Giọt nước mắt xót xa trong những chuyên án bắt ma túy vùng biên ải

Thứ Bảy, 08/08/2015, 13:35
Mỗi lần tiến hành bắt, khám xét đối với các đối tượng vận chuyển thuê ma túy là người dân tộc vùng cao, cán bộ Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai đều không cầm được nước mắt. Cái nghèo, cái đói đã khiến không ít người lao vào vòng xoáy ma túy.

Chúng tôi tới Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai khi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn đang khẩn trương điều tra mở rộng đường dây mua bán, vận chuyển 227 bánh heroin từ khu vực Nam Lào qua cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) lên Lào Cai để đưa qua cửa khẩu tiêu thụ.

Trước đó, vào khoảng 23h ngày 22/4/2015, tại tổ 15, phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Lào Cai phá chuyên án, bắt quả tang 3 đối tượng  quốc tịch Lào vận chuyển trái phép 227 bánh heroin  trên xe ôtô mang biển kiểm soát  Lào. Đây là đường dây ma túy lớn nhất từ trước đến nay bị triệt phá trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hà, Phó trưởng phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai cho biết, do địa hình miền núi hiểm trở, tiếp giáp Trung Quốc và các tỉnh có đường biên giới chung với Lào nên từ nhiều năm qua, Lào Cai đã trở thành "cửa ngõ" trung chuyển ma túy giữa các nước trong khu vực của các băng nhóm, đường dây tội phạm trong nước và quốc tế.

Gần đây nhất, vào ngày 30/5 vừa qua, Công an huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai  đã bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 40 bánh heroin tại Km15, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Hai đối tượng bị bắt giữ đều có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Điện Biên.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, cùng bắt xe từ bến xe Điện Biên sang Lào Cai để nhận vận chuyển thuê 40 bánh heroin cho một người khác. Nếu trót lọt, họ sẽ được trả công 50 triệu đồng.

Lợi nhuận là nguyên nhân chính  khiến các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy vùng giáp biên vẫn như những chiếc vòi bạch tuộc, chặt đứt vòi này thì vòi khác lại tiếp tục hoạt động. Điều đau lòng là  không ít cán bộ, đảng viên cũng bị rơi vào vòng xoáy của ma túy bởi lợi nhuận.

Ngày 21/1/2015, Phòng PC47 Công an Lào Cai đã phá chuyên án, bắt quả tang Lầu A Su (SN 1982), dân tộc Mông, là kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường, Lai Châu khi đang vận chuyển 30 bánh heroin từ Điện Biên sang huyện Mường Khương, Lào Cai tiêu thụ. Su khai nhận tiền công vận chuyển số ma túy này là 200 triệu đồng. Mỗi lần vận chuyển thuê ma túy, Su mặc quần áo kiểm lâm, công khai chở ma túy trên xe máy như một cán bộ đang thi hành công vụ.

Cán bộ  Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra, niêm phong tang vật một vụ án ma túy.

Hay vụ bắt giữ Giàng Seo Lềnh (SN 1969, trưởng thôn Sín Chải, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) vận chuyển thuê 6 bánh heroin từ Điện Biên sang Lào Cai. Rồi vụ Hạng A Giàng (SN 1954, nguyên Bí thư xã Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa) cùng con trai là Hạng A Hồ (SN 1988) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.

Song, theo Thiếu tá Trần Thị Mừng, Đội trưởng Đội 1 Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai,  điều khiến các cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy ở vùng đất biên ải này luôn day dứt, trăn trở, không phải là những đường dây ma túy lớn, mà là tình trạng bà con người dân tộc bị lôi kéo, trở thành những người vận chuyển thuê cho các trùm ma túy. Bởi những vụ buôn lớn từ hàng chục đến hàng trăm bánh heroin, do giá trị hàng lớn, sợ mất hàng dọc đường nên tham gia vận chuyển thường là các đối tượng chính trong đường dây.

Còn những vụ buôn bán nhỏ, từ vài chục gam đến một vài bánh heroin, khi bắt giữ thường chỉ là những người được thuê vận chuyển, và phần lớn họ là những người rất nghèo. Thiếu hiểu biết pháp luật, cộng thêm cuộc sống nghèo khó đã khiến họ trở thành những con thiêu thân.

Trong đồng bào dân tộc, con trâu là tài sản to nhất, nhưng không phải nhà nào cũng có trâu. Cái nghèo một phần xuất phát từ thói quen làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không tích trữ của phần đông bà con người dân tộc. Chính vì vậy, chỉ cần được thuê vài triệu đồng, một số người sẵn sàng đi xách thuê ma túy. Một chuyến xách hàng thuê như vậy có thể sắm được một con trâu.

Khi bị bắt, bà con bảo rất thật rằng: "Đằng nào cũng chết mà. Đói cũng chết. Thà đi để được ăn no còn hơn ở nhà mà chết đói". Suy nghĩ sai lầm này khiến nhiều người đã vào tù vì ma túy rồi, nhưng trong các làng bản, người sau vẫn theo chân người trước, dường như cái đói nghèo làm cho họ không biết sợ "con ma túy", không sợ cái chết.

Hơn chục năm gắn bó với "nghiệp" phòng chống ma túy, Thiếu tá Trần Thị Mừng vẫn không khỏi xúc động khi kể về những cuộc khám xét người phạm tội về ma túy là người dân tộc. Chị nói rằng, một khi đã lên vùng cao thì bản mường nào cũng nghèo xơ xác như nhau. Có những lần đi khám xét vào mùa đông, trong khi cán bộ mặc áo rét nhưng vẫn co ro vì lạnh thì  những đứa trẻ trần truồng, da thịt tím ngắt vẫn chạy nô đùa như không có mùa đông. Không phải chúng không biết lạnh, nhưng không có quần áo ấm, chúng buộc phải chạy nhảy, vận động để sinh nhiệt.

Thiếu tá Mừng bảo, nhìn những đứa trẻ tím tái trong giá rét, bốc mèn mén đã nguội ngơ nguội ngắt trong rổ ăn ngon lành, những người làm mẹ như chị rớt nước mắt. Giá như được biết trước, các chị sẽ chuẩn bị ít quần áo ấm mang lên cho các cháu. Nhưng nguyên tắc công việc của Cơ quan điều tra nhiều khi không được phép tiết lộ địa điểm trước khi khám xét. Cán bộ nhận được lệnh là lên đường.

Thiếu tá Trần Thị Mừng kể, những vụ bắt giữ liên quan đến người dân tộc, chuyện cán bộ trinh sát, điều tra phải quyên góp "nuôi" đối tượng là điều thường xuyên xảy ra.

Điển hình như vụ Cứ Thị Chu (SN 1991), người dân tộc Mông, ở Nậm Xé, Văn Bàn, Lào Cai cùng em trai là Cứ A Giê (SN 1995) vận chuyển trái phép chất ma túy. Chu lấy chồng ở Than Uyên, Lai Châu. Năm 2010, chồng Chu bị bắt về tội mua bán trái phép ma túy, tòa án xử 15 năm tù giam. Lúc đó mới 19 tuổi nhưng Chu đã một nách 3 đứa con, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ còn đang ngậm sữa mẹ.

Cuộc sống khó khăn, một mình nuôi 3 con khiến Chu tiếp tục "kế nghiệp" chồng. Chu mang 3 con sang huyện Văn Bàn, Lào Cai ở nhờ bố mẹ đẻ. Để có tiền nuôi con, sẵn có những mối hàng của chồng trước đó, Chu móc nối đưa ma túy từ Lai Châu sang bán. Ngày 4/4-/2012, Cứ Thị Chu bị bắt khi đang cùng em trai Cứ A Giê giao dịch, bán 4kg thuốc phiện.

Chu bị bắt, bế  theo cả đứa con nhỏ mới hơn 1 tuổi đi theo. Hội trường Phòng PC47 trở thành nhà trẻ của mẹ con Chu. Trong mấy ngày Chu bị tạm giữ để phục vụ yêu cầu điều tra, biết hoàn cảnh khó khăn của Chu, mấy cán bộ nữ về nhà lấy quần áo của con mình cho con của Chu mặc, mua bánh, sữa cho cháu bé ăn tạm.

Đối tượng và tang vật vụ vận chuyển 227 bánh heroin vừa bị Công an Lào Cai triệt phá.

Nhận được quà của cán bộ, Chu rối rít cảm ơn. Chu bảo nếu không được gặp cán bộ thì con của Chu không biết bao giờ mới có nhiều quần áo đẹp để mặc như thế, không biết đến bao giờ mới được ăn bánh. Nghe những lời cảm ơn của Chu, cán bộ chỉ biết thở dài.

Hay vụ khám xét đối với Nông Văn Pin (SN 1976), người dân tộc Dáy, ở Mường Hun, huyện Bát Xát, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt ngày 24/5/2013. Lúc đó Pin mới đi cai nghiện về. Vợ Pin thì vừa sinh con thứ 3 được hơn 1 tháng. Để có tiền nuôi vợ con, Pin mua ma túy về bán.

Khám nhà Pin, cán bộ rớt nước mắt bởi căn nhà trống huơ trống hoác, chẳng có đồ đạc gì đáng giá. Vợ Pin ngồi ôm đứa con đỏ hỏn ở góc nhà. Gió lùa qua khe nứa lạnh tê tái. Bố bị bắt nhưng hai đứa con lớn của Pin vẫn mê mải sang nhà hàng xóm xem tivi. Nhà nghèo, bố lại nghiện ma túy, những đứa trẻ chưa bao giờ biết đến bữa cơm no.

Thiếu tá Trần Thị Mừng kể, đối với cán bộ Phòng PC47 thì mỗi buổi đi khám xét các đối tượng phạm tội ma túy là người vùng cao là một lần trăn trở, mất ngủ.

Cho đến giờ, chị không thể nào quên buổi khám xét nhà đối tượng Nguyễn Thị Hoa (SN 1971) ở xã Xuân Dao, huyện Bảo Thắng. Chồng Hoa bị bắt và đi tù về tội ma túy. Một mình Hoa nuôi 3 đứa con, lớn nhất 7 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 3 tuổi. Tiền vốn không có nên mỗi ngày, Hoa cũng chỉ mua mấy tép ma túy về bán lẻ, lấy tiền nuôi con. Hôm  tiến hành bắt, khám xét đối với Hoa, các điều tra viên cũng phân vân nhiều lắm. Hành vi bán lẻ ma túy của Hoa đã gây bức xúc trong nhân dân.

Không bắt thì không được, mà bắt thì cám cảnh, ngao ngán cho hoàn cảnh của đối tượng. Trong bếp chỉ có 2 cái nồi cũ kỹ. Bát không có mà ăn. Củi dự trữ không có, phải nhổ hàng rào nứa để làm chất đốt. Mà cũng chẳng có gì ăn để nấu nướng nhiều. Chứng kiến cảnh 3 đứa con nheo nhóc ôm chân mẹ khóc, đọc lệnh bắt xong, cán bộ cũng lén quay đi chỗ khác lau nước mắt.

Thay đổi nếp nghĩ của bà con dân tộc vùng cao là cả một vấn đề khó khăn và lâu dài. Những "điểm nóng" về ma túy như xã Pha Long, Tả Ngải Chồ của huyện Mường Khương, lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng thường xuyên tổ chức cắm chốt tuyên truyền về tác hại của ma túy, về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Song theo cán bộ Phòng PC47 Công an Lào Cai thì rất khó để thay đổi suy nghĩ "đằng nào cũng chết, đói cũng chết mà" của người dân tộc. Lợi nhuận ma túy rất lớn, đói nghèo, khó khăn là điều kiện để đối tượng ma túy lợi dụng mua chuộc, lôi kéo đồng bào vào con đường phạm tội để lấy tiền đảm bảo cuộc sống.  Mặt khác, đường đi lại hết sức khó khăn, người tuyên truyền, người phòng chống ma túy đến các bản làng rất là ít, không được thường xuyên.

Cán bộ đến tuyên truyền thì đối tượng "nằm im". Đợi khi cán bộ rút, đối tượng hoạt động trở lại.

Phía sau những buổi khám xét, cái nghèo của bà con vùng dân tộc luôn ám ảnh những cán bộ làm công tác phòng chống ma túy của Công an tỉnh Lào Cai.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Lào Cai đã triệt phá được 68 vụ mua bán má túy, bắt xử lý 84 đối tượng, thu giữ 99,75kg heroin, 24,85 gam thuốc phiện, 42,1 gam ma túy tổng hợp, 3 ôtô, 2 xe máy, 30 điện thoại di động, 18 triệu đồng. Tuy giảm 36 đối tượng tương đương 31% so với 6 tháng đầu năm 2014 nhưng số vật chứng thu giữ lại tăng gấp 36 lần.

Hương Vũ
.
.