Giai thoại về “bốc sư” Hoàng Chiêm

Thứ Hai, 12/05/2014, 20:45

Hầu như tất cả những người sinh sống ở Đà Lạt lâu năm đều biết đến danh tiếng “bốc sư” Hoàng Chiêm. Người ta thường gọi ông là thầy Chiêm. Trước năm 1975, ông này “nổi tiếng” đến nỗi “thầy bói quốc gia” Huỳnh Liên có dạo mạo danh ông để ngồi vỉa hè chợ Bến Thành kiếm xu lẻ. Chẳng hiểu “Tài” bói toán của ông “kinh khiếp” thế nào mà đến nỗi rất nhiều tướng lĩnh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) xin ý kiến mỗi khi điều binh?

Giai thoại bức tượng “ngài”

Thầy Chiêm sinh năm 1932 ở Hương Thủy, Huế.

Giai thoại kể rằng, cha thầy là thầy thuốc Đông y Hoàng Hiến nổi tiếng với các phương thuốc đặc trị về xương ở Hương Thủy. Sinh thời, thầy Hoàng Hiến thường đi khắp các cánh rừng Tây Nguyên, Lào, Campuchia để sưu tầm cây thuốc.

Năm 1930, thầy Hoàng Hiến cùng người em trai ruột đi sưu tầm thuốc ở một cánh rừng miền Hạ Lào bị lạc lối, mất phương hướng. Sau một tuần lễ lòng vòng đói khát và suy kiệt giữa rừng già, cả hai gần như tuyệt vọng. Như số phận đã định, trong nỗ lực cuối cùng giữa chốn đại ngàn hoang vu, hai anh em bỗng bắt gặp một ngôi nhà của người thợ rừng bản địa tốt bụng. 

Sau mấy ngày được người thợ rừng chăm sóc, cho ăn uống, nghỉ ngơi, hai anh em dần hồi phục. Không có vật gì để trả nghĩa, thấy ngôi nhà bừa bộn rác và vật dụng, hai anh em ra sức quét dọn giúp người thợ rừng. Trong lúc quét dọn chái bếp, em trai thầy Hiến bắt gặp một bức tượng đồng cũ kỹ, gỉ sét nằm lẫn trong đống củi bụi bặm. Bức tượng có hình hài người đàn ông ngồi thiền. Vừa thấy bức tượng, em trai thầy Hiến nhặt lên săm soi ra chiều thích thú. Người thợ rừng cho biết, ông ta nhặt được giữa rừng trong một chuyến đi săn.

Thấy em trai thầy Hiến cứ ngắm nghía bức tượng, người thợ rừng vui vẻ tặng.

Khi mang bức tượng về nhà, người em trai thầy Hiến cũng chỉ nghĩ đó là món cổ vật bình thường nên để trưng trong tủ kính.

Đêm nọ, thầy Hiến nằm mơ thấy một người đàn ông có nhân dạng giống bức tượng. Người đàn ông than phiền rằng, em trai thầy Hiến không biết tôn trọng thánh thần. Ông ta bảo, nếu thầy Hiến lập bàn hương án, ông ta sẽ cho một đứa con trai "làm của".

Sáng ra, thầy Hiến kể câu chuyện lạ lùng trong mơ cho vợ nghe. Không ngờ, vợ thầy Hiến cho biết đêm qua cũng nằm mộng thấy câu chuyện đúng như thế. Kinh ngạc trước giấc mộng trùng hợp, hai vợ chồng thầy Hoàng Hiến lập ngay bàn thờ pho tượng. Mấy tháng sau, vợ thầy Hiến cấn thai. Đứa trẻ ra đời, liên tưởng đến giấc chiêm bao kỳ lạ, vợ chồng thầy Hiến đặt tên con là Hoàng Chiêm.

Từ thuở sơ sinh, Hoàng Chiêm đã tỏ ra khác thường. Mỗi khi cha mẹ bận việc, quên nhang đèn trên bàn thờ tượng là bé khóc ngất. Vì vậy, lúc nào trên bàn thờ pho tượng cũng phải nhang khói nghi ngút.

Vào tuổi thiếu niên, thỉnh thoảng đang vui đùa Hoàng Chiêm bỗng đứng im lặng như trời trồng suốt mấy phút. Khi tỉnh lại, cậu ta nói cho cha mẹ biết những chuyện sắp xảy ra. Lúc đầu, mọi người tưởng chuyện con trẻ nói bậy không đáng quan tâm, sau đó nhận thấy mọi chuyện diễn ra đúng như Hoàng Chiêm nói. Dần dà, ai cũng tin Hoàng Chiêm có phép tiên tri?

Năm 15 tuổi, Hoàng Chiêm cùng cha mẹ đi chơi ở cầu Tràng Tiền gặp một toán lính Pháp gốc Morocco đi tuần. Mải mê ngắm cảnh không quan sát, cậu va phải một người lính. Mặc dù đã nhận được lời xin lỗi nhưng người lính này vẫn đánh cậu ta một bạt tai. Thoáng vài giây ngớ người, bỗng Hoàng Chiêm như người bị “ma nhập”, nói bằng giọng nghiêm nghị khác thường: "Sắp bị người lùn đè đầu cưỡi cổ mà còn hống hách". Cha Hoàng Chiêm phải năn nỉ mãi, toán lính mới chịu tha tội.

Khi tai qua nạn khỏi, thầy Hoàng Hiến trách con trai ăn nói bất cẩn. Hoàng Chiêm bảo: "Con không nói mà Ngài nói tụi Tây sắp bị Nhật triệt hạ". Ngẫu nhiên, có sự trùng hợp là, vài ngày sau có tin quân Nhật tràn vào Việt Nam thực hiện "chiến dịch Đông Dương" (sự kiện đêm 22/9/1940).

“Cố vấn” cho Tướng Tôn Thất Đính

Một buổi sáng đầu năm 1963, bất ngờ có một chiếc xe jeep đỗ xịch trước cửa nhà. Một viên sĩ quan VNCH bước xuống chào rồi cho biết một nhân vật cao cấp muốn mời thầy Hoàng Chiêm đi bàn công việc. Nhân vật cao cấp đó chính là Đại tá Đỗ Mậu - Giám đốc Nha An ninh Quân đội.

Tại một khách sạn ven sông Hương, Đỗ Mậu chiêu đãi thầy Hoàng Chiêm một bữa tiệc và chỉ trao đổi chuyện tử vi lý số, kinh dịch và thuật phong thủy. Trong bữa tiệc đó có cả Tôn Thất Đỉnh - anh ruột của Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn II - con nuôi của Ngô Đình Diệm. Thời điểm này, Tôn Thất Đỉnh là cánh tay nối dài của Trần Lệ Xuân trong việc khai thác gỗ thông ở vùng Đà Lạt.

Một người thân của thầy Hoàng Chiêm, hiện vẫn đang sinh sống tại Đà Lạt kể rằng: Mấy ngày sau, gặp lại Tôn Thất Đỉnh tại Đà Lạt, Hoàng Chiêm nhắn bảo Tôn Thất Đính đến, ông sẽ cho một lá số tiên tri vận mạng. Tôn Thất Đính cũng đang ở Đà Lạt, vội vã đến. Vừa gặp Tôn Thất Đính, thầy Hoàng Chiêm bảo: "Vận số anh em nhà Ngô đã hết, vận số đại tá đang lên. Nếu đại tá muốn mở rộng hoạn lộ thì không nên phò tá Diệm nữa".

Thời điểm đó, nhắc đến chuyện phản bội chính quyền Ngô Đình Diệm là kể như tự ký tên vào bản án tử hình cho chính mình. Tôn Thất Đính lên giọng quát: "Ông muốn chết à?". Những người chứng kiến như bị nghẹt tim trong khi thầy Chiêm không chút nao núng, nhìn thẳng vào mắt Tôn Thất Đính vỗ tay hô: "Bravo! Bravo! Bravo!". Không ngờ, Tôn Thất Đính tái mặt, quỳ sụp xuống lạy như tế sao rồi bảo: "Có một số chuyện cơ mật không tiện hỏi ở đây, tôi mời sư phụ về hành dinh Bộ Tư lệnh tư vấn".

Nhà thờ ông Hoàng Chiêm tại Đà Lạt.

Bravo có nghĩa là hoan hô nhưng cũng là mật hiệu của một kế hoạch phản đảo chính của Ngô Đình Nhu bí mật giao cho Tôn Thất Đính. Thầy Hoàng Chiêm đã nhắc đến mật hiệu tuyệt mật của kế hoạch khiến Tôn Thất Đính bị thu phục hoàn toàn.

Bởi sự tư vấn của Hoàng Chiêm, Tôn Thất Đính đã quay mũi súng phản bội Ngô Đình Diệm, cùng tham gia cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/11/1963. Nhờ tham gia tích cực cuộc đảo chính, Tôn Thất Đính được lên lon Thiếu tướng. Từ đó, Hoàng Chiêm trở thành người thân tín của Tôn Thất Đính. Nhất cử nhất động, kể cả việc động binh, Tôn Thất Đính đều hỏi ý kiến thầy Hoàng Chiêm.

Dạo mới khởi nghiệp, Huỳnh Liên còn lang thang ở chợ Bến Thành, chưa được gọi là "thầy bói quốc gia" cũng từng mạo danh thầy Chiêm để lấy uy xủ quẻ cho các tiểu thương kiếm tiền độ nhật.

Vụ bà Tỉnh trưởng đánh ghen

Cuối năm 1967, bỗng dưng Hoàng Chiêm đưa hết gia đình vào Đà Lạt cất một am nhỏ bằng gỗ ở số 51D, đường Hồ Tùng Mậu. Tại đây, hầu hết các tướng lĩnh cao cấp của VNCH đều tìm đến xin thầy Chiêm tư vấn vận số, trong đó có "Quế tướng công" Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1970, bà Đinh Thúy Yến phu nhân Thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm đi Đà Lạt nghỉ mát. Vợ của đại tá Long - Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt đưa bà Yến đến thăm thầy Chiêm để được tư vấn về hoạn lộ của ông Khiêm. Tại buổi xủ quẻ này, vì bà Yến không tin, thầy Chiêm chỉ coi bói cho bà vợ viên tỉnh trưởng.

Thầy Chiêm cho biết trước khi được thuyên chuyển về Tuyên Đức, chồng bà làm Tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum. Trong thời gian đó chồng bà có nuôi một cô vợ bé lai Tây tên Lucie là chủ một cửa hiệu sách. Để thử độ tin cậy, bà Yến xúi bà vợ viên tỉnh trưởng tức tốc qua Kon Tum xác minh. Quả nhiên, khi đến thị xã Kon Tum, bà hỏi "hiệu sách của vợ đại tá Long" người dân nào cũng biết. Nổi đóa, bà xông vào hiệu sách túm tóc chủ hiệu sách đánh tơi tả.

Đánh tình địch xong, bà quay về Đà Lạt toan quậy ông chồng. Không ngờ, ông chồng lên cơn điên đánh cho bà vợ một trận bầm dập. Bị chồng đánh, bà vợ chạy đi tìm bà Yến khóc lóc và "khoe" thương tích. Thế là bà Yến đưa bà vợ này về Sài Gòn "trình báo" với bà Mai Anh - vợ Nguyễn Văn Thiệu.

Hôm sau, đại tá Long nhận được mật điện từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gởi khẩn cho Tư lệnh Quân đoàn II: Trong vòng 24 giờ, đại tá Long phải bàn giao xong chức Tiểu khu trưởng (Tỉnh trưởng) cho người khác. Lý do cho biết sau.

Năm 1975, hầu như lúc nào nhà thầy Chiêm cũng đông khách. Hầu hết là vợ các tướng lĩnh, quan chức cao cấp VNCH. Điều họ cần hỏi lúc ấy là nên ở lại Việt Nam hay di tản theo Mỹ. Thầy Chiêm chỉ trả lời ngắn gọn: Quê nhà không ở, mắc gì ra xứ người?

Đất nước thống nhất, thầy Chiêm tự nguyện xin đăng ký đi học tập chính trị để thông hiểu đường lối cách mạng. Người tiếp nhận đăng ký ghi vào hồ sơ thầy Chiêm là: Nhân viên CIA.

Sau một thời gian cải tạo tập trung, ông trở về ngôi am tiếp tục thờ "Ngài" và chỉ vẽ phong thủy cho những người cần.

Năm 2004, “thầy” Chiêm qua đời ở tuổi 72

Nông Huyền Sơn
.
.