Ghi ở đơn vị sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến

Thứ Ba, 07/04/2020, 15:04
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khi đơn vị đang trong giờ huấn luyện. Các hoạt động tập luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật đang diễn ra ở tất cả các khu vực sân bãi của Trung tâm. Tiếng còi hiệu lệnh, tiếng hô vẫn từng nhịp vang lên.

Tuy vậy, khác với thường ngày, thời điểm này cán bộ, chiến sĩ ở đây đang sống trong tâm trạng đặc biệt bởi Trung tâm chính là nơi vừa được chọn để thành lập bệnh viện dã chiến chống đại dịch COVID-19 theo kế hoạch của Bộ Công an. Vừa đảm bảo công tác huấn luyện, vừa phải sắp xếp mọi mặt, chuẩn bị các phương án rời chuyển để phục vụ kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến, mọi nhiệm vụ đang được Ban Giám đốc Trung tâm triển khai quyết liệt, khẩn trương để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thượng tá Nghiêm Đức Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động quan sát học viên thực hành tháo lắp súng.

Đảm bảo đúng tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến

Đón chúng tôi ngay tại khu vực tập luyện, Thượng tá Nghiêm Đức Quý - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết đã nhiều ngày qua, anh và các đồng chí trong Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh CSCĐ (từ đây gọi tắt là Trung tâm) không về thăm nhà. Thay vào đó, họ phải ở lại đơn vị để triển khai công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Bởi các anh biết rằng với số lượng lớn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tập trung tại đây thì chỉ một mầm dịch nhỏ vào Trung tâm sẽ gây hậu quả khôn lường.

Đã gần 2 tháng nay, Trung tâm thực hiện “cấm trại”, dừng các cuộc thăm gặp giữa người thân và các chiến sĩ nghĩa vụ đang được huấn luyện tại đây. Đơn vị đã trích quỹ mua nước rửa tay, khẩu trang để phát cho các cán bộ, chiến sĩ. Giữ gìn vệ sinh nơi ăn chốn ở, vệ sinh cá nhân, tích cực tập luyện nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh là nội dung tuyên truyền chủ đạo trong các buổi sinh hoạt toàn đơn vị những ngày này. Công tác kiểm tra thân nhiệt và phun thuốc khử trùng các khu vực của Trung tâm cũng được thực hiện nghiêm. Một khu cách ly đã chuẩn bị sẵn trong trường hợp có người sốt, ho sẽ tách riêng để tổ quân y theo dõi chặt chẽ.

Từ khi Bộ Công an lên kế hoạch trưng dụng toàn bộ diện tích 9ha của Trung tâm để xây dựng các khoa phòng khác nhau của bệnh viện dã thì việc đảm bảo an toàn lại càng đặt ra nghiêm ngặt. Theo dự tính, bệnh viện dã chiến có quy mô 150 giường bệnh sẽ thu dung, sàng lọc, cách ly và điều trị cho toàn bộ bệnh nhân bị nhiễm hoặc nghi mắc COVID-19 trong khu vực theo chỉ đạo. Đây sẽ là cơ sở chuyên khoa truyền nhiễm cấp 2, được kích hoạt nếu tình hình đại dịch COVID-19 gây ra ở cấp độ 4, khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc phải.

Huấn luyện đội hình chiến thuật tại Trung tâm, chiều 27-3.

Trước đó, ngày 24-3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Công an đã đến Trung tâm khảo sát thực tế để triển khai mô hình bệnh viện dã chiến. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy - Cục trưởng Cục Y tế, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo là trưởng đoàn nhận định nơi đây có diện tích rộng, thoáng mát, yên tĩnh, lại có sẵn cơ sở vật chất kĩ thuật nên sẽ thuận lợi cho việc xây dựng bệnh viện dã chiến. Vị trí Trung tâm gần đường giao thông, thuận tiện cho việc vận chuyển người bệnh.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng đơn vị, Thượng tá Nghiêm Đức Quý cho biết hiện tại việc dự trù xây dựng các khu vực của bệnh viện đều được thiết lập trên hạ tầng có sẵn của Trung tâm, từ phòng khám và sàng lọc bệnh nhân, điều trị và hồi sức cấp cứu, khu vực điều trị bệnh nhân vừa và nhẹ đến khu vực chờ cách ly, chờ ra viện. Cụ thể, khu nhà ăn ở tầng 1 tòa nhà 9 tầng có diện tích rộng rãi, vị trí thuận tiện sẽ được xây dựng thành khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng.

Các phòng từ tầng 5 lên tầng 8 sẽ là khu điều trị cho bệnh nhân vừa và nhẹ. Ngoài ra cũng phải tính toán kĩ càng để xây dựng khu vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm; khu vực cấp thuốc và vật tư tiêu hao; khu vực thu dung và vận chuyển người bệnh, các khu vực hành chính, hậu cần để đảm bảo cho 30 bác sĩ và 90 y tá, điều dưỡng cùng đội ngũ nhân viên phục vụ tham gia điều trị cho người bệnh.

Phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp

Ban Giám đốc Trung tâm nói với chúng tôi rằng rất may là trước khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Trung tâm vừa hoàn thành xong nhiệm vụ trực tiếp quản lý, huấn luyện về điều lệnh quân sự võ thuật đối với 1.073 học viên năm 2019. Đây là khóa đầu tiên Bộ Công an tổ chức thực hiện thí điểm huấn luyện đầu khóa, đưa học viên đào tạo chính quy tại các trường CAND để huấn luyện về điều lệnh, quân sự, võ thuật tại Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Xác định đây là nhiệm vụ mới đầy vinh dự nhưng cũng hết sức khó khăn, Trung tâm đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn ở, đồng thời phối hợp với các phòng nghiệp vụ, các đơn vị liên quan tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý và huấn luyện học viên. Buổi lễ bế giảng khóa học ngày 19-2 vừa qua thành công tốt đẹp đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Công an, đồng thời khẳng định thành công của Trung tâm. Ngay sau đó, trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công an lên kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến và Trung tâm được đón nhận nhiệm vụ mới.

Tòa nhà 9 tầng của Trung tâm sẽ được trưng dụng để xây dựng bệnh viện dã chiến của Bộ Công an theo kế hoạch.

Hiện tại Trung tâm vẫn đảm bảo việc tập luyện cho hơn 500 chiến sĩ nghĩa vụ theo đúng kế hoạch, đồng thời lên phương án chuyển quân mau lẹ để nhường lại cho việc xây dựng bệnh viện dã chiến. Do quân số đông, khối lượng quân trang quân dụng lớn nên việc di dời gặp nhiều khó khăn. Việc sắp xếp nơi ăn ở, nơi tập luyện mới cho các chiến sĩ cũng phải được tính toán kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn lên phương án tổ chức canh gác, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho bệnh viện trong các thời điểm tiến hành xây dựng, xây dựng xong chờ kích hoạt để điều trị cho các bệnh nhân mắc SARS-CoV-2. Tuy phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc nhưng Ban Giám đốc Trung tâm nhận định trong tình hình hiện nay việc xây dựng bệnh viện dã chiến là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách cần được triển khai. Vì vậy phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan, khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh để chiến thắng dịch bệnh.

Không phải đến thời điểm này Trung tâm mới đối mặt với khó khăn thử thách. Là đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nghiêm túc các kế hoạch của Bộ Tư lệnh CSCĐ về việc đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và của lực lượng, việc phản ứng nhanh trước những tình huống khẩn cấp đã trở thành quen. Đơn vị đã tổ chức lực lượng 500 cán bộ chiến sĩ tham gia ứng trực cùng trang bị, phương tiện sẵn sàng ra quân làm nhiệm vụ bảo vệ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Khu nhà ăn tại tầng 1 tòa nhà sẽ xây dựng thành khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng nhiễm SARS-CoV-2.

Trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam năm 2014, có đến 450 cán bộ chiến sĩ tham gia luyện tập các phương án, tổ chức lực lượng, công cụ hỗ trợ, ứng trực bảo vệ. Năm 2016, sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển của 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và sự phản ứng của người dân, Trung tâm đã huy động 300 cán bộ chiến sĩ ứng trực đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Trung tâm cũng điều động 350 cán bộ chiến sĩ tham gia đảm bảo an ninh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Việt Nam tháng 2-2019.

Thời điểm năm 2018, huyện Chương Mỹ trở thành rốn lũ do bị ảnh hưởng liên tiếp bởi cơn bão số 3, số 4. Trước tình hình đó, Trung tâm đã kịp thời tổ chức lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Mang theo cuốc xẻng, 200 cán bộ, chiến sĩ đã hành quân đến khu vực đê sông Bùi để cùng nhân dân đắp đê chống lũ. Một xe cứu thương cũng được trang bị để hỗ trợ bà con khi cần thiết. Mấy ngày liền, cả đoàn di chuyển một cách khó khăn vào xã Nam Phương Tiến thời điểm đó đang chìm trong biển nước để giúp các hộ gia đình di dời đồ đạc chạy lũ.

Các chiến sĩ phải bì bõm lội nước nhiều giờ để kê dọn 410 bộ bàn ghế, đồ dùng học tập vào các phòng học, dọn dẹp vệ sinh sân trường, phun nước, rửa sạch khuôn viên tại khu vực trường mầm non và trường tiểu học, trạm y tế và trụ sở UBND xã. Sau khi nước rút, cả đoàn cán bộ chiến sĩ chia thành các nhóm, tiến hành tổng vệ sinh thu thu gom gần 100 tấn rác thải, bùn đất để lại sau mưa lũ, úng ngập. Đồng thời san lấp các ổ gà, vũng lầy, khơi thông cống rãnh quãng đường dài 4km giúp nhân dân hai thôn Nhân Lý và Nam Hài ổn định lại cuộc sống.

Cảm động trước sự quan tâm và hỗ trợ của các cán bộ chiến sĩ, chính quyền và nhân dân xã Nam Phương Tiến đã đề nghị được kết nghĩa với Trung tâm để tình quân dân càng thêm bền chặt.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Bộ Công an đã triển khai kế hoạch lập bệnh viện dã chiến phòng chống dịch tại 3 miền Bắc, Trung và Nam với tổng thu dung khoảng 450 giường bệnh. Đây là sự chủ động của Bộ Công an trước diễn biến dịch bệnh, đảm bảo không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Theo đó, ở khu vực phía Bắc, địa điểm lập bệnh viện dã chiến được chọn đặt tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ 1 - Bộ Tư lệnh CSCĐ tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Khu vực miền Trung đặt tại Trung tâm Huấn luyện Công an TP Đà Nẵng và khu vực miền Nam đặt tại doanh trại Trung đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Bộ Tư lệnh CSCĐ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết các bệnh viện dã chiến phục vụ chủ yếu nội bộ như các cán bộ, chiến sĩ làm việc ở cửa khẩu, giao thông..., những người trực tiếp làm việc ở tuyến đầu chống dịch, có nguy cơ mắc hoặc mắc SARS-CoV-2. Hiện tại, Ban chỉ đạo đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật, huy động, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men phục vụ việc theo dõi, điều trị cho người bệnh.

H.Châm - T.Kim
.
.