“Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn…”

Thứ Tư, 15/07/2020, 11:11
Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi…” – những câu thơ trong bài thơ “Thợ rèn” của tác giả Khánh Nguyên đã thôi thúc, dẫn lối cho tôi đi tìm những người thợ rèn Hà Nội trong cái nắng hè như thiêu như đốt.

Giữa trăm nghề, ít có nghề nào vất vả, dữ dội như nghề rèn. Giữa muôn người, chẳng nhiều người say với than bụi, dầu mỡ như người thợ rèn. Ba người đàn ông tôi gặp tuổi đã lục tuần, là những người nặng lòng với bễ than, đe búa, vẫn miệt mài làm nghề để níu giữ sợi chỉ nghề mỏng manh nối liền từ làng nghề Hoè Thị ra phố nghề Lò Rèn nức tiếng khi xưa.

Xưởng rèn “máy hoá” của chú Nguyễn Đắc Vị.

Rèn nghề qua hai lần lửa

Mới 9 giờ sáng mà đường làng Hoè Thị (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bỏng rẫy vì nắng nóng. Đi ngoài đường mà mắt đã hoa lên, nhưng đến xưởng rèn của chú Nguyễn Thế Thắng với bễ lửa phì phò, tiếng quai búa chan chát, tiếng mài kéo xoèn xoẹt thì cảm giác nóng nực tăng lên gấp bội.

Vừa gắp những viên than kiplê đen óng, to bằng nắm tay tiếp thêm vào lò, chú Thắng vừa đưa tay quệt vệt mồ hôi đầm đìa trên mặt và cười hiền: “Thợ rèn chúng tôi muốn thạo nghề đều phải chịu được hai lần lửa, lửa của mặt trời cộng lửa của bễ rèn. Vì thế da mặt, da tay, da chân phải dày gấp đôi cô ạ”. Tôi bật cười trước cách nói dí dỏm của người thợ rèn lành nghề và thấy chú nói đúng, khi mới đứng trong xưởng rèn một lúc mà tôi đã thấy nóng rát vì hơi lửa phả ra.

Khi lò rực lửa, chú Thắng xỏ vội chiếc bao tay vải mỏng  rồi thoăn thoắt bỏ những phôi thép vào lò nung đỏ, rồi quay sang mài nốt mẻ kéo để kịp trả hàng cho khách. Lưỡi kéo vừa chạm viên đá mài, những tia lửa bắn ra kéo dài thành vệt liếm cả vào mặt, vào tay, chân người thợ. Dường như đã quen lắm với cảm giác ran rát rân rân trên da thịt, chú Thắng vẫn say sưa nói chuyện nghề.

Nghề rèn của gia đình, đến chú Thắng là đời thứ 3. Lên 10 tuổi, cậu bé Thắng được cha dạy bài học vỡ lòng: quay bễ. Tưởng đơn giản mà cũng phải học mãi mới thành thạo, ấy là phải biết giữ cho lửa đủ đỏ, biết điều chỉnh tăng giảm nhiệt để phục vụ thợ cả nung phôi. Khi đã là anh thanh niên to khoẻ, vạm vỡ, chú Thắng là tay quai búa có tiếng của làng. Hoè Thị thời đó đỏ bễ rèn từ đầu làng đến cuối xóm. Nhà nào cũng có người đến làm công và cả người nơi khác kéo đến học nghề. Nhờ có bí quyết trong kĩ thuật tôi thép, cách nắn nên con dao, cái kéo, liềm, búa, lưỡi cày lưỡi cuốc ở đây vẫn mang nét riêng, bền và tinh xảo, được dân khắp nơi ưa chuộng.

Thợ rèn Nguyễn Thế Thắng đang tỉ mỉ ngắm chỉnh kéo cắt may.

Rồi khi hàng kim khí được sản xuất hàng loạt từ các nhà máy với giá thành rẻ tràn lan khắp thị trường thì sản phẩm rèn thủ công mất đi vị thế. Những xưởng rèn ở làng thưa vắng dần, mặt hàng rèn cũng thu hẹp lại. Chú Thắng giờ chủ yếu rèn dao và kéo phục vụ sinh hoạt và cắt may. Đống kéo chú đang làm kia là đơn đặt hàng quen thuộc trên phố Nguyễn Khuyến, Thuốc Bắc bao nhiêu năm nay. Thợ may nhiều nơi chỉ quen dùng kéo Hoè Thị vì cầm chắc tay, lưỡi sắc, bền, hai mũi kéo khít nhau, cắt ngọt xớt…

Làm nghề rèn phải kiên trì và cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Để làm ra một cái kéo, người rèn phải mất mấy ngày, từ lúc cắt miếng thép ra nướng đỏ, quai búa bẹt mỏng thành hình, sau đó đến khâu làm nguội, chỉnh sửa, mài cho đến khi nào chuẩn mới thôi, chả tính được thời gian, năng suất. Say nghề nghề chẳng phụ, thu nhập cũng đủ để chú Thắng nuôi sống gia đình bao năm nay. Đôi bàn tay nhem nhuốc, chai sần nhưng khéo léo và tinh tế. Người thợ lành nghề chỉ cần miết nhẹ ngón tay vào con dao, cái kéo, thậm chí là qua mắt nhìn là biết đã đủ độ sắc hay chưa.

Chiếc ghế gỗ chú Thắng ngồi bên bễ lửa cũng thật đặc biệt. Nó to bản và được đóng thành hai tầng để khi ngồi thêm chắc chắn và đỡ mỏi. Chú bảo, có lẽ chú không còn ngồi lâu trên cái ghế mòn vẹt kia được nữa. Bởi chú cũng đã có tuổi, tóc đã bạc, xương cốt trệu trạo dần. Khi nào chú nghỉ, chắc cái ghế cũng “nghỉ hưu” luôn, vì hai người con của chú Thắng không ai nối nghề của bố…

Chiếc búa máy đầu tiên của làng

Khác với cửa hàng dao kéo của chú Thắng, xưởng rèn “máy hoá” nhà chú Nguyễn Đắc Vị cách đấy một quãng đang xình xịch tiếng máy dập tạo hình, tiếng máy cắt, máy tiện. Thay vì ngồi rèn thủ công, chú Vị phải đứng điều khiển máy móc cả buổi trong bầu không khí nóng đến ngột ngạt do cái nắng toả xuống mái tôn của xưởng rèn.

Là thế hệ thứ 4 của gia đình gắn với nghề rèn, chú Vị làm nghề đã 30 năm. Từ năm 1990, chú là người đầu tiên trong làng mua búa máy, đánh dấu bước chuyển từ thủ công sang cơ giới hoá một phần, dần dần giải phóng sức lao động cho người thợ. Thay vì rèn dao kéo, chú Vị cùng nhiều hộ dân chuyển sang sản xuất bu lông, ốc vít, mũi khoan cho các nhà máy và ngành điện lực, đường sắt để bắt kịp với nhu cầu của thị trường.

Trong những bước tìm tòi, thể nghiệm khi chuyển đổi hướng sản xuất, chẳng tránh khỏi rủi ro, hỏng hóc. Có những khuôn đúc phải chế tạo vài lần mới chính xác. Tiền của bỏ ra không nhỏ để thu về kinh nghiệm và sự thạo nghề. Xưởng rèn của chú Vị còn là nơi đón những đợt sinh viên cơ khí về thực tập, tấp nập và đông vui.

Chú Hùng là thợ rèn duy nhất còn trụ lại ở phố Lò Rèn.

Cô Đàm Thị Thanh - vợ chú Vị cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ làng Hoè Thị, đều biết quai búa thành thạo, kéo bễ, khoan taro hay phụ lò gắp đỏ. Cô bảo khi mới về làm dâu chỉ biết cấy lúa trồng rau, động tác đơn giản nhất là cầm kìm gắp đỏ cô cũng lóng ngóng. Cô chịu khó học dần từ chồng cho đến khi thành thạo  mọi việc.

Chú Vị bảo, theo nghề rèn là chấp nhận vất vả, nhọ bẩn cả đời, bỏng bễ lò xảy ra như cơm bữa. Sẹo cũ chưa kịp mờ đã lại hằn sẹo mới, rồi cũng quen đi, chả để ý đến nữa. Chú nhớ ngày trước chưa có quạt điện, mỗi lần chú quai búa, mồ hôi ròng ròng, mẹ chú phải cầm quạt mo cau quạt đằng sau. Quai búa một lúc thì thở cả ra đằng tai, khát khô cổ, dừng lại uống nước ừng ực…

Vất vả thế nên giờ đây, cả làng Hòe Thị chỉ còn khoảng chục gia đình trụ lại với nghề. 3-4 năm nữa thôi, chú cũng sẽ buông bễ rèn mà không truyền được nghề khi các con chú không nối nghiệp cha. Ngày trước, người làng Hoè Thị kéo nhau lên phố cổ lập phố nghề đông vui, tấp nập. Nay chỉ còn duy nhất một người đang giữ nghề nơi phố cổ Lò Rèn. Bởi vậy nghề rèn bây giờ mong manh lắm…

Khoảng không bếp núc ngay bên cạnh rò rèn chật chội của chú Hùng.

“Người Mohican cuối cùng” của phố Lò Rèn

Giữa trưa nắng hầm hập, dân phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm) ở riết trong nhà trốn cái nóng 40 độ. Nhưng ở góc ngã tư Lò Rèn – Hàng Đồng, chú Nguyễn Phương Hùng – người thợ rèn cuối cùng của phố nghề đang ngồi ăn bữa cơm trưa ngay cạnh bễ lò. Chiếc quạt máy thổi thốc từ sau lưng, chiếc bàn nhôm treo trên cao được lấy xuống làm bàn ăn, ngay cạnh xưởng rèn.

Chật chội thế mà chú Hùng vẫn sắp xếp một góc để chạn bát, lò vi sóng, lọ đựng các loại gia vị để có thể tự tay nấu bữa trưa. Tất cả mọi diễn biến một ngày làm việc của người thợ này đều diễn ra trong khoảng không cũ kĩ, chật chội và nồng mùi khói than, dầu mỡ ấy. Chính vì sự khác biệt đến lạc lõng này mà chú Hùng đã lọt vào ống kính máy ảnh của rất nhiều khách ngoại quốc khi đến thăm phố cổ Hà Nội.

Người đàn ông 60 tuổi này có nhiều nét đặc biệt. Khi cả phố đã bỏ nghề rèn, giấu nhẹm đi những than củi, xô thùng váng dầu mỡ để xoay sang mở shop thời trang, quán cà phê, nhà hàng sang trọng thì chú Hùng vẫn nhẫn nại ngồi thổi bễ. Giữa nhộn nhịp người qua lại, chú vẫn thản nhiên trưng ra tất cả những lấm láp, cực nhọc, thô ráp của nghề.

Người thợ Nguyễn Đắc Vị trăn trở trước sự mong manh của nghề rèn Hoè Thị.

Ngừng quai búa, chú nói với tôi, giọng sang sảng: “Nhiều người bảo nghề rèn vất vả, tôi không thấy thế. Người thì bảo nghề rèn nghèo, tôi vẫn đủ sống và lo được cho con cái ăn học, trưởng thành. Khách Tây đi qua nhìn tôi xì xồ ý nói rằng sao trời nóng giãy mà tôi vẫn ngồi rèn, nhưng tôi không thấy nóng. Tôi yêu nghề này, đam mê thực hành nghề, bằng lòng với nghề, ngoài ra chả để ý điều gì khác”.

Hiếm có người nào giữ được nhịp làm việc đều đặn như chú Hùng. Một năm chỉ trừ mấy ngày tết, còn lại ngày nào cũng vậy, cứ 7 giờ sáng chú rời nhà ở phố Giang Văn Minh lên cửa hàng rèn để làm nghề. 7 giờ tối mới thu dọn đồ nghề và trở về nhà. Chú bảo, ngôi nhà 3 tầng số 26 phố Lò Rèn là nhà bố chú để lại cho hai anh em chú, chỉ để làm nghề rèn và thờ cúng cha mẹ, ông bà chứ không được ở.

Từ ngôi nhà số 26 ấy, gia đình ba đời làm thợ rèn của chú Hùng đã chứng kiến bao sự đổi thay của con phố nhỏ này. Ông nội chú Hùng từ làng Hoè Thị đã di nghề lên phố, làm bu lông, ốc vít để phục vụ việc xây cầu, dựng rạp xiếc, nhà hát. Đến đời bố chú nổi tiếng về sản xuất quốc huy, đạo cụ sân khấu. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ lúc bố chú – người thợ rèn tâm huyết khi đã gần đất xa trời đã gọi chú về nối nghiệp. Nghe lời bố, chú Hùng bỏ nghề sửa chữa ô tô về làm rèn, chủ yếu là làm đồ xây dựng.

Phố Lò Rèn thời thịnh vượng, từ 4 giờ sáng đến 7 giờ tối luôn rổn rảng tiếng búa đe, người từ khắp nơi đến mua hàng nhộn nhịp. Giờ đây, nghề rèn đã tàn nhưng với riêng chú Hùng thì nghề vẫn đang thịnh, bởi chú sản xuất ra nhiều mặt hàng độc quyền, làm không hết việc. Chẳng biết chú Hùng trụ lại với nghề vì miếng cơm manh áo hay còn vì muốn giữ cho sợi chỉ nghề rèn không đứt đoạn. Chú vẫn luôn nhớ mình là người làm rèn gốc gác từ Hoè Thị, vẫn về làng mỗi dịp giỗ tết để thắp hương, khấn vái tổ tiên. Và điều quan trọng ở người đàn ông này, lửa lòng chưa nguội tắt tình yêu với nhịp búa, tiếng đe, với muội khói than và mùi sắt thép...

Chính nghề rèn lại rèn cho chú Hùng thói quen không uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Vì bị cuốn theo công việc mà cũng ít cà kê, tụ bạ bạn bè. Thế mà không ngày nào chú không có bạn đến chơi. Họ kê chiếc ghế ngồi bên cạnh, vừa nhìn chú làm vừa trò chuyện. Thậm chí họ còn chọn xưởng rèn chật chội, nóng nực ấy làm nơi hẹn hò gặp mặt.

Sau bữa cơm trưa, không kịp nghỉ ngơi, chú Hùng lại bắt tay vào làm, mặc cái nắng như đổ lửa. Ngắm người thợ già miệt mài bên bễ than rực rỡ hoa lửa, những câu thơ lại vang lên: “Làm thợ rèn vui như diễn kịch/ Râu bằng than mọc lên bằng thích/ Nghịch ở đây già trẻ như nhau/ Nên nụ cười nào có tắt đâu”…

Huyền Châm
.
.