Họ đã làm thịt "ông ba mươi" ở Hà Nội như thế nào?

Thứ Tư, 12/09/2007, 08:05
8h30' ngày 4/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an Hà Nội phối hợp với C15 và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã bắt quả tang một ổ nhóm xẻ thịt hổ nấu cao tại phòng 103 B5 Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội với đầy đủ tang vật là 2 con hổ đông lạnh và 2 nồi cao đang sôi sùng sục trên 2 chiếc bếp than to vật vã...

Trung tá Lê Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Chống hàng lậu và buôn bán hàng cấm Phòng PC15 – khẳng định đây là ổ nhóm đầu tiên bị phát hiện và bắt giữ quả tang tại Hà Nội nhưng không phải là duy nhất.Mùi hổ không chỉ có ở rừng mà đã và đang lẩn khuất trong thành phố hiện đại văn minh nhất nước này. Và đã có nhiều, thậm chí rất nhiều "ông ba mươi" bị xẻ thịt ngay trong lòng Hà Nội, cho dù công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã đã có hiệu lực từ rất lâu rồi...

Nấu cao hổ – bí quyết và siêu lợi nhuận

Không thể biết được đích xác là từ bao giờ người ta bắt đầu coi cao hổ như một thứ thần dược, chữa được bách bệnh. Tôi còn trẻ, chưa đủ tuổi để dùng cao hổ nên chả biết nó tốt đến đâu nhưng khi tôi thử làm một trắc nghiệm nho nhỏ là hỏi một số người rằng cao hổ có phải là thần dược không thì tất cả đều có chung một câu trả lời: đúng.

Mà quy luật của thị trường, ở bất cứ quốc gia nào cũng vậỵ chứ chả riêng gì Việt Nam, là có cung ắt phải có cầu. Thế là các lò nấu cao mọc lên kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt các bà trùm, ông trùm của những đường dây buôn hổ xuyên quốc gia mà ông nào bà nào tên tuổi cũng kèm theo đuôi “hổ”, ví như: C "hổ”, B “cọp”...

Một ngày sau khi ổ nhóm xẻ thịt hổ nấu cao ở Thanh Xuân Bắc bị các trinh sát của Phòng PC15 phát hiện, tôi gặp lại Nguyễn Thị Thanh, bà trùm của ổ nhóm này tại trụ sở Cơ quan cảnh sát số 40 Hàng Bài. Thanh năm nay 40 tuổi, người gốc Lào Cai, sau đó di cư xuống Yên Bái sinh sống nhưng trông Thanh không có vẻ gì ngơ ngác, hoang dại của núi rừng.

Thanh xinh đẹp và sành sỏi với mày xăm đen nhánh, mắt kẻ đậm. Thanh cũng rất biết cách lẩn trốn ống kính máy ảnh của các phóng viên. Không ai chụp được gương mặt  người đàn bà này ở tư thế chính diện mà chỉ chụp được mỗi mái tóc và cái đầu cố cúi gằm xuống mặt bàn.

Thanh đã có chồng người Phú Thọ nhưng nghe đâu chồng cô ta đã chết trong một tai nạn trên đường vận chuyển hổ từ miền Trung ra Hà Nội. Quả là sinh nghề, tử nghiệp...

Khi các trinh sát ập vào ngôi nhà Thanh thuê để xẻ thịt và nấu cao hổ, bàn thờ nhà Thanh vẫn nghi ngút khói nhang với la liệt các đồ tế lễ gồm cá chép, gà, thịt sống, xôi, hoa quả... Tế lễ là một thứ thủ tục bắt buộc trước khi xẻ thịt "ông ba mươi". Nhưng không chỉ có thế, người ta còn phải xem giờ, chọn giờ đẹp mới dám nhóm lửa.

Một trùm hổ ở Hà Nội bảo rằng, cái người đốt lò cũng phải xem tuổi kỹ càng, hợp tuổi mới được chứ bằng không thì hỏng bét cả nồi cao cả mấy trăm triệu đồng. Chả biết điều ấy có nên tin không nhưng những thủ tục ấy là có thực, thậm chí ông trùm này còn thách tôi đố tìm được tay nào dám cả gan bỏ qua chuyện cúng tế trước khi xẻ thịt hổ...

Nhưng đấy mới chỉ là thủ tục ban đầu. Cũng phiền hà rắc rối nhưng không thấm gì so với hành trình biến hổ thành cao. Một ông trùm ở Hà Nội có hỗn danh là C "cọp” kể rằng, ngày xưa, thịt hổ xong người ta phải róc sạch thịt, bóc tách hết toàn bộ gân sau đó bỏ tất vào rọ tre, đem ra suối ngâm cho cá mú ngửi thấy mùi tanh sẽ xô nhau vào rỉa.

Sau 3 ngày 3 đêm để cá thỏa sức rỉa thịt, người ta sẽ vớt xương lên rồi lại tiếp tục treo lên cây thêm 3 ngày 3 đêm nữa cho côn trùng rỉa. Sau đó, xương mới được đem về nhưng không  phải nấu cao được ngay mà lại phải gác lên gác bếp thêm 7 ngày 7 đêm nữa rồi mới được đem đi rửa.--PageBreak--

Ấy là ngày xưa, còn bây giờ thì chả ai dám công khai mà ngâm thịt, phơi xương hổ nên các lò nấu cao sẽ dùng máy quay ly tâm để cho thịt tróc ra.Có xương sạch rồi, bắt đầu mới đến công đoạn đập xương. Xương hổ cứng có khi còn hơn cả thép nên phải là dạng cửu vạn lực lưỡng dùng búa tạ mới đập nổi.

Đó là còn chưa kể người đập xương  phải có “bộ ngửi” thật xịn chứ bằng không thì khó mà chịu được cái mùi vừa hôi nồng vừa gây sặc sụa của thịt hổ. Nhiều người phải bỏ dở công việc không làm được tiếp vì hắt hơi, nhức mũi, cho dù mỗi ngày công đập xương hổ có thể được trả tới 200 nghìn đồng chứ không ít.

Sau cùng, xương được tẩy rửa bằng nước gừng, nước phèn sao cho trở nên sáng trắng thì lúc bấy giờ mới bắt đầu được xếp vào nồi nấu. Phải mất 7 ngày, 7 đêm thì nồi cao mới ra thành phẩm.

Tôi nghe C "cọp” kể hành trình ấy mà thấy nhọc đến chết khiếp vì nó lắm công đoạn và cầu kỳ, rắc rối quá. Nhưng C "cọp” bảo, chả thấm gì so với lợi nhuận thu về. Và, anh ta tính cứ xẻ thịt một con hổ nặng chừng 200 kg, trừ chi phí, khi ra thành phẩm là lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Lãi lớn thế, buôn gì cho lại nên vất vả thế chứ vất vả nữa cũng “Ok”.

Chiếc đầu và nửa con hổ bị xẻ thịt.

Ban đầu nghe C "cọp” nói thế tôi không tin nhưng khi hỏi thêm một số ông trùm khác đều có cùng một câu trả lời như vậy. Trung tá Lê Hồng Sơn do yêu cầu nghiệp vụ cho nên trước khi đánh vụ này anh cũng đã tìm hiểu khá tỉ mỉ.

Trung tá Sơn còn tính được chi ly rằng cứ mỗi con hổ nặng 200 kg thì sẽ được 15 kg xương. Nhưng khi nấu cao, chủ lò phải trộn thêm 15 kg xương sơn dương, khỉ... thành ra 30 kg xương. Theo tỉ lệ cứ 1 kg xương được khoảng 2,2 lạng cao thành phẩm thì một con hổ nặng 200 kg sẽ được khoảng chừng 6,5-7 kg cao.

Óc và mắt của "vị chúa sơn lâm" này đã được bóc tách.

Thế mà mỗi lạng cao giá bán tại Hà Nội hiện nay là khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng thì số tiền thu về sẽ vào khoảng 700 triệu đồng. Trong khi đó giá thịt hổ móc hàm là 2 triệu đồng/kg thì một con hổ 200 kg chỉ mua với số tiền khoảng 400 triệu đồng.

Quả là siêu lợi nhuận!

Vậy mà khi khám nhà Thanh, Cơ quan điều tra đã thu được không phải chỉ 1 mà những 3 con hổ, trong đó có 2 con còn nguyên trong thùng lạnh và 1 con chỉ còn lại bộ da nặng 27 kg. 2 con trong thùng lạnh một con nặng 210 kg, một con nặng 250 kg.

Đó là chưa kể 8 cái đầu bò rừng, 4 chiếc ngà voi, 2 bình rượu kỳ nhông, hổ mang chúa và 7 kg cao thành phẩm. Thanh bước đầu thừa nhận đã làm 3 năm nay bây giờ mới bị phát hiện. Điều đó cho thấy đây là một ổ nhóm hoạt động có quy mô lớn và lợi nhuận mà Thanh cùng đồng bọn thu được cũng khá lớn.

"Ông ba mươi" và cuộc "hành trình" từ rừng xanh đến vạc dầu

Trung tá Lê Hồng Sơn nhận định, đây rõ ràng là một đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia mà Thanh chỉ là một đầu mối. Tuy hiện nay Thanh chưa khai nhận hết mọi mắt xích trong đường dây cũng như nguồn gốc của các con hổ mà Cơ quan Công an đã thu giữ tại nhà Thanh, nhưng theo các tài liệu trinh sát thì nhiều khả năng đường dây này bắt đầu từ Myanmar.

Hổ tại đây sẽ được vận chuyển bằng đường bộ qua Thái Lan, Lào rồi vào Việt Nam. Trung tá Lê Hồng Sơn cho biết, Cơ quan điều tra đang tiến hành các thủ tục để trưng cầu giám định về nguồn gốc, xuất xứ của các con hổ tang vật.

Theo ông Sơn, thời gian gần đây hoạt động mua bán hổ đông lạnh ở khu vực Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc diễn ra tấp nập và hết sức phức tạp. Các đường dây có sự móc ngoặc, tổ chức chặt chẽ.--PageBreak--

Nhưng công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này còn hạn chế. Ông Phạm Văn Trí - Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: Năm 2004, Hà Nội mới phát hiện một trường hợp nhồi da hổ ở phố Tôn Đức Thắng. 

Trung tá Lê Hồng Sơn cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên Công an TP Hà Nội bắt giữ quả tang một ổ nhóm buôn bán thịt hổ, loài động vật hoang dã quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ.

Tuy nhiên, theo Trung tá Sơn thì đây không phải là ổ nhóm duy nhất tại Hà Nội. Kết quả công tác trinh sát nắm tình hình cho thấy Hà Nội có tới hàng chục ổ nhóm buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm.

Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm buôn bán động vật hoang dã quý hiếm. Luật pháp nước ta quy định rất rõ ràng về tội phạm cũng như các chế tài xử phạt đối với loại tội phạm này. Trong Bộ luật Hình sự, tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm được quy định tại Điều 190 với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Nồi cao khỉ đang được nấu.

Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cũng quy định nghiêm cấm các hành vi vận chuyển, chế biến, tàng trữ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

- Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội, khẳng định vụ xẻ thịt hổ nấu cao trong thành phố sẽ được Công an Hà Nội xử lý nghiêm minh. Đồng thời, ông cho biết, đây là vụ án điểm, Cơ quan điều tra sẽ khẩn trương hoàn tất quá trình điều tra để sớm đưa vụ án ra xét xử.

- Ông Nguyễn Phi Truyền, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, cho biết, tình hình buôn bán hổ diễn ra phức tạp. Hổ hiện còn rất ít. Dân gian truyền rằng cao hổ có nhiều tác dụng, rất tốt, nhưng qua vụ bắt giữ ở Thanh Xuân cho thấy việc nấu cao hổ rất mất vệ sinh. Chúng tôi kêu gọi nhân dân hãy cùng bảo vệ loài hổ, lên án những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo nghị định này, hổ được xếp vào loại động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm 1B.Tuy nhiên, công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân là do nhận thức pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế.

Nhiều người coi việc nấu cao hổ là bình thường, xẻ thịt hổ cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật mà thậm chí còn là việc làm thể hiện đẳng cấp, thể hiện sự giàu có vì chỉ có người lắm tiền nhiều của mới mua được hổ, mới dám sử dụng các sản phẩm từ hổ.

Nhiều chuyên gia chuyên nghiên cứu về động vật hoang dã đã từng đau xót khi đánh giá rằng chúng ta sẽ khó có thể bảo vệ được động vật hoang dã, khó có thể cứu chúng khỏi nguy cơ tuỵệt chủng chừng nào con người vẫn còn có thói quen sử dụng các sản phẩm từ nó.

Và, phải chăng chừng nào người ta còn coi hổ là thần dược thì chừng ấy mùi hổ còn tìm mọi cách để lẩn khuất, ẩn náu không chỉ ở thành phố này mà ở mọi nơi xung quanh chúng ta...

.
.