Góc khuất phận gái giang hồ

Thứ Sáu, 12/10/2012, 16:30

Tình yêu luôn là điều thiêng liêng và không có tội, cho dù đó là tình yêu của một người bình thường, hay của một kẻ thuộc thế giới giang hồ.

1. Nụ cười khẩy bất cần đời, mái tóc nhuộm đỏ, khuôn mặt lạnh lùng pha chút sương gió của Lê Thu Hằng, cô gái duy nhất liên quan đến nhóm cướp điện thoại di động táo tợn trong các quán Internet mà Công an quận Đống Đa vừa bắt giữ,  khiến tôi bất giác nhớ tới hình ảnh của My "sói", thiếu nữ tuổi "teen" cầm đầu một nhóm tội phạm toàn nam giới gây ra một loạt vụ án hiếp dâm, cướp tài sản của các cô gái ham chơi "nét" trên địa bàn Hà Nội từng xôn xao dư luận. Hình như những thiếu nữ thiếu bàn tay nâng niu chăm sóc của cha mẹ,  bị đẩy ra xã hội khi còn non nớt như Hằng, như My "sói" đều mang một vẻ ngoài hoang dại như vậy.

Thế nhưng khi nhận túi quần áo và những đồ dùng thiết yếu từ tay Thượng úy  Đào Ngọc Cường, cán bộ Đội CSHS Công an quận Đống Đa, nụ cười khẩy biến mất. Ánh mắt Hằng từ ngạc nhiên, chuyển sang biết ơn, và long lanh những giọt nước mắt. Khi bị bắt, Hằng chỉ có độc bộ quần áo trên người. Không nhà cửa, không người thân thích, không một xu dính túi. Sau khi biết hoàn cảnh của Hằng, Thượng úy Đào Ngọc Cường lặng lẽ về nhà thu xếp mấy bộ quần áo của bà xã mang đến cho Hằng. Anh mới lập gia đình được hơn một năm nay.

Hằng cúi gằm, rũ mái tóc che khuôn mặt để tôi không nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, ướt đầm một góc bàn nơi cô ngồi. Những giọt nước mắt vì tủi thân và cay đắng khi cô bắt đầu kể về phận đời đầy éo le của mình.

Trong ký ức của cô gái 24 tuổi, ngôi nhà thơ ấu là một căn phòng lụp xụp chưa đầy chục thước vuông ở khu Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lớn lên, Hằng được ở riêng trên gác xép. Phía trên là mái pro xi măng hầm hập khi hè về. Không có điện, không có nước sạch sử dụng hàng ngày. Nhà cô thuộc diện nghèo quanh năm trong cái xóm vốn có tiếng về cuộc sống nghèo túng và nhiều tệ nạn.

"Mẹ ư? Em chưa bao giờ biết mẹ là thế nào", Hằng lắc đầu chua chát. 47 tuổi, bố Hằng mới lấy vợ. Lớn lên, Hằng nghe bố kể lại ngay từ hồi mới sinh, mẹ dường như không có tình cảm với Hằng. Một mình bố xoay xở nuôi "bộ". Khi Hằng hơn 1 tuổi thì người mẹ bỏ đi biệt tích. Sau này, Hằng cố lục lọi mọi ngóc ngách trong nhà xem còn sót lại vật gì của mẹ. Cô tìm được một bức ảnh mẹ chụp lúc mang thai Hằng. Nhưng bất hạnh thay, bức ảnh bị ố đúng vị trí khuôn mặt của mẹ.

Hằng lớn lên trong tình thương yêu của người cha, lúc đó đã bước sang tuổi xế chiều. Bố làm nghề thợ xây, đi từ sáng đến tối mịt mới về, người lúc nào cũng trắng xóa vôi vữa. Học đến lớp 5 thì Hằng phải nghỉ học. "Sao em bỏ học sớm vậy? Mải chơi à?" - tôi hỏi. "Nhà nghèo quá, bố em lúc đó đã già yếu, không đi làm thợ xây được nữa. Bố chỉ lo ăn được cho em" - giọng Hằng lạc đi.

10 tuổi, cô bé theo các bà, các chị hàng xóm ra chợ buôn bán mớ rau, quả chanh kiếm sống. Bất lực vì tuổi tác, sức khỏe và cả sự thù hận người vợ đã bỏ đi,  bố Hằng đâm ra nghiện rượu. Không biết có phải vì lớn lên, trông Hằng có nhiều nét giống mẹ hay không mà mỗi lần uống rượu say, bố lớn tiếng chửi bới mẹ rồi xông vào đánh Hằng. Những lần như vậy, Hằng cứ đứng yên cho bố đánh. Đánh xong, người cha rũ ra, nằm vật đến hôm sau mới tỉnh rượu. "Em có nói lại chuyện bố đánh em trong lúc say rượu  không?". Hằng lắc đầu: "Em không bao giờ nói cho bố biết". "Vì sao?". "Vì em biết bố rất thương em. Chẳng qua là bố say rượu và hận mẹ nên mới như vậy".

Thương bố, Hằng rất muốn đi làm kiếm tiền để đỡ đần người cha ngày một già yếu. Cô hàng xóm tên Hạnh "sáu" rủ cô đi Lạng Sơn làm cửu vạn. Theo lời cô Hạnh "sáu" thì vác mỗi bao hàng sẽ được 50.000 đồng, chia đôi mỗi người một nửa. Hằng thích lắm, xin phép nhưng bố nhất quyết không đồng ý. Mùng 9 Tết âm lịch năm 2003, nhân lúc bố đi làm, Hằng lén theo cô Hạnh "sáu" đi làm ăn.

Sau khi đưa Hằng lên chợ Đồng Xuân chơi, cô Hạnh "sáu" dẫn Hằng ra bến xe đi Lạng Sơn. Tới Đồng Đăng, nghỉ chân tại nhà một người quen ăn uống, cô Hạnh "sáu" đưa Hằng sang Trung Quốc. Đi rất xa, đến tận Pò Chài, Hạnh "sáu" giao Hằng cho mấy người Trung Quốc rồi biến mất. Hằng được dẫn lên một ngôi nhà lụp xụp trên đồi, có hai thanh niên canh gác. Ngủ qua một đêm, hôm sau Hằng bị đưa vào một nhà chứa.

Thiếu nữ 15 tuổi được giá nên Hằng không thể nhớ hết đã bị bán cho bao nhiêu nhà thổ. Không chịu tiếp khách thì phải chịu đòn. Hằng kể có lần bị 4-5 thanh niên to khỏe thi nhau đấm, đạp vào người. Điểm cuối cùng Hằng bị bán là một nhà chứa ở Quảng Đông do một phụ nữ người Trung Quốc điều hành. Thấy Hằng nhanh nhẹn, học tiếng nhanh, mụ chủ ưu tiên không bắt Hằng tiếp khách mà giao nhiệm vụ "trông gái".

Hàng ngày, Hằng dẫn các cô gái bán dâm (phần lớn là gái Việt Nam bị lừa bán) đi khách, thu tiền và đưa các cô này trở về nhà trọ. Một lần, trong số gái bị ép bán dâm có cô bé tên Linh 12 tuổi ở Phú Thọ bị bạn trai lừa bán sang Trung Quốc. Thương cô bé còn ít tuổi, Hằng giúp Linh bỏ trốn. Lần ấy Hằng bị chủ đánh một trận nhừ đòn và bị phạt 7.000 nhân dân tệ, là tiền tích cóp được do khách "bo".

Đầu năm 2005, nhà thổ đó bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệt phá.  Hằng được đưa tới khu vực biên giới để về Việt Nam. Đặt chân xuống bến xe Kim Mã (Hà Nội), Hằng vẫn cảm thấy như mình đang mơ. Cô chạy như bay về nhà để gặp cha. Nhưng trước mắt Hằng, cửa nhà đã bị dán niêm phong. Những người hàng xóm cho biết từ ngày con gái mất tích, bố Hằng suốt ngày chỉ uống rượu. Và ông đã qua đời vì cảm mạo. "Thực ra em đã biết là bố sẽ không sống được lâu nữa. Có miếng nào ngon bố nhường cho em hết, không chịu ăn gì, chỉ uống rượu suông. Trước khi em bị bán sang Trung Quốc thì sức khỏe bố đã rất yếu rồi…".

Do xảy ra tranh chấp với nhà hàng xóm, Hằng bán luôn ngôi nhà lấy 100 triệu đồng. Tuổi trẻ bồng bột với một cô gái giờ đã trở thành "giang hồ", thì việc duy trì một mái nhà để trú ngụ, có lẽ cô không cần nghĩ tới.

2. Mười tám tuổi, Hằng chung sống như vợ chồng với một thanh niên tên Phong ở Yên Hòa, Cầu Giấy. Phong là  chủ hiệu cầm đồ, thuộc diện khá giả vì có nhiều nhà cho thuê trọ. Hằng bảo sống với Phong, cô ăn sung mặc sướng vì thỉnh thoảng Phong lại quẳng cho cô một cục tiền. Thế nhưng cuộc sống với Hằng chỉ là chiếc tủ kính. Phong đi chơi tối ngày, để cô ở nhà một mình. Thê thảm nhất là những ngày tết, Hằng cũng chẳng biết đi đâu. Có hai người bác và một người cô ruột, ở tận Phú Thọ và Sơn La. Đứa con để kết nối tình cảm với Phong đã bỏ cô đi khi nó mới chỉ là cái bào thai 6 tháng.

Sau 5 năm chung sống, Hằng quyết định ra đi. Một tháng sau thì Phong thiệt mạng trong một trận hỗn chiến. Không có người thân nào ở Hà Nội, Hằng tìm đến một người bạn gái ở Gia Lâm, trước đó cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Người bạn gái ấy cũng có số phận bất hạnh. Khi cô trốn được về Việt Nam thì chồng đã đi tù về tội buôn bán ma túy. Người bạn này cho Hằng ở nhờ cùng nhà.  Hằng xin bán hàng tại các quán cà phê để kiếm sống.

Gặp Nguyễn Mạnh Hiếu trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn, Hằng bảo sau cha mình, thì Hiếu là người đàn ông thứ hai luôn nhường miếng ăn cho cô. Với Hằng thì đó là cử chỉ của một người đàn ông yêu thương mình thực lòng. Vậy là bất chấp Hiếu đã từng 2 lần đi tù về các tội cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đang nghiện ma túy, bất chấp Hiếu đã từng có vợ và đang nuôi một con gái riêng 5 tuổi, Hằng lao vào tình yêu, bởi giờ đây Hiếu là người thân duy nhất để cô gửi gắm cuộc đời. Cuộc sống lang bạt giang hồ khiến cô mệt mỏi. Hằng ước ao một mái nhà, một chốn dừng chân. Hiếu không cho cô nhiều tiền như những người đàn ông khác. Nhưng Hiếu biết chiều chuộng, chăm chút cho Hằng từ bữa ăn, giấc ngủ. Hằng cảm thấy những mất mát, thiệt thòi của mình được bù đắp.

Thế nhưng một người đàn bà như Hằng, dù đã trải qua khá nhiều bầm dập của cuộc đời, cũng chưa đủ độ chín chắn để nhận ra sự liều lĩnh của một kẻ nghiện ma túy. Trước mặt Hằng, Hiếu là người tình tuyệt vời. Nhưng đằng sau, Hiếu bị ma túy điều khiển khiến anh ta trở thành tên tội phạm nguy hiểm. Công việc thu họ thuê không đủ tiền để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng trắng, Hiếu rủ hai bạn nghiện là Phan Thanh Tùng (34 tuổi) ở Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình; Đỗ Thế Kiên (29 tuổi) ở ngõ 273 phố chợ Khâm Thiên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đi cướp tài sản.

Ma túy khiến nhóm tội phạm này gây án hết sức hung hãn và liều lĩnh. Chúng cầm đao, kiếm xông vào quán Internet trên các tuyến phố thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa giữa ban ngày, khống chế khách chơi để cướp ví tiền, điện thoại di động, chủ yếu là các loại điện thoại đắt tiền như iPhone, HTC… Tang vật được mang bán cho Lê Như Viết (26 tuổi) ở phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, chủ một hiệu cầm đồ. Trưa 29/9 vừa qua, Hiếu, Kiên và Tùng vào một quán Internet tại A6 tập thể Khương Thượng, phường Trung Tự, quận Đống Đa, dùng đao, kiếm đe dọa cướp 4 điện thoại di động. 3 chiếc được bán ngay cho Viết lấy 5,7 triệu đồng. Hiếu giữ lại một chiếc iPhone để tặng cho người tình Lê Thu Hằng.

Trước tính chất gây án táo tợn, nghiêm trọng của nhóm cướp, Đội CSHS Công an quận Đống Đa phối hợp Công an phường Trung Tự tập trung điều tra và nhanh chóng làm rõ danh tính nhóm cướp. Hiếu bị bắt  về tội cướp tài sản. Sử dụng chiếc điện thoại tang vật do Hiếu cướp được, Hằng cũng đã bị bắt giữ về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

3. Những ngày ở nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, Hằng  hồn nhiên nói rằng tội của cô nhẹ hơn nên nếu được "ra" trước, cô sẽ thăm nuôi Hiếu và chờ đợi. Cô ước ao đến ngày nào đó sẽ được mặc áo cô dâu, cho dù đám cưới ấy chỉ cần hai đứa biết với nhau.

Lãng mạn quá ư? Xa vời quá ư? Tôi không nghĩ là như vậy. Bởi với một cô gái chịu nhiều thiệt thòi như Hằng thì khát khao hạnh phúc luôn cháy bỏng.

Tôi cũng không nghĩ là Hằng đã sai lầm khi lựa chọn tình yêu cho mình. Bởi dù là một người lương thiện hay một kẻ giang hồ, một tên tội phạm, thì tình yêu  luôn là điều thiêng liêng và không có tội.

Và nếu là một tình yêu đẹp, thì hi vọng nó sẽ giúp cho cả Hằng và Hiếu vượt qua sai lầm, hướng thiện để tìm đến hạnh phúc.

Ngày 5/10/2012, chỉ huy Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết vừa khám phá ổ nhóm chuyên cướp điện thoại di động trong các quán Internet trên địa bàn Hà Nội với phương thức khá liều lĩnh, manh động.

3 đối tượng về tội cướp tài sản gồm: Nguyễn Mạnh Hiếu (30 tuổi, ở ngách 107/20 Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng); Phan Thanh Tùng (34 tuổi, ở Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình); Đỗ Thế Kiên (29 tuổi, ở ngõ 273 phố chợ Khâm Thiên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). 2 đối tượng khác về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, gồm: Lê Như Viết (26 tuổi) ở phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai và Lê Thu Hằng (24 tuổi) ĐKHK tại ngõ 20B Trại Găng, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

3 đối tượng bị bắt giữ về tội cướp tài sản và tang vật.

Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng, trong thời gian từ 15/8 đến 29/9/2012, chúng đã gây ra 10 vụ cướp tài sản tại các quán Internet ở khu tập thể Trung Tự, tập thể Khương Thượng, đường Trường Chinh, Lương Định Của (quận Đống Đa) và đường Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), cướp tổng số 23 điện thoại di động của khách chơi Internet, trong đó chủ yếu là các loại điện thoại đắt tiền như iPhone, HTC…

Bước đầu Cơ quan điều tra đã xác định được 17 bị hại, thu giữ 8 điện thoại di động các loại và đao, kiếm là hung khí gây án của nhóm cướp tài sản này. Để phục vụ công tác điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa thông báo, những bị hại bị các đối tượng cướp tài sản với phương thức, thủ đoạn tương tự như trên, đề nghị cung cấp thông tin tới Đội CSHS Công an quận Đống Đa. Điện thoại: 04.35148243.

Hương Vũ
.
.