Giàu vì đất, khốn cùng cũng vì đất

Thứ Sáu, 08/10/2010, 17:15
Sống nhờ đất, giàu có từ đất nhưng bi kịch cũng từ đất. Đó là câu chuyện của nhiều nông dân được nhận tiền đền bù đất và bán đất mà điển hình là ở huyện Thạch Thất, Hà Nội nơi vừa trải qua những đợt sốt đất liên tục trong suốt thời gian qua vì được coi là vị trí đắc địa trong tương lai.

Kiếm tiền dễ ắt tiêu tiền nhanh. Đó là quy luật của nhiều người bỗng chốc trở nên giàu có. Ở Thạch Thất có nhiều nông dân như vậy sau khi trở thành tỉ phú khi họ được đền bù đất, bán đất, làm "cò" đất... Và trong cuộc đời bỗng chốc thay đổi ấy, không ít người vì thiếu kiểm soát, muốn "lên đời" thật nhanh, muốn thay đổi từ cuộc sống của một nông dân vốn chỉ quen chân lấm tay bùn, chật vật với mưu sinh từ trước tới nay sang đời sống vương giả, hưởng thụ của một tỉ phú đã lâm phải bi kịch nhà tan cửa nát.

Thương con kiểu ấy bằng mấy lần... hại con

Gia đình ông Hùng ở Hạ Bằng là trường hợp như vậy (đã thay đổi tên). Nói đến nhà ông, nhiều người dân ở cái xã Hạ Bằng nhỏ bé này ai cũng biết. Vì ngôi nhà hiện gia đình ông đang ở hoành tráng, "xịn" vào loại bậc nhất ở xã. Cả tòa nhà rộng hơn 100m2 xây dựng bằng gỗ từ trong ra ngoài. Nội thất trong nhà thì không còn loại nào tốt hơn. Nói chung, ai đi qua nhà ông cũng phải... ngước nhìn.

Nhưng đáng buồn thay bên trong ngôi nhà gỗ tiền tỉ lại là tấn bi kịch mà không ít người biết chuyện cho rằng: "Thà ở nhà gianh mà êm ấm, cười nói suốt ngày như trước còn hơn là ở nhà to nhưng lúc nào cũng đầm đìa nước mắt". Bi kịch bắt đầu từ số tiền đền bù ông đã nhận được từ mảnh đất ở vùng kinh tế mới Thạch Hòa lên đến hàng tỉ đồng và số tiền bán suất đất tái định cư mà ông được cấp ở đây sau khi đất của ông bị thu hồi vì nằm trong quy hoạch.

Với số tiền này quả là nằm mơ cũng không bao giờ ông nghĩ đến. Bởi đời nông dân như ông, quanh năm chỉ biết cày ruộng, trồng màu, chăn nuôi gia súc... giỏi lắm thu nhập sau mỗi vụ đủ cho 4 miệng ăn gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhà ông  cơm no ba bữa, áo ấm đủ mặc là hạnh phúc rồi. Thế mà đột nhiên nằm trong vùng quy hoạch khu vực có đất nhà ông để xây dựng Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao, vậy là không những được nhận tiền đền bù đất mà ông còn được cấp đất tái định cư. Mảnh đất chỉ để trồng rau, mỗi mùa được vài ba triệu đồng đã là may nay được đền bù cả tỉ đồng.

Cái hôm nhận tiền đền bù, ông cầm hàng sấp tiền trong tay ngắm nghía mãi đến đê mê cả người. 60 năm có mặt trên đời, chưa bao giờ ông được cầm nhiều tiền đến vậy. Để bù lại những ngày sống khó khăn, ông quyết định phải xây nhà mới khang trang, đẹp đẽ, phải sắm sửa đồ dùng tiện nghi trong nhà một cách hoành tráng, xe máy "xịn" chẳng thua kém ai. Để thực hiện kế hoạch ấy, ông bán nốt miếng đất tái định cư rộng 200m2 được cấp dồn thành một khoản lớn để trở về quê ở Hạ Bằng sinh sống. Trước đây, ông cũng ở Hạ Bằng, nhưng khi Hà Tây có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới Thạch Hòa, ông là một nông dân nghèo ra đây lập nghiệp. Giờ, trở về Hạ Bằng, ông là một tỉ phú.

Khi trở về Hạ Bằng, việc đầu tiên ông làm là phá ngôi nhà ngói cũ và thay vào đó là ngôi nhà mới hoàn toàn bằng gỗ. Ông mua cho 2 "quý tử" mỗi cậu một "con" xe ga: Airblade và SH sành điệu, đồng thời sắm sanh đồ đạc trong nhà. Sau đó, số tiền còn lại thay vì có thể nghĩ cách lấy tiền đẻ ra tiền thì ông chỉ gửi tiết kiệm rồi lấy lãi từ số tiền tiết kiệm ấy để sinh sống và chu cấp tiền cho con... ăn chơi. Hai con ông trước đây thuần phác. Thế mà từ khi có tiền, chúng nhuộm tóc xanh tóc đỏ, phóng xe máy vù vù ngoài đường, lạng lách. Nhiều lần chứng kiến, ông chậc lưỡi: "Thanh niên mà".

Đô thị hóa giúp cho đời sống của người dân khá giả hơn nhưng lại kéo theo nhiều tệ nạn hơn.

Tưởng rằng cuộc sống cứ như vậy trôi đi trong bình yên, hạnh phúc, nào ngờ bão tố ập xuống đầu ông khi tính đến nay ông đã năm lần bảy lượt phải lên Công an xã vì việc cậu cả nhà ông đánh bạc. Mà nào có ít, mỗi lần đánh bạc, cậu trưởng phải "đốt" của ông đến hàng chục triệu đồng. Cậu út còn thê thảm hơn khi không biết tự khi nào cậu đã là "đệ tử" của ma túy. Gia đình ông rơi vào bi kịch, ông tự trách chỉ tại ông mà các con ông đến nông nỗi ấy. Bởi lần nào xin tiền hoặc bất kể thứ gì, ông cũng đáp ứng cho chúng nó chỉ với suy nghĩ: "Mình đã vất vả rồi thì đừng để chúng nó vất vả như mình. Có điều kiện thì cứ để cho chúng nó sướng".

Nhớ nhất là lần thằng cả về mặt mũi tái mét bảo rằng trót vui nên đánh bạc thua mất 100 triệu đồng. Nếu không trả, chủ nợ sẽ đánh đập và đưa nó ra công an. Thương con, ông mang số tiền đó ra trả nợ. Tưởng rằng, sau lần ấy, nó sẽ "cạch" đến già không đánh bạc nữa. Thế mà, chứng nào tật nấy, nó vẫn buộc ông phải rút hầu bao trả nợ cho nó nhiều lần nữa vì đánh bạc. Thằng út thì không đòi một lúc cả trăm triệu nhưng ngày nào cũng hành tiền. Lúc: "Bố cho con 100 nghìn đi sinh nhật bạn", khi: "Bố cho con 200 nghìn sửa xe...". Thấy nó xin nhiều, ông cũng bực, nhưng vẫn cho. Vì ông nghĩ: "Lớn rồi nó cũng phải vui vẻ với bạn bè chứ".

Nào ngờ, cậu út nghiện. Ông đau đớn viết lá đơn tự nguyện đưa con đi cai nghiện. Có lúc thất vọng quá, ông đã than: "Nếu phải chất củi đốt ngôi nhà gỗ này mà lấy lại được sự ngoan ngoãn của các con, tôi cũng sẽ làm". Nhưng e rằng ước muốn của ông khó thành hiện thực...

Con tiêu, bố trả tiền

Cũng ở Hạ Bằng, cách nhà ông Hùng không xa là nhà của ông Tuấn. Bi kịch của ông Tuấn cũng chẳng khác gì ông Hùng khi con trai độc nhất của ông cũng bị cuốn theo một trong những tệ nạn được coi là lớn nhất của những miền quê đang đô thị hóa như ở Hạ Bằng. Ấy là cờ bạc. Cờ bạc len lỏi vào từng nhà, nhen nhúm lên ở từng người, nhất là những người nhàn rỗi không công ăn việc làm như con trai ông Tuấn. Sở dĩ không có công ăn việc làm như vậy là vì từ khi ruộng đất nhà ông Tuấn ở Thạch Hòa bị thu hồi để xây dựng TP Hòa Lạc, cả gia đình ông sau khi trở về quê Hạ Bằng chẳng ai còn việc gì làm ngoài trồng mấy luống rau ngoài vườn để lấy cái ăn. Mà các cụ chả nói: "Nhàn cư vi bất thiện" nên con ông đã sa vào cờ bạc là vì thế.

Trước đây, khi ở vùng kinh tế mới Thạch Hòa, con ông quần quật suốt ngày cùng bố mẹ để lao động. Bố mẹ cho ăn gì thì ăn nấy, cho mặc gì thì mặc nấy, không đòi hỏi. Thế mà kể từ khi nhà ông nhận tiền đền bù rồi trở về quê sinh sống, nó sinh hư. Mà cũng tại ông, chỉ vì thương con, muốn bù đắp cho con những tháng ngày chỉ biết "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", quần áo chưa bao giờ được mặc bộ lành lặn, tử tế nên đã cung phụng cho nó quá cả những gì cần phải có. Vả lại, ông cũng nghĩ tiền có chẳng tiêu thì để làm gì. Bởi vậy, ông mua cho nó xe máy, đưa nó lên cả Hà Nội để mua sắm quần áo, giày dép. Thậm chí, tiền hút thuốc lá, đi chơi... ông cũng cho nó. Nói chung, tất cả những gì nó có, những gì nó cần, ông đều cho cả.

Có lúc ông đã lờ mờ nhận ra rằng hình như ông cho nó hơi quá, nuông chiều nó quá để rồi nó trở thành tầm gửi chỉ dựa vào ông, "moi gan, rút ruột" của ông để sống, để tiêu xài. Lúc đó, ông muốn hạn chế, muốn nghiêm ngặt với con hơn nhưng quá muộn vì ỷ lại, tiêu xài đã trở thành thói quen của nó. Có lần ông không cho nó tiền để mua thứ nó thích, nó moi bằng được tiền của ông bằng cách mua trước trả sau, nghĩa là mua xong thứ nó thích, nó bảo người bán hàng gọi điện cho ông đến trả tiền. Đến "nước" ấy, không lẽ ông cứ để sự việc muốn ra sao thì ra, chẳng thanh toán tiền.--PageBreak--

Nhưng suy đi tính lại, vì danh dự của gia đình ông ở đấy, sinh mạng vàng ngọc của đứa con nối dõi tông đường của ông ở đấy, làm sao ông có thể để sự việc như vậy. Cho nên, ông đành bấm bụng, rút ruột thanh toán cho người bán hàng.

Đắng cay nhất là lần nó đánh bạc thua 200 triệu đồng, không có tiền để trả, nó gọi điện cho ông đến trả tiền cho người thắng bạc. Nó bảo, nếu không trả nó sẽ bị người ta đánh... nhừ đòn. Lúc đầu, giận con ông cũng định để nó bị ăn đòn như vậy... cho nhớ. Nhưng với tình cảm của một người cha, ông khó lòng có thể đứng yên nhìn cảnh con mình bị đánh đập như vậy, hơn nữa, "con dại cái mang" nên nếu không phải là ông thì còn ai nữa đứng ra giải quyết hậu quả. Vậy là, số tiền mà ông được đền bù từ đất ở Thạch Hòa lại tiếp tục hao tốn vì giải quyết hậu quả của con.

Nhưng nói như Trưởng Công an xã Thạch Hòa Nguyễn Văn Chiến: "Ông Tuấn đã tạo ra "cơ chế”: con tiêu bố trả tiền thì việc ông Tuấn phải "lĩnh" kết cục như vậy là tất yếu".

Sướng quá... hóa rồ

Không chỉ ở Hạ Bằng mà bất kể một xã nào khi đô thị hóa cũng bị tác động bởi mặt trái như nghiện ngập, cờ bạc, trộm cắp... Ở Bình Yên, Thạch Hòa cũng vậy. Bi kịch bắt đầu khi nhiều gia đình ở đây "phất" lên nhanh chóng vì đất. Ở xã Bình Yên có một trường hợp mà nhắc đến không ít người biết và lấy đó là bài học cảnh tỉnh cho những người giàu "sổi", ấy là Tú "sẹo". Tú "sẹo" năm nay 42 tuổi, đã là cha của 3 đứa con, thế mà khi "cơn lốc" ma túy đi qua Bình Yên, cũng bị cuốn theo.

Nhưng để có thể dễ dàng bị cuốn theo như vậy, cũng chỉ tại Tú "sẹo" giàu đột ngột quá đến nỗi đang chẳng có đồng xu dính túi tự nhiên như từ trên trời rơi xuống, Tú có 2 tỉ đồng. Vì mảnh vườn của nhà Tú, trước đây khi chưa có quy hoạch, chỉ có  giá trị về... nông nghiệp. Còn sau khi quy hoạch thì mảnh đất ấy giá trị 2 tỉ đồng và số tiền này Nhà nước đã đền bù. Có tiền dễ thì tiêu tiền cũng dễ, việc đầu tiên Tú làm là trích trong 2 tỉ đồng đó ra để xây cất một ngôi nhà ở mảnh đất hương hỏa của ông cha để lại nằm sâu trong thôn. Tiếp đến Tú sắm sanh xe cộ, tivi... toàn loại xịn.

Hơn 1 tỉ đồng còn lại, Tú chỉ để trong tủ rồi rút dần rút mòn ra tiêu mà không biết phải làm gì với nó. Mà Tú tiêu tiền “ác” lắm! Chả có thì thôi chứ có tiền Tú "đốt" cho tất cả những thú vui của mình. Bởi Tú nghĩ, đời mình khổ nhiều rồi, giờ có tiền phải hưởng thụ cho bõ những tháng ngày bóp mồm bóp miệng, lăn lộn với cuộc sống của nhà nông. Thế là Tú ăn uống, nhậu nhẹt tối ngày. Tú đánh bài thâu đêm suốt sáng đến nỗi bỏ cả công ăn việc làm trước đây là phu hồ, xây dựng, đào giếng...

Rồi Tú theo đám nghiện trong xã đi hút hít ma túy. Mới đầu, Tú chỉ có ý định thử để xem cái chất trắng này như thế nào mà có thể khiến người ta "đê mê". Không ngờ, qua vài lần thử thế là Tú "dính" luôn. Mới đây, khi phải lên Công an xã để trình bày về việc gây gổ đánh nhau làm mất trật tự nơi công cộng, Tú tâm sự hối hận lắm về việc đã tiêu tan phá tán tiền đền bù đất của gia đình, không nghĩ đến vợ con. Bây giờ, muốn bù đắp lại cho vợ, con nhưng đã muộn vì Tú đã trắng tay lại hoàn tay trắng vì tệ nạn mà mình mắc phải.

Trưởng công xã Hạ Bằng: “Trước đây bình yên là thế nhưng giờ Hạ Bằng đã phức tạp hơn khi đô thị hóa”.

Những gia đình như Tú "sẹo", hay ông Tuấn, ông Hùng đã kể trên đây ở Thạch Thất hay ở các vùng đô thị hóa nói chung không phải là cá biệt. Ông Mai Duy Hùng, Trưởng Công an xã Thạch Hòa nói vui: "Chỉ hai năm nữa là nhiều người dân ở Thạch Hòa đi ăn xin. Vì bây giờ với số tiền được đền bù, họ chỉ lấy đó để sinh sống mà chẳng làm thêm việc gì. Mà miệng ăn núi lở, vì vậy số tiền đền bù ấy chẳng mấy chốc sẽ hết.

Nhưng điều quan trọng nhất là khi chỉ ăn không ngồi rồi thì nhiều người sẽ sinh hư. Và minh chứng là, như Công an huyện Thạch Thất thống kê, kể từ khi đô thị hóa, tệ nạn xã hội ở khu vực này tăng mạnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng hơn cả năm 2009. Như năm vừa rồi, Công an huyện Thạch Thất đã xử lý 25 vụ ma túy với 37 đối tượng, khởi tố 16 vụ với 20 bị can. Cả huyện có gần 300 con nghiện có hồ sơ quản lý, đã đưa đi cai nghiện 31 đối tượng. Công an huyện đã khám phá 6 vụ cờ bạc với 56 đối tượng, chưa kể 5 vụ mại dâm, môi giới mại dâm...

Và một vấn đề vô cùng quan trọng khác mà Công an xã như ở Thạch Hòa, Hạ Bằng, Bình Yên... đều đề cập đến là trang bị vũ khí cho Công an xã. Như hiện nay, với mỗi xã, công an được trang bị khoảng 7 gậy điện và chỉ có vậy. Với thiết bị này, trong tình hình tệ nạn ngày càng gia tăng không chỉ về số lượng mà cả về tính chất nghiêm trọng ở khu vực đang đô thị hóa như Thạch Thất hiện nay thì không đủ sức răn đe, xử lý.

Họ mong muốn các cơ quan chức năng có thể xem xét để trang bị vũ khí mạnh hơn, nếu không như ông Mai Duy Hùng cho biết: "Không còn yên bình như làng quê trước đây, khi đô thị hóa, nhiều gia đình đã khá giả hơn thì cũng kéo theo tệ nạn phức tạp hơn. Nếu trước đây, kẻ cắp liều lắm chỉ dám giắt thêm gậy gộc vào người nhằm chống trả trong trường hợp bị bắt thì bây giờ chúng giắt dao, kiếm... rất nguy hiểm. Trong trường hợp đó, nếu chỉ trang bị gậy điện như hiện chúng tôi đang dùng thì không những chẳng bắt được chúng mà chúng tôi còn bị nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi địa bàn vẫn còn lắt léo, sâu hun hút theo kiểu thôn, làng như thế này".

Từ những bi kịch trên đây của các gia đình "tự nhiên" giàu có ở những vùng đô thị hóa, có thể nói nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ chính việc có tiền dễ thì tiêu tiền nhanh. Bởi vậy đó sẽ là bài học quý giá không những chỉ đối với gia đình ở khu vực đô thị hóa mà đối với nhiều gia đình khác trong xã hội nói chung

Tú Anh
.
.