Người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con: Khát khao được một lần gặp con

Thứ Tư, 05/06/2019, 14:45
Câu chuyện về người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối giằng co với trọng bệnh suốt 22 tuần để sinh con an toàn đã gây xúc động mãnh mẽ trong dư luận những ngày qua. Em bé chào đời bình an bằng nghị lực phi thường của người mẹ và sự nỗ lực hết mình của 2 ê-kíp bác sĩ phẫu thuật đầu ngành về sản khoa và ung bướu.

Sau câu chuyện của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm thì cuộc chiến giành giật sự sống sau ca mổ “bắt con” của sản phụ Nguyễn Thị Liên để thực hiện ước nguyện một lần gặp con đã viết nên câu chuyện đẹp về tình mẫu tử, về sự nhân văn của người thầy thuốc. 

Nghị lực kiên cường của người mẹ bên bờ tuyệt vọng

9 ngày sau ca mổ “bắt con”, tôi gặp anh Đỗ Văn Hùng, chồng của sản phụ Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam - người mẹ ung thư giai đoạn cuối đã từ chối điều trị để sinh con) mà báo chí, dư luận nhắc tới suốt những ngày qua. Nhắc tới vợ con, anh Hùng cho biết, tới sáng nay vợ anh đã tỉnh, tiếp xúc được, đã trao đổi được bằng cách viết chữ qua bảng.

“Bác sĩ nói sức khỏe vợ tôi đã khá hơn, có thể sang tuần gặp được con, cả gia đình tôi đều phấn khởi” - anh Hùng rơm rớm kể.

Bé Bình An được các điều dưỡng chăm sóc đặc biệt.

Từ sau ngày mổ “bắt con” (22-5), anh và người thân đều thấp thỏm lo lắng bởi sức khỏe của chị Liên ngày một diễn biến xấu đi, có những thời điểm tưởng chừng chị không cầm cự nổi khiến anh đứng ngoài phòng hồi sức cấp cứu nín thở chờ đợi. Nhưng may mắn, hai hôm nay sức khỏe vợ anh đã tốt lên, đã tỉnh và giao tiếp được. Điều này khiến anh bật khóc ngay khi nhìn thấy vợ tỉnh lại.

“Có lẽ cô ấy chưa được gặp con nên dù những lúc rơi vào hôn mê, cô ấy phải dùng lí trí để phải tỉnh lại. Bởi mong ước lớn nhất của vợ tôi là một lần nhìn thấy đứa con vừa chào đời” - anh Hùng rớm nước mắt nói.

Theo lời kể của anh Hùng, anh vốn làm nghề thợ sơn ở thành phố Phủ Lý, còn vợ anh làm công nhân, cuộc sống tuy không dư dả nhưng lại vô cùng hạnh phúc khi họ có một con gái nhỏ 2 tuổi. Năm ngoái, chị Liên mang thai đứa con thứ hai, vợ chồng họ rất phấn khởi.

Lúc thai nhi được 8 tuần tuổi, chị Liên xuất hiện u cục ở vú nhưng chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa thông thường nên chủ quan không thăm khám. Thai nhi phát triển lớn hơn, chị ngày một ho nhiều, ho cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức vùng ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức thì mới đến Bệnh viện K khám. Đón nhận kết quả ung thư vú giai đoạn tiến triển đã di căn, chị Liên bàng hoàng ngã quỵ.

“Khi hay tin này, tôi đã bị sốc, mọi hi vọng của chúng tôi đều sụp đổ” - anh Hùng nhớ lại. Kể về thời gian đó, anh Hùng nói đó là thời gian khó khăn và đau đớn nhất với gia đình họ. “Vợ tôi sau khi nghe bác sĩ sản và K tư vấn đã không đắn đo suy nghĩ quyết giữ lại thai nhi, với hy vọng là cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời” - anh Hùng kể lại.

Ca sinh ngồi của người mẹ ung thư gây xúc động trong cộng đồng.

Trước quyết tâm của chị Liên, các bác sĩ Bệnh viện K quyết định vừa điều trị ung thư cho mẹ, vừa kéo dài tuổi thai kỳ. Nhưng quyết định đó cũng đặt cho họ rất nhiều áp lực. Bởi bệnh ung thư của chị Liên đã ở giai đoạn 4, điều trị làm sao để ung thư không tiến triển nhanh, chế độ thuốc và dinh dưỡng ra sao để bảo đảm an toàn cho thai nhi... là tất cả những tiên lương mà bệnh viện phải tính đến.

Tuy nhiên, do trước đó bệnh viện đã từng điều trị cho Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm cũng trong tình trạng bệnh tương tự, em bé chào đời thiếu nhiều tháng nhưng đến nay bé Gấu - con của Thiếu úy Trâm - đã 3 tuổi, thông minh, khỏe mạnh là một động lực, niềm tin cho các bác sĩ.

Từ thời điểm thai 18 tuần, các bác sĩ Bệnh viện K đã hội chẩn liên viện với các chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện 103, thống nhất nỗ lực theo dõi, chăm sóc sức khỏe hai mẹ con, cố gắng giữ em bé ở lâu trong bụng mẹ được ngày nào hay ngày ấy. Thai nhi được 22 tuần tuổi, chị Liên nhập viện điều trị 2 đợt hóa trị dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ hai bệnh viện. 6 tuần sau khi hóa trị, người mẹ xuất hiện dấu hiệu khó thở, tràn dịch màng phổi tiến triển, chị lập tức được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị.

Dù rất yếu, mệt mỏi và đau đớn do ung thư vú đã di căn vào xương, phổi, xuất hiện hạch dày đặc, hơn 2 tháng nằm viện, chị Liên không thể nằm thở được mà phải ngồi 24/24h. Mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, ăn bằng đường truyền nhưng người mẹ đó vẫn kiên cường, nỗ lực kiên trì từng phút giây, chỉ mong muốn con được ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì hy vọng sống càng cao.

Tới ngày 22-5, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh. Trước lúc vào phòng phẫu thuật, chị Liên thều thào: “Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an”.

Sự thành công của ngành y tế

Chia sẻ với chúng tôi về ca mổ “bắt con” đặc biệt này, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - người mổ chính cho chị Liên nói rằng, đây là sự thành công của ngành y tế về chăm sóc toàn diện cho người bệnh, chăm sóc từ xa, thăm khám, theo dõi ở bệnh viện không phải chuyên khoa sản.

Thành công bởi có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, hợp đồng giữa hai bệnh viện khi quyết định mổ lấy em bé. Đặc biệt, phải cảm ơn các bác sĩ của Bệnh viện K đã điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người mẹ rất tốt trong suốt quá trình thai kỳ.

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, trong cuộc đời nghề y của ông, đây là ca mổ đặc biệt nhất vì lần đầu ông mổ cho sản phụ ở tư thế ngồi. Sản phụ rất yếu, đau đớn vì ung thư di căn, phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, sự sống rất mong manh nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời.

Giám đốc Bệnh viện K - GS.TS Trần Văn Thuấn thăm khám và động viên, tặng quà cho chị Liên.

Đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân suy yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, vẫn có thể có nguy cơ mất cả mẹ lẫn con. Ê-kíp phẫu thuật là các bác sĩ hàng đầu của hai bệnh viện.

Tiếng khóc chào đời của bé Đỗ Bình An đã khiến người mẹ và cả ê-kíp vui mừng trào nước mắt. Dù rất yếu nhưng người mẹ cũng gắng gượng hỏi PGS Cường con mình được mấy cân. Biết cân nặng của con, nghe tiếng khóc của con, biết con đã bình an, người mẹ lúc này mới yên tâm tiếp tục chiến đấu để giành sự sống.

Dù chào đời trên nền mẹ ung thư nhưng về mặt hình thái, bé Bình An không có bất thường gì. “Việc nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh ở bệnh viện chuyên khoa ung bướu là điều vô cùng ngạc nhiên. Có thể nói đó là cuộc vượt cạn “mẹ tròn con vuông” kỳ diệu với một sản phụ đang đối mặt với căn bệnh vô cùng nghiêm trọng. Bé cân nặng 1,5 kg, đây là cân nặng bằng tuổi thai. Rất mong con bình an như tên gọi của mình” - PGS Cường chia sẻ sau ca mổ.

Là bệnh viện đầu ngành về sản khoa, việc chăm sóc trẻ sinh non là công việc thường quy của bệnh viện nhưng với trường hợp đặc biệt của bé Bình An, PGS.TS Trần Danh Cường đã chỉ đạo Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh của bệnh viện ngay sau khi tiếp nhận bé từ Bệnh viện K chuyển sang, phải sử dụng phương tiện, thuốc và chăm sóc y tế tốt nhất dành cho bé. Theo chia sẻ của ông thì đó không chỉ là trách nhiệm mà trên cả còn là tình yêu thương của các cán bộ nhân viên y tế dành cho bé để bé thực sự bình an, khỏe mạnh gặp mẹ.

Không phụ lòng mong mỏi đó, đến nay sức khỏe bé Bình An đã tiến triển tất tốt, bé không phải dùng máy thở, ăn xông qua dạ dày khoảng 20ml sữa/lần (gấp 5 lần so với mới sinh). Đây là điều mà người thân của bé và các bác sĩ cảm thấy ấm lòng nhất.

Nỗ lực thực hiện mong ước được gặp con

Mong ước được gặp con là nguyện vọng lớn nhất của chị Liên, đây là sợi dây mẫu tử thiêng liêng, là cách liên thông duy nhất để tạo động lực giúp chị sinh tồn. Hơn ai hết, người mẹ đó hiểu rõ bệnh trạng của mình và cũng chỉ bởi nguyện vọng chưa thực hiện được nên trong những lúc tưởng chừng bệnh rơi vào bế tắc, nguy kịch thì sợi dây mẫu tử đã đánh thức người mẹ phải tỉnh lại.

Nghe chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện K, chúng tôi mới thấu hiểu, các bác sĩ đã dồn nhiều tâm huyết để nỗ lực hồi phục sức khỏe cho Liên đến thế nào. 3 ngày sau mổ “bắt con”, chị đã uống được một chút sữa. Nhưng tới ngày thứ 5 bệnh chị chuyển biến nặng, sang ngày thứ 6 sức khỏe của chị diễn biến xấu, suy hô hấp, kết quả chụp X-Q phổi không khả quan.

Anh Hùng thăm con sau khi cháu chào đời.

Ngay lập tức các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Bạch Mai dưới sự chủ trì của GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K để nghị điều trị, chăm sóc theo dõi tích cực, sát sao, sử dụng phác đồ điều trị tối ưu nhất, những thuốc điều trị tiên tiến nhất, hỗ trợ thở tốt nhất cho chị. Ngày thứ 7 chị có dấu hiệu khả quan trở lại, ngày thứ 8 tỉnh và tiếp xúc tốt. Ngày thứ 9 chị đã tiếp xúc hoàn toàn bình thường.

Các chỉ số xét nghiệm tạm thời trong giới hạn ổn định, phổi đã có dấu hiệu tích cực và vẫn được các bác sĩ theo dõi 24/7. Do phải thở máy nên chị không nói được, mọi giao tiếp đều viết lên bảng. Các bác sĩ tiên lượng chị có thể tự thở hoàn toàn trong thời gian tới. Bệnh viện hy vọng với tình hình điều trị hiện nay, bệnh nhân sớm có sức khỏe để gặp được con.

“Để mẹ có thể gặp được con, chúng tôi bàn rất nhiều phương án. Nếu mẹ không sang được thì đưa con sang nhưng tình hình sức khỏe cháu Bình An còn non tuần tuổi nên không thể đưa ra khỏi Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh. Vì thế phương án đưa mẹ sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương gặp con được hai bệnh viện tính đến.

Tuy nhiên, sức khỏe hiện tại của chị Liên chưa thể đưa sang gặp con được, ít nhất mẹ phải tự thở, phải ngồi được xe lăn và đặc biệt phải đảm bảo sức khỏe của mẹ an toàn trên đường đi và cả sự xúc động lúc gặp con” - Ths.Bs Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện K cho biết.

Theo chia sẻ của GS.TS Trần Văn Thuấn, bệnh viện đang nỗ lực hết tâm sức để tổ chức sắp xếp một buổi cho hai mẹ con sớm được gặp nhau. Đó sẽ là khoảnh khắc đẹp nhất mà tất cả mọi người đang mong muốn, chờ đợi. Và để thực hiện được điều đó, hằng ngày các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đều chụp ảnh bé chuyển qua Bệnh viện K, thậm chí còn đặt 2 máy quay quay lại hình ảnh bé để mỗi khi chị Liên tỉnh lại đều được nhìn thấy con. Mỗi lần nhìn hình ảnh con, người mẹ đều cảm động trào nước mắt. “Đây là động lực rất lớn để người mẹ nỗ lực sống” - BS Tĩnh nói.

Tôi được biết, sau trường hợp Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm từ chối điều trị bệnh để nhường sự sống cho con thì Bệnh viện K đã dành rất nhiều tâm huyết cũng như sự hỗ trợ cho chị Liên về thuốc men, trang thiết bị y tế và vật chất trong suốt quá trình điều trị đến nay. Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng kêu gọi các tổ chức xã hội ủng hộ, giúp đỡ bé Bình An. Hai bệnh viện dự định sẽ lập một sổ tiết kiệm trao cho gia đình chị vào ngày hai mẹ con gặp nhau.

Câu chuyện về người mẹ kiên cường không chỉ gây xúc động trong cộng đồng xã hội, nhận được nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người mà còn còn mang đến ý nghĩa nhân văn, tấm lòng cao đẹp của người thầy thuốc với người bệnh.

Trần Hằng
.
.