Hy sinh vì nhân dân trong lũ dữ

Thứ Tư, 21/10/2020, 18:09
Hàng trăm năm qua, chưa có khi nào thiên tai giận dữ đổ xuống đầu người dân Quảng Trị gây ra những thiệt hại nặng nề như năm nay. 5 trận lũ dữ, lũ quét, lở núi liên tục xảy ra đã làm ít nhất 45 người chết, 28 người hiện còn mất tích, hơn 20 người khác bị thương nặng hiện vẫn đang phải điều trị tại các bệnh viện.

Trong cuồng nộ của thiên tai, Công an Quảng Trị đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh, tuần này tiếp nối tuần khác, thâu ngày trắng đêm dầm mình trong mưa lũ, xông pha nơi lở núi, cứu nạn người dân. Họ đã thực hiện công việc ấy bằng mệnh lệnh của trái tim mình!

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ mất mát với gia đình đồng chí Trương Văn Thắng.

Đêm cách Hướng Việt hơn 50 cây số

Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa là xã biên giới xa thứ hai của tỉnh Quảng Trị, (sau Hướng Lập), giáp tỉnh Quảng Bình. Đến Hướng Việt chỉ có một đường duy nhất là đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, điểm bắt đầu ở ngã ba Tượng đài chiến thắng Khe Sanh, thị trấn Khe Sanh-Hướng Hóa. Sáng 18-10, tin dữ 22 bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quân khu 4 bị lở núi vùi lấp đang làm đau xót đến tận cùng, thì thêm tin dữ nữa ập đến: Đoàn đi tìm kiếm, cứu nạn 7 người dân ở Hướng Việt mất tích do lũ quét gặp nạn, khiến đồng chí Thượng úy Công an xã hy sinh, hai người bị thương nặng là Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã và ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt. 4 người khác trong đoàn bị lở núi vùi lấp và bị lũ quét cuốn trôi mất tích.

Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm, cứu nạn của các lực lượng phối hợp đóng gần điểm lở núi thứ nhất trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Km15. Cuối ngày 19-10, thi thể cuối cùng trong số 22 bộ đội bị lở núi vùi lấp đã được tìm thấy, đưa ra ngoài, còn thi thể Thượng úy công an và 2 người bị thương nặng vẫn đang bị kẹt giữa núi. Nguyên nhân do điểm lở núi thứ hai trên cùng tuyến đường cách điểm lở thứ nhất khoảng 1km, hàng ngàn khối đất, đá đổ xuống, tràn ra mặt đường, khiến tất cả mọi phương tiện đều không thể vượt qua. Việc xúc gạt, khắc phục thông tuyến mất ít nhất 1 tuần.

Chúng tôi ngược lên miền núi Hướng Hóa từ 6h sáng 18-10. Sau 2 lần suýt chết do bị lở núi, lũ quét dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, cuối cùng chúng tôi cũng vào tới được Sở Chỉ huy tiền phương. Đêm 18-10 như dài thêm, hầu hết mọi người đều thức trắng. Trời lạnh buốt, gió mưa ràn rạt. Đại tá Nguyễn Đức Cảm, Phó Giám đốc Công an Quảng Trị chợt nói khẽ, ngày mai xe cộ chưa vào được, anh em chúng tôi cũng lội bộ vào Hướng Việt. Chừng cứ vài chục phút, Đại tá Cảm lại nhìn đồng hồ, rồi nhìn ra con đường, khoảng trời tối đen hun hút phía trước mặt.

Theo Đại tá Cảm, sáng 18-10 khi các lực lượng Công an tỉnh, huyện đang cùng bộ đội, dân quân tập trung xúc, gạt lở núi để thông đường vào bản Cợp, xã Hướng Phùng, tìm kiếm bộ đội bị vùi lấp ở đó, ông đã bàng hoàng nhận tin dữ. Thượng úy Trương Văn Thắng (sinh năm 1989), công an xã Hướng Việt trong lúc đi cứu dân bị lở núi vùi lấp. Hai cán bộ của xã Hướng Việt bị thương nặng cũng đang rất cần sự cứu chữa kịp thời. Nhưng, khi đoàn tìm kiếm, cứu nạn của Công an tỉnh và huyện vừa vượt qua được điểm lở núi thứ nhất thì cách đó chỉ khoảng 1km lại không thể nào đi tiếp được nữa. Điểm lở núi thứ hai lớn hơn rất nhiều lần. Đến trưa cùng ngày thì mọi phương tiện đều không thể liên lạc được với Hướng Việt và xã Hướng Lập lân cận.

Công an tỉnh Quảng Trị cứu giúp người dân trong mưa lũ.

Sớm 19-10, chúng tôi quay về TP Đông Hà (Quảng Trị). Buổi trưa lại ngược lên Hướng Hóa, nắm thông tin Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn họp bàn, tìm phương án cứu nạn ở Hướng Việt tại Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ của công an tại huyện. Trên đường đi, lũ đã rút, nhà cửa, cây cối ven Quốc lộ 9 điêu tàn, xác xơ chưa từng thấy. Nước sông Đakrông một màu đục đỏ, hai bờ sạt lở từng mảng lớn; đất, đá ngổn ngang, nham nhở như một bãi chiến trường.

Sau nhiều giờ họp bàn, tìm phương án, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn thống nhất đề xuất phương án của Công an tỉnh Quảng Trị và Công an huyện Hướng Hóa phối hợp người dân địa phương lội bộ xẻ rừng từ điểm Hướng Phùng vòng qua sát biên giới Lào rồi men theo bờ sông Sê Băng Hiêng đi đến chân núi Tà Rùng, từ đây tiếp tục xẻ rừng, băng suối, leo ngược lên núi Tà Rùng đến Hướng Việt.

12h trưa cùng ngày, đoàn tìm kiếm, cứu nạn gồm 10 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, tỉnh và một người dân địa phương thạo đường rừng núi dẫn đường, xuất phát. Đêm ở Sở Chỉ huy tiền phương cách nơi thi thể đồng chí Thắng đang nằm lại và 2 người bị thương nặng đang bị kẹt giữa rừng núi, dường như dài hơn cả đêm trước. Chúng tôi lại một đêm không sao chợp được mắt, mọi tâm trí đều hướng về Hướng Việt...

Cứu dân giữa biển nước mênh mông

Quảng Trị từ ngày 5 đến 20-10 mưa như thác đổ. Ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ, tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều bị ngập lụt nặng. Không phải bị ngập 1-2 lần, trong 2 tuần kể trên, hàng chục ngàn ngôi nhà dân ở đây đã ít nhất 5 lần bị nước lũ nhấn chìm. Lúc 10h đêm 19-10, Công an huyện Gio Linh đã lần thứ 5 điều động khẩn cấp các lực lượng của đơn vị trở lại vùng lũ cứu dân.

Thượng tá Đỗ Duy Hải, Trưởng Công an huyện cho biết, buổi chiều sau khi cứu nạn, di dời, sơ tán hơn 200 hộ dân ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang trong 4 trận lụt trước đó vẫn còn cao ráo nhưng nay bị ngập sâu trong nước, đến các địa điểm, khu vực cao ráo để trú tránh an toàn. Gần 100 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tiếp tục vượt nước lớn về các thôn Lâm Xuân, Mai Xá Thị của xã Gio Mai, Gio Linh để cứu nạn hơn 150 hộ dân đang leo, bám vào các đồ đạc, vật dụng trong nhà để tránh bị ngập nước, cuốn trôi. Tại thời điểm đó rất nhiều nơi kêu cứu, trong khi đó mưa rất lớn, trời thì tối đen do toàn bộ các khu vực bị ngập đều mất điện nên rất nguy hiểm. Đến gần 12h đêm mới cứu hết bà con, nghỉ ngơi và ăn tối, cũng chỉ bát mì tôm chống đói.

Các lực lượng Công an Quảng Trị cứu dân trong lũ dữ.

Về thôn Lâm Xuân, bà Nguyễn Thị Biên (sinh năm 1950) tâm sự: Các trận lụt lịch sử năm 1983 và 1999 rất lớn nhưng không lớn bằng năm nay. Bởi bây giờ nhà nào cao nhất ở thôn, nước cũng vào tới hơn 1 mét. Sáng 19-10 nước tiếp tục lên nhẹ, đến buổi chiều cùng ngày thì bắt đầu xuống nhưng rất chậm. Toàn bộ người trong thôn coi như giữ được mạng sống là tốt rồi, còn lại heo, gà, vịt, lúa má, tài sản khác đã bị nước lũ cuốn trôi sạch trơn. 

Trận lụt lớn kế trước đó vào ngày 18-10 cũng đã khiến hàng chục ngàn dân của tỉnh này phải chạy lũ chật vật trong đêm. Do mưa lớn như thác đổ liên tục nhiều ngày, chiều tối hôm đó nước các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Sê Pôn lên rất nhanh. Đặc biệt, trên sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị mực nước lên đến 7,40m, vượt báo động 3 là 1,40m, vượt lũ lịch sử năm 1999 là 0,11m. Ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ, khắp cả 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hàng chục ngàn ngôi nhà nhanh chóng bị nhấn chìm trong biển nước.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, kéo dài, công an các đơn vị trong tỉnh lại tập trung dồn toàn lực lượng chống lũ, cứu nạn, cứu hộ người dân vùng bị ảnh hưởng; đảm bảo ANTT tại cơ sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng mưa lũ, trộm cắp tài sản của người dân.

Trực tiếp chỉ đạo lực lượng cứu nạn tại vùng rốn lũ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong vào đêm 18-10, Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện cho biết, từ buổi trưa cùng ngày, nước từ thượng nguồn theo sông Thạch Hãn đã dội về, mạnh như xé. Mọi thứ ở vùng hạ du đều bị dòng nước dữ cuốn trôi sạch trơn. Anh em cán bộ chiến sĩ đã phải trắng đêm dầm mình trong nước lụt để cứu nạn, di dời, sơ tán hơn 300 hộ dân. Đơn vị cũng phải huy động thêm lực lượng, phương tiện ngay trong đêm để tiếp tế nước và thức ăn nhanh cho số anh em làm nhiệm vụ vì đói, khát kiệt sức.

Lúc 12h đêm, gia đình anh Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1978), vợ là chị Nguyễn Thị Ái Vân (SN 1984) và hai con nhỏ là hộ cuối cùng bị ngập lụt ở rốn lũ Triệu Độ được ứng cứu, sơ tán đến nhà dân tại khu phố 1, phường Đông Lương, TP Đông Hà, xúc động kể lại: “May các chú công an ứng cứu kịp thời, chứ không thì cả nhà chết chắc, vì nước đã lên cao quá nửa nhà, xung quanh còn bị ngập sâu hơn vài mét, trời tối om vì mất điện từ cả mấy ngày trước đó, không thể liên lạc kêu cứu được với ai cả”.

Suốt nửa tháng qua, ngày đêm nào cũng vậy, cùng với việc cứu nạn người dân, các lực lượng Công an Triệu Phong, từ việc quyên góp, kêu gọi hỗ trợ, đã liên tục tổ chức hàng trăm chuyến hàng, cấp phát nhu yếu phẩm cứu trợ người dân chạy lụt.

Trong ngày lũ lớn 18-10, chúng tôi đến vùng Càng gồm 7 xã vùng thấp lũ của huyện Hải Lăng. Nơi đây chỉ có một màu nước lũ bạc trắng. Chiếc đò máy được thuê của anh Đoàn Trung Thuận ở xã Hải Sơn cứ loạng choạng đâm vào những bụi tre cao vút dọc các con đường làng. Biển nước ngập lên tới hơn 2/3 thân cây và nhiều cây đã bị gãy ngang thân do sức nước từ thượng nguồn đổ về quá mạnh. Đò chạy được khoảng hơn chục cây số thì chúng tôi phải quay trở lại vì quá nguy hiểm.

Trong suốt quãng đường này, chúng tôi chỉ gặp được gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở Càng Hưng Nhơn, xã Hải Hòa. Ông Thắng chia sẻ, nhờ làm nền nhà cao nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bị ngập nước. Chừng nào có nguy cơ bị ngập thì ông sẽ chủ động sơ tán một cách an toàn. Ông cũng cho hay, hầu hết bà con ở đây và ở các Càng khác đều đã được các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và tỉnh di dời, sơ tán từ 4-5 ngày trước. Sáng sớm 18-10, một số hộ bị ngập mới cũng đã được di dời tránh lũ.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong các trận lũ từ ngày từ 5-10 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập 4 đoàn công tác do các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, các đồng Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, liên tục đi kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương; chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ và cứu nạn, cứu hộ người dân, tàu thuyền bị chìm trên biển, lở núi gây vùi lấp người và nhà cửa ở các huyện miền núi.

Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, trong suốt nửa tháng mưa lụt, lũ quét, chìm tàu, lở núi vừa qua, các lực lượng công an trong tỉnh đã luôn không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, hy sinh, hành động cứu dân bằng mệnh lệnh của trái tim. Hiện nay, Quảng Trị vẫn đang còn mưa gió, ngập lụt, lũ quét, lở núi rất nguy hiểm và khó lường.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn địa phương đã có gần 43.000 hộ với hơn 160.000 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt. Các lực lượng công an trong toàn tỉnh đã huy động gần 450 ca-nô, tàu thuyền, gần 1.000 xe ô tô và phương tiện cơ giới khác, thực hiện công tác ứng cứu, triển khai sơ tán được 820 hộ dân với 23.778 người bị ngập lụt, chìm tàu thuyền, nguy cơ bị lở núi đến các khu vực an toàn để trú tránh, đảm bảo tốt nơi ăn chỗ ở cho bà con; đảm ANTT tại cơ sở và giữ gìn đảm bảo tài sản cho người dân vùng chạy lụt, di dời, sơ tán do thiên tai.

Mặc dù đã rất chủ động và làm tốt công tác truyền thông cho người dân về đề phòng, ứng phó với thiên tai, cũng như làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ người dân, do thiên tai vừa qua diễn biến quá phức tạp và khó lường, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Trị đã có ít nhất 45 người chết, 28 người mất tích, hơn 20 người khác bị thương nặng hiện vẫn đang phải điều trị cứu chữa tại các bệnh viện, do lũ dữ, lũ quét và lở núi.

Trước sự hi sinh anh dũng của Thượng úy Trương Văn Thắng trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn người dân, ngày 19-10, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm Đại úy cho đồng chí.

Thanh Bình
.
.