Hai câu chuyện về một cây cầu
Cây cầu phận người...
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thiện (38 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) vào đúng lúc trưa nắng. Mấy ngày nay anh ở nhà vì phải chăm sóc vợ ở cữ. Tiếp chúng tôi nhưng đôi mắt đượm buồn và âu lo hướng ra cây cầu bỏ dở, đang bị tạm ngưng vì xây dựng trái phép. Chỉ còn mấy tiếng nữa thôi, “số phận” nó sẽ được quyết định.
Suốt từ trước tết Nguyên đán đến giờ anh cứ như người mất hồn, chẳng làm ăn gì được vì tờ quyết định xử phạt lên tới 40 triệu đồng. So với căn nhà còn tạm bợ mà gia đình 6 người (hai vợ chồng và 4 đứa con, đứa bé nhất mới sinh được 10 ngày) đang sinh sống, số tiền phạt lớn quá khiến anh Thiện lo sốt vó.
Anh Thiện trên cây cầu dang dở. |
Nghề chính của anh Thiện là nuôi tôm. Hiện nay, các đìa tôm của anh đang bỏ không vì thiếu vốn. Anh phải tranh thủ làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con và đóng phạt. Ngoài ra, hiện anh đang nợ ngân hàng và Hiệp hội Thanh niên số tiền gần 100 triệu đồng, do mấy mùa tôm trước đều thất bát.
Nơi gia đình anh sinh sống gọi là nhà cũng được mà chòi cũng không sai. Nó tạm bợ như thói quen của người nông dân vùng sâu vùng xa ở miền Tây. Nó được dựng lên bởi chính bàn tay lam lũ của anh từ khi anh chị mới lập gia đình. Tu tạo mãi, nay nó mới ra dáng cái nhà.
Tự tay anh dựng cột xây tường. Mái nhà được lợp bằng lá dừa nước, cũng do anh chị tự chặt từng tàu dừa nước tại các kênh rạch quanh nhà. Làm nhà, anh chị chỉ tốn tiền mua những vật dụng không thể tự mình làm ra được. Vật liệu thì tự kiếm nhiều hơn mua. Ở thì được, chứ có bán, ngôi nhà ấy cũng chẳng ai mặn mà.
Lối vào nhà anh phải đi qua mấy cây cầu nhỏ nằm lọt thỏm dưới tán dừa nước. Xe máy không vào được, chúng tôi phải bỏ xe lại, đi bộ men theo bờ đìa tôm. Lối đi nhỏ hẹp, không quen, người và xe rất dễ lộn cổ xuống rạch, xuống đìa.
Anh Thiện, anh trai và em gái hiện đang ở trên khu đất của gia đình. Nhưng, muốn đi ra đường lớn thì phải đi nhờ qua phần đất của một số hộ dân liền kề. Tuy nhiên, phần đất này gần đây đã được bán cho chủ mới và họ không cho đi nhờ nữa. Do đó, lối ra duy nhất chỉ còn cách bắc cầu qua rạch Bào Sình vốn đã tắc dòng, không có xuồng ghe qua lại. Nhiều đoạn người dân đã cho lấp đất và đặt cống.
Anh nghĩ nếu bắc cây cầu nhỏ qua con rạch này, vừa tiện đi lại, vừa không phải nhờ vả ai vì vui thì người ta cho đi nhờ mà có chuyện gì thì người ta bít lối thì chỉ có... lội rạch mà qua. Xưa nay, ở vùng sông nước vùng sâu vùng xa này, việc bắc những cây cầu nhỏ qua kênh rạch là chuyện bình thường, có thấy ai phản đối gì đâu. Nghĩ là làm, anh quyết định vay mượn khoảng 50 triệu đồng để xây cầu.
Trước khi xây cầu, gia đình anh đã làm đơn trình bày hoàn cảnh gửi đến chính quyền địa phương. Chờ mãi không thấy trả lời. Đang mùa khô, khá thuận, anh liều tranh thủ làm để có cây cầu cho vợ con đi lại cho thuận lợi, khi mà tết đang đến gần. Và từ đó, cây cầu nhỏ đã hình thành. Chòm xóm cũng mừng cho anh. Có người còn hỗ trợ công sức giúp anh xây cầu. Cây cầu bê tông cốt thép với chiều ngang 0,8m, chiều dài 40m bắc qua kênh.
Khi cây cầu sắp hoàn thành thì UBND xã Phước Vĩnh Đông mới phát hiện, cho người đến lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công. Thiện gãi đầu gãi tai nhưng biết mình sai nên cũng vui vẻ chấp hành, ngưng ngay.
Cha con anh Thiện dắt nhau qua cây cầu xây dở vừa được UBND huyện Cần Giuộc đồng ý cho giữ lại. |
Cán bộ xã Phước Vĩnh Đông cho biết, sau khi đình chỉ thi công, xã cũng đã hướng dẫn anh Thiện làm đơn gửi lên cơ quan chức năng cấp huyện như Phòng Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp... xin thủ tục cấp phép. Chờ lâu, chờ hoài không thấy, anh Thiện lại tiếp tục rị mọ xây. Cán bộ của UBND xã Phước Vĩnh Đông lại xuống, lại yêu cầu anh dừng ngay việc xây dựng trái phép.
Ngày 18-2, chính quyền xã chỉ đạo 20 cán bộ ra tháo dỡ, chở tấm đan lát mặt cầu đi. Bà con xung quanh nghe tin kéo cả trăm người ra xin giùm anh Thiện. Ờ, thì nó biết sai rồi, cho nó sửa. Không cho nó xây cầu, vợ con nó biết lấy đường đâu mà đi. Cán bộ xã không nỡ dỡ cầu, đành bỏ về, gửi giấy mời anh Thiện ra xã làm việc.
Sau đó thì quyết định xử phạt về hành vi vi phạm hành chính được đưa ra cho lỗi xây cầu bê tông cốt thép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Mức phạt 40 triệu đồng được trình lên UBND huyện Cần Giuộc, Long An và Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc đã ký.
Cầm quyết định, Thiện nói như khóc: "Tui đi mần mướn, phạt chừng đó, tiền đâu mà đóng? Mấy đứa nhỏ đói chắc!". Chị Phượng vợ anh thì lẳng lặng bỏ cơm chiều, ra sau hè ngồi khóc đến tối.
Giữa lý và tình
Hay chuyện, chúng tôi vào thăm, anh Thiện cũng thừa nhận việc làm của mình là sai. Chưa được đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, sai chắc rồi. Nhưng, anh không còn cách nào khác. Không có cầu, vợ con anh sẽ đi lại như thế nào. Đàn ông trai tráng như anh, cởi đồ lội rạch cũng được nhưng đàn bà mới sinh, đám con nít thì bơi lội kiểu gì?
Đêm hôm, lỡ có người đau ốm, biết đường nào mà chạy? Rồi còn việc học hành của mấy đứa nhỏ... Anh đùa mà như khóc: “Cứ bơi lội qua rạch miết, biết đâu sau này các con tôi trở thành vận động viên bơi lội cấp quốc gia!”.
Cây cầu xây dở của anh Thiện. |
Đìa tôm của anh Thiện đang chờ vốn để đầu tư sản xuất. |
Người dân xung quanh cũng tỏ ra thông cảm và động viên anh. Cán bộ xã xuống ngăn việc xây cầu không phép, họ đã kéo tới “xin” cho anh. Họ biết và không khuyến khích việc làm sai của anh Thiện nhưng, họ cũng nghĩ cái tình. Dân nghèo, nhà nước chưa xây cầu cho dân hết được. Bí quá, dân mới tự bỏ tiền, tự xây cầu, nếu có sai thì gỡ bí cho dân, nỡ nào phạt nặng?...
Trung tá Chương Văn Thi, nguyên Trưởng Công an thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, Long An đã chuyển ngành hay tin vội tìm xuống thăm anh Thiện. Tối 20-2, trên trang Facebook Thi Van Chuong, anh đã viết một bài ngắn về nỗi khốn khổ của người nông dân xây cầu. Anh bảo: "Tôi thấy gì viết vậy". Giản dị vậy thôi, riu riu mà thấm. Vì anh đang nói giúp tiếng nói của bà con, của người nông dân nghèo. Vì anh đang nêu lên, phê bình những bất cập của chính quyền, nêu nỗi băn khoăn giữa đôi bên tình - lý.
Mạng xã hội đã phát huy sức mạnh lan tỏa của nó. Nhiều tờ báo đã cử phóng viên về trong hai ngày Thứ bảy và Chủ nhật. Và chính quyền địa phương đã cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu... Chỉ 4 ngày sau, nỗi phiền muộn của anh Thiện đã được tháo gỡ thấu tình, đạt lý.
Chiều 24-2, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc khẳng định, việc anh Thiện tự ý xây cầu, UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định pháp luật.
Về việc tồn tại cây cầu, căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, huyện đã xem xét và đã có chỉ đạo UBND xã Phước Vĩnh Đông tổ chức lấy ý kiến người dân. Nếu đa số đồng thuận, địa phương sẽ giữ lại cây cầu để gia đình anh Thiện đi lại. Anh Thiện phải cam kết nếu sau này có giải phóng mặt bằng thì không yêu cầu bồi thường. Đồng thời, sẽ cân nhắc để miễn hoặc giảm mức phạt cho anh Thiện.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, Long An. |
Ngay trong chiều 24-2, UBND xã Phước Vĩnh Đông đã có cuộc gặp gỡ với người dân ấp Vĩnh Thạnh để lấy ý kiến. 100% người dân có mặt nhất trí xin để lại cây cầu và xem xét giảm nhẹ mức phạt cho vợ chồng anh Thiện. Chính quyền chấp nhận nguyện vọng của dân. Thỏa thuận họp lý hợp tình, bà con vỗ tay rần trời.
Nép mình vào góc nhà văn hóa ấp hồi hộp chờ đợi, anh Thiện xúc động: "Bà con ai cũng thương mình, chính quyền cũng hứa luôn rồi. Vợ con tui chắc là mừng xỉu mất". Cuộc họp vừa xong, anh nhảy cẫng lên, rút ngay điện thoại báo tin vui cho vợ.
Tạm thời, anh Thiện sẽ chưa phải nộp phạt. Cây cầu sẽ được tiếp tục hoàn thiện. Có thể nói, chính quyền huyện và xã đã biết “lắng nghe, thấu hiểu”, đã có quyết định thật sự hợp lòng dân. Bà Võ Thị Như Thảo, Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông cho biết, trước đó anh Thiện đã cố ý xây dựng công trình cầu dân sinh khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và lập biên bản, đồng thời yêu cầu gia đình anh Thiện phải tháo dỡ công trình, trả nguyên hiện trạng. Nay anh Thiện và bà con đã kiến nghị như thế, chính quyền sẽ xem xét sao cho bà con thấy rõ cái sai mà cũng đỡ bớt thiệt thòi.
Bà Thảo còn cho biết, xã chưa bao giờ nhận được phản ánh nào của gia đình anh Thiện về việc các hộ liền kề ngăn chặn không cho đi nhờ lối đi. Nếu có sự ngăn cản, địa phương sẽ có hướng giải quyết thỏa đáng.
Chính quyền, cơ quan chức năng đã giải quyết vụ việc có lý có tình, 100% người dân ủng hộ và cây cầu được tồn tại. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, nếu ai cũng như anh Thiện thì không chỉ có một cây cầu mà nhiều cây khác mọc lên thì sao? Nếu cứ “mạnh ai nấy làm”, lúc ấy sẽ giải quyết như thế nào?
Câu chuyện cây cầu cũng cho thấy sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp phép. Nếu có công văn, kết quả trả lời kịp thời thì anh Thiện đã không tự ý làm cầu và đã không có cái quyết định, khiến anh và gia đình phải dở khóc dở cười khi suýt phải chịu khoản tiền phạt quá lớn so với khả năng kinh tế của gia đình.
Câu chuyện chỉ mới xuất hiện trên mạng xã hội từ tối 20-2, đến chiều 24-2 đã được giải quyết thấu tình đạt lý, dù khoảng giữa là hai ngày nghỉ Thứ bảy và Chủ nhật. Đó cũng coi như một kỷ lục được lập nên bởi chính quyền biết lắng nghe dân, thật sự cầu thị và thấu hiểu.