Hậu… “chia tay hoàng hôn”

Thứ Ba, 05/01/2010, 15:40
Tôi khá bất ngờ khi nghe chuyện của chị, một phụ nữ trẻ và thành đạt về những vướng mắc trong vụ án thuận tình ly hôn mà chị là nguyên đơn. Sao lại có chuyện ngược đời, bởi đã thuận tình ly hôn thì làm gì có vướng mắc? Qua tìm hiểu tại tòa án, chúng tôi được biết, hiện nay, tỉ lệ các vụ ly hôn trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, phần hậu của các vụ ly hôn còn có cả vị ngọt, đắng mà trong các án văn không thể đề cập.

Rất ngẫu nhiên, tôi chọn Tòa án nhân dân (TAND) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm nơi tìm hiểu về công tác xét xử các vụ tranh chấp hôn nhân gia đình. Chánh án Trần Thị Hạnh cho biết, theo thống kê trong một năm gần đây (từ 10/2008 đến 9/2009), TAND quận đã thụ lý 556 vụ ly hôn. Trong đó, đình chỉ 103 vụ (bên nguyên rút đơn); hòa giải thành công 33 vụ; thỏa thuận ly hôn 349 vụ; xét xử cho ly hôn 42 vụ... Nguyên nhân chiếm tỉ lệ lớn trong các vụ ly hôn là do mâu thuẫn vợ chồng (477 vụ), còn lại là do bạo hành, ngoại tình, bệnh tật không có con, mắc tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè...

Đằng sau những con số chuẩn xác, khô cứng này là những câu chuyện dài không giống nhau. Nếu chỉ đọc những bản án mà Tòa đã tuyên, sẽ thấy những câu chữ cứng cỏi dựa trên cơ sở pháp luật. Thế nhưng, khi tiếp cận với các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, tôi lại thấy, đằng sau những quyết định có tính chất cứng rắn ấy là những chuyện vui, buồn về tình người, tình đời.

1. Tôi đã có cuộc trao đổi với thẩm phán Đặng Mạnh Cẩm Yến sau khi đọc án văn vụ tranh chấp ly hôn, nuôi con, xác nhận cha cho con mà nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Liên, 34 tuổi, làm nghề nấu ăn tự do, trú tại phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng với anh Ngô Sơn, 37 tuổi, hiện đang thi hành án tại Trại giam Hoàng Tiến, huyện Chí Linh, Hải Dương.

Tại tòa, chị Liên trình bày: Chị và anh Sơn kết hôn trên cơ sở tự nguyện. Vợ chồng sống chung được một thời gian thì có mâu thuẫn do anh Sơn nghiện ma túy. Ngày 12/6/2002, anh Sơn bị bắt và TAND TP Hà Nội xử phạt 14 năm 6 tháng tù về tội tổ chức sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy. Hiện anh Sơn đang thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến. Họ có hai con chung, một trai, một gái. Khi ly hôn, chị Liên xin được nuôi con, không yêu cầu anh Sơn phải đóng góp phí tổn nuôi con chung.

Quá trình anh Sơn ở trong tù, chị Liên có quan hệ với anh Đỗ Văn, trú quán tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa và sinh được một cháu trai. Do không hiểu biết pháp luật, nên chị đã làm giấy khai sinh lấy họ Ngô của anh Sơn đặt tên cho con. Nay, chị đề nghị tòa xác định anh Văn là cha đẻ của cháu bé này (tên là Hoàn), không yêu cầu anh Văn đóng góp nuôi con.

Sau khi tiếp nhận đơn xin ly hôn của chị Liên, Thẩm phán Cẩm Yến đã cùng thư ký tòa đến Trại giam Hoàng Tiến gặp anh Sơn. Anh Sơn xác nhận, việc chị Liên khai là đúng. Anh chỉ đồng ý ly hôn nếu chị Liên để bố mẹ anh nuôi dưỡng 2 con chung. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc này là anh Đỗ Văn thì khai tại tòa, năm 2006 anh có quan hệ tình cảm với chị Liên. Anh đồng ý nhận con nếu kết quả giám định gien là đúng. Kết quả xét nghiệm ADN của khoa Xét nghiệm - Viện Pháp y Quân đội ngày 28/5/2009, anh Đỗ Văn và cháu Hoàn có quan hệ huyết thống cha con, độ tin cậy của kết quả 99,995%.

Căn cứ trên lời khai của các bên liên quan và hồ sơ thu thập được, Hội đồng xét xử quyết định: Chấp nhận đơn xin ly hôn của chị Liên; Giao 2 con chung với anh Sơn cho chị Liên nuôi; xác định anh Văn là cha đẻ cháu Hoàn. Chị Liên và anh Văn có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm lại giấy khai sinh cho cháu Hoàn.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu phần hậu của vụ ly hôn này không có những tình tiết không thể đưa vào án văn song đọng lại trong vị chủ tọa những tình cảm tốt đẹp. Thẩm phán Cẩm Yến vui vẻ cho biết, rất có thể khi anh Sơn trở về, họ sẽ quay lại với nhau. Tôi rất bất ngờ khi nghe vị chủ tọa nói vậy bởi chính chị là người đưa ra quyết định cho phép họ ly hôn. "Đấy là tạo điều kiện trên cơ sở pháp luật cho người phụ nữ, khi tuổi xuân của họ mỗi ngày một trôi đi", Thẩm phán Cẩm Yến lý giải.

Trong vụ án này, nguyện vọng của chị Liên muốn đứa con thứ 3 của mình phải có bố là chính đáng. Bản thân chị cũng rất thương chồng, gia đình nhà chồng cũng yêu quý mẹ con chị. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua quyền được biết bố đẻ của cháu Hoàn nên Tòa đã xét xử công tâm trên cơ sở pháp luật. Có một chi tiết mà Thẩm phán Cẩm Yến rất cảm động khi gặp anh Sơn trong trại giam, rằng anh cũng muốn nhận đứa bé này, "sau này lớn lên, cháu nó biết ơn vì mang họ của tôi".

Đây là sự độ lượng của người chồng hay anh ta bị rơi vào tình thế bắt buộc phải như vậy? Nếu như không nghe vị chủ tọa của vụ ly hôn này nói, hẳn tôi sẽ thiên về phương án thứ nhất. Thế nhưng Thẩm phán Cẩm Yến đã cho biết, quá trình đi xác minh tại cơ sở, gặp gỡ bố mẹ anh Sơn, chị thấy chính họ là người tạo điều kiện để cho anh Văn chăm sóc mẹ con chị Liên. Đáng ngạc nhiên hơn, họ lại cùng sống chung một mái nhà, chỉ khác là bố mẹ anh Sơn ở tầng trên. Sự độ lượng của bố mẹ chồng đối với chị Liên thật đáng mến phục, họ đã tạo điều kiện để con dâu bớt đi phần nào sự thiếu hụt tình cảm khi chồng thi hành án.

Có phải chị Liên ly hôn chồng để được kết hôn với anh Văn? Thực tế lại không phải như vậy, chị Liên xác định ly hôn để đảm bảo quyền lợi cho cả 3 con. Anh Văn là người đàn ông thế nào? Theo Thẩm phán Cẩm Yến thì đây là người đàn ông có bề ngoài... “hầm hố” nhưng lại rất ngay thẳng. Vợ anh hiện cũng đang thi hành án.

Còn một điều thú vị là mặc dù tòa đã xử ly hôn nhưng hàng tháng chị Liên vẫn đến Trại giam Hoàng Tiến thăm nuôi anh Sơn như chưa có chuyện gì xảy ra. Việc làm đầy trách nhiệm của chị Liên cho thấy, chị vẫn còn tình cảm với chồng. Và đây cũng là căn cứ để tin, rất có thể sau này họ sẽ kết hôn lại. Bản thân anh Sơn do tích cực cải tạo nên được giảm án hai lần. Mong sao, anh sẽ tiếp tục phát huy để ngày về gần hơn.

Vụ ly hôn này khép lại song những dấu ấn tốt đẹp vẫn còn đọng lại trong lòng vị thẩm phán. Bản thân tôi sau khi tiếp cận với khá nhiều vụ ly hôn, mà người trong cuộc dùng mọi thủ đoạn để chiếm phần hơn tài sản chung mà chẳng màng đến con cái, đến cái nghĩa vợ chồng một thời, cũng có cảm tình với họ.--PageBreak--

2. Vấn đề gì nảy sinh trong một vụ án ly hôn? Theo Luật sư Phương Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, đó chính là: Con cái, tài sản. Còn theo Thẩm phán Cẩm Yến, khi đứng trước một vụ ly hôn có 3 vấn đề lớn đặt ra, đó là: tình cảm, con cái, tài sản. Phần tài sản có thể thỏa thuận, còn phần tình cảm và con cái bắt buộc phải có sự can thiệp của tòa án. Tại sao tòa có thể phân định được tình cảm của đương sự, một lĩnh vực không thể đong, đếm? Đây là phần khó nhất, Thẩm phán Cẩm Yến nhận định.

Khó nhất nhưng lại do chính hai bên đương sự tự thể hiện và định đoạt, tòa đứng giữa khuyên can. Thế nên, khi thụ lý một vụ ly hôn, cán bộ thụ lý phải tổ chức 2-3 lần hòa giải. Nếu cả hai bên xác định, tình cảm không còn thì bắt buộc phải ly hôn. Ngoài ra, những tranh chấp về con cũng phức tạp không kém. Quyền lợi của đứa trẻ phải được đảm bảo sau ly hôn. Ở với bố hay ở với mẹ phải trên cơ sở, đứa trẻ có điều kiện sống, môi trường giáo dục và học tập tốt hơn.

Ngày 10/9/2009, TAND quận Hai Bà Trưng đã xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp thay đổi nuôi con giữa anh Nguyễn Mạnh và chị Phạm Thị Tiện. Trước đó, ngày 7/7/2008, TAND quận Hai Bà Trưng đã có quyết định công nhận thuận tình ly hôn, công nhận sự thỏa thuận của hai bên để chị Tiện trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung là Nguyễn Bảo, 13 tuổi và Nguyễn Ngọc, 12 tuổi.

Theo đơn khởi kiện của anh Mạnh, chị Tiện đã không chấp hành tốt quyết định này và không có điều kiện nuôi con nên anh đề nghị được nuôi hai con. Hiện tại, anh đang làm Giám đốc Công ty TNHH Thành Thịnh, thu nhập hàng tháng từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng. Tại tòa, chị Tiện cho rằng, việc anh Mạnh yêu cầu xin thay đổi nuôi con với lý do chị không có đủ khả năng là không hợp lý. Hiện nay, chị đang bán cà phê, có mức lương 3.000.000 - 4.000.000 đồng/tháng, ngoài ra chị còn có khoản thu nhập khác là 2.000.000 đồng/tháng.

Phiên tòa xét xử một vụ ly hôn.

Ai sẽ nuôi hai cháu Ngọc và Bảo? Quyền lợi chính đáng của các cháu được tòa bảo vệ như thế nào? Hội đồng xét xử đã đưa ra kết quả xác minh tại Trường THCS V.H. về kết quả học tập của hai cháu. Theo nhà trường, cháu Ngọc học kém, năm học lớp 6 bị lưu ban, sự quan tâm của gia đình còn hạn chế. Đối với cháu Bảo, nhà trường cũng cho biết, gia đình cần quan tâm hơn nữa dù cháu học khá, ngoan. Căn cứ vào kết quả xác minh, tòa quyết định giao cho anh Mạnh nuôi dưỡng cháu Bảo, chị Tiện nuôi dưỡng cháu Ngọc. Hai bên đương sự trong vụ án này có đồng tình với phán quyết của tòa?

Liệu rồi đây các cháu có tiếp tục bị bố mẹ tranh chấp nuôi dưỡng. Nếu bố mẹ các cháu yêu thương con và bao dung, họ sẽ giành cho con mình sự lựa chọn tốt nhất. Việc cháu Ngọc học kém, theo nhà trường là do thiếu sự quan tâm của gia đình là căn cứ để người cha, người mẹ trong vụ tranh chấp này nhìn nhận lại cách làm của mình.

Là người từng tham gia bào chữa trong khá nhiều vụ ly hôn, Luật sư Phương Nam cho rằng, tranh chấp tài sản vô cùng phức tạp. Nếu trong nhiều trường hợp, tranh giành con chỉ vì thỏa mãn việc không phải xa con chứ không phải vì quyền lợi đứa bé thì việc tranh chấp tài sản lại thể hiện sự ích kỷ và hiếu thắng, nhất là bên bị đơn. Chị đã từng chứng kiến, có ông chồng tranh giành từng tí tài sản từ lọ nước mắm đến củ dưa hành nhưng khi tòa chia xong lập tức đập phá đi.

Lại có trường hợp cứ để "đối tác" xoay vần với những dữ liệu, chứng cứ để đòi phần hơn dù biết tòa vẫn tuyên 50-50. Những tranh chấp về tài sản trong ly hôn đúng là cười ra nước mắt.

Trở lại trường hợp người phụ nữ đã nêu ở phần trên, chị đã thuận tình ly hôn sau khi chấp nhận yêu cầu của người chồng, để anh ta nhận 2/3 tài sản và chị được quyền nuôi hai đứa con. Tôi hỏi, tại sao chị lại đồng tình như vậy khi mà một mình nuôi hai con không phải dễ dàng. Chị bảo vì quá thương con nên chấp nhận đề nghị này. Chưa bàn đến việc thiệt hơn trong vấn đề tài sản, thỏa thuận này khiến người ta giật mình vì tình phụ tử của người chồng. Tại sao lại có thể lợi dụng sự đắm đuối vì con của người mẹ để giành phần tài sản lớn hơn khi mình là bố những đứa con này? Thật không thể chấp nhận nổi. Tòa sẽ giải quyết bằng một vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu. Như vậy, dẫu thuận tình ly hôn nhưng những tranh chấp về tài sản, con cái vẫn có thể phát sinh nếu một trong hai bên thấy chưa thỏa đáng.

3. Hợp đồng hôn nhân, tại sao không? Trao đổi vấn đề này với Luật sư Phạm Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà được biết, trong Luật Hôn nhân gia đình hiện chưa có quy định này. Việc các bên trước khi kết hôn tìm đến Văn phòng Luật sư Hồng Hà để thảo một văn bản cam kết kiểu Hợp đồng hôn nhân cũng chưa từng có vì nó không có giá trị pháp lý. Tại một số quốc gia như Mỹ, Canada..., việc này được đưa vào Bộ luật Dân sự. Trong đó quy định rất rõ, khoảng thời gian sau ly hôn là 3 năm, 5 năm, 10 năm... thì người chồng phải đền bù cho người vợ những mức cụ thể.

Cách làm này nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, đối tượng  chịu nhiều thiệt thòi trong ly hôn. Đây là một chế định tiến bộ nhưng chưa hợp với tập quán người châu Á. Trong Luật Hôn nhân gia đình của nước ta hiện nay, điểm cởi mở nhất trong quan hệ hôn nhân là có thể chia tài sản chung trong hôn nhân nhưng không cần ly hôn. Người vợ hoặc người chồng tự ý sử dụng tài sản này mà không cần sự đồng ý của bên kia.

Tôi rất buồn khi nghe một người hoạt động lâu năm trong ngành tòa án nhận định, tỉ lệ các vụ ly hôn trong các gia đình kinh tế khá giả gần đây chiếm tỉ lệ lớn. Tại sao lại như vậy? Chỉ có thể giải thích là khi chuyện cơm áo không còn là gánh nặng, người ta sẽ coi trọng đời sống tinh thần. Khi đó, con người ta sống vì cái tôi của mình nhiều hơn. Điều này khiến số vụ ly hôn ngày càng nhiều.

Trong hầu hết các vụ ly hôn, phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị thiệt thòi. Buồn hơn nữa là trong các vụ mà người phụ nữ không có khả năng sinh con. Mong rằng khi buộc phải đứng trước công đường, đương sự trong các vụ ly hôn hãy nhìn lại quãng thời gian hạnh phúc mà họ có bên nhau, nhìn những đứa con chung mà hành xử cho đẹp, tránh đi những cuộc chia ly buồn.

* Tên nhân vật ở các vụ việc trong bài đã được thay đổi.
Cao Hồng
.
.