Hồ sơ chuyên án 500 bán heroin

Chủ Nhật, 27/05/2007, 09:30

Cả thảy 4 đợt, PC17 Công an TP Hà Nội bắt 22 đối tượng, truy nã 6 đối tượng trong đường dây buôn ma tuý của Nguyễn Thị Thơm. Tất cả ngần ấy lần bắt giữ, khám xét đều được tiến hành một cách êm ả, không một phóng viên nào “nhòm ngó” được.

Ngày 18/5/2007, Công an TP Hà Nội họp báo chính thức công bố kết quả điều tra giai đoạn 1 của Chuyên án 157D, phá vỡ một đường dây ma túy xuyên quốc gia, bắt 22 đối tượng, làm rõ được việc chúng đã buôn bán khoảng 500 bánh heroin.

Phần 1: Khởi đầu của một chuyên án

Để có được chiến công này, ít người biết rằng, trong suốt 3 năm trời ròng rã, các cán bộ, chiến sĩ của Phòng PC17 Công an Hà Nội đã phải trải qua vô vàn vất vả khó khăn, thậm chí nguy hiểm.

Cuộc săn lùng các "bố già", "mẹ già" trong đường dây này ra sao? Cuộc đời và con đường phạm tội của chúng bắt đầu từ đâu? Chuyên đề ANTG sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin đó cũng như cuộc đấu mưu đấu trí của Lực lượng Công an.

Bí mật và bất ngờ

Tôi còn nhớ vào quãng đầu năm 2006, buổi sáng tôi có nghe phong thanh rằng, đêm hôm trước Công an Hà Nội vừa mới “vồ” được cùng lúc 3 đối tượng buôn bán ma túy ngay tại cửa ga Hà Nội, trong đó có một “mẹ già" tiếng tăm lẫy lừng trong giới buôn heroin.

Vốn có quen biết tí chút với Thượng tá Trần Quang Trong, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC17), tôi lập tức gọi điện thoại với ý định để moi thông tin. Nhưng, đáp lại, ông chỉ cười, không bảo có cũng chả bảo không mà buông gọn lỏn một câu: "Bí mật”.

Mãi bây giờ, kể lại câu chuyện ấy với Trung tá Nguyễn Trần Giang - Đội phó Đội 5 PC17 - tôi mới biết, thì ra cái lần bắt ở cửa ga Hà Nội đêm đó đã là đợt bắt thứ 3 của chuyên án. Sau 3 năm bí mật tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, đến đầu năm 2006, Ban Chuyên án mới bắt đầu “cất vó”.

Chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2006, 4 mẻ lưới đã được tung ra và mẻ nào cũng thành công ngoài mong đợi. Đợt đầu tiên bắt 10 đối tượng, truy nã 4; đợt hai bắt 6; đợt ba bắt 4, truy nã 1 và đợt thứ tư thì bắt 2, truy nã 1. Cả thảy 4 đợt bắt 22 đối tượng, truy nã 6. Tất cả ngần ấy lần bắt giữ, khám xét đều được tiến hành một cách êm ả, không một phóng viên nào “nhòm ngó” được.

Thượng tá Trần Quang Trong bảo, anh em làm án giữ bí mật trong suốt ngần ấy năm, không phải làm khó gì cho báo chí mà vì tất cả đều phải tuân thủ nghiêm kỷ luật của ngành để đảm bảo sự thành công của Chuyên án. Tội phạm ma túy là một loại tội phạm đặc biệt. Chúng có mối liên hệ chằng chịt với nhau. Cùng nhóm, cùng đường dây quan hệ móc nối với nhau đã đành nhưng nhiều khi đối tượng ở nhóm này cũng đã có thời gian làm ăn chung với nhóm kia.

Vì thế mà khi làm án, chỉ cần rò rỉ một thông tin nhỏ là "rút dây động rừng", hậu quả khôn lường, bao nhiêu công lao của anh em công an đổ hết xuống sông xuống bể. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp báo chí đăng tin một ông trùm X gì đó bị bắt tại Hà Nội là lập tức những kẻ đã từng làm ăn với tên này ở mãi TP HCM cũng... ù té chạy, lặn một hơi không sủi tăm.

Cũng bởi vì đảm bảo yếu tố bí mật mà hồ sơ của Chuyên án chỉ được giao cho một tổ làm. Mọi thông tin cần thiết tổ này sẽ trao đổi trực tiếp với Ban Chuyên án.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội 5 lúc ấy cứ như ngồi trên đống lửa. Con ốm ở nhà cũng không lo bằng ngộ nhỡ đang làm án mà anh em điều tra viên trong tổ điều tra đặc biệt này lăn quay ra ốm là tiến độ điều tra sẽ bị chậm lại. Bởi lẽ, khi tiến hành bắt, khám xét thì huy động nhiều đội trong đơn vị cùng làm nhưng hỏi cung thì cũng chỉ có tổ này mới được hỏi.

Trung tá Nguyễn Trần Giang cho biết, hầu như trong thời gian làm án, anh em không có ngày nghỉ. 22 bị can sau khi bắt giữ, do yêu cầu nghiệp vụ nên phải chia tách giam ở 7 trại giam khác nhau mà có trại cách xa Hà Nội tới mấy chục cây số. Anh em đi hỏi cung không chỉ mang theo hồ sơ, giấy tờ mà còn đèo bọc lớn, bọc bé đồ... tiếp tế cho bị can. Nào ruốc thịt, nào mỳ tôm, nào xà phòng, khăn mặt... nói chung là hầm bà làng đủ thứ, kể cả thuốc điều trị HIV/AIDS vì trong số 22 bị can có kẻ đã bị nhiễm HIV, tháng nào cũng phải dùng tới 4 triệu tiền thuốc.

Đến nơi giam, nếu bị can có đòi hỏi thêm gì về đồ ăn thức uống, cán bộ điều tra lại phải móc hầu bao, tất tả chạy đi mua. Anh em cứ nói đùa với nhau rằng, ở nhà vợ con có nhờ gì thì chau mày nhăn trán rồi đánh bài vờ... điếc chứ ở đây thì bị can cần gì cũng chiều, miễn là để họ... yên tâm khai báo.

Một thành viên trong tổ điều tra cho biết, chưa có vụ án nào mà các anh phải đi công tác xa nhà triền miên như vụ án này. Đối tượng gây án nằm ở rất nhiều tỉnh từ Hà Tây, Hà Nội đến Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, TP HCM, thậm chí vượt cả biên giới.

Phải nói rằng, trong quá trình làm án, Công an Hà Nội đã nhận được sự giúp đỡ, phối hợp rất tận tình và có hiệu quả của công an các tỉnh bạn. Việc “mượn” được bị án Hương “IC” từ Trại giam Công an tỉnh Lạng Sơn đưa về Hà Nội khai thác cũng là một kỳ công.

Buổi chiều vừa mới củng cố được lời khai có liên quan đến đối tượng có tên là Hương “IC”, lúc đó đang chấp hành bản án tù chung thân tại Trại giam Lạng Sơn là lập tức trong đêm các điều tra viên bươn bả phóng xe máy lên đường. Đến Trại giam Lạng Sơn, sau một ngày hỏi cung ròng rã, tổ điều tra đã báo cáo Ban Chuyên án quyết định “mượn” Hương về Hà Nội để khai thác thêm.

Cũng cần phải nói thêm rằng, đưa một người bình thường từ Lạng Sơn về Hà Nội với chặng đường chưa đầy 200 cây số không có gì khó khăn nhưng đưa một bị án chung thân trên quãng đường dài như vậy là rất kỳ công với đủ các phương án, các biện pháp nghiệp vụ để cuộc “đưa đón” đặc biệt này được đảm bảo trật tự và an toàn.

Chuyên án lớn từ lời khai vô tình...

Khó có thể tin được chuyên án ma túy cực lớn này lại bắt đầu từ những lời khai tưởng như rất vô tình của một đối tượng tép riu trong một vụ án ma túy từ năm 2003. Số là ngày đó, đơn vị phòng chống ma túy PC17 chỉ làm công tác trinh sát còn đến giai đoạn điều tra thì chuyển cho Cơ quan điều tra.

Vì thế, nếu có án ma túy thì anh em ở Phòng Cảnh sát điều tra (PC16 cũ) cứ chia nhau mà làm, bất kể đội điều tra án hình sự hay đội điều tra án kinh tế. Dạo ấy, Công an Hà Nội bắt được vụ buôn bán ma túy của Lại Văn Sơn và hồ sơ vụ án được giao cho Đội 4, một đội chuyên làm án kinh tế thụ lý.--PageBreak--

Cuối năm 2004, theo Pháp lệnh điều tra hình sự sửa đổi, một bộ phận của Phòng PC16 được nhập về với PC17. Theo đó, PC17 không chỉ làm công tác trinh sát như trước mà làm luôn cả công tác điều tra. Vì thế, hồ sơ vụ án Lại Văn Sơn cũng được chuyển về đây và được giao cho Đội 5 Phòng PC17.

Vốn rất có kinh nghiệm trong đánh án ma túy nên qua rà soát lại hồ sơ vụ án này, các điều tra viên đặc biệt chú ý đến một số lời khai trong đó có nhắc đến một đối tượng tên là Hà Phương.

Hà Phương không nằm trong đường dây của Lại Văn Sơn nhưng một số kẻ trong đường dây của Sơn lại biết Hà Phương là một "mẹ già" buôn heroin khá nổi tiếng trong giới. Theo mô tả trong các lời khai này thì Hà Phương khoảng 24, 25 tuổi, mặt tròn, khá xinh xắn và rất thạo tiếng Trung Quốc.

Cùng thời điểm đó, trong các chuyên án 157D, 305H, 505 H do PC17 lập để đấu tranh với đường dây buôn bán ma túy của Thuận “dê”, Cường “toe”, Lê Sỹ Thủy... thì lời khai của một số đối tượng  cũng có nhắc đến một nữ quái tên là Hà Thơm.

Có một điều lạ là các lời khai mô tả hình dáng của Hà Thơm có nhiều điểm trùng khớp với hình dáng của Hà Phương. Nhưng Hà Phương có phải là Hà Thơm không và nếu đúng thì thị đang ở đâu vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Bởi vì, chính các đối tượng khai ra Hà Phương và Hà Thơm cũng không biết nhiều về nhân thân của thị và cũng không dám chắc hai người đó là một.

Tội phạm ma túy, nhất là các đối tượng “tay to” thường giấu mình rất kỹ. Chúng hoạt động dường như đơn tuyến và thường xuyên thay tên đổi họ, chỉ có những kẻ thân cận trong cùng đường dây mới biết rõ.

Nếu không có kinh nghiệm đánh án thì những lời khai nói trên có thể sẽ bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án vì tưởng như nó chả liên quan gì đến chuyên án 157D, 305H và 505H. Nhưng các trinh sát, các điều tra viên bằng linh cảm và kinh nghiệm nghề nghiệp đã nhận ra hướng mở của một chuyên án lớn có thể sẽ bắt đầu từ những lời khai vô tình này.

Vì thế, họ kiên trì tiếp tục xét hỏi một số đối tượng trong Chuyên án 305H và 505H và họ đã không uổng công khi thu được một lời khai cực kỳ quan trọng: Hà Thơm có quan hệ với một người phụ nữ Việt Nam đã từng bị Công an Quảng Tây bắt giam vì tội buôn bán ma túy và bị tuyên án tử hình tại Trung Quốc.

Thông tin quan trọng này đã được Công an TP Hà Nội kịp thời báo cáo lên lãnh đạo Bộ Công an. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ, sáng 20/10/2005, đoàn công tác của Công an Hà Nội cùng đại diện của Văn phòng Interpol Việt Nam đã sang Trung Quốc làm việc với Tổng đội Phòng chống ma túy Công an tỉnh Quảng Tây.

Tại Quảng Tây, Trung tá Nguyễn Trần Giang kể, đoàn công tác của Công an Hà Nội đã được Công an Quảng Tây tiếp đón hết sức trọng thị trên tinh thần hợp tác, trao đổi thông tin, phối hợp thu thập chứng cứ đấu tranh chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Tài liệu của Công an tỉnh Quảng Tây cho biết, kẻ bị bắt giữ tên là Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1976, quốc tịch Việt Nam, quê quán xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Ngày 5/2/2005, Trung đội Pò Chài thuộc Đại đội trị an Sở Công an Bằng Tường, Quảng Tây nhận được tin báo của quần chúng nhân dân: đêm nay có thể bọn buôn bán ma túy sẽ giao nhận hàng ở khu vực biên giới. Trung đội Pò Chài đã ngay lập tức triển khai lực lượng, bí mật mai phục tại một ngôi nhà cách cột mốc số 15 Trạm kiểm soát Việt - Trung Pò Chài khoảng 40 mét về phía Trung Quốc.

Nguyễn Thị Nga cùng những bánh heroin bị Công an Trung Quốc bắt giữ tại Pò Chài.

Cho đến rạng sáng ngày 6/2/2006 thì phát hiện thấy có một người phụ nữ Việt Nam còn trẻ xuất hiện, tay cầm một gói nhỏ màu đỏ. Ít phút sau, có hai người đàn ông, trong đó một người tay xách một chiếc cặp số màu đen cùng xuất hiện với dáng vẻ rất vội vã. Người đàn ông đó rất nhanh đưa cho người phụ nữ kia chiếc cặp số và người phụ nữ cũng vội vàng dúi vào tay người đàn ông gói nhỏ màu đỏ.

Xong xuôi, người phụ nữ xách chiếc cặp số quay lại rảo bước rất nhanh về phía khách sạn Kim Liên Thành, thị trấn Pò Chài. Nhưng thị mới đi được chừng chục bước chân thì Trung đội Pò Chài ập đến, bắt quả tang trong chiếc cặp số màu đen có chứa 15 bánh heroin. Tiếp tục khám xét phòng 203, khách sạn Kim Liên Thành, Pò Chài, Bằng Tường, nơi đối tượng này đang nghỉ, Trung đội Pò Chài thu giữ được 9 bánh heroin nữa.

Tại Công an TP Bằng Tường, người phụ nữ khai nhận tên là Nguyễn Thị Nga. Về nguồn gốc số heroin, Nga một mực trả lời rằng không biết. Nga chỉ được một người bạn Việt Nam tên là Hà Phương nhờ ra cửa khẩu nhận hộ một cặp số đựng heroin do hai người đàn ông Việt Nam đưa và giao cho họ một gói tiền đựng trong túi nilon màu đỏ. Nga chỉ biết Hà Phương thuê phòng 203, khách sạn Kim Liên Thành từ tháng 11/2005, quê quán Hà Phương ở đâu Nga không biết chỉ biết Hà Phương rất thạo tiếng Trung Quốc.

Công an tỉnh Quảng Tây đã tiến hành cho Nga nhận dạng qua ảnh và Nga đã nhận ra người phụ nữ trong ảnh tóc cắt ngắn, mặt tròn, chừng 24, 25 tuổi là Hà Phương nhưng do những thông tin về Hà Phương còn chưa rõ ràng nên cuộc điều tra tạm dừng ở đó. Nguyễn Thị Nga sau đó bị Toà án Trung Quốc tuyên án tử hình vì tội buôn bán ma túy.

Đọc các trang tài liệu do công an nước bạn cung cấp, đoàn công tác của Công an Hà Nội rất mừng vì họ đã tìm thấy người cần tìm. Được sự đồng ý của công an nước bạn, đoàn công tác của Công an Hà Nội đã vào tận Trại giam Bằng Tường để trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thị Nga.

Biết đây là đoàn công an từ Việt Nam sang, ban đầu Nga rất hốt hoảng nhưng rồi thị trấn tĩnh lại rất nhanh. Khi Trung tá Nguyễn Trần Giang hỏi về Hà Phương, Nga vẫn một mực trả lời không biết và lặp lại y chang lời khai thị đã khai với Công an Trung Quốc.

Nhưng khi đoàn công tác của Công an Hà Nội rút ra bức ảnh chụp một người phụ nữ tóc ngắn, mặt tròn, chừng 24, 25 tuổi và hỏi rằng người trong ảnh có phải là Nguyễn Thị Thơm không thì mặt Nga biến sắc. Hai tay ôm mặt, Nga òa lên khóc nức nở. Nga biết mình không thể quanh co được nữa: “Vâng, Hà Phương chính là em gái tôi - Nguyễn Thị Thơm” và van xin các điều tra viên hãy cho qua việc này.

Cuộc hỏi cung kết thúc vào chiều muộn ngày 20/10/2005. Sáng ngày hôm sau đoàn công tác của Công an Hà Nội vội vã trở về Hà Nội mang theo 11 tài liệu pháp lý do công an nước bạn cung cấp. Từ đây, một chuyên án lớn thực sự  bắt đầu...

(Còn nữa)

.
.