Hoá chất pha xăng: Mua bao nhiêu cũng có!

Thứ Sáu, 01/06/2012, 21:50

Dư luận gần như đồng tình hoàn toàn với kết luận mới đây của các nhà khoa học khu vực phía nam rằng nguyên nhân chính gây cháy xe là do xăng pha cồn. Tuy nhiên kết luận này không khiến người dân yên tâm hơn, mà trái lại càng hết sức lo lắng. Bởi lẽ, mua ethanol, methanol rất dễ dàng. Bởi đây không phải là hàng cấm, hàng hiếm, hay hàng thuộc diện quản lý đặc biệt nào cả. cứ đến chợ Kim Biên ở TP HCM, người ta có thể đặt mua hàng tấn, hàng chục tấn, bao nhiêu và lúc nào cũng có.

Có thể nhắc lại một chút về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC), Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong - Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). Chiều 17/5 vừa qua, các nhà khoa học đã công bố nguyên nhân gây cháy xe trong thời gian qua. Theo đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến gây cháy xe, thì trong đó đã có 2 nhóm nguyên nhân là do xăng pha cồn.

Nhóm thứ nhất là việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật, là tác nhân dẫn đến rò rỉ xăng do hệ thống ống dẫn có hiện tượng bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao, tiếp xúc với tia lửa (do cầu chì ngắt điện vì lý do nào đó bị vô hiệu gây chập mạch), hoặc với nguồn nhiệt đủ độ nóng gây cháy.

Nhóm nguyên nhân thứ hai, là việc sử dụng xăng có chỉ số octan thấp như xăng A83 hoặc xăng pha methanol, ethanol kém chất lượng, không tương thích với yêu cầu của động cơ sẽ gây ra các vùng nóng cục bộ (phát sinh nhiệt) và gia tăng nguy cơ cháy do có các vật dễ cháy đặt gần.

Tuy nhiên, từ 17/5 đến nay, người sử dụng phương tiện chờ đợi nhưng vẫn chưa nghe thấy động thái gì của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng trước kết luận này. Dư luận cho rằng, nếu đã công bố nguyên nhân mà không có giải pháp, thì không khác gì vẽ đường cho hươu chạy, bởi người ta đã thấy được việc pha cồn vào xăng rất có lời.

Mua cồn dễ như mua nước!

Chiều 24/5, chúng tôi đến chợ Kim Biên, chợ hóa chất nổi tiếng phía Nam, tại quận 5, TP HCM. Được bao quanh bởi 4 con đường: Hải Thượng Lãn ông, Phan Văn Khỏe, Kim Biên và Vạn Tượng, ngôi chợ lúc nào cũng đông nghìn nghịt người chen lấn. Ngay tại mặt tiền 3 con đường, can nhựa, phuy thùng chất cao hàng hàng lớp lớp, với đủ các loại từ nước tẩy rửa máy móc, chất lau sàn nhà, axit, keo, dầu, hóa chất bột…, hàng trăm hàng ngàn thứ không thể nào kể xiết.

Chúng tôi ghé vào cửa hàng Quốc Dũng, gian đầu tiên của dãy ki-ốt 40 Kim Biên, hỏi hai thứ cồn công nghiệp và cồn thực phẩm. Giá cồn thực phẩm tức ethanol là 20.000 đồng/lít, cồn công nghiệp là 13.000 đồng/lít. Một dãy ki-ốt liền nhau chục căn đều mang chung số 40 Kim Biên, đều kinh doanh mua bán hóa chất.

Ở cửa hàng Thuận Trí, chúng tôi yêu cầu chở cồn đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc thuộc huyện Bình Chánh. Người chủ cửa hàng tư vấn: tốt nhất là mua một lần khoảng 5-6 phuy (1.000 đến 1.200 lít) sẽ có xe của cửa hàng chở đến tận nơi. Khách bày tỏ mối quan tâm là sợ đứt hàng, được chủ cửa hàng cho biết với hàng cồn thì không thiếu. "Bao nhiêu cũng có và lúc nào cũng có, cồn thì vô biên, không phải lo lắng gì".

Ethannol: Thủ phạm gây cháy xe.

Ở những cửa hàng tiếp theo mà chúng tôi vào như Tân Phú Trung, Minh Trường, Ngọc Diễm… đều tương tự, là mặt hàng ethanol, methanol lúc nào cũng sẵn, mua càng nhiều, vài ngàn lít trở lên được giảm giá hoặc chở đến tận nơi miễn phí vận chuyển. Cửa hàng Tân Phú Trung còn đề nghị khách làm hợp đồng bao tiêu tháng, cứ mỗi tháng phải tiêu thụ hết một số lượng nhất định thì mới được mua giá thấp.

Đa số các cửa hàng không hỏi khách mua cồn để làm gì. Chỉ duy nhất ông chủ cửa hàng Minh Trường, số 30 Vạn Tượng, có đề cập. Ông có phần ái ngại khi được biết cồn được pha vào xăng và gây ra cháy nổ. Ở một cửa hàng khác, một đồng nghiệp của chúng tôi đã hỏi và được chủ cửa hàng cho biết, ông ta biết một người đến mua methanol để pha vào xăng bán lẻ bên đường. Cứ lấy giá 12.000 - 13.000 đồng/lít methanol, pha vào xăng tỉ lệ chừng 10%, thì riêng về giá, người bán xăng đã lời 1.000 đồng/lít. Một ngày, cây xăng bán vài ngàn đến vài chục ngàn lít thì có nghĩa đã bỏ túi vài triệu đến vài chục triệu đồng. Và cứ như vậy, nếu pha tỉ lệ càng cao thì khách hàng bị móc túi càng nhiều.

Tỉ lệ pha trộn cao nhất đến giờ này có lẽ vẫn thuộc về hai cây xăng, đó là cây xăng Mai Dịch và cây căng Đồi Nên. Cây xăng Mai Dịch thuộc Công ty cổ phần Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, địa chỉ Km9 đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I, mẫu xăng này có hàm lượng methanol đến 15,3%, vượt 30.6% hàm lượng tiêu chuẩn.

Cây xăng thứ hai cũng chất lượng vô cùng tệ hại là Đồi Nên, thôn Đồi Nên, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Kiểm tra 3 mẫu xăng thì một mẫu chỉ số octan chỉ đạt 56,4%, hai mẫu chỉ đạt 75,5%, quá thấp so với tiêu chuẩn xăng A92 (con số 92, 95 trong xăng A92, A95 là chỉ số octan của loại xăng này).

Tuy nhiên, đó là nói về khoản tiền chênh lệch về giá bán. Còn một khoản lời mới thực sự khủng khiếp, đó là tiền chênh lệch từ "nâng cấp" chủng loại xăng. Tiến sĩ Huỳnh Quyền, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu cho biết, với xăng A83, chỉ cần pha thêm 10% ethanol sẽ cho chỉ số RON rất cao để lập tức biến thành xăng A95; pha 5% methanol hoặc 7% ethanol, cộng với chất phụ gia tiết kiệm xăng xuất xứ từ Trung Quốc, xăng có chỉ số octan thấp có thể biến ngay thành xăng A92.

Và thượng đế vừa bị móc túi bên trái, giờ bị móc tiếp túi bên phải với từ 500 đến 1.200 đồng/lít nữa! Như vậy, chỉ cần bán 1 lít xăng, người ta đã có thể ăn gian, móc túi người tiêu dùng trên dưới 2.000 đồng, một con số thực sự khủng khiếp!

Vì lợi bất chấp lương tâm!

Giá cồn ở chợ Kim Biên muôn hình vạn trạng. Ethanol có giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/lít, methanol từ 18.000 đến 21.000 đồng/lít. Bà chủ cửa hàng không bảng tên trên đường Phan Văn Khỏe cũng đưa ra giá khá cao và nói: "Đây là cồn nguyên chất nên giá mới cao hơn, tiền nào của nấy yên tâm đi!". Hỏi nếu cồn không nguyên chất thì trong đó có gì, bà chủ cửa hàng nhìn khách như người từ hành tinh khác rơi xuống: "Thì là nước chứ gì! Pha nước thì nồng độ cồn nó giảm đi!. Vậy nên mới có xe đề nổ nhưng lạch tạch song không chạy, như con vịt bì bạch là vậy đó!", bà ta nói mà cứ như chuyên gia!.

Theo ông Nguyễn Lê Ninh, phó giáo sư ngành cơ khí động lực, tiến sĩ động cơ ôtô, từ năm 1950 người ta đã pha methanol vào xăng để giảm chỉ tiêu ô nhiễm môi trường. "Khi đưa thông tin, Nhà nước cũng không nắm chuyện này để hướng dẫn người dân làm. Cho nên cứ cái gì có lợi thì người ta làm. Không quản lý được, dẫn đến hàm lượng methanol pha lung tung", ông Ninh nói.

Điều ông Ninh nói, nôm na theo nghĩa dân gian là "vẽ đường cho hươu chạy", người ta đã biết được cách pha cồn vào xăng để móc túi khách hàng. Có thể nói, việc pha cồn vào xăng giờ đã trở thành đại trà. Thời gian qua các cơ quan chức năng đã lấy hàng trăm mẫu  xăng ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam kiểm định, và bất cứ miền nào cũng có tỉ lệ lớn mẫu xăng có pha cồn. Từ chỗ được mệnh danh là "xăng sinh học", bảo vệ môi trường, nay loại xăng pha cồn này thành một thứ hủy hoại phương tiện, không khác chi hủy hoại môi trường sinh hoạt.

Công dân Nguyễn Hoàng Tuấn nói rằng, tình trạng cháy xe không chỉ phá hủy phương tiện, mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của người dân. "Ai cũng sử dụng xe, và ai cũng hoang mang lo lắng, gây tâm lý nặng nề lên toàn xã hội". Ông Tuấn cho rằng, buôn bán phải có cái tâm, không nên vì lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả. Muốn giảm thiểu tình trạng nguy hiểm như hiện nay, rất cần cái tâm của những người buôn bán xăng dầu. "Chỉ có lương tâm mới có thể kiểm soát hành vi, chứ không luật pháp nào kiểm soát được hết".

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cơ quan chức năng không cần phải làm gì, chỉ ngồi đó mà kêu gọi lương tri, vì khi người ta đã vì lợi mà làm, thì kêu gọi lương tri rất khó. Khi đã có tình trạng này xảy ra như trên, Nhà nước, mà cụ thể là các cơ quan quản lý cần phải có giải pháp khắc phục, tức ban hành những quy định mới và có chế tài, kiểm tra chặt chẽ, chứ không thể vẫn chỉ với cách làm như từ trước đến nay là chỉ nghe nơi đâu có vẻ gian lận thì kiểm tra và xử phạt nơi đó, theo kiểu ngứa đâu gãi đấy!

Đặng Vỹ
.
.