Hồi sinh những phận đời lầm lỡ bên suối Bầu Bàn

Thứ Tư, 15/07/2015, 07:05
Cách trung tâm Đà Nẵng chừng 40 cây số, nằm về phía bên kia của thượng nguồn con sông Cu Đê là thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ở đó, ven con suối Bầu Bàn suốt bốn mùa róc rách nước trong xanh, từ lâu đã mọc lên một xóm nhỏ với gần 20 hộ dân có lý lịch vô cùng đặc biệt. Họ trước đây là những trại viên của Trung tâm Phục hồi nhân phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 TP Đà Nẵng - NV).

Ngày mãn hạn lao động tập trung, họ không như số đông trại viên tìm đường trở về thành phố để tiếp tục đắm chìm trong đời sống chốn phồn hoa đô hội mà đã lặng lẽ ở lại với núi rừng, mưu sinh bằng nghề làm thuê và đốn củi qua ngày trong những căn lều dựng tạm cùng lời nguyền sẽ quyết tâm giã biệt những tháng ngày lầm lỡ, những trang đời nhơ nhuốc phóng đãng của mình…

Những ngày mùa hè, trời Đà Nẵng nắng đến nhức mắt. Tôi cùng với anh bạn đồng nghiệp hẹn nhau rất sớm, khoác vội chiếc áo dài tay lên mình, rồi lên xe nhằm hướng tây bắc phóng tới để tìm đến cái xóm nhỏ bình yên bên con suối Bầu Bàn.

Theo số liệu quản lý hành chính, thôn Lộc Mỹ hiện có 63 hộ dân với 297 nhân khẩu, trong đó có 23 gia đình nằm trong diện hộ nghèo và 7 hộ chưa xóa xong nhà tạm. Điều đặc biệt, trong số này có gần 20 hộ được nhiều người gọi là "hộ hoàn lương".

Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều học viên của Trung tâm Phục hồi nhân phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng, sau khi được trở lại với cuộc sống đời thường, họ đã không chọn con đường quay trở lại chốn cũ, nơi mà bản thân họ đã trải qua những niềm vui phút chốc và cả những nỗi sầu thảm của kiếp người. Họ đã tự nguyện ở lại với núi rừng và quyết tâm dựng nghiệp, gắn phần đời còn lại của họ với mảnh đất đã chắp cánh  cho họ những giấc mơ làm người lương thiện.

Hơn thế nữa, họ kỳ vọng vào sự mầu nhiệm của thiên nhiên sẽ giúp họ lãng quên những tháng ngày mà họ đã trót sa chân nơi bàn đèn thuốc phiện, những cuộc mây mưa nơi lề đường, góc phố để bán rẻ nhân phẩm con người đổi lấy miếng ăn…

Theo chỉ dẫn của một cán bộ ở Ban công tác mặt trận của thôn Lộc Mỹ, chúng tôi băng qua con suối Bầu Bàn đang vào mùa nước cạn để đến với xóm hoàn lương. Không chỉ chúng tôi mà bất cứ ai mỗi khi muốn tìm hiểu về những con người ở đây cũng đều phải ghé qua căn nhà của chị Trần Thị Phúc - Tổ trưởng tổ 1, vì chị được xem như người đã khai khẩn nên xóm hoàn lương nằm chênh vênh bên núi đồi khe suối này.

Những căn nhà ở xóm hoàn lương.

Lấy tay áo quệt những giọt mồ hôi trên trán, chị Phúc hồ hởi tiếp chuyện chúng tôi. Chị kể, cuộc đời chị toàn là những trang tủi hổ, đau buồn. Chị sinh năm 1952, quê gốc ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mồ côi cha mẹ từ rất sớm, chị phiêu dạt ra Đà Nẵng để mưu sinh. Lúc nhỏ chị lê la đi tìm việc làm thuê, làm mướn, khi thì giúp việc cho những gia đình buôn bán; khi thì phụ bán hàng cho các bà tiểu thương trong chợ Cồn…

Đến tuổi cặp kê, cô gái có đôi má như quả bồ quân làm lắm kẻ xiêu lòng. Rồi cuộc sống khó khăn, rồi bạn bè rủ rê tham gia vào những buổi đi cà phê, tiệm nhảy. Đà Nẵng đầu những năm 70 tràn đầy sắc lính từ nhiều nơi tụ về chi viện cho vùng giới tuyến bên cầu Hiền Lương. Sau những đợt tác chiến trở về là những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của những gã lính đánh thuê lẫn cố vấn quân sự Mỹ.

Lúc bấy giờ, bia, rượu, ma túy và đàn bà là những thú chơi của những tay lính trận và ở đó cũng là một cái bẫy khiến nhiều cô gái phải sa chân, lầm lỡ. Trần Thị Phúc trở thành gái làng chơi để mua vui cho nhiều hạng người cũng bắt đầu từ đó. Có tiền, lòe loẹt phấn son, phút chốc cô gái nhà quê trở thành ả cave sành điệu. Đêm đêm cô sực nức mùi nước hoa để quay cuồng nơi tiệm nhảy, rồi vui vẻ qua đêm với bất cứ ai, miễn là người đó có tiền.

Rồi đất nước thống nhất, những cô gái như Phúc sực tỉnh sau một cơn mê. Nhưng rồi vì hoàn cảnh tứ cố vô thân, không một đồng xu dính túi nên chẳng có cách nào hơn là quay lại kiếp “bướm đêm”. Năm 1979, trong một đợt truy quét tệ nạn xã hội Phúc được cơ quan chức năng đưa vào Trung tâm Phục hồi nhân phẩm tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Những ngày lao động tại đây, chị đã cảm phục rồi quen một trại viên tên là Nguyễn Văn Tài. Năm 1980, trung tâm đã tổ chức một đám cưới tập thể dành cho các trại viên, trong số đó có đám cưới của anh Tài và chị Phúc.

Chị Phúc bồi hồi nhớ lại: Lúc mới nhập trại, anh Tài là một thanh niên nghiện xì ke khá nặng, giai đoạn đầu trông vật vã oặt ẹo lắm, nhưng rồi bằng tất cả nỗ lực của bản thân, anh đã quyết tâm cai được ma túy. Bốn năm trong trại, trong đó có ba năm vợ chồng chia sẻ, động viên nhau. Ngày ra trại anh chị quyết tâm bám trụ lại mảnh đất ân tình này để mưu sinh lập nghiệp. Ngày ngày  hai vợ chồng vào rừng đốn củi mang về bán cho dân, rồi làm thuê làm mướn, rau cháo qua ngày.

Sống với nhau đến năm 1998 thì anh Tài mất, để lại cho mẹ con chị Phúc nỗi trống vắng đơn côi. Rồi con gái chị lấy chồng, những tưởng rồi cuộc đời con chị sẽ đỡ vất vả hơn chị. Éo le thay, khi đứa cháu ngoại mới chập chững biết đi thì cha của nó lâm trọng bệnh mà qua đời. Gia đình chị lại thêm một lần nữa rơi vào cảnh hẩm hiu, cô quạnh.

Ở cạnh căn nhà tuềnh toàng của mẹ con chị Phúc là chị Trần Thị Minh Nguyệt, sinh năm 1958. Năm chị tròn 2 tuổi thì mẹ mất, cha chị vì buồn chán mà bỏ xứ ra đi, chị sống với bà nội ở xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đến năm 9 tuổi thì bà nội qua đời. Từ đó, chị bắt đầu một cuộc sống nổi trôi, kiếm sống nhờ tình thương của bà con chòm xóm. 16 tuổi, Nguyệt đã phổng phao xinh đẹp, không đến độ sắc nước hương trời nhưng cũng từng được ví như một đóa trà mi có đôi mắt buồn hoang dại.

Rồi do cuộc sống nghèo khó túng bấn đã đưa đẩy Nguyệt tìm đến Căn cứ quân sự Chu Lai để kiếm tiền bằng nghề bán hàng cho lính. Rồi tuổi trẻ với những nghĩ suy nông nổi, cạm bẫy của đồng tiền đã xô đẩy chị sa chân vào con đường bán phấn buôn hương.

Chị Phúc và chị Nguyệt đang chăm sóc vườn cây thuốc lá.

Sau năm 1975, chị theo bạn bè ra Đà Nẵng. Rồi trong một lần bán dâm cho khách, Nguyệt bị lực lượng chức năng truy quét và đưa vào Trung tâm Phục hồi nhân phẩm dưới chân núi Bầu Bàn. Ngày ra trại, thay vì vui mừng được đoàn tụ với gia đình, nhưng Nguyệt như một con chim lạc bầy không tìm ra phương hướng. Được cán bộ của trung tâm hướng dẫn, chị tìm đến xóm hoàn lương để tá túc và kiếm sống qua ngày. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt chị đượm buồn ngân ngấn nước…

Chị kể, cho đến bây giờ, nhiều đêm trong giấc ngủ quá khứ ngày xưa vẫn hiển hiện quay về. Những lúc như thế, chị chỉ biết cầu trời khấn Phật làm sao cho những đoạn đời hoang hoải ấy sẽ mãi được ngủ yên, để chị được thanh thản sống, rồi thanh thản ra đi trên mảnh đất này.

Chia tay chị Phúc, chị Nguyệt, chúng tôi lại băng qua những góc vườn để tìm đến căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu và chị Bùi Thị Sĩ. Trong căn nhà gỗ khá tươm tất, chúng tôi đã nghe thấy tiếng bi bô của trẻ, thấy màu xanh của những luống rau khuất sau những hàng hoa vạn thọ, chút nắng vàng trải nhẹ lên khoảng sân nhỏ bé, tuồng như hương sắc mùa xuân vẫn còn lưu luyến ở nơi này. Ngày trước, anh Sáu sống ở Đà Nẵng, do gia cảnh khó nghèo dẫn chân đến nơi đây lập nghiệp.

Ở đây, anh đã gặp chị Sĩ, một học viên từng ở Trung tâm Phục hồi nhân phẩm, do mặc cảm với quá khứ tăm tối của mình nên không thể trở về quê Quảng Ngãi để gặp lại người thân. Anh chị đã nên duyên vợ chồng và cùng nhau xây dựng đời sống mới. Anh Sáu kể, khi anh quyết định xây dựng gia đình với chị, người thân của anh tất cả đều phản đối, rồi quay lưng từ bỏ anh, xem anh như một đứa con ngỗ ngược lạc loài. Anh bảo rằng, vợ anh đã có một quá khứ quá đau buồn, đó là phần đời không đáng nhớ, nhưng anh lại tìm thấy ở chị một tâm hồn hướng thiện, khát khao được sống, được làm người lương thiện để rũ bỏ những muộn phiền ở phía sau lưng.

Câu chuyện đang vui, anh Sáu đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ tay đã ố vàng theo năm tháng, trong đó có những đoạn anh viết thế này: “Có thể cô ấy đã có những ngày tháng va vấp với cuộc đời, với xã hội, với chính bản thân cô ấy, nhưng với tôi cô ấy vẫn trong sáng, thiêng liêng… Có lẽ số phận cuộc đời đã trói buộc chúng tôi lại với nhau từ cái đêm trung tâm tổ chức liên hoan văn nghệ ấy, tiếng hát ngọt ngào u uất của cô trại viên đã như hớp hồn tôi…”.

Bây giờ, dẫu cuộc sống vẫn còn bề bộn khó khăn, nhưng nhìn lại quanh làng anh chị vẫn là người có cái ăn cái mặc, có tivi, xe máy, quan trọng nhất là có một niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng.

Vợ chồng anh Sáu đang chăm sóc vườn rau.

Vợ chồng anh Lê Văn Tại - chị Nguyễn Thị Quyên ở cạnh nhà anh Sáu cũng từng là trại viên của Trung tâm Phục hồi nhân phẩm. Ngày mãn hạn lao động tập trung, anh chị được bạn bè cùng cảnh ngộ động viên nên cùng dắt díu nhau về xóm hoàn lương lập nghiệp.

Chị Quyên kể rằng, hồi mới ra khỏi trung tâm, những đôi vợ chồng trại viên ở đây đối mặt với rất nhiều khó khăn, đất đai chưa có nên đa số phải ngày ngày vào rừng đốn củi mang về bán để kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Hồi đó, đi làm thuê cũng khó vì người dân ở đây phần còn nghi ngại về phẩm chất, phần nữa là chưa ai tin anh chị em trại viên sẽ làm được những công việc nhọc nhằn. Dần dần, qua cuộc sống mọi người hiểu và thông cảm cho nhau hơn, từ đó chị em mới có thêm việc làm thuê mới cho những gia đình trồng thuốc lá, trồng rau…

Trong câu chuyện với chúng tôi, một lãnh đạo của thôn Lộc Mỹ cho biết: Xóm hoàn lương chiếm hơn 1/3 số hộ dân trong toàn thôn. Những năm qua, với những nỗ lực trợ giúp của xã hội, tất cả các hộ dân ở đây đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo để tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống. Tính đến thời điểm này, trong số đàn gia súc, gia cầm hơn 2.000 con hiện có, thì xóm hoàn lương đã chiếm hơn 1/4.

Điều này khẳng định họ đã nỗ lực rất nhiều để phấn đấu, hoàn thiện mình, xóa hết mọi mặc cảm của đời sống, để hòa nhập cộng đồng sống tốt, sống có ích. Ước mơ của họ là trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ quan tâm hơn trong việc bê tông hóa những con đường, xây dựng những khu vui chơi giải trí để phục vụ đời sống, sinh hoạt của những người già và con trẻ.

Chia tay Lộc Mỹ, chia tay con nước xanh bốn mùa róc rách của dòng suối Bầu Bàn, chia tay mảnh đất đã bao tháng năm ôm ấp những phận người lầm lỡ. Chúng tôi trở về thành phố trên con đường mênh mang màu nắng mới. Gửi lại sau lưng những mái nhà bé nhỏ, những vườn cây xanh lá trải dài đến vô tận của ngàn xanh…

Phan Bùi Quốc Anh
.
.