Hành trình hiến máu cứu người của một “Sứ giả đỏ”
Chị là Lê Thanh Nam - nhân viên Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Cả nhà cùng hiến máu
Lê Thanh Nam có nụ cười tươi tắn và giọng nói ấm áp, truyền cảm. Chị kể về hành trình hiến máu nhẹ nhàng như không. Năm 1999, khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, Nam hăng hái tham gia các hoạt động đoàn của phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), trong đó có phong trào hiến máu và vận động hiến máu nhân đạo.
Ngày đó, bố chị - một sĩ quan quân đội sau khi nghỉ hưu tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ của phường đã giải thích, vận động các thành viên trong gia đình đi hiến máu cứu người. Vì thế, không chỉ Nam mà cả mẹ, em trai, chị gái chị cũng đều tham gia. Nam nhớ lần đầu tiên đi hiến máu, lo lắng và hồi hộp đến nỗi phải đo huyết áp, nhịp tim đến 2 lần mới được.
Khi được các bác sĩ, các anh chị tình nguyện viên giải thích cụ thể, Nam thấy tự tin trước việc làm ý nghĩa của mình. Lần đầu tiên cầm tờ giấy chứng nhận hiến máu, Nam thấy thật đặc biệt khi biết được nhóm máu của mình, biết rằng lượng máu mình cho đi đạt tiêu chuẩn để truyền cho người bệnh.
Ngày đó, nhận thức của người dân về hiến máu chưa đầy đủ như bây giờ. Với tâm lý cho rằng máu rất quý, rằng “một giọt máu bằng sáu bát cơm”, nên nhiều người đã từ chối thẳng thừng khi bố chị vận động hiến máu. Có người kì thị gia đình chị bởi họ nghĩ cả nhà chị đi bán máu lấy tiền. Họ cấm con chơi với chị vì sợ chị rủ rê đi bán máu.
Chị Lê Thanh Nam đã 82 lần hiến máu và hiến tiểu cầu. |
Lúc đầu Nam buồn và tủi thân lắm nhưng có bố luôn động viên nên chị vững tâm. Bố chị nói rằng từng giọt máu đều đáng quý nhưng điều quý giá hơn là mang lại sự sống cho nhiều người. Là người trở về sau cuộc chiến, bố chị hiểu rằng đồng đội của ông đã không tiếc máu xương để mang lại độc lập tự do cho đất nước. Được sống trong thời bình hôm nay, mỗi người hãy yêu thương san sẻ với đồng bào mình. Hãy cứ làm những việc có ích cho xã hội, rồi dần dần mọi người sẽ hiểu.
Suốt những năm sau đó, chị Nam cùng người thân đều đặn đi hiến máu và vận động họ hàng, người quen làm theo. Đến nay, gia đình chị đã hiến tặng 176 đơn vị máu và được vinh danh là gia đình hiến máu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Bố chị năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn là “thủ lĩnh” của phong trào hiến máu ở khu dân cư.
Nhịp cầu trên hành trình đỏ
Gắn bó với Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu đã 15 năm nay, chưa bao giờ chị Nam cảm thấy nản lòng trước công việc mà không phải lúc nào cũng được xã hội đón nhận, ủng hộ. Có vị giám đốc một doanh nghiệp từng nói với chị rằng, họ sẵn sàng ủng hộ về vật chất chứ họ không thể vận động nhân viên đi hiến máu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động. Hiểu rõ rằng vận động hiến máu tình nguyện là công tác khó khăn nhất trong các hoạt động nhân đạo nên chị và đồng nghiệp luôn kiên trì.
Muốn mọi người tự nguyện hiến máu thì phải tuyên truyền, giải thích để họ hiểu rằng hiến máu là việc làm từ thiện hữu ích, thiết thực cho xã hội, không gây hại cho sức khỏe, thậm chí còn có những tác dụng tích cực đối với cơ thể người hiến máu. Sự khéo léo, bền bỉ đã giúp chị thành công.
Nhiều cơ quan, tổ chức ở thời điểm này chưa sẵn sàng tổ chức hiến máu nhưng ở thời điểm khác họ lại nhiệt tình ủng hộ. Càng lao vào công việc, chị Nam càng hiểu rằng, nếu làm tốt công tác vận động hiến máu thì mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn đơn vị máu được huy động phục vụ cho việc cấp cứu và điều trị cho người bệnh.
Phó Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu Nguyễn Văn Nhữ trong một lần hiến máu. |
Các sự kiện vận động và tổ chức hiến máu thường diễn ra vào ngày cuối tuần. Vì thế với chị Nam, những ngày Thứ bảy, Chủ nhật được ở nhà cùng các con rất hiếm hoi. Việc đưa đón con tới trường chị cũng rất ít khi làm được. Bù lại, chồng chị hiểu và chia sẻ với công việc của chị. Cũng bởi từ khi yêu nhau anh đã đồng hành cùng chị trong các hoạt động hiến máu. Anh hiểu công việc của chị liên quan đến chữa bệnh cứu người nên không thể gác lại, không thể do dự. Việc đi sớm về muộn, lỡ bữa cơm tối như đã thành lệ.
Chị Nam bảo, thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì công tác vận động và tổ chức hiến máu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Người dân có tâm lý “ngại” đi hiến máu vì sợ tập trung đông người. Nhiều cơ quan, đơn vị hoãn lịch tổ chức hiến máu vì mối lo dịch bệnh. Thêm nữa, sinh viên các trường đại học - lực lượng đông đảo cung cấp tới hơn 60% lượng máu nhân đạo vẫn chưa trở lại trường. Trong khi đó, số bệnh nhân cần máu thời gian này tăng cao dẫn đến kho máu dự trữ của bệnh viện đang cạn dần.
Vì vậy, máu đã hiếm lại càng thêm hiếm, sự sống của người bệnh đang bị đe dọa. Chị và đồng nghiệp lo lắng ngày đêm, tích cực kêu gọi người dân hiến máu, hiến tiểu cầu cứu sống người bệnh, đồng thời tuyên truyền giải thích về quy trình tổ chức hiến máu an toàn trong thời điểm dịch Covid-19.
Nhiều người thắc mắc, sao không huy động thật nhiều người hiến máu, tích trữ lâu dài để dùng dần, không lo thiếu. Những lúc đó chị Nam và đồng nghiệp phải giải thích cặn kẽ, rằng máu không phải là thứ để dành lâu dài, máu có hạn sử dụng trong vòng 35 ngày, còn tiểu cầu chỉ có thể sử dụng trong vòng 3-5 ngày.
Do nhu cầu về máu lớn và biến động từng ngày nên cái khó nhất là phải điều tiết nguồn máu dự trữ luôn ở mức ổn định, không thừa không thiếu. Để huy động được tối đa nguồn máu thì chị Nam và các đồng nghiệp phải tổ chức đa dạng các hình thức vận động hiến máu vào các thời điểm trong năm.
Ước vọng nhân văn
Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về máu phải trải qua những ngày chờ đợi nguồn máu để được cứu sống, cơ thể họ yếu đến nỗi không để tự di chuyển được, chị Nam luôn thấy như mắc nợ họ. Vì thế, không chỉ dốc sức huy động nguồn máu từ cộng đồng, chị Nam còn tự đặt ra chỉ tiêu hiến máu cho bản thân.
Chị giải thích rằng, một người khỏe mạnh bình thường sau 84 ngày sẽ đủ điều kiện tiếp tục hiến máu nếu cho máu toàn phần, nếu hiến tiểu cầu chỉ cần 21 ngày sau có thể hiến nhắc lại. Vậy là suốt những năm qua, cứ đủ ngày đủ tháng, đủ sức khỏe là chị lại san sẻ lượng máu trong cơ thể. Ở Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, không chỉ chị Nam mà tập thể cán bộ, nhân viên đã rất nhiều lần tận hiến những giọt máu của mình cho người bệnh.
Đã có thời kỳ, một bệnh nhân trẻ tuổi bị bệnh tan máu sống nhờ nguồn máu ổn định của chị. Cứ nghĩ đến việc một người bệnh đang sống chung dòng máu với mình, chị Nam thấy thanh thản khi cứu giúp được người khác. Bởi vậy, chị luôn giữ sức khỏe thật tốt để có thể chia máu đều đặn cho họ. Chị luôn nghĩ, nếu mình khỏe thì họ có cơ hội được sống dài hơn, nếu mình ốm không hiến máu được, rất có thể họ sẽ chết nếu không tìm được nguồn máu thích hợp để truyền.
Không ít lần, chị chủ động liên hệ với khoa chữa bệnh của Viện thông báo ngày giờ hiến máu, để bệnh nhân được nhận máu kịp thời. Sau 82 lần hiến máu, đã từ lâu chị luôn hiến máu ở mức cao nhất là 450ml, nhiều lần lượng máu của chị san ra cho hai người nhận máu. Chị Nam cười bảo tôi, khi chị còn đủ sức khỏe, chắc chắn số lần hiến máu của chị sẽ không dừng ở con số 82.
Cán bộ chiến sĩ Công an tham gia hiến máu nhân đạo. |
Ngoài công việc bận rộn ở Khoa, chị Nam còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm miền Bắc với khoảng 300 thành viên đều là những người có nhóm máu hiếm Rh-. Theo thống kê, ở Việt Nam có rất ít người có nhóm máu này, chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số. Họ có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn bởi chỉ những người có cùng nhóm máu mới có thể truyền được cho nhau.
Và không phải lúc nào bệnh viện cũng có sẵn nhóm máu hiếm này khi họ cần truyền máu. Bởi vậy, các thành viên trong Câu lạc bộ Máu hiếm miền Bắc thực sự là những người hùng thầm lặng, luôn sẵn sàng hiến máu cứu sống người bệnh. Mỗi khi có trường hợp bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm cần máu khẩn cấp, chị Nam là đầu mối huy động các thành viên trong câu lạc bộ, nhanh chóng tìm được người cho máu trực tiếp.
Chị Nam bảo, mừng lắm khi tinh thần tự nguyện hiến máu của người dân ngày càng nâng cao. Những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi, có hàng nghìn người dân thủ đô đã xếp hàng chờ hiến máu. Nhiều đơn vị coi hiến máu là công việc thường niên và có kế hoạch chi tiết. Chị Nam nhớ có gia đình hai bố mẹ từ quê lên Viện Huyết học hiến máu, đưa cả hai người con theo cùng. Họ muốn con họ tận mắt thấy được việc làm ý nghĩa của bố mẹ, để sau này lớn lên, con cũng sẽ đi hiến máu vì sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhữ, Phó Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện huyết học - truyền máu Trung ương: “Mỗi giờ ở nước ta có hàng trăm người bệnh cần được truyền máu do nhiều nguyên nhân: Mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm họa, xuất huyết tiêu hóa; mắc các bệnh gây thiếu máu, chảy máu; các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là một trong nhiều đầu mối vận động và tổ chức hiến máu trên cả nước, trung bình tiếp nhận 2.000-2.500 đơn vị máu/ngày. Tuy nhiên, lượng máu dự trữ mới chỉ đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu máu cho điều trị. Do vậy, rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng, đặc biệt là những người hiến máu nhắc lại thường xuyên để đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng. Đồng thời người hiến có thể tăng thể tích hiến máu từ 250ml lên 350ml, 450ml trong ngưỡng an toàn cho cơ thể. Năm 2019 đã có đến 60% trường hợp hiến máu 350ml”. |