Kỳ tích của một dự án khai thác dầu khí

Khát vọng mang tên Biển Đông 01

Chủ Nhật, 10/03/2019, 19:50
Việc chế tạo giàn khoan Mộc Tinh được giao cho Vietsovpetro, còn Công ty Cổ phần Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ nhất là chế tạo giàn Hải Thạch và giàn xử lý trung tâm PQP-HT.

Nhận nhiệm vụ Tập đoàn giao cho, “người anh cả” Vietsovpetro và PTSC M&C đã tập trung vào đây những chuyên gia giỏi nhất và những người thợ lành nghề nhất. Lãnh đạo các đơn vị này cũng đứng trước một thách thức chưa từng có - ấy là chế tạo giàn khoan ở độ sâu trên 140m nước.

Hàng chục năm qua, Vietsovpetro chế tạo giàn thường ở mức trên năm chục mét độ sâu. Ở ngoài biển, cứ thêm một chục mét độ sâu là phải thay đổi hàng loạt vấn đề trong thiết kế và thiết bị. Một người đứng xuống biển, nước đến đầu gối thì khác, nhưng chỉ cần nước ngập đến thắt lưng là… đừng đùa! Không khéo chết đuối như chơi. Biển cả là thế đấy. Con người chưa bao giờ chế ngự được sóng biển, mà chỉ nghĩ kế chống chọi lại mà thôi.

Một buổi chào cờ trên giàn khoan dầu khí Hải Thạch.

PTSC M&C là một trong những tổng thầu EPCI (Engineering, Procurement; Construction and Installation - Installation là lắp đặt trên biển) hàng đầu của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn dầu khí lớn nhất Đông Nam Á là Petronas của Malaysia đã xếp PTSC M&C vào các công ty có trình độ chế tạo cơ khí đạt chuẩn quốc tế. PTSC M&C đã thực hiện 40 dự án lớn và hầu hết là trên biển, trong đó, đáng nể nhất là Dự án giàn Hải Sư Đen; giàn Thăng Long và Đông Đô của Thăng Long JOC; Dự án Sư Tử Đen Đông Bắc… rồi Dự án chế tạo Module máy nén khí cho mỏ Lan Tây của BP…

Lãnh đạo của PTSC và nhất là đơn vị chủ công PTSC M&C thì gần như bám trụ, ăn ngủ tại công trường chế tạo. Hình ảnh Giám đốc PTSC M&C cùng các cộng sự quần quật suốt ngày đêm ngoài công trường đã in sâu trong trí nhớ của tất cả những ai đã tham gia Dự án Biển Đông 01.

Trong dự án này, phần việc giao cho PTSC M&C là nặng nhất, chiếm tới 3/4 khối lượng. Và mặc dù đã thi công nhiều công trình biển, từng làm nhiều giàn có khối lượng lên đến 2.000 tấn, hoặc như bộ chân đế cho mỏ Chim Sáo nặng 4.000 tấn, nhưng đối với giàn công nghệ xử lý khí thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tự chế tạo. Trước đây, các giàn công nghệ đều do nước ngoài làm. Chính vì vậy, khi biết tin PVN tự chế tạo, lắp đặt giàn công nghệ, nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã rất ngạc nhiên và thậm chí họ còn… thách đố.

Khi bắt tay vào làm, nhiều lãnh đạo PTSC M&C thấy choáng ngợp, bởi công trình này lớn quá, vĩ đại quá và là công trình chưa bao giờ các anh nghĩ chúng ta có thể làm được.

Để thực hiện dự án này, PTSC M&C đã đưa 50 kỹ sư sang Malaysia để cùng họ thiết kế. Đây là cách làm rất hay của lãnh đạo PTSC M&C, bởi vì các kỹ sư này, khi tham gia thiết kế từ đầu, lúc về họ lại chỉ huy thi công lắp đặt, như vậy anh em sẽ rất hiểu công việc. Ban Dự án Biển Đông 01 của PTSC M&C có 500 người, đảm nhiệm nhiều loại công việc khác nhau, nhưng tất cả đều có trình độ từ đại học trở lên.

Có những thời điểm mà trên công trường có tới 3.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động tay nghề cao làm việc suốt ngày đêm. Cũng phải nói thêm rằng, toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị và thi công chế tạo trên bờ do đội ngũ cán bộ, công nhân viên người Việt đảm nhiệm và trong khoảng thời gian là 30 tháng. Các chuyên gia và những người thợ tài ba của PTSC M&C đã có những giải pháp kỹ thuật hết sức tài tình trong việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi) để tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 53 tấn trên một mét vuông và đặt đường trượt hạ thủy chịu được tải trọng 1.720 tấn trên một mét chiều dài. Chỉ có nền bãi này, các cần cẩu có sức nâng 1.200 tấn mới nhấc được các khối thiết bị nặng hàng ngàn tấn. Đây là một kỷ lục mà rất ít nhà thầu trên thế giới làm được.

Chế tạo trên bờ đã là việc cực khó, nhưng đem ra biển xa hàng trăm cây số hạ thủy, lắp vào chân đế mới là chuyện “đánh bạc với giời”. Từ trước, việc lắp đặt các giàn có khối lượng dưới 4.000 tấn thì dùng cần cẩu, nhưng với các giàn trên 4.000 tấn thì phải theo phương pháp đánh chìm sà lan hoặc trượt. Việc vận chuyển, lắp đặt cực kỳ tốn kém và thường chiếm đến 30% giá trị toàn dự án.

Xin hãy thử tưởng tượng, một chiếc sà lan chở trên đó khối thiết bị nặng cả chục ngàn tấn, cao ngất ngưởng như tòa nhà chục tầng được hai hoặc ba tàu kéo đi với tốc độ nhỉnh hơn người đi bộ chút, trên đoạn đường biển hơn 300 cây số thì sẽ như thế nào? Kéo ra đến nơi rồi lại phải hạ xuống, lắp vào giàn chân đế… Vì giàn quá nặng, nên lúc hạ thủy chân đế phải dùng phương pháp đánh chìm sà lan để cho giàn trượt xuống biển và được giữ lơ lửng trong làn nước biển bằng hệ thống phao khổng lồ. Sau khi định vị chuẩn xác vị trí, sẽ cho xả hơi từ các phao và để giàn chìm dần xuống.

Năm 2011, lắp đặt giàn Mộc Tinh. Khi đang “rồng rắn” cả đoàn trên biển khi cách Mộc Tinh hơn 100 cây số thì có tin một cơn bão mới nhoe lên tít tận ngoài Thái Bình Dương, cách Philippines cả ngàn cây số. Tốc độ di chuyển của bão thì gấp… 3 lần tốc độ của đoàn tàu. Thế là cả đoàn đã phải… chuồn ngay vào Côn Đảo nấp. Một lần bị như vậy là coi như vài chục tỉ đồng ném xuống biển.

Trong ký ức của nhiều đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị Biển Đông POC, PTSC, PV Drilling, Vietsovpetro, PV EIC… họ vẫn nhớ như in những cuộc họp bàn giải pháp kỹ thuật kéo dài trắng đêm, những cuộc tranh cãi nảy lửa ngay trên bãi chế tạo ngoài cảng PTSC; rồi có những lúc đã đập bàn… Nhưng tất cả đều chỉ vì một mục tiêu chung là đưa giàn Hải Thạch - Mộc Tinh vào khai thác đúng tiến độ và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Có một vấn đề nữa mà cho đến nay mới thấy rằng, quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn có tầm nhìn chiến lược trong việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao.

 Trước đây, chế tạo và lắp đặt các giàn khoan, các trung tâm xử lý dầu, khí, chúng ta đều phải thuê chuyên gia nước ngoài. Chi phí cho việc thuê chuyên gia nước ngoài đắt gấp nhiều lần so với người Việt Nam. Điều trớ trêu là cùng một vị trí làm việc như nhau, trình độ ngang nhau, nếu thuê chuyên gia nước ngoài thì chi phí phải trả cao gấp hơn 10 lần so với người Việt.

Chuyên gia nước ngoài có ưu điểm là cung cách làm việc rất chuyên nghiệp, cẩn trọng, họ thường có những giải pháp hiệu quả. Nhưng điểm không phù hợp với điều kiện của ta là họ sài rất sang theo những tiêu chuẩn cao cấp, họ áp chuẩn cao và nhất nhất cái gì cũng phải theo “chuẩn”, bất kể thứ  “chuẩn” đó có phù hợp với điều kiện của ta hay không. Tuyển chọn chuyên gia cũng phải rất cẩn thận. Khi đọc hồ sơ, lý lịch của ai cũng “đẹp”, nhưng khi vào việc thì lại chưa chắc.

“Khát vọng” - đúng là những người làm Dầu khí Việt Nam có một khát vọng cháy bỏng là tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc. Chính khát vọng này đã trở thành động lực để cho họ vượt qua hết những khó khăn thách thức này đến khó khăn thách thức khác, dù là trên Biển Đông hay ở sa mạc Sahara, ở vùng cực Bắc nước Nga, vùng rừng hoang vu đầy bất ổn ở Venezuela hay vùng rừng rậm Amazon ở Peru… để làm nên thương hiệu Petrovietnam. Chỉ có những người trong nghề mới hiểu hết sự phức tạp, “rắc rối” của nghề thăm dò khai thác dầu khí.

Cụm giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh.

Trên đời này có một nghề mà công việc không giờ nào giống giờ nào, không ngày nào giống ngày nào, không giếng khoan nào giống giếng khoan nào - đó chính là nghề thăm dò khai thác dầu khí. Vì thế, có người từng làm việc nhiều năm, kinh nghiệm được coi là “đầy mình”, nhưng khi bắt tay vào khoan một giếng mới thì vẫn có thể thất bại thảm hại như thường. Như BP, TOTAL và số tập đoàn danh tiếng trên thế giới khác từng thăm dò khai thác ở Việt Nam, nếu cộng số tiền mà họ đã “đổ xuống Biển Đông” để rồi không moi lên được 1 lít dầu nào có lẽ phải là cả tỉ đôla. Như BP chẳng hạn, 16 năm trời ròng rã họ thăm dò khu Hải Thạch - Mộc Tinh, ném vào “hai vì sao dưới đáy biển” này cả gần nửa tỉ đôla, nhưng cuối cùng cũng đành phải “chia tay hoàng hôn”. Rủi ro trong thăm dò khai thác dầu khí là thế.

 Chính vì rủi ro trong thăm dò khai thác dầu khí quá lớn, cho nên trên thế giới, các tập đoàn, công ty khai thác dầu khí thường phải liên doanh với nhau. Ngoài việc liên doanh để tận dụng thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm điều hành của nhau thì còn có một lý do nữa, ấy là chia sẻ rủi ro. Đầu tư vào một mỏ tốn hàng trăm triệu đôla, nhỡ không hút được dầu thì chia tiền bị mất ra, cũng đỡ… xót ruột.

Một trong những sáng tạo nhất của anh em Ban Quản lý Dự án Biển Đông là quyết định đặt hàng với PV Drilling chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD)  và đã đầu tư 200 triệu USD cho chế tạo giàn này. Giàn PV Drilling V là loại giàn tiếp trợ và khi làm xong ở mỏ này thì lại được kéo đi mỏ khác. Khi khoan thăm dò ở độ sâu 140m, nếu với phương pháp dựng giàn khoan cố định, mỗi giếng khoan tốn khoảng… 200 triệu USD, còn nếu dùng giàn tiếp trợ thì mỗi giếng chỉ hết 50 đến 70 triệu USD.

Cũng phải nói thêm rằng, trên thế giới hiện chỉ có 8 giàn tiếp trợ nửa nổi, nửa chìm như thế này.

Có một chuyện mà không phải là nhiều người đã biết, ấy là từ cuối năm 2009, khi Dự án Phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh còn đang chờ các bộ, ban, ngành cho ý kiến và Chính phủ phê duyệt thì Tập đoàn đã cho triển khai đóng giàn PVD-V và mua 35 ngàn tấn thép. Giá thép vào năm 2009 khá thấp, nếu mua vào năm 2010 thì phải đội lên gần 30%.

Trong quá trình thiết kế, chế tạo và lắp đặt, có thể nói những ngày kéo các thiết bị ra biển để hạ xuống là những ngày mất ăn mất ngủ. Việc có mặt thường xuyên của lãnh đạo Biển Đông POC tại công trường đã làm tăng sự phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các đơn vị liên quan như Vietsovpetro, PV Drilling, PTSC… đồng thời cũng tạo ra sự khích lệ, động viên đối với cán bộ, công nhân viên.

Cho đến thời điểm này, giàn Hải Thạch - Mộc Tinh và trung tâm xử lý khí được thiết kế không những hiện đại nhất ở Việt Nam, mà còn ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 8-10-2011: Hoàn thành chế tạo, hạ thủy và lắp đặt ngoài khơi giàn khai thác khí Mộc Tinh. Giàn này nặng khoảng 14 ngàn tấn.

Ngày 26-6-2012: Hoàn thành chế tạo, lắp đặt và hạ thủy ngoài khơi giàn khai thác khí mỏ Hải Thạch. Giàn này cũng khoảng 14 ngàn tấn.

Và ngày 10-10-2012: Hoàn thành việc lắp đặt giàn xử lý trung tâm ngoài khơi. Giàn này nằm sát giàn Hải Thạch và có khối lượng ngót… 3 chục ngàn tấn.

Ngày 27-7-2013, dòng khí từ hai mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh đã được đưa lên và đưa về giàn xử lý trung tâm.

Cho đến ngày hôm nay, mọi việc đã ổn thỏa. Tất cả đều được tiến hành một cách hoàn hảo và đúng kế hoạch.

Dự án Hải Thạch - Mộc Tinh là một dự án có nhiều cái nhất ở Việt Nam:

Có nhiệt độ dòng khí cao nhất;

Có áp suất dòng khí lớn nhất - khoảng 450at;

Có khối lượng thiết bị, vật tư lớn nhất - gần 60 ngàn tấn;

Có giờ công an toàn cao nhất - tính đến ngày 16-8-2013 là 17 triệu giờ;

Có chi phí quản lý tiết kiệm nhất - khoảng 74 triệu đôla;

Có độ sâu lớn nhất - 140m.

Nguyễn Như Phong
.
.