Hành trình dạy con viết cuộc đời bằng đôi chân nhỏ

Thứ Tư, 22/08/2018, 13:26
Ngày lựa chọn cuộc sống của một bà mẹ đơn thân với sinh linh đang hình thành trong bụng, người mẹ ấy đã khóc. Đến khi nhìn đứa con mình sinh ra không được hoàn thiện như đứa trẻ khác, chị lại khóc lần thứ hai. Nhưng cũng kể từ đó, chị đã tự nhủ rằng nước mắt của mình không thể rơi.

Bởi người mẹ ấy cần sự mạnh mẽ, để đồng hành cùng đứa con tật nguyền đang từng ngày từng giờ, cố gắng dùng đôi chân của mình tập quen với cuộc sống, để tự viết lên cuộc đời của chính mình.

Bước ngoặt của cuộc đời

Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Tuyên (trú tại xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã tránh không nhắc đến lý do không kết hôn mà chọn cuộc sống của một bà mẹ đơn thân, nhưng chị cho biết đây là một bước ngoặt, lựa chọn mà chị cho là đúng đắn của cuộc đời.

Theo lời kể của của chị Tuyên, năm 2010 là một mốc thời gian đáng nhớ bởi đó cũng là thời điểm, chị trở thành bà mẹ của hai đứa con và cũng là lúc chị phát hiện một đứa con thơ của mình bị thiếu đi đôi tay.

Trước đó trong khoảng thời gian mang thai, chị Tuyên sống cùng bố mẹ ruột và các em, với mong muốn sinh được một đứa con khỏe mạnh nên chị đã chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho đứa con của mình. Đến khi nhận được thông tin, cái thai trong bụng là thai đôi, niềm vui với gia đình chị dường như được nhân lên gấp bội. Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng được bao lâu, đến ngày chị Tuyên hạ sinh hai đứa trẻ, ai cũng phải ngỡ ngàng khi thấy một đứa lành lặn, đứa còn lại bị khuyết hai tay tới tận vai.

Ngày hôm đó, người phụ nữ mới trở thành mẹ của hai đứa trẻ đã khóc cạn nước mắt, phần vì thương con, phần vì thương cho chính số phận của mình. Tuấn Anh và Tiến Anh là hai cái tên được người mẹ đặt cho hai đứa con, gửi gắm vào đó là yêu thương và biết bao mơ ước, mong hai đứa con khôn lớn dù trong hoàn cảnh không có bố.

Ba mẹ con chị Tuyên.

Chị Tuyên nói: “Khi thấy cháu Tiến Anh bị thiếu mất đôi tay, gia đình tôi rất sốc. Nằm trên giường bệnh, tôi đã khóc suốt một ngày khi nghĩ đến cuộc sống của con sau này. Không biết cháu sẽ lớn lên thế nào, đi học thế nào, đi làm thế nào. Tại sao ông trời không giáng tai ương ấy lên người tôi mà lại để con tôi phải chịu. Nhưng cũng sau ngày hôm ấy, tôi đã nghĩ rằng, dù cháu có thế nào đi nữa thì tôi cũng phải dạy con nên người, có thể tự sống bằng chính đôi chân của mình”.

Gia cảnh khó khăn, lại có thêm hai sinh linh bé nhỏ trong nhà nên chỉ sau một thời gian ngắn sinh con, chị Tuyên đã phải gửi con cho ông bà để đi làm kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, gia đình chị Tuyên cũng có nhiều công việc nên phần lớn thời gian, hai đứa trẻ nằm trong nhà, tự chơi với nhau. Dường như biết được hoàn cảnh gia đình, biết được nỗi khổ của mẹ, hai đứa trẻ càng lớn càng tỏ ra tự lập, ngoan ngoãn, yêu thương lẫn nhau.

Nhất là đối với Tiến Anh, đứa trẻ bị tật nguyền cần sự chăm sóc đặc biệt của người lớn nhưng đã có ý thức tự lập từ bé. Cậu bé không hề ỷ lại nhờ sự giúp đỡ của người khác mà luôn tự tập, tự cố gắng làm những việc như cầm, nhặt đồ bằng chính đôi chân của mình. Điều đó cũng khiến người mẹ được an ủi phần nào khi thấy đứa con của mình không ngừng nỗ lực.

“Hai đứa trẻ ở nhà rất ngoan, khi không có ai trông thì đều nằm im trên giường chờ mẹ đi làm về, không hề quấy khóc. Thời gian trôi nhanh lắm, mới ngày nào chỉ là hai đứa trẻ đỏ hỏn rồi tập bò, tập đi, tập chạy. Nhìn Tuấn Anh có thể hoạt động như những đứa trẻ khác, tôi càng thương Tiến Anh khi thấy con phải nằm một chỗ vì không có tay nên không thể trở mình. Tiến Anh chỉ có thể ngoái đầu, liếc mắt nhìn sang người anh song sinh vui đùa quanh chỗ nằm của mình”, chị Tuyên nói với giọng đượm buồn.

Hai anh em Tiến Anh và Tuấn Anh.

Không buồn sao được khi một mình chị phải gồng gánh nuôi hai con, một đứa lại không được lành lặn, phải vất vả hơn nhiều khi chăm sóc. Nhưng cũng vì các con ngày càng khôn lớn, ngày càng khỏe mạnh đã trở thành nguồn động lực cho người mẹ đơn thân có thể vượt qua mọi khó khăn.

Có lẽ cả cuộc đời này, chị Tuyên sẽ không thể nào quên được giây phút nhìn thấy Tiến Anh bất ngờ trở mình, ngồi dậy trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Sau một vài giây lắng đọng, cảm xúc của những người có mặt dường như bùng phát bởi điều kì diệu đang xảy ra trước mắt. Chị Tuyên nói rằng, nhìn thể trạng của Tiến Anh nhỏ bé so với anh trai Tuấn Anh, chị không nghĩ con có thể tự làm những việc đó mà không có sự giúp đỡ của người lớn. Thế nên khi chứng kiến cảnh con tự lật người, chị đã khắc sâu vào tâm trí mình và không thể nào quên.

Tập viết bằng đôi chân

Có mẹ đồng hành trong hành trình chinh phục chính cuộc sống của mình, thế nhưng Tiến Anh dường như ít khi cần đến sự giúp đỡ của mẹ. Em có thể tự dựa mình theo tường nhà để đứng dậy, cũng giống như em đã tự lật người trước đó. Sau nhiều tháng men theo tường nhà, Tiến Anh cũng dần đứng vững trên đôi chân, có thể ra cửa đứng đợi mẹ giống như người anh song sinh Tuấn Anh.

Cậu bé Tiến Anh và những dòng chữ viết bằng chân.

Nhìn thấy hai anh em đứng cạnh nhau đợi mẹ, chị Tuyên như vỡ òa, đứa con nhỏ bị thiệt thòi thiếu hai cánh tay đã cho chị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chị tâm sự: “Cho đến giờ đã nhiều năm rồi nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh đó, tôi lại xúc động. Tiến Anh không được lành lặn như đứa trẻ khác nên tình thương của tôi cũng dành cho con nhiều hơn. Khi thấy cảnh đó, cả đêm tôi đã thao thức không ngủ vì vui mừng. Nhìn đứa con bé nhỏ dũng cảm đang nằm bên mình, tôi rất tự hào về con”.

Chị Tuyên vẫn còn nhớ, năm hai đứa trẻ được 3 tuổi, Tuấn Anh đã nói sõi còn Tiến Anh thì vẫn đang ngọng nghịu tập nói từng từ. Để các con được chăm sóc tốt, được giao tiếp nhiều với các bạn trẻ khác, chị Tuyên đã cho hai anh em đi học mẫu giáo. Để tiện chăm sóc con cũng như ở bên cạnh Tiến Anh những ngày đầu tiếp xúc các bạn đồng trang lứa không bị bỡ ngỡ, chị Tuyên đã xin vào làm phụ bếp cho trường mẫu giáo các con học.

Biết được hoàn cảnh của gia đình, lãnh đạo trường mầm non cũng đồng ý cho chị Tuyên có thể chăm sóc con mỗi khi xong việc. Năm học đầu, trong khi những đứa trẻ khác được cô giáo đút cơm, Tiến Anh lại ngồi chờ mẹ làm xong việc nhà bếp rồi mang cơm lên đút. Đến năm các em 4 tuổi, các bạn trong lớp đều có thể tự xúc cơm ăn, còn Tiến Anh thì không thể. Nhưng thấy cảnh các bạn tự ăn, Tiến Anh cũng không chịu để cho mẹ đút cơm như trước mà đòi tự tập xúc bằng đôi chân của mình.

Vì thương con và cũng không muốn con phải tự ti với bạn bè, chị Tuyên đã cùng cậu con trai nhỏ tập xúc từng thìa cơm một. Có những lúc thức ăn rơi vãi khắp chỗ ngồi, khắp lên người nhưng hai mẹ con đều không bỏ cuộc. Mỗi ngày như vậy, chị Tuyên đều ở lại chờ Tiến Anh ăn xong rồi dọn dẹp, lau chùi cho con. Nhờ sự quyết tâm, chỉ sau một thời gian ngắn, Tiến Anh đã có thể ăn cơm một cách dễ dàng nhờ đôi chân của mình, trước con mắt thán phục của các bạn và cô giáo. Không ai có thể hiểu được vì sao một đứa bé 4 tuổi lại có nhiều nghị lực đến như vậy.

“Sau khi ăn cơm, Tiến Anh cũng học cầm bút màu để vẽ tranh, tập viết chữ, không kém gì các bạn trong lớp. Có những lúc, con miệt mài tập quá khiến cả một mảng da lớn bị phồng rộp nhưng bé cũng không khóc lóc với mẹ. Chân này đau, Tiến Anh lại chuyển qua chân kia và bây giờ con có thể viết được bằng cả hai chân”, chị Tuyên tự hào kể về con.

Thời gian đầu tập viết, do bàn chân không thể kiểm soát việc cầm nắm tốt được như bàn tay nên cậu bé Tiến Anh khi đó mới 4 tuổi đã khiến các trang giấy bị nhàu nát, chữ viết nguệch ngoạc. Nhưng sau nhiều năm luyện tập, vào thời điểm hiện tại, nhìn những nét chữ nắn nót trong vở tập viết của Tiến Anh, không ai nghĩ em là một cậu bé không có hai cánh tay.

Giấy khen học sinh giỏi của Tiến Anh.

Ngoài viết chữ, Tiến Anh cũng rất có năng khiếu đá bóng. Cả hai anh em thường xuyên tham gia đá bóng với đám trẻ con trong xóm, đều giữ vị trí tiền đạo. Nói về em trai mình, bé Tuấn Anh kể: “Đi đá bóng cháu hay chạy bên cạnh em, nếu em ngã thì có thể cầm áo em kéo lại, giúp em đứng dậy nhanh hơn. Nhưng em Cò (Tiến Anh) chạy nhanh lắm, các bạn trong xóm đuổi theo không được”.

Hiện tại, hai anh em Tiến Anh, Tuấn Anh đã bước vào lớp 3, trong hai năm học trước, cả hai đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra ở trường, Tiến Anh còn được nhiều thầy cô giáo yêu mến bởi năng khiếu hội họa của mình. Tuy nhiên, khi nói về ước mơ của mình, Tiến Anh cho biết em muốn trở thành một cầu thủ bóng đá. Giờ đây, mỗi buổi sáng cậu bé 8 tuổi Tiến Anh đã có thể dùng đôi chân để mặc quần áo, tắm rửa, đánh răng rửa mặt hay làm bất kỳ điều gì mà những người khác có thể làm được. Sau giờ học, cậu lại cùng anh trai ra đầu làng tham gia đá bóng cùng những đứa trẻ trong xóm.

Nhìn con trai khôn lớn, có thể sống như một người bình thường không còn cần sự giúp đỡ của người khác, nhưng chị Tuyên tâm sự rằng, với hai đứa con của mình, dù có lớn như thế nào, có tự lập ra sao thì trong mắt chị vẫn là hai đứa trẻ đỏ hỏn ngày nào. Cả cuộc đời này của chị sẽ chỉ dành cho hai đứa con, cho dù chúng đã đứng vững bằng đôi chân của mình.

Phong Hiền
.
.