Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha

Thứ Năm, 18/10/2018, 13:39
Họ không phải là thành viên của các nhóm "hiệp sĩ đường phố" nào cả. Họ là những công dân bình thường nhưng đứng trước cái xấu, cái ác họ không làm ngơ mà sẵn sàng xông vào bất chấp hiểm nguy, đối mặt với cái ác để đòi lại công bằng cho các nạn nhân.

Có rất nhiều vụ, nhờ sự chung tay của những người dân - nghĩa hiệp này mà Công an TP Hồ Chí Minh ngăn chặn và bắt giữ thành công các đối tượng cướp manh động…

Đối mặt với cướp để hiểu các anh hơn

Tuyến đường Công Vụ (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) vắng nhà cửa, lau sậy mọc kín. Hỏi về việc cả trăm người dân phối hợp với Công an Bình Chánh truy xét đối tượng cướp xe gắn máy, ai cũng hào hứng. Ông Năm (65 tuổi, một người dân sống tại đây) nhắc lại việc tham gia vụ truy bắt cướp mà cứ như đang kể lại một câu chuyện hành động.

Đó là một buổi sáng ngày đầu tháng 4-2018, 4 đối tượng chặn phương tiện trên đường Công Vụ cướp xe gắn máy, bị tổ trinh sát theo dõi từ trước truy bắt. Hai đối tượng bị khống chế, một đối tượng nhanh chân tẩu thoát, đối tượng còn lại lao vào đám lau sậy rộng gần 5ha lẩn trốn.

Công an huyện Bình Chánh được huy động đến hiện trường truy bắt đối tượng. Nhiều người, cả người dân đi đường lẫn người dân sống ở đây đều cùng hợp sức vạch từng đám cỏ, bụi lau để tìm đối tượng lẩn trốn. "Bữa đó đông lắm! Công an, dân phòng, dân quân rồi người dân lùng sục tìm tên cướp. Nó lẩn trốn kiểu gì mà gần một ngày trời mới tìm được. Một số người còn đốt cỏ lau khô để tên cướp bị ngạt khói mà rời khỏi chỗ lẩn trốn!" - Ông Năm thuật lại.

Hai công dân bắt cướp ở xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh được khen thưởng.

Ông cho biết thêm, tuyến đường Công Vụ này là đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Buổi sáng đường vắng vẻ nên thường xuyên xảy ra cướp. Chúng thường chọn người đi làm sớm một mình chặn xe, kề dao cướp xe máy và các tài sản khác. Băng cướp này cũng bị Công an huyện Bình Chánh rình phục lâu lắm rồi mới bắt được. "Bữa người dân hỗ trợ Công an bắt cướp mấy anh cũng căn dặn! Nếu phát hiện cướp thì truy hô, đừng xông vào khống chế vì không có nghiệp vụ, dễ bị chúng gây thương tích. Một lần tham gia bắt cướp mới thấy mấy anh Công an luôn đối mặt với nguy hiểm như thế nào!".

Nhiều tấm gương người dân dũng cảm chống lại cái ác đã được Công an huyện Bình Chánh ghi nhận, khen thưởng kịp thời. 

Trung tá Cao Quốc Đạt - Phó Đội trưởng Đội xây dựng phong trào Công an huyện Bình Chánh từng nhiều lần trao thưởng cho những công dân bình thường nhưng không bao giờ chùn tay với cái ác, cái xấu. Họ là những anh công nhân, xe ôm, chị buôn bán lề đường. Họ tích cực phòng chống tội phạm xuất phát từ cái tâm, không trông chờ gì việc được khen thưởng.

"Ông già lụi cụi lê bước bán từng tờ vé số mưu sinh vậy mà các đối tượng còn giở trò cướp giật. Thấy chúng bất nhân quá nên tôi với anh Dân mới truy đuổi bắt chúng để lấy lại tờ vé số cho ông già chứ có nghĩ gì đến chuyện "hiệp sĩ" gì đâu!" - Anh Nguyễn Thái Bình (30 tuổi, ngụ Bình Tân) cho biết.

Chuyện xảy ra vào một buổi sáng đầu tháng 7-2018. Anh Bình đi công chuyện ngang qua đường Thới Hòa, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh thì nghe tiếng truy hô yếu ớt của ông Ngô Văn Hòa, 56 tuổi, người bán vé số.

Thấy đối tượng Hấu A Quang (42 tuổi, quê Long An) cầm xấp vé số tăng ga bỏ chạy, anh Bình không chần chừ tăng ga đuổi theo. Cùng đuổi đối tượng cướp giật với anh Bình là anh Trần Văn Dân (51 tuổi). Đuổi được một đoạn đến trước số nhà E112/29P ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, hai anh khống chế được đối tượng Quang bắt giao công an và lấy lại xấp vé số cho ông Hòa.

Không thể làm ngơ

Anh Nguyễn Trung Chí (26 tuổi, ngụ Tân Bình) cũng bối rối khi người khác nhắc đến chuyện anh tham gia bắt cướp. "Ai thấy chuyện vậy cũng xông vào trợ giúp thôi chứ chẳng riêng gì tôi đâu!". Hôm đó vào buổi tối, anh Chí đi công chuyện ngang qua shop thời trang T.H. (ấp 6, xã Vĩnh Lộc A) thì thấy chị Mai Thị Thành (36 tuổi, quê Ninh Thuận) vừa truy hô vừa níu kéo xe gắn máy do Dương Lê Tuyền Tài (23 tuổi, ngụ Tân Phú) điều khiển.

Tài vừa cướp sợi dây chuyền của chị Thành nhưng bị chị níu xe làm Tài bị ngã xe. Anh Chí cùng một số người dân xông vào để khống chế Tài. Bỏ xe gắn máy, tên cướp chạy bộ vào một con đường vắng sau đó lủi vào đám cỏ và lau sậy trên đường ẩn nấp. Anh Chí và một số người dân rọi đèn tìm kiếm và phát hiện Tài đang lẩn trốn trong đám cỏ nên khống chế giao cho Công an.

Được Công an quận Thủ Đức trao thư khen và trao thưởng về thành tích bắt 2 đối tượng cướp giật, bị 2 đối tượng này đâm trọng thương nhưng 3 anh Dương Minh Quang (25 tuổi, quê Lâm Đồng), Bùi Văn Tiến (25 tuổi, quê Bình Phước) và anh Nguyễn Sơn Tùng (24 tuổi, quê Bình Định) vẫn tỏ ra ngại ngùng vì việc được khen thưởng

Việc truy đuổi và khống chế cướp có hung khí rất nguy hiểm, có nhiều tình huống khó lường trước được. Họ chỉ mong mọi người cẩn thận hơn với tài sản của mình, đừng mất cảnh giác khi đang lưu thông để trở thành đích ngắm của tội phạm. Thực tế là nhiều người vẫn vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại đắt tiền hay đeo nữ trang hớ hênh.

Họ là những công dân làm những công việc bình thường nhưng không làm ngơ trước tội phạm.

Cả 3 người là nhân viên của một chi nhánh ngân hàng ở quận Thủ Đức. Tối 28-5, sau giờ làm, cả 3 anh rủ nhau đi ăn ốc. Khi đến đường Tô Ngọc Vân, Thủ Đức, anh Tiến nhận được cuộc điện thoại nên lấy chiếc Iphone 8 ra sử dụng thì bị 2 đối tượng Trần Ngọc Danh và Lê Minh Hữu Nghĩa áp sát giật rồi tăng ga bỏ chạy.

Ba anh lập tức truy đuổi 2 đối tượng qua nhiều tuyến đường. Đến ngã 3 Hoàng Diệu - Kha Vạn Cân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, 3 anh đuổi kịp và khống chế 2 đối tượng. Đối tượng Nghĩa đã rút dao ra đâm loạn xạ khiến 3 anh bị thương. Anh Tùng bị thương nặng nhất, đứt động mạch tay trái.

Họ không thuộc vào một hiệp hội, một nhóm "hiệp sĩ" nào, chỉ thấy chuyện xảy ra trước mắt là ra tay tương trợ, không chút lưỡng lự.

Lái xe taxi nhiều năm tại các quận trung tâm thành phố, chứng kiến nhiều vụ người nước ngoài bị các đối tượng cướp mất tài sản nhưng không làm được gì, anh Huỳnh Đức Thiết (32 tuổi, quê Khánh Hòa) bứt rứt trong lòng. Nhiều lần chứng kiến, anh Thiết bắt đầu nắm bắt được qui luật của bọn cướp.

Trong lúc điều khiển xe đón khách tại khu vực Công viên 23-9, đến đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, anh Thiết phát hiện đối tượng Phạm Ngọc Đức (32 tuổi, ngụ Nhà Bè) áp sát nữ du khách nước ngoài giật điện thoại. Thiết đạp ga đuổi theo. Đối tượng đi xe máy dễ dàng lạng lách nên chỉ một đoạn anh Thiết  đã mất dấu đối tượng.

Phán đoán đối tượng sẽ chạy về hướng đường Nguyễn Trãi, Thiết quay đầu xe đón đầu. Đứng như dự đoán, khi đến trước số 188 đường Nguyễn Trãi, tên Đức chạy xe rề rà, hí hửng vì mới "ăn hàng" thành công, anh Thiết lập tức chặn đầu xe và tông ngã Đức rồi truy hô. Lúc này cảnh sát hình sự cũng vừa đuổi kịp, đã khống chế bắt giữ Đức.

Vụ dùng dù chặn xe bắt cướp của 2 anh Nguyễn Văn Nên (55 tuổi) và anh Hồ Thanh Minh (27 tuổi, ngụ Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) trên đường Kênh Trung Ương (ấp 6, Vĩnh Lộc B) cũng khá ngoạn mục, gay cấn.

Trong buổi tuyên dương của Công an huyện Bình Chánh, hai anh Nên và Minh cho biết lúc đó họ cũng cuống. Họ chứng kiến tận mắt chị Nguyễn Thị Giàu (34 tuổi) bị giật chiếc điện thoại. Hai đối tượng Ngô Văn Nhật Nam (20 tuổi, quê Cà Mau) và Nguyễn Hoàng Hân (18 tuổi, ngụ Tân Phú) phóng xe định tẩu thoát. Hai anh bèn nhấc vội cây dù của một người bán hàng gần đó chặn đầu khiến hai đối tượng ngã xe, và bị hai anh khống chế - Anh Nên kể lại. Sự nhanh trí của anh Nên và Minh khiến người dân tấm tắc khen.

Mong sao mọi người dân nâng cao cảnh giác

 Không chỉ đàn ông trai tráng, ngay cả phụ nữ cũng không hiếm trường hợp ra tay để giúp mình, giúp người. "Phụ nữ chân yếu tay mềm, thấy cướp là bủn rủn tay chân, truy hô còn không nổi chứ đừng nói chi là truy đuổi bắt chúng. Chẳng qua bữa đó tên cướp cướp số tiền tôi ky cóp đóng học cho con nên máu liều nổi lên!" - bà Nguyễn Thị Thương (ngụ Bình Tân, một nạn nhân của vụ cướp) kể.

Hôm đó bà bỏ chiếc ví trong túi áo khoác, bên trong có 3 triệu đồng đóng học phí cho con. Khi đến đường Liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, bà Thương bị một đối tượng áp sát giật chiếc ví. Sau giây phút ngớ người, bà Thương bình tĩnh truy hô cướp và tăng ga đuổi theo. Tên cướp hoảng quá chạy gấp nên loạng choạng, được 200m thì ngã xuống đường. Bà Thương cùng người dân gần đó áp sát khống chế tên cướp giao cho Công an phường. "Lúc đó chỉ nghĩ đuổi theo lấy lại tài sản, không còn thấy sợ gì!" - Bà Thương chia sẻ.

Ông Minh, một người dân thường xuyên phát hiện và bắt cướp.

Bị hù dọa, gặp nguy hiểm, nhưng đứng trước cái xấu, cái ác nhiều người vẫn không chùn bước. Ông Nguyễn Văn Minh, 56 tuổi, sống một mình ở khu vực hồ đá, làng Đại học Thủ Đức. Không nhà cửa, không người thân, hằng ngày ông Minh lấy bụi rậm mắc võng làm nơi nghỉ ngơi và hành nghề xe ôm. Nhiều lần chứng kiến cảnh sinh viên, nhất là sinh viên nữ bị cướp tài sản, bị trấn lột, ông Minh không cam tâm. Hơn 20 năm nay, ông Minh đã nhiều lần khóa tay tội phạm..

"Những cô cậu sinh viên thích chỗ vắng vẻ ven hồ đá ngồi tâm sự. Mấy thằng nghiện thường "canh me" những cặp đôi này. Không xin đểu được thì chúng dùng hung khí, vũ lực uy hiếp. Vì vậy, các cô cậu sinh viên nên cảnh giác, không nên tâm sự khu vực vắng vẻ này để làm mồi cho cướp".

Đã có kinh nghiệm nên chỉ cần nhìn thoáng qua là ông Minh biết đối tượng nào đáng nghi. Phát hiện là ông Minh bỏ công theo dõi, ghi nhận đặc điểm nhân dạng, phương tiện. Khi chúng ra tay là ông lao vào khống chế. Có lần, thấy 2 đối tượng khống chế đôi sinh viên, ông cầm khúc gậy xông vào vật lộn với một trong 2 đối tượng. Tên kia bỏ chạy, đối tượng còn lại bị ông Minh khống chế giao Công an phường.

Những vết thương chằng chịt trên người ông đều là kết quả những lần đụng độ với cướp. "Giờ tôi chủ động phối hợp với công an phường dân phòng rồi, không còn ra tay đơn độc một mình nữa.

Nhiều người cho rằng việc bắt cướp, chống tội phạm là của lực lượng Công an, những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm săn bắt cướp. Người dân không một tấc sắt trong tay, không có kỹ năng khống chế truy đuổi tội phạm nên khi sự vụ xảy ra, đối mặt với các đối tượng hung hãn, có hung khí dễ bị các đối tượng gây thương tích, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc có thể bị trả thù.

Trong thực tế, đã có một số câu lạc bộ, hội nhóm "hiệp sĩ" ra đời, cũng vì chuyện bất bình trước cái ác, cái xấu, muốn góp phần chung tay ngăn chặn tội phạm, bảo vệ bình yên cho cộng đồng. Họ hành xử tự nguyện, theo từng nhóm và thường ban đầu có tính chất bộc phát. Đã từng có những "hiệp sĩ" hy sinh, có người mang thương tích để ngăn chặn cái xấu, bảo vệ sự bình yên.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều tấm gương quả cảm, quên mình vì cộng đồng đã xuất hiện. Tất cả xuất phát từ cái tâm lương thiện, đầy ý thức công dân và trách nhiệm với xã hội. Điều quan trọng là cần trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết, kiến thức, pháp luật để đấu tranh với tội phạm đạt hiệu quả, tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Họ đích thực là những người quả cảm.

Huyền Đức
.
.