Hiểm nguy nghề cảnh sát giao thông

Thứ Hai, 15/06/2009, 22:15
Cùng với TP HCM, có thể nói giao thông ở Hà Nội luôn đông đúc và... hỗn loạn vào bậc nhất trong cả nước. Ấy thế mà hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, những người không quản mưa nắng, ngày đêm "phơi mặt" ra đường để bảo đảm giao thông thông suốt, để người dân không phải chịu cảnh tắc đường lại đang bị một bộ phận "Chí Phèo" chống đối, thậm chí tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng.

1 tháng 11 vụ chống người thi hành công vụ

Chúng tôi gặp lại Đại úy Nguyễn Văn Duyên - Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 5 khi anh đang làm nhiệm vụ trên địa bàn quận Long Biên. Anh mỉm cười chào, song tôi nhận thấy nụ cười không được tươi cho lắm. Tôi biết, vai trái của anh vẫn chưa lành hẳn sau cú đâm xe của một đối tượng người Hưng Yên gần 2 tháng trước.

Đại úy Duyên kể lại, vào khoảng 18h ngày 12/4/2009 anh cùng đồng đội làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội). Bất ngờ có 2 nam thanh niên cưỡi chiếc xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) lách vèo một cái qua ngã tư, vượt đèn đỏ. Trước thái độ coi thường Luật Giao thông của 2 đối tượng, Đại úy Duyên đã yêu cầu họ dừng xe, cho xe lên vỉa hè và yêu cầu kiểm tra hành chính.

Người thanh niên ngồi sau chiếc xe máy do Bùi Ngọc Ngọc (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) điều khiển là Nguyễn Quốc Luật liền nhảy xuống lớn tiếng thách thức và có thái độ thiếu văn hóa với đồng chí Duyên. Hai đối tượng không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào, đồng chí Nguyễn Văn Duyên đã yêu cầu 2 đối tượng cho xe về Đội CSGT số 5 để giải quyết.

Bất ngờ, tên Luật liền lấy chìa khóa leo lên xe và nổ máy nhằm đồng chí Duyên lao thẳng tới. Cú đâm đã khiến đồng chí Duyên bị văng ngã xuống đường. Do lực đâm khá mạnh, đồng chí Duyên đã bị gãy vỡ 1/3 xương bả vai trái, chấn động vùng đầu. Vết thương quá nặng nên đồng chí Duyên đã được người dân đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu, sau đó được chuyển về Bệnh viện Công an thành phố điều trị.

Hai đối tượng Luật và Ngọc sau khi gây tai nạn đã bỏ trốn. Nhưng ngay ngày hôm sau, 13/4, Nguyễn Quốc Luật và Bùi Ngọc Ngọc đã đến Cơ quan điều tra Công an quận Long Biên đầu thú.

Trên đây chỉ là 1 trong số rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian gần đây. Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, tháng 4/2009 Công an TP Hà Nội đã thực hiện kế hoạch số 52 về tập trung xử lý người ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội MBH.

Sau 1 tháng thực hiện (từ ngày 28/3 đến 28/4), lực lượng CSGT toàn thành phố đã phát hiện, kiểm tra và xử lý hơn 15.425 trường hợp vi phạm liên quan đến MBH. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì con số "ấn tượng nhất" là có tới 11 trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình chống đối lực lượng chức năng.

Trung tá Nguyễn Hồng Thái - Đội trưởng Đội Khám nghiệm Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết, có những đối tượng không đội MBH, vượt đèn đỏ, khi bị CSGT phát hiện, yêu cầu dừng xe để kiểm tra đã cố tình phóng xe chạy trốn. Những cú lạng lách xe, đánh võng đã gây nguy hiểm không chỉ cho những người đi đường mà mạng sống của chính đối tượng cũng bị đe dọa.

Một vụ việc điển hình chống lại CSGT là khoảng 10h ngày 13/5/2009, tại ngã tư Phan Ðình Phùng - Hoàng Diệu khi tổ công tác đang làm nhiệm vụ tại đây phát hiện một trường hợp đi xe môtô vượt đèn đỏ lao khá nhanh, gây nguy hiểm cho người đi đường. Lúc đó dù đường đông, Thiếu úy Lê Kế Hiệp đang đứng trực dưới lòng đường đã băng ra giữa dòng xe ra hiệu lệnh cho đối tượng vi phạm dừng xe.

Nhưng thay vì chấp hành, lái xe này đã lao thẳng xe vào Thiếu úy Hiệp làm đồng chí bị thương nhẹ. Trước hành vi ngang ngược này, ngay lập tức  tổ công tác phối hợp với quần chúng nhân dân đã tạm giữ phương tiện, giao Công an phường Quán Thánh xử lý. Tại Cơ quan Công an, đối tượng khai là Lê Ðình Học (trú ở 56 Ðào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Một trong những hành vi ngang ngược và khiến dư luận căm phẫn là vụ chống lại người thi hành công vụ xảy ra vào ngày 30/3/2009 tại ngã tư Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Lê Duẩn - Giải Phóng. Một nhóm thanh niên không đội MBH khi bị  Thượng sĩ Lê Quý Quyền và Thiếu úy Nguyễn Bảo Trung, Đội CSGT số 4 nhắc nhở. Nhóm thanh niên 6 người, đi trên 2 xe máy xông vào dùng MBH đánh túi bụi, khiến Thượng sĩ Quyền ngất tại chỗ.

Sự việc xảy ra vào giờ cao điểm lại giữa chỗ đông người nên gây bất bình trong dư luận. Nhiều người dân qua đường đã phối hợp với Công an phường Lê Đại Hành bắt giữ được một đối tượng đưa về Công an phường làm rõ. Tại đây, đối tượng khai tên là Lý Công Thìn (trú tại tổ 66 Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Hà Nội).

Nhưng "nổi" hơn cả là vụ "cướp súng của CSGT xảy ra vào hồi 17h ngày 20/5, tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của. Khi bị CSGT tuýt còi vì hành vi vượt đèn đỏ, đối tượng Nguyễn Tất Trung đã buông lời chửi bới,  lăng mạ rồi cướp khẩu súng P38 của Thiếu úy Nguyễn Đăng Tiến đang đeo bên mình, chĩa thẳng súng vào người đồng chí Tiến. Khi đó, ổ đạn đang có 5 viên gồm 2 viên đạn hơi cay và 3 viên đạn cao su. Hành vi nguy hiểm trên của Nguyễn Tất Trung sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Nếu như trước đây người vi phạm chủ yếu là thanh niên hư, bỏ học lêu lổng hoặc đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, con nhà khá giả, con một số cán bộ có chức quyền... thì gần đây, một số thanh niên có học thức, có nghề nghiệp trong cơ quan Nhà nước cũng không ngoại lệ. Điển hình ngày 22/5 vừa qua, một nữ nhân viên hàng không - nghĩa là thuộc về phái yếu và có học có hành đàng hoàng -  cũng sẵn sàng cầm đá "choảng" CSGT sau khi vi phạm Luật Giao thông.

Trung úy Trần Khắc Hiếu cho PV biết trên người và mặt anh còn nhiều vết máu, (đứng cạnh là người vi phạm chở ba, đi xe không biển kiểm soát).

Trước đó, vào 13h45' ngày 10/2, tổ tuần tra CSGT làm nhiệm vụ tại khu vực ngã tư Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu phát hiện một xe máy chở 3 "kiều nữ" nên ra tín hiệu kiểm tra. Đối tượng cầm lái đã tông thẳng vào người Trung úy Trần Khắc Hiếu, khiến đồng chí Hiếu bị đập mặt vào thành xe, bị chấn thương vùng mặt.--PageBreak--

Lối hành xử theo kiểu... "Chí Phèo"

Không chỉ riêng ở Hà Nội, tình  trạng chống người thi hành công vụ, đặc biệt là đối với CSGT đang có phần diễn biến phức tạp, các hành vi chống đối ngày càng ngang ngược hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trong năm 2008, cả nước xảy ra 542 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 115 vụ chống lại CSGT làm 48 người bị thương, 29 vụ chống lại Cảnh sát cơ động, có 3 công an xã đã hy sinh trong khi tham gia kiểm soát, xử lý các đối tượng không đội MBH...

Không chỉ chống đối bằng việc lăng mạ, chửi bới hay lao thẳng xe vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, nhiều đối tượng còn "Chí Phèo" hơn. Thay vì chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, các đối tượng này sẵn sàng hủy hoại tài sản của mình... tại chỗ.

"Mở hàng" cho hình thức này, ngày 21/1/2009, tại ngã tư Giảng Võ - Giang Văn Minh, Nguyễn Tuấn Anh (tức Thanh Tùng), sinh năm 1970, trú tại P5, A3, Yên Bái, phường Phố Huế (Hà Nội), điều khiển xe máy đi ngược chiều lấn sang phần dải phân cách trên đường Cát Linh.

Thiếu úy Phùng Đức Hà (Đội CSGT số 2), kể lại: Sau khi bị CSGT dừng xe, Tuấn Anh đã không chấp hành hiệu lệnh, bỏ xe giữa đường, khiến CSGT phải dắt xe vào vỉa hè để tránh ùn tắc giao thông. Khi được yêu cầu trình giấy tờ, bằng lái xe theo đúng luật nhưng Tuấn Anh nói rằng không có những giấy tờ trên. Và khi CSGT hỏi tên và địa chỉ của Tuấn Anh để ghi vào biên bản, Tuấn Anh nhất định không chịu cho biết.

Trong khi Thiếu úy Hà đang lập biên bản vi phạm thì Tuấn Anh quay ra chỗ Đại úy Nguyễn Công Hồng, Tổ trưởng tổ công tác để "xin xỏ". Thấy không ăn thua, Tuấn Anh bắt đầu giở bài cùn bằng cách dọa: "Các anh mà không tha thì tôi đốt xe". Miệng nói, tay làm, Tuấn Anh cúi xuống rút dây nối bình xăng với chế hòa khí trên xe để xăng tràn ra rồi châm lửa đốt chiếc xe ngay giữa ngã tư đường. Lực lượng chức năng đã phải dùng bình chữa cháy tại chỗ và hai chiếc chăn bông để dập tắt ngọn lửa. Và phải rất vất vả, sau đó công an mới có thể đưa được Tuấn Anh về trụ sở Công an phường Cát Linh.

Một sự việc tương tự xảy ra tại ngã tư Bưu điện quận Hà Đông, vào lúc 7h40' ngày 9/2/2009, khi chiếc xe Cub mang biển kiểm soát 33F5-717 do Trần Mạnh Hoàn điều khiển, lưu hành theo hướng Hà Nội - Hà Đông đi sai luật, cố tình vượt đèn đỏ nên đã bị CSGT yêu cầu dừng lại. Khi cảnh sát còn chưa kịp kiểm tra giấy tờ thì Hoàn đã rút bật lửa trong người ra, đốt cháy chiếc xe của mình ngay giữa ngã tư đông người. Sau khi châm lửa đốt, Hoàn bỏ chạy nhưng đã bị lực lượng cảnh sát bắt giữ.

"Chí Phèo" Lê Tuấn Anh tự châm lửa đốt xe của mình.

Hành vi đốt xe mặc dù là tự tiêu hủy tài sản của mình nhưng đã gây mất trật tự an toàn xã hội, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật kém của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến trật tự trị an của thành phố, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Lại có những đối tượng còn "Chí Phèo" đến mức, khi bị lực lượng CSGT thổi phạt để kiểm tra hành chính, đã không chấp hành thì thôi họ lại khóa xe (cả xe máy lẫn ôtô) rồi... bỏ đấy. Báo hại lực lượng chức năng phải đi "dọn" thay.

Cần phải nghiêm trị

Được biết sau hàng loạt những vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra, mức độ xử lýá cao nhất mới chỉ dừng lại ở việc CSGT bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý theo luật định. Và cho dù hành vi của người chống đối có gây hậu quả nghiêm trọng với xã hội nhưng dường như cây gậy pháp lý mang tính răn đe vẫn còn quá nhẹ. 

Thượng tá Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết đơn vị đã lập hồ sơ xử lý đối với thanh niên tự đốt cháy chiếc xe máy của mình tại ngã tư Bưu điện quận Hà Đông hôm 9/2 với tội danh: “Chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng”.

Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội CSGT số 2 cho biết: "Áp lực của CSGT rất lớn khi vừa phải điều hành giao thông vừa phải giải quyết các sự cố nên chúng tôi rất cần những biện pháp mạnh để bảo vệ cán bộ chiến sĩ khi gặp phải những trường hợp chống đối".

Được biết, để đối phó lại việc chống người thi hành công vụ, lực lượng CSGT đã được trang bị súng ngắn bắn đạn cao su, đạn phun sơn và đạn hơi cay. Dù được trang bị súng đã lâu cho đến giờ vẫn chưa ghi nhận lại một trường hợp nào chống đối phải nổ súng. Nhưng vẫn không thể chờ đến lúc xảy ra vụ việc, ngay từ bây giờ vẫn cần một hành lang pháp lý bảo vệ những người trực tiếp giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT cho biết: "Chúng tôi đã báo cáo với Giám đốc Công an TP về những vụ việc chống lại CSGT xảy ra vừa qua và kiến nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm Luật Giao thông. Để tránh tình trạng này, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT phải thực hiện đúng điều lệnh cũng như xử lý nghiêm, đúng luật các lỗi của người vi phạm". 

Trước tình hình này, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho rằng: Để ngăn chặn và làm giảm tình trạng chống người thi hành công vụ, phải giải quyết đồng bộ các giải pháp, như tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; các đơn vị phải tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tư thế, tác phong ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với dân để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân.

Riêng việc tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật và kỹ năng phòng chống hành vi chống đối trực tiếp, xử lý hành vi vi phạm cần được đẩy mạnh. Phương tiện chiến đấu, vũ khí, công cụ hỗ trợ đủ sức uy hiếp đối tượng trong những tình huống phức tạp, nguy hiểm cần được trang bị cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.

Tất cả các hình ảnh, dấu vết thu được và hình ghi được qua phương tiện kỹ thuật sẽ được sử dụng làm bằng chứng để lập biên bản vi phạm và xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ huy cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quán triệt cho cảnh sát khi làm nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đảm bảo quân số, chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông

Minh Tiến
.
.