở đây mới thấy cần bác sĩ hơn bao giờ hết.
Hình ảnh Bệnh viện dã chiến số 2 ở Bắc Giang. |
Về chi viện cho tỉnh Bắc Giang trong dập dịch bệnh lần này, đoàn CAND có 167 y, bác sĩ của Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Trong đó có nhiều bác sĩ nữ, có một số bác sĩ nữ có những hoàn cảnh khó khăn riêng, có bác sĩ có con chuẩn bị thi chuyển cấp, thi đại học. Cá biệt có bác sĩ mà cả hai bố con đều tham gia tình nguyện chống dịch tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Tuyến dành cho tôi khoảng thời gian quý báu trong sự bận rộn tại gian làm việc nhỏ, tuềnh toàng, đến cái ghế ngồi cũng thiếu. Đã 23 năm công tác tại Bệnh viện 19-8 của Bộ Công an nhưng có lẽ chưa bao giờ anh làm việc và sống trong những ngày như đánh trận của Bắc Giang thế này.
Nhưng, người làm ngành y đều phải xác định đóng góp cho xã hội nên anh và cô con gái Nguyễn Thị Thanh Huyền, đang là sinh viên năm 4 Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cũng đều tình nguyện lên Bắc Giang, Bắc Ninh dập dịch. Anh bảo hơn lúc nào hết, là bác sĩ, là chiến sĩ thì phải xông pha trận mạc, khi đồng bào cần thì mình phải hỗ trợ nhiệt tình. Đây là lương tâm và trách nhiệm của người làm ngành y.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thảo chăm sóc bệnh nhân trong Bệnh viện dã chiến số 2. |
Bắc Giang hiện giờ vẫn là một “điểm nóng” về dịch bệnh và sự chi viện của lực lượng y tế CAND trong lúc này là rất kịp thời để “chia lửa” với lực lượng y tế Bắc Giang. Trong tuần đầu tiếp quản, bộ máy của Bệnh viện dã chiến số 2 đã vận hành đã trơn tru, đủ điều kiện tiếp nhận bệnh nhân, công suất giường đạt 100%.
Mấy ngày đầu về đây, nhà thi đấu thể thao đang trong quá trình hoàn thiện nên khi trở thành nơi điều trị đã gặp không ít khó khăn. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và đơn vị thi công đốc thúc, đơn vị xây dựng làm đến đâu bàn giao phòng ở đến đấy đã từng bước bố trí chỗ ăn ở cho các y, bác sĩ. Các căn phòng khi bàn giao, anh em phải tự lau dọn, vệ sinh phòng ở. Để bảo đảm sức khỏe phục vụ người bệnh và phòng ngừa lây nhiễm chéo dịch bệnh, các y, bác sĩ trong một ca, kíp làm việc được bố trí ở trong một phòng riêng, phân khu hành lang riêng để bảo đảm nguyên tắc giãn cách và phòng dịch.
Trong khoảnh khắc ở hành lang Bệnh viện dã chiến số 2 này, tình cờ tôi bắt gặp điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thảo ở Bệnh viện 19-8 đang tranh thủ thời gian sau ca làm việc để gọi cho cậu con trai 4 tuổi bằng hình ảnh qua Zalo. Nhà chỉ có hai mẹ con nên khi tình nguyện lên Bắc Giang chống dịch, chị đã gửi con trai về Phú Thọ để ông bà ngoại chăm sóc.
Qua Zalo, tôi nghe được cậu bé nói với mẹ: “Hôm nay, con bị chó cắn”. Mẹ hỏi con có đau không nhưng cậu bé bảo con hết đau rồi. Chị Thảo kể khi mẹ đi lên Bắc Giang chống dịch, dặn con là mẹ đi chống dịch ở Bắc Giang, mẹ đi đánh bay con COVID, con ở nhà ông bà ngoan và nghe lời thì cậu con trai chỉ hỏi là mẹ đi có lâu không? Rồi con chỉ vâng và dạ những gì mẹ dặn.
Bác sĩ Bùi Quang Hưng và Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Tuyến trao đổi chuyên môn. |
Câu chuyện trong chớp nhoáng giữa tôi và điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thảo ở khu hàng lang cứ làm tôi nhớ mãi. Và tôi nhớ nhất lời điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thảo: “Khi chúng tôi đã xác định về Bắc Giang, vào Bệnh viện dã chiến số 2 này để cùng nhân dân Bắc Giang chiến đấu với dịch COVID thì không có bất kì nỗi sợ nào cả. Bệnh nhân cần y, bác sĩ và chúng tôi sẽ đem hết sức mình cùng họ chiến đấu, để chữa trị cho họ khỏi bệnh”.
Chạy đua cùng thời gian
5 ngày trôi qua là 5 ngày mà lực lượng y tế ở đây nói chung, y tế CAND nói riêng phải làm việc với tinh thần hết sức khẩn trương, thần tốc để chạy đua với thời gian, chạy đua với công việc nhằm đáp ứng nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất với yêu cầu của tình hình cấp bách hiện nay. Bởi hơn 600 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 này đã đặt ra một vấn đề lớn đối với các y, bác sĩ trong điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mỗi bệnh nhân.
Bệnh nhân ở đây chủ yếu là công nhân, ở độ tuổi trẻ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hưng, mặc dù đây là những bệnh nhân nhẹ nhưng thực tế thời gian qua, đã có những bệnh nhân COVID diễn biến bệnh rất nhanh nên điều quan trọng lúc này là luôn phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động; thường xuyên theo dõi, phát hiện những bệnh nhân nặng để có hướng điều trị và chuyển viện kịp thời.
Mong muốn chiến thắng bệnh dịch. |
Để công tác điều trị các bệnh nhân đạt hiệu quả cao, trước khi lên đường chi viện, tăng cường cho Bắc Giang, đoàn y tế CAND đã được tập huấn chuyên môn. Tuy nhiên, khi lên Bắc Giang thì thực tế lại khác. Ở đây, các hệ thống của bệnh viện dã chiến khác với môi trường đã được tập huấn trong bệnh viện nên đoàn phải nhờ các chuyên gia ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế tập huấn lại kỹ càng trước khi làm việc.
Các y, bác sĩ CAND được bố trí nhiệm vụ ở các bộ phận như: chỉ đạo chung đến kế hoạch tổng hợp, hậu cần, công tác kỹ thuật chống nhiễm khuẩn, chữa trị trực tiếp bệnh nhân...
Các y, bác sĩ Công an với quyết tâm điều trị tốt cho bệnh nhân để chiến thắng COVID-19. |
Đoàn y tế CAND có 1 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa vi sinh phụ trách chống nhiễm khuẩn, 2 bác sĩ chuyên khoa II, một số điều dưỡng trưởng của các khoa, phòng, còn lại hầu hết là thạc sĩ, bác sĩ. Lực lượng y tế CAND được chia thành 4 ca, 5 kíp, 6 tiếng đổi ca 1 lần. Trong các kíp trực đều bảo đảm phân phối có bác sĩ làm cấp cứu và bác sĩ điều trị để cấp cứu, điều trị an toàn cho bệnh nhân. Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tránh lây nhiễm chéo, các y, bác sĩ CAND phải chia thành các ê-kíp chữa bệnh. Từng bộ phận hoạt động độc lập, liên lạc qua bộ đàm, điện thoại, tin nhắn, nhóm Zalo.
Bác sĩ trong Bệnh viện dã chiến số 2 bày tỏ quyết tâm chiến thắng bệnh dịch. |
Công việc hằng ngày của bác sĩ Hưng là bảo đảm công tác giám sát ở đây, phòng chống lây nhiễm chéo, cung ứng các thiết bị thiết yếu, những bệnh án điện tử, tập huấn sử dụng thuốc, hỗ trợ chuyên môn...
Những bận rộn của cả một ngày làm việc khiến bác sĩ Hưng và các y, bác sĩ ở đây quên đi những mệt mỏi để mong sao chữa trị nhanh chóng, hiệu quả cho các bệnh nhân, để bệnh nhân mau được trở về cuộc sống thường ngày. Với họ, những ngày vất vả, đối mặt với hiểm nguy vẫn đang chờ đợi ở phía trước.