Khắp nẻo đường mùa xuân chống dịch

Thứ Tư, 10/02/2021, 09:16
Dịch bệnh bất ngờ quay trở lại trong lúc êm đềm nhất của mùa xuân, khi Tết Nguyên Đán đang cận kề. Nhưng, chính quyền và người dân đã rất nhanh kích hoạt lại các động thái chống dịch ở mức cao nhất với mong muốn ngăn chặn tối đa sự lây lan của nó để đón một cái tết an lành.


Mùa xuân chống dịch

Sau gần sáu mươi ngày không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, người dân các địa phương hân hoan chờ đợi một cái tết yên ấm thì dịch bệnh quay trở lại với những biến thể mới của Anh quốc và châu Phi khiến nhiều người bàng hoàng.

Người Việt trên khắp đất nước hình chữ S hẳn vẫn chưa thể nào quên quãng ngày sống chung với nỗi lo dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Ai ai cũng sợ giãn cách quay trở lại, khi đó lại mất việc, mất thu nhập. Nhưng, đã 1 năm kể từ dịch COVID-19 có mặt ở Việt Nam (ngày 22-1-2020), người Việt đã học được nhiều cách để tồn tại lúc gian nguy, trong đó có cách sống bao dung, hướng về cộng đồng. Khi Hải Dương, Quảng Ninh xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên của đợt 3 với tốc độ lây lan chóng mặt, thì cũng gần như ngay lập tức lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ đưa ra những quyết sách để đối phó với dịch bệnh một cách nghiêm túc và người dân cũng phải tuân thủ một cách nghiêm túc.

Công an Gia Lai phát khẩu trang miễn phí cho người dân kết hợp tuyên truyền phòng, chống Covid-19.

Khi dịch bệnh lan ra các địa phương, từ Hải Dương, Quảng Ninh rồi tới Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương và tiềm ẩn ở nhiều địa phương khác thì gần như ngay lập tức các địa phương đã kích hoạt lại trạng thái phòng chống dịch ở mức cao nhất. Quảng Ngãi kích hoạt lại hơn 20 điểm kiểm soát dịch bệnh trên đường bộ, đường sắt và đường biển. Đà Nẵng đặt tình trạng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất và sẵn sàng chi viện về nhân lực, vật lực ngành y tế cho các địa phương đang trong tâm dịch là Hải Dương và Quảng Ninh.

Cũng gần như ngay lập tức, chỉ sau một thời gian ngắn khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên của đợt 3 với những mối nguy cơ tiềm ẩn, cả nước có 16 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Nội, Bình Dương, Sơn La.

Việc ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo các cấp, từ cấp cao xuống đến lực lượng trực chiến không ngưng nghỉ trong công tác để sát cánh với các địa phương và nhân dân chống lại dịch bệnh. Ngay trong đêm 31-1-2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã vào vùng tâm dịch, kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Hải Dương và Quảng Ninh. Nhiệt huyết của cấp lãnh đạo ở mức cao nhất của Chính phủ đã đem lại niềm tin trong nhân dân.

Chờ đợi một “Chiến thắng mùa xuân” nữa

Bộ Y tế liên tục phát đi những thông báo khẩn tới từng người dân. Bộ Giao thông - Vận tải ngay lập tức chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện việc lập các chốt kiểm dịch để chặn đứng con đường lây lan của dịch bệnh với những biến chủng mới nguy hiểm này. Và ở khắp nơi, lại dấy lên những lời kêu gọi người người chống dịch, nhà nhà chống dịch, ngành ngành chống dịch. Tuy vẫn còn đó một vài cá nhân nhưng sự chung sức đồng lòng của người dân khắp cả nước đã giúp cho quá trình chống dịch đợt 3 này có những điểm sáng ngay trong thời khắc cao điểm nhất.

Điểm sáng tình người ấy còn phải kể đến rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã miễn phí vận chuyển hàng hóa cứu trợ, các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo góp gạo và những doanh nghiệp trong câu lạc bộ ngàn tỷ ở Việt Nam cũng đã đóng góp cho việc xây bệnh viện dã chiến phòng COVID-19 lan rộng, hay xây nhà, thêm tiền cho việc tái thiết lại vùng lũ miền Trung.

Trung tá Ksor H’Bơ Khắp (Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) trực tiếp chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế cho các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Có những chuyến xe chở nhân viên y tế đi ngay trong đêm vào tâm dịch để hỗ trợ chống dịch. Họ chỉ được báo trước đó cách đấy vài tiếng, không kịp chuẩn bị gì nhiều. Có chăng chỉ vài câu chào, vài lời gửi gắm. Hành trang chỉ là vài bộ quần áo, một chuyến xe, một ý chí và quyết tâm.

Đêm đó, nhiều người không ngủ, họ và cả những người trong gia đình họ. Đấy là những chuyến xe đi rất nhanh mà không báo trước. Hàng trăm cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện, hàng ngàn tình nguyện viên ở khắp các địa phương, các tổ công tác phản ứng nhanh đã không quản khó khăn, vất vả, nguy hiểm, phối hợp với chính quyền địa phương làm việc xuyên đêm nhằm truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh, chính xác cho người dân những thôn, khu bị phong tỏa, vùng giãn cách xã hội của Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh...

Tất cả đều tuân thủ nguyên tắc phát hiện thật nhanh, bằng mọi hình thức, phát huy tổ phòng, chống dịch cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để khoanh vùng. Chậm một giờ, một ngày, nếu không may F1 dương tính thì sẽ lây ra cộng đồng rất lớn. Tất cả đều có chung một mong ước, đó là khoanh vùng nhanh, truy vết gọn, dập dịch thần tốc, sớm đẩy lùi dịch bệnh, giành lại cuộc sống an toàn cho người dân trước tết.

Và lại như những đợt dịch trước, ở khắp nơi người người lại vận động, quyên góp để tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa, cho các cán bộ y tế và bệnh nhân đang điều trị tại các khu cách ly. Các cán bộ y tế, bác sĩ đã động viên tinh thần người bệnh, đồng thời trợ giúp di chuyển đồ đạc đến các bệnh viện, khu cách ly. Mọi người đều trong tâm thế chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Tại Gia Lai, vùng dịch cũng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là một trong những vùng đất nghèo của Tây Nguyên nhưng khi dịch bệnh diễn ra, địa phương này đã bất chấp những khó khăn, nhanh chóng phong tỏa vùng thung lũng cao nguyên rộng lớn như A Yun Pa, Ia Pa, và Krông Pa... Những chiến sĩ, cán bộ CAND tăng cường 100% ứng trực. Vận động, tuyên truyền, tầm soát hàng chục ngàn người có nguy cơ để bảo đảm ứng phó với mọi tình huống, kể cả cấp độ cao nhất.

Hàng trăm chiến sĩ đã cùng đồng bào từng giờ từng phút chiến đấu với dịch bệnh. Nhiều người đã xúc động khi thấy hình ảnh những chiến sĩ CAND mang khẩu trang phát cho từng người nghèo, đeo khẩu trang cho từng đồng bào khi họ chưa biết cách dùng. Bộ quân phục lấm lem bụi đỏ đứng bên bộ quần áo nhuộm màu bazan đẹp vời vợi như tình đồng bào trong đại dịch.

Nhiều chiến sĩ công an cùng cán bộ y tế lặn lội vào những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, ở những nơi không có cả sóng điện thoại, băng đèo lội suối. Họ phải đi xuyên đêm, đi làm cả ngày cả đêm để lấy mẫu kiểm dịch đảm bảo tiến độ. Mệt quá thì nghỉ, nhóm khác lại đi thay, rồi tranh thủ đi làm tiếp. Các chiến sĩ liên tục nắm người, nắm hộ, chạy đến từng buôn làng để truy vết nóng các trường hợp nghi tiếp xúc với người nhiễm. Mồ hôi thấm áo các chiến sĩ, người thì hỏi thăm thông tin, xong phải viết vội vào sổ tay không thì dễ nhầm vì ở đây người Jrai tên rất khó phát âm, dễ nhầm lẫn. Vất vả, khẩn trương để nhanh chóng kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo có những quyết sách đúng đắn, phù hợp trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Cả ngày truy vết, đêm lại phải hỗ trợ cho các chốt kiểm soát để những anh em trực ban ngày có thể tắm giặt, ngả lưng chợp mắt. 1 giờ sáng, trời lạnh rét căm căm, điện thoại báo 14-15 độ, ngay cả những lãnh đạo như Trung tá Ksor H’Bơ Khắp (Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) vẫn trực tiếp chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế từ các nhà hảo tâm cho cán bộ chiến sĩ tại nhiều điểm chốt chặn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang bám biên, giữ chốt.

Dịch bệnh phức tạp và khó lường. Rất nhiều cố gắng và nỗ lực của cả một cộng đồng, một đất nước đang chung tay để chống dịch. Nhưng, có những sự hi sinh thầm lặng mà rất ít khi được nói ra. Tại các vùng biên giới giá lạnh ở phía Bắc hay nắng lửa ở cao nguyên và biên giới Tây Nam, hơn 400 học viên Học viện Biên phòng cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng các tỉnh, thành đã hành quân lên các chốt chặn dọc tuyến biên giới với đất liền với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” bất chấp tình hình thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Kiên quyết ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép, không cho COVID-19 xâm nhập nội địa.

Cái cách mà người Việt Nam đang chiến đấu, một quốc gia nhỏ bé, với thu nhập trung bình thấp nhưng đã bền bỉ chiến đấu chống dịch không đầu hàng và buông xuôi trong suốt một thời gian dài qua. Nhiều người đã nổi da gà khi chứng kiến cảnh Việt Nam đối phó với đợt bùng phát này như thế trong khi dồn dập những việc lớn của đất nước và người dân như tết âm lịch đang đến cận kề.

Việt Nam, một lần nữa chứng kiến các đợt tái bùng phát trở lại bởi biến chủng COVID-19. Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các lực lượng và đặc biệt là sự đồng thuận, đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh của nhân dân chính là yếu tố quan trọng nhất để đất nước ta chiến thắng trong “trận chiến” này. Và cũng một lần nữa, báo giới và bạn bè quốc tế đang theo dõi cách phản ứng của Việt Nam như thế nào và tin rằng, sẽ có một “chiến thắng mùa xuân” nữa, với đất nước và dân tộc này.

Tiêu Dao
.
.