Đi tìm “người đẹp Nha Mân”: Giai thoại về "Bà cô Hai Hiên"

Thứ Năm, 04/06/2015, 20:35
"Khi chạy qua vùng đất Nha Mân, Nguyễn Ánh đã… “tinh giản” hàng trăm cung tần, mỹ nữ. Một số thì không đủ sức đi theo nữa nên đã xin được ở lại. Những người đẹp này sau đó gặp những người đàn ông địa phương đã sinh tiên đồng, ngọc nữ...".

Khi lý giải nguyên nhân khiến con gái Nha Mân có phần đẹp trội hơn con gái nhiều vùng khác ở cùng thổ nhưỡng Tây Nam Bộ, có người đã nghiêng về giả thuyết như thế. Và từ những chuyện hư hư, thực thực gắn với mốc thời gian của hàng trăm năm trước, đất Nha Mân được nhiều người biết hơn so với nhiều địa danh khác của vùng đất trẻ miệt sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra những điều bất hợp lý giữa những giai thoại truyền miệng với thực tế lịch sử…

Từ chân cầu dây văng Mỹ Thuận (bờ Vĩnh Long) bắc qua sông Tiền, tôi rẽ vào Quốc lộ 80 rồi chạy một mạch đến địa danh Nha Mân, thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (Đồng Tháp).

Qua cầu Nha Mân chưa tới 100m, tấp xe vào lề, tôi được người phụ nữ bán cơm chay cạnh Trường tiểu học Nha Mân 1, chỉ lối vào khu mộ phần của "bà cô Hai Hiên" - người được người dân địa phương cho là một trong những "Người đẹp Nha Mân" nhưng bạc mệnh.

Theo con đường bê tông hai bên có khá nhiều ngôi mộ của người địa phương, vào khoảng hơn 50m, tôi gặp chiếc cổng có ghi "Phạm Cô Lăng Mộ". Qua khỏi chiếc cổng là khuôn viên có nhiều cây rợp mát, mặt sân được bê tông hóa. Ngay phía tay trái lối vào có một ngôi mộ, nằm lọt thỏm trong ngôi nhà mồ khá đẹp, kiên cố.

Tôi chưa kịp hỏi thăm thì có người đon đả bước ra hướng dẫn nhang đèn. Trong lúc thắp nhang, cắm lên mộ phần của "bà cô Hai" thì tôi được một phụ nữ vừa khấn vái xong, kề tai: "Bà cô linh thiêng lắm đó. Cậu muốn gì cứ khấn đi".

Giữa trưa, dưới tán bồ đề khá mát mẻ, tôi được người phụ nữ tự giới thiệu là "cháu cốc của bà Hai". Người phụ nữ 77 tuổi này cho biết, vào ngày 24/5 âm lịch là cúng cửu huyền. Còn lễ cúng chính hàng năm cho "bà Hai" là ngày 25/8 âm lịch. Ngoài các lần cúng này, hằng tháng, cụ thể vào các ngày mùng 9, 19, 29 (nếu tháng đủ thì mùng 10, 20, 30), những người trông coi khu mộ còn cúng theo kiểu cúng mẫu, ăn tương.

Tôi hỏi sao không để bảng hướng dẫn ngoài Quốc lộ 80 cho khách thập phương biết mà ghé, người phụ nữ cho biết từng làm cổng ở ngoài đầu hẻm nhưng bị phạt hành chính 200 ngàn đồng (?).

Trở lại chuyện "mộ phần" của "bà cô Hai Hiên", người phụ nữ trên cho biết thêm: "Hồi trước bà cô Hai nằm sâu dưới đất. Rồi bà cô Hai mới cho người thổi cát, đại khái là bà cho người này làm việc này, người kia làm việc khác, nhiều năm mới thành khoảnh vầy chứ đất này hồi xưa tôi cấy lúa".

Nói rồi, bà vào lấy cho tôi một tài liệu photo, có nội dung gắn với câu chuyện của "bà cô Hai Hiên".

Tài liệu này nhuốm màu sắc huyền bí, hư hư thật thật, pha chút dị đoan, dù ngay từ phần giới thiệu, người viết đã khẳng định "đây là chuyện thật trăm phần trăm", được viết lại theo lời kể của một người cháu của "bà cô Hai" là ông Ngô Chí Mình, từng làm Hiệu trưởng Trường trung - tiểu học Chí Thanh (Sài Gòn) và nhiều bậc cao niên vùng Nha Mân - Sa Đéc. Cùng với những câu chuyện đồn có liên quan mà tôi được nghe kể, xin được hệ thống lại như sau:

Chuyện kể rằng tại thôn Phú Nhuận, Tổng An Mỹ, huyện An Xuyên, tỉnh An Giang (nay là ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông, Châu Thành, Đồng Tháp) có ông Phạm Văn Cần. Nhờ có uy tín trong vùng, nên ông được trọng vọng, cử làm Hương cả, dân quen gọi là Hương cả Cần. 

Vợ chồng Hương cả Cần chỉ sinh được duy nhất người con gái, đó là cô Hai Hiên.

Càng lớn, cô Hai Hiên càng xinh đẹp, cộng với tính tình nết na thùy mị, nhân từ nên được người dân xa gần cảm mến. Năm 18 tuổi, cô Hai Hiên nức danh tài sắc, chẳng khác tiên nữ giáng trần. Biết bao trai tráng con nhà danh gia, thế phiệt mang trầu cau dạm hỏi nhưng đều bị cô từ chối.

Thuở ấy, tại Nha Mân có con rạch xuyên qua lộ số 8 (Quốc lộ 80 ngày nay). Chưa có cầu nên muốn qua bên kia bờ, người ta phải đi đò.

Vào một buổi chiều (25/8 âm lịch), trong lúc đang ngồi chơi trên bờ sông Nha Mân, bỗng cô Hai nghe tiếng gọi đò. Người đưa đò đi vắng. Bên kia bờ, tiếng bà lão gọi hối hả như cần kíp một chuyện gì. Động lòng, cô Hai Hiên nhanh nhảu nhảy xuống chèo đò sang sông rước bà lão. Chẳng ngờ, khi ra đến giữa sông, nước chảy xiết, cô Hai Hiên luýnh quýnh, sút tay chèo rồi té nhào xuống sông.

Nghe tiếng tri hô, cha cô tức tốc chạy ra, nhảy ùm xuống lặn hụp mò tìm con. Đến khi vớt được Hai Hiên lên, dù người còn hơi ấm nhưng cô đã nhắm mắt xuôi tay.

Miếu thờ Bà cô Hai Hiên cạnh Đình thần Tân Xuân.

Đau lòng trước cái chết của cô con gái, Hương cả Cần oán trách trời Phật sao chẳng che chở, để cho vợ chồng ông mất đi người con gái mà họ yêu quý nhất trên đời. Trong tâm trạng đau đớn tột cùng, nhìn lên bàn thờ giữa nhà, thấy bức tượng Quan Thánh Đế Quân (Quan Công), Hương cả Cần nói: "Con tôi chết thì không thờ ông nữa". Dứt lời, ông cầm lấy tượng Quan Công để lên thi hài cô Hai Hiên rồi tẩm liệm luôn trong quan tài với ý nghĩ là Quan Công sẽ phân giải khi Diêm Vương phán xét.

Ba ngày sau đám tang cô Hai Hiên, điều quái dị bắt đầu hiển hiện. Người ta thấy cô Hai Hiên ngồi trên chiếc xe ngựa đi từ hướng Sa Đéc về. Tới nhà, cô Hai Hiên bước xuống, bảo người chạy xe vào nói cha cô trả tiền xe rồi cô sẽ vô sau. Anh đánh xe đâu biết cô Hai đã chết, hiện hồn về nên nhanh chân vào nhà.

Hương cả Cần nghe chuyện anh đánh xe kể lại xong, giận dữ: "Anh đùa hay sao, con gái tôi đã chết 3 ngày nay. Anh muốn giỡn mặt với tôi hả".

Anh đánh xe nhìn vào nhà thấy bàn thờ nhang khói còn nghi ngút, chẳng biết sao nên ngơ ngác bước trở ra thì vẫn thấy cô gái xinh đẹp như tiên còn đứng chống tay trên vành xe. Trong khi đó, Hương cả Cần cũng bước ra thì chẳng thấy ai ngoài anh đánh xe và chiếc xe ngựa. Anh đánh xe cố làm tỉnh bước lại nơi cô gái đang  đứng, nói: "Ông Cả nói con gái ông đã chết rồi, vậy cô là ai, hãy trả tiền để tôi còn đi chở khách".

Để chứng minh mình chỉ là oan hồn, cô Hai Hiên bảo anh đánh xe quay trở vào nhà, nói với cha cô đốt ba cây nhang, rồi cô sẽ thổi tắt ngay để mà xem. Anh đánh xe bước trở vô nhà, nói với ông cả Cần lời mà cô Hai Hiên chỉ bảo.

Ba cây nhang vừa cắm lên bàn thờ, đang cháy đỏ bỗng tắt một lượt. Hương cả Cần và anh lái xe tái mặt. Sau đó ông Hương cả bằng lòng lấy tiền trả cho anh đánh xe. Khi anh đánh xe quay ra thì cô Hai Hiên đã mất dạng. Anh đánh xe quất ngựa đi mà chẳng dám ngó lại…(?).

Người dân cố cựu ở Nha Mân đồn rằng xưa kia, họ vẫn thỉnh thoảng thấy cô Hai Hiên hiện hình, đi tới lui khu vực bờ sông Nha Mân.

Một lần, cô Hai Hiên đi chợ qua Ngã ba Vĩnh Long - Cần Thơ, bị một tên lính mã tà buông lời trêu chọc, cô tức giận rồi biến mất. Người lính ấy về nhà nằm ngã lăn ra mê sảng suốt mấy ngày.

Nghe theo lời bày chỉ, vợ của anh lính phải may một bộ đồ mới (đồ âm phủ), đem tới nhà Hương cả Cần, xin được cô Hai Hiên xá tội, không được tái phạm về sau. Lời van vừa dứt, cả vợ chồng Hương cả Cần và vợ người lính nghe trong phòng cô Hai Hiên có tiếng cười trong trẻo, khiến ai cũng sởn tóc gáy.

Dân Nha Mân giải thích sở dĩ cô Hai Hiên linh thiêng là do trước khi chết, cô vẫn còn trinh trắng, hai nữa là có tượng Quan Thánh đi cùng với cô nhằm giờ thiêng (?).

Có một câu chuyện khác được xem là "linh thiêng" được truyền tụng và rất nhiều người dân Nha Mân biết đến. Đó là một hôm có đoàn ghe bầu từ Huế vào đậu tại sông Nha Mân bán quế và húng rổ. Bán xong, đoàn ghe nhổ neo về xứ thì có một cô gái xinh đẹp xin được quá giang ra Huế. Hầu hết đều lắc đầu vì cho rằng phụ nữ bước xuống ghe là xui xẻo. Duy chỉ có một chủ ghe rộng lòng cho cô quá giang nên hẹn chờ cô đến nước ròng sẽ lui ghe. Thế nhưng tới giờ nhổ neo, chủ ghe ấy chờ mãi nhưng không thấy cô gái đến, buộc lòng phải đi để kịp con nước.

Đoàn ghe đi mấy ngày trời, khi ra tới biển thì gặp sóng to, gió lớn. Các ghe lần lượt bị chìm. Duy chỉ chiếc ghe mà cô gái Nha Mân xin quá giang thì cầm cự được. Giữa lúc đối mặt với nguy hiểm, chủ ghe bỗng thấy một cô gái xinh đẹp xuất hiện, đứng trên cột buồm và đề nghị, hãy nhìn theo tay của cô mà bẻ lái vô hướng bờ, để được bình yên. Mọi người trên ghe đều run sợ, nhưng vẫn làm theo. Khi trời yên, biển lặng, mọi người mới chợt nhớ đó chính là cô gái Nha Mân từng xin quá giang. Lúc ấy, họ nhìn lên cột buồm thì cô gái đã biến đâu mất.

Về tới Huế, chủ chiếc ghe ấy lại chất hàng lên, chuẩn bị chở chuyến tiếp theo vào Nam. Trước giờ rời bến, cô gái xinh đẹp ấy bỗng xuất hiện. Lần này, cô gởi cho chủ ghe một cây quế con và một nhánh bưởi Thanh Trà, căn dặn khi vào Sa Đéc, nhớ ghé qua Nha Mân trao cho thân phụ cô.

Bấy giờ người chủ ghe đã nghe nói về chuyện cô Hai Hiên và biết được sự “linh thiêng” của cô nên vâng dạ làm theo.

Vào đến nơi, chủ ghe tìm đến nhà cô Hai Hiên. Thân phụ cô tiếp nhận hai cây của con gái gởi từ Huế, rất xúc động. Ông đã trồng cả hai cây trước sân nhà, chẳng bao lâu cành lá sum suê, khắp vùng nghe tin, đến xem nô nức. Nghe đâu khi trở lại Nha Mân, quân đội Pháp đã cho đốn cây quế để đóng đồn; còn cây bưởi đã chết từ trước đó?.

Hơn một giờ nán lại "Phạm Cô Lăng mộ", tôi còn nghe kể nhiều chuyện đồn về cô Hai Hiên.

Chuyện kể rằng, có một khoảng thời gian dài, cô đi khắp nơi, và có thể "nhập" vào bất cứ ai, khiến nhiều người rất lo sợ. Hôm đó cô "nhập" vào một người ở Vĩnh Long, cô Hai Hiên cho biết rằng cô sẽ không quậy phá nữa mà sẽ đi tu ở Thất Sơn (An Giang).

Sự anh linh của cô Hai Hiên từ đó được tỏ rõ. Không còn lộng thần để người đời khiếp sợ mà cô Hai chuyên chú ở sự độ đời, cứu người hiền đức lâm nạn, hoặc giúp đỡ kẻ thế cô, thoát qua tai ách. Chính điều này khiến người dân càng đem dạ tôn sùng, thờ phụng cô và kiêng nể oai linh của cô như thuở nào.

Hỏi thăm về ngôi nhà của thân phụ cô Hai Hiên tại chợ Nha Mân, chúng tôi được kể rằng sau khi vợ chồng Hương cả Cần qua đời, cô ruột của cô Hai Hiên có chồng người Pháp, ăn xài lớn nên sa sút, kêu bán lại, chẳng ai dám mua vì sợ oai linh của cô. Bấy giờ, có một ông Bái ở làng Tân Xuân (nay thuộc xã  Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) muốn mua đem về cất đình nhưng cũng sợ, nên chần chừ, chưa đưa ra quyết định. Thế là cô Hai Hiên "nhập" vào một người cùng xóm với ông Bái, nói nếu mua về cất đình thì cô đồng ý, nhưng phải thờ bài vị cô cạnh bên. Nghe thế, ông Bái cùng Hương chức bàn tính, thỏa thuận mua ngôi nhà ấy về cất đình Tân Xuân.

Đình Tân Xuân tồn tại một thời gian khá lâu, đến phong trào kháng Pháp nổi lên, ngôi đình sụp đổ trong cuộc chiến loạn, còn trơ nền đất trống.

Đến năm 1958, Hương chức xã Tân Xuân đứng ra xây cất ngôi đình thờ thần và đồng thời dựng lên một kiểng chùa thờ Phật tại vị trí nền đình Tân Xuân trước đó.

Có lời kể rằng năm 1961, một viên chức công tác tại Tòa Hành chính tỉnh Sa Đéc, hiệp ước với hương chức làng và nhân dân địa phương đứng ra cất thêm một cái miếu chính giữa thờ cô Hai Hiên. Người dân kể rằng tại địa điểm này, mỗi năm có lệ cúng nhỏ, ba năm đáo lệ một lần có hát bội, dân chúng tụ họp đông đủ.

 Theo Quốc lộ 80, rời "Phạm Cô Lăng Mộ", tôi tìm đến xã Tân Bình, hỏi thăm và ghé đình Tân Xuân.

Đến nơi tôi mới biết, đình Tân Xuân và đường vào đang được nâng cấp. Cạnh đó là chiếc cổng, có tấm biển ghi "Miếu thờ Bà cô Hai Hiên".

Tiếp chuyện với chúng tôi, người đàn ông tự giới thiệu mình thứ ba, tên Quang cho biết: "Xưa bà cô Hai Hiên về đây ở đậu sau hè đình. Thấy chật hẹp quá nên chúng tôi mới xây cất miếu này, thỉnh bà Hai ra đây. Tới tháng 8 này là 3 lễ giỗ".

Ông Quang kể trước lúc xây cất, chẳng có đủ tiền nhưng bà con ở đây, trong đó có ông "làm liều". Tới chừng xây cất xong, còn thiếu tiền vật tư tới 129 triệu đồng.

"Thế là tôi khấn vái Bà Hai. Nếu bà cho, ông sẽ cúng 3 mâm cơm chay, và cúng thần của đình Tân Xuân 1 con heo quay. Ban đầu, tôi tưởng khấn cho có chẳng ngờ chỉ vài ngày sau, có người ở miệt Trà Vinh - Vĩnh Long ghé qua. Người ấy nói tưởng nhiều chứ chỉ có 129 triệu đồng là… chuyện nhỏ" - ông Quang kể.

Không chỉ có vậy, thấy đình Tân Xuân đã xuống cấp nặng, người này đã  quyết định hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng để nâng cấp. Hôm chúng tôi ghé, công trình nâng cấp đang còn dang dở…

Tôi hỏi sao người ấy tốt bụng và cho một lúc nhiều tiền thế, ông Quang kể: "Bà ấy bị ung thư. Khi ghé qua đây cầu khẩn, được bà Bà Hai phù hộ hết bệnh nên muốn đáp lại ơn Bà".

Ông Quang còn kể về sự “linh thiêng” của Bà Hai rằng, bà từng độ cho bà con ở chợ cạnh bên mua may, bán đắt. Bà còn từng phù hộ rất nhiều người làm ăn khấm khá, tai qua nạn khỏi, thậm chí có người may mắn được "bà độ" mua được 2 chiếc ôtô, con cái học hành đỗ đạt thành tài…(?).

Thái Bình
.
.