Hành trình giải mã virus Corona
Nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mà tổng chỉ huy là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - người 17 năm trước cùng nhóm cộng sự đã bắt thành công virus SARS-CoV và sau đó là virus H5N1 lại một lần nữa ghi danh vào bước tiến y học khi đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước trên thế giới phân lập thành công chủng virus Corona mới.
Cường độ công việc quá tải gấp 3
Tới Khoa Virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) ngay sau ngày tập thể nhóm nghiên cứu và 6 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona, chúng tôi mới phần nào hiểu hết được những vất vả, hy sinh của các nhà khoa học khi cường độ làm việc luôn trong guồng quay chóng mặt vì dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh trong những ngày qua.
Từ trước tết Nguyên đán đến nay, các cán bộ, nhân viên của Phòng Thí nghiệm cúm và Phòng Thí nghiệm các tác nhân virus gây bệnh từ động vật sang người, Khoa Virus đã không có ngày nghỉ, làm việc và ứng trực 24/7 để nghiên cứu phân lập virus, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ 28 tỉnh, thành phía Bắc gửi về.
Trong phòng thí nghiệm, các nhân viên mặc quần áo bảo hộ miệt mài làm việc. Mỗi ca kéo dài 4 tiếng trong căn phòng khép kín, họ đã rèn luyện thành thói quen, gần như không phải ra ngoài. Áp lực công việc luôn đè nặng bởi các mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm liên tục đưa về.
Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu, thời gian đầu khi thông tin về bệnh rất ít, qua hệ thống giám sát cúm toàn cầu, có thông tin xuất hiện một dạng bệnh viêm phổi có khả năng do virus mới gây ra tại Trung Quốc. Các thông tin được chia sẻ chỉ biết rằng đó là virus lạ nhưng gọi tên cho được chủng virus đó là gì thì lại chưa biết.
Tại Việt Nam chưa xuất hiện mẫu bệnh phẩm nên việc nghiên cứu hay hiểu biết về virus này còn mờ nhạt. Đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đấy là virus Corona thì các nhà nghiên cứu của Viện VSDTTƯ đã lên tinh thần chuẩn bị phải chiến đấu với nó.
Các nhà khoa học đã phải tăng cường độ làm việc gấp nhiều lần để nghiên cứu virus trong phòng thí nghiệm. |
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện VSDTTƯ cho biết, thời điểm đó chúng ta chưa có mẫu chứng dương để đối chứng phục vụ xét nghiệm phát hiện ra virus mới này. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều không có. Tham khảo quốc tế, nhóm nghiên cứu được khuyến cáo có thể sử dụng virus SARS-CoV cho xét nghiệm tìm virus mới này mà virus SARS-CoV lại được Viện phân lập cách đây 17 năm, vẫn còn lưu giữ tại Phòng An toàn sinh học cấp 3 để phục vụ công tác nghiên cứu.
Nhớ lại khoảng thời gian này, TS.BS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng Khoa Virus cho biết là rất vất vả. Từ 28 tết, khi Phòng Thí nghiệm thông báo có ca bệnh mới là từ đó đến nay đều không có ngày nghỉ, một số người còn phải ứng trực tại Viện. Ths. Lê Thị Thanh (Trung tâm Cúm quốc gia) cho biết, từ khi có dịch đến nay, công việc của chị ngày nào cũng bắt đầu từ 8h30 sáng đến 7h tối.
Dù con gái nhỏ mới hơn 1 tuổi, song vì nhiệm vụ, chị sẵn sàng hy sinh cả tết để dốc lòng cho công việc. Ca bệnh đầu tiên mọi người làm việc tới 11 giờ đêm mới về nhà. “Phía bệnh nhân thì mong muốn có kết quả nhanh nhất nhưng chúng tôi lại mong muốn có kết quả chính xác nhất”- chị Thanh chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus thì, thời điểm đặc biệt nhiều lo lắng và áp lực nhất là từ 28 đến mùng 6 tết vì giai đoạn đó tất cả hệ thống chẩn đoán và thông tin đều phải cập nhật sàng lọc.
“Ngày mùng 6 tết chúng tôi khẳng định được 3 trường hợp đầu tiên ở phía Bắc dương tính, lúc đó mới thấy có lo lắng vì có ca dương tính nhưng điều kiện xét nghiệm và khẳng định kết quả đã cho mình thấy đỡ áp lực. Ngày đầu hệ thống chẩn đoán chỉ tham khảo, chưa biết bao giờ có kết quả, làm bằng phương pháp chính xác nhất, thành công ngay cũng phải 2-3 ngày, có mẫu còn phải kéo dài hơn. Những ca xét nghiệm đầu tiên rất quan trọng nên thời gian xét nghiệm kéo dài. Chính vì vậy ai cũng căng thẳng vì tất cả mọi nơi đều trông chờ vào kết quả của mình”.
Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ để ra được kết quả, bởi nhiều lúc máy phải chạy qua đêm nên có trục trặc. Mỗi lần như vậy, cả phòng thí nghiệm lại “thót tim”. Tuy nhiên, việc lặp lại xét nghiệm là chuyện bình thường. Ví dụ như lấy mẫu không chuẩn, ra kết quả âm tính nhưng yếu tố lâm sàng không phản ánh điều đó thì vẫn lấy lại mẫu để làm. Hoặc kết quả dương tính nhưng các kỹ thuật viên phải liên hệ với các yếu tố dịch tễ, tình trạng bệnh nhân để có đánh giá chính xác nhất.
PGS Hằng chia sẻ, quá trình xét nghiệm cần rất nhiều bước, đòi hỏi các nhân viên Phòng Xét nghiệm phải có độ chính xác và tỉnh táo cao nhất. Chỉ sơ sểnh một chút xíu, các mẫu bệnh phẩm phát tán virus ra ngoài, cán bộ xét nghiệm là người lây nhiễm đầu tiên.
Nếu như những ngày đầu Viện chỉ tiếp nhận xét nghiệm 20-30 mẫu/ngày thì sau khi có 3 ca dương tính, cỡ mẫu bắt đầu tăng đột biến, có ngày 70-80 mẫu, đặc biệt là ở các tỉnh khu vực biên giới. Sau khi có ổ dịch ở Vĩnh Phúc, cán bộ của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm cùng Khoa Virus hỗ trợ đi lấy mẫu, mỗi lần phải trên dưới 100 mẫu.
Theo lý thuyết, mỗi ngày Viện chỉ thực hiện xét nghiệm từ 10-25 mẫu mà hiện nay khối lượng công việc tăng gấp 3-4 lần. Rất may hiện giờ, việc chẩn đoán đã vào thường quy, chỉ mất 4-5 đến 8-9 tiếng là có kết quả. Đặc biệt, Quảng Ninh và Hà Nội đã tự sàng lọc được, giảm áp lực rất lớn cho lớn những người làm xét nghiệm ở Viện.
Thành công từ sự miệt mài
Chia sẻ về quá trình đi “bắt” virus Corona mới, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết, nghiên cứu xác định được căn nguyên dịch là ưu tiên hàng đầu để phục vụ cho các bác sĩ điều trị và bác sĩ dự phòng, giúp bác sĩ điều trị cho bệnh nhân theo hướng nào, cách ly như thế nào và bao lâu thì được ra viện. Tuy nhiên, trong các vụ dịch nói chung và vụ dịch do virus Corona mới lần này, bên cạnh công tác phòng chống dịch và trả lời kết quả nhanh, đáp ứng nhanh, thì vẫn phải đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, bởi mọi nghiên cứu cần được triển khai ngay khi có mẫu virus mới. Chính vì vậy, lãnh đạo Viện VSDTTƯ đã chỉ đạo, bên cạnh việc phải chẩn đoán sớm, trả kết trong 24 giờ thì phải định hướng việc nghiên cứu phân lập virus Corona mới.
Dưới sự chỉ đạo của GS. Viện trưởng Đặng Đức Anh, nhóm nghiên cứu gồm 11 người là những cán bộ của Phòng Thí nghiệm cúm và Phòng Thí nghiệm các tác nhân virus gây bệnh từ động vật sang người (Khoa Virus) dưới sự tổng chỉ huy của PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã bắt tay vào nuôi cấy.
PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết, để nghiên cứu được thì tiêu chuẩn vàng đầu tiên phải phân lập được virus. Bởi dù mẫu xác định là dương tính, trả lời bệnh nhân đã nhiễm bệnh, tuy nhiên nó có thể là con virus sống hoặc con virus không còn sống (phương pháp phát hiện là vật liệu di truyền). Còn khi đã phân lập trên dòng tế bào cảm thụ, khi thu được virus sống sẽ là cơ sở quan trọng để bắt đầu cho rất nhiều nghiên cứu sau này, hướng đến tìm ra vaccine phòng bệnh.
PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng. |
“Việc phân lập đã được chúng tôi nghĩ đến ngay vì trước đó Viện đã phân lập được virus SARS-CoV năm 2003 và cúm gia cầm động lực cao H5N1 năm 2004. Khi có 3 ca dương tính đầu tiên ở miền Bắc, chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu. Vậy, lựa chọn dòng tế bào nào để nhân lên virus đó? Chúng tôi cập nhật các bài báo được đăng trên thế giới, đặc biệt là các bài báo ở Trung Quốc vì họ có nguồn mẫu khổng lồ.
Tham khảo xong, chúng tôi chọn dòng tế bào, đặc biệt tốt nhất là dòng tế bào đang có sẵn trong phòng thí nghiệm, nếu tìm dòng tế bào mới thì phải chờ đợi, rất mất thời gian mà yêu cầu cấp bách của dịch không cho chúng ta chờ đợi. Nhóm nghiên cứu phải sử dụng rất nhiều loại tế bào khác nhau, cuối cùng lựa chọn dòng tế bào thụ cảm phù hợp để phân lập” - PGS Hằng nói.
Theo chia sẻ của PGS Hằng, khi phân lập, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, khả năng thành công không thể chắc chắn được. Virus biến chủng này rất lạ. Thông thường, những virus gây bệnh sẽ ảnh hưởng lên tế bào vật chủ, làm tế bào ốm hoặc giết chết tế bào. Nhưng virus này nuôi cấy đến 72 giờ mà tế bào vẫn cứ “đẹp”. May mắn trong số mẫu bệnh phẩm phân lập có được mẫu dương tính.
“Dương tính nghĩa là virus đã xâm nhập vào trong tế bào, nó sống, nhân lên trong tế bào, giải phóng và lại xâm nhập tế bào khác. Chính vì vậy, đây là virus hoàn chỉnh và mình mong muốn tìm được con virus hoàn chỉnh như thế” - Phó trưởng Khoa Virus chia sẻ.
Sáng 7-2, cả nhóm nghiên cứu sau khi biết chắc đã bắt được con virus, tất cả đều vỡ òa trong hạnh phúc. Thành công này đã tiết kiệm được sức người, sức của. “Với kinh nghiệm đã phân lập được mẫu đầu tiên, hy vọng sẽ thành công với những mẫu tiếp theo” - PGS Hằng vui mừng cho biết.
Theo nữ PGS, đây là thành công rất quan trọng, khi phân lập được virus mới xác định nguồn gốc của nó có độ tương đồng với virus đang lưu hành ở Vũ Hán là bao nhiêu phần trăm, sẽ giúp giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch... Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine. “Thời gian sản xuất vaccine không nhanh, để ra được vaccine độ an toàn phải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm nhưng đó là ước mơ trong tương lai” - PGS Hằng nói.
Độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của Covid-19 được đánh giá cao hơn so với nhiều loại dịch bệnh trước đó. Thế nên, việc xét nghiệm, phân lập theo khuyến cáo của WHO phải thực hiên tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3. 11 cán bộ là những nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, trong đó có những người còn khá trẻ đã làm việc không ngừng nghỉ trong Phòng Xét nghiệm suốt những ngày qua là những chiến binh thầm lặng khi họ phải đối mặt với hàng trăm mẫu bệnh phẩm có độ nguy hiểm cao.
Song, theo lãnh đạo Khoa Virus, các cán bộ, nhân viên tại Phòng Xét nghiệm đều được đào tạo về an toàn sinh học, rất thuần thục khi phân tích, đặc biệt đều đã trải qua cảm giác nguy hiểm khi nghiên cứu nhiều về cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, đại dịch cúm Mexico H1N1 năm 2009, virus Mers Cov năm 2012, kể cả dịch Ebola khi tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ... nên đều có sự tỉ mỉ, độ chính xác và an toàn cao, chung sức đồng lòng lập nên thành công hiện tại, chung tay cùng cả nước khống chế thành công dịch.