Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền…

Thứ Tư, 21/11/2018, 16:29
Đôi tay các cô trầy xước, bầm tím vết cắn. Nhưng, các cô bảo vết trầy ấy, vết bầm ấy rồi sẽ lành nhanh thôi khi chứng kiến những đứa học trò bất hạnh tự múc cơm ăn, tự biết mặc cái áo, biết viết tròn một mặt chữ. Và, niềm hạnh phúc vỡ òa khi chúng biết gọi cô là cô giáo...

Cô chào các con!

Ra trường, nhận phân công về dạy trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh, cô Phạm Thị Thu Thanh vô cùng bất ngờ, lo lắng. Thanh không hiểu tại sao trong số hàng trăm sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Địa lý thì cô lại bị chọn vào dạy tại ngôi trường đặc biệt mà học sinh là người khiếm thị.

“Cầm tờ giấy giới thiệu trên tay, tôi bật khóc nức nở trong sự ngạc nhiên của các bạn cùng khóa. Về nhà, tôi né tránh tất cả những lời hỏi thăm của người thân và xấu hổ giấu nơi mình công tác cả một năm trời. Bởi thời điểm đó, nơi tôi sống - một huyện ngoại thành, truyền thông chưa chú trọng đến người khuyết tật. Và, tôi biết, tất cả thành viên gia đình tôi chẳng ai biết học sinh khiếm thị có thể đến trường. Tôi phải suy nghĩ rất nhiều rằng mình có nên đến nhận công tác hay xin chuyển về một ngôi trường khác” - cô nhớ lại.

Ngày ấy, cô hoang mang đối diện với bao câu hỏi: Dạy làm sao khi ngôi trường này khác biệt đến 90% so với những gì mình được đào tạo? Dạy làm sao khi môn Địa lý cần sử dụng tranh ảnh, bản đồ, lược đồ và vẽ biểu đồ mà học sinh không nhìn thấy? Dạy làm sao khi giáo viên không hiểu con chữ nổi kỳ lạ mà học trò viết? Dạy làm sao khi nhiều từ “cấm kỵ” phải né như: nhìn, thấy, bên này, bên kia...? Trường không phấn trắng, bảng đen và chỉ có chừng 10 bộ bàn ghế trong một lớp.

Những ngày đầu lên lớp, đêm về, cô Thanh ám ảnh đến mức không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là những đôi mắt trắng hoặc đỏ hoe, hốc mắt hõm sâu cứ hiện lên mồn một. Cô không khỏi chạnh lòng khi nhìn vài học sinh tranh thủ giờ nghỉ giữa tiết, lấy mắt giả ra lau ghèn rồi lại lắp vào hốc mắt.

Cô Phạm Thị Thu Thanh cùng các em học sinh khiếm thị Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh, nhận quà tri ân của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Vào lớp, cả lớp không đứng dậy chào cô. Bực quá, cô bắt cả lớp đứng lên, chất vấn: “Sao cô vào mà cả lớp không chào?”. Trách phạt một hồi, cô mới cho cả lớp ngồi xuống. Giờ ra chơi, đi ngang qua một nhóm học sinh, cô nghe các em than thở: “Bọn mình mù thì làm sao thấy cô đến mà kịp chào. Cô không hiểu gì hết trơn, đã vậy còn khó nữa”.

Bỗng dưng, cô xấu hổ vô cùng. Ờ ha, các em đâu có thấy đường đâu mà mình nỡ bắt tội, bắt bẻ các em? Sau hôm đó, cô vào lớp, cả lớp lật đật chưa kịp đứng lên thì đã nghe cô cất tiếng dõng dạc: “Cô chào các con!”. Đám trò nắm tay lắc lắc, cười toe và hô thật to: “Chúng con chào cô ạ!”. Từ đó, mỗi lần vào lớp, cô đều chủ động chào trước.

Để hiểu hơn về các em, cô Thanh quyết định dọn tới ở trọ với học sinh. Ở cùng, sinh hoạt cùng, chứng kiến cảnh các em làm nhiều việc không khác mấy người bình thường dù đôi mắt lòa, cô vừa xúc động vừa thầm khâm phục. Nhiều việc như tự tết tóc, tự là ủi quần áo, quét nhà... lắm người mắt sáng còn vụng về nhưng các em vẫn thực hiện thuần thục ngon lành.

Nhiều đêm, cô trò nằm tâm sự. Có em sinh ra đã đối diện với bóng đêm. Có em vì sự bất cẩn của cha mẹ hay gặp tai nạn đáng tiếc hồi nhỏ mà phải hứng chịu một cuộc đời mù lòa. Vậy mà những tâm hồn bé bỏng ấy không bao giờ bỏ cuộc, không ngại sự trêu chọc, ác khẩu của người đời để bình thản bước tiếp, cố gắng học giỏi thành người.

So với các em, cô Thanh thấy mình sao quá may mắn. Cảm ơn đời đã ban phước lành cho mình bao nhiêu, cô càng thương những số phận bé bỏng bất hạnh quanh mình bấy nhiêu. “Vào tiết cuối cùng của tuần đầu tiên, tôi đã bật khóc trên bục giảng, khóc trước mặt học sinh và không nói được lời nào. Khi học sinh hỏi tại sao. Các em thì nghĩ cô đang giận vì lớp chưa ngoan. Nhưng, các em đâu biết được, cô bật khóc vì cô không thể tin bản thân có thể làm được, hoàn thành một tuần dạy với nhiều băn khoăn, lo lắng” - cô nghẹn ngào.

“Cô ơi, con tui biết tự mặc quần áo rồi!”

Dạy học sinh khiếm thị như cô Thanh đã vất vả, dạy học sinh bị đa tật, thiểu năng, bại não và tự kỷ như cô Nguyễn Ngọc Hạnh, trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Tiền Giang và cô Võ Thị Phương Thùy, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long còn vất vả gấp nhiều lần. Ngày đầu tiếp cận với các em, chuyện các cô bị học trò cấu véo, đánh, cào là bình thường.

Có bé ngày nào cũng khóc, cũng cắn, tát cô giáo. Có bé lầm lầm lì lì, cả ngày ngước mặt lên trời không nói câu nào. Có bé động tí là sửng cồ, đánh bạn túi bụi. Có bé thì la hét như điên loạn. Có bé hất đổ mọi thứ trước mặt...

Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Tiền Giang, trong tiết dạy trẻ thiểu năng trí tuệ, bại não....

Từ một giáo viên phổ thông, năm 1998, cô Phương Thùy chuyển sang giảng dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Trung tâm nhận những đứa trẻ bị khiếm khuyết về nhận thức, ngôn ngữ, vận động, tương tác xã hội... Dù được đi học lại tâm lý giáo dục đến phương pháp tiếp cận trẻ khuyết tật, cô Thùy vẫn loay hoay khi tìm cách làm quen với trẻ khiếm thính và về sau là trẻ đa tật. Cô vừa phải tìm hiểu thêm tâm lý trẻ, vừa học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với các em, bày trò chơi và làm bạn với các em.

Xoa đầu bầy trẻ đang tíu tít vây quanh mình, cô Thùy âu yếm: “Không biết bao lần tôi bị trẻ tát, cắn... nhưng không vì thế mà tôi buồn, ngại khó. Đó là do các em chưa biết cách giao tiếp mới có hành vi lệch chuẩn. Mình không trách phạt, quát mắng vì càng nóng tính với các em thì kết quả càng tồi tệ, các em sẽ trở nên lầm lì, bất hợp tác. Tôi kết hợp với phụ huynh gần gũi, tìm hiểu tính cách, năng lực mỗi bé để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, chia sẻ cách hỗ trợ cho cha mẹ bé tại nhà”.

Dạy lớp 1 tại trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Tiền Giang, cô Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết khó khăn nhất của mình là đảm trách những học sinh “chậm phát triển trí tuệ” do dị tật não bẩm sinh. Các em chẳng biết mình đang học lớp mấy và cô giáo mình tên gì. Nhiều em không có khả năng phục vụ bản thân từ việc thay, mặc quần áo cho đến vệ sinh cá nhân.

“Nhiều khi tôi cũng cảm thấy bất lực khi dạy mãi mà trẻ vẫn không hiểu, không tiến bộ. Dạy hoài, nói hoài, bé không nghe, mình ứa nước mắt. Nhưng rồi khi về nhà, nằm gác tay trên trán nghĩ về em học sinh đó, về hoàn cảnh bất hạnh của em là lòng tôi lại như xát muối. Nên tôi dặn lòng cứ cố gắng, kiên nhẫn, coi các bé như con mình để dìu dắt từ từ, không 1 năm thì 2 năm, không 2 năm thì 3 năm bé sẽ tiến bộ” - cô Hạnh bộc bạch.

Tiếng trống giục giã giờ tan trường. Những bà mẹ nãy giờ ngóng ngoài cửa sổ để coi con mình học hành ra sao sốt sắng đón con vào lòng. Cô bé H. vẫn cứ ôm khư khư cô Hạnh dù cô ra sức dỗ dành em ra với mẹ. Khi chúng tôi bắt chuyện, bé H. nép vào lòng cô lắc đầu quầy quậy. Em chẳng trả lời câu nào của chúng tôi.

Mẹ em cười: “Ngoài ba má và cô Hạnh ra không ai nói chuyện được với nó đâu. Ngay cả tui, nó cũng không chịu nghe lời bằng cô Hạnh. Đi đâu nó cũng bám cô riết nên đón được con bé về nhà là tụi tui toát mồ hôi”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, TP Mỹ Tho, có cậu con 9 tuổi bị bại não. “Sinh ra thấy nó bị vậy, tụi tui khóc hết nước mắt. Nó không nói tròn chữ, cứ ú a ú ớ, đi học thì không nhớ gì hết. Rồi bạ đâu vệ sinh đó, có biết chùi rửa, tự mặc quần áo đâu. Rủi mình nằm xuống thì ai chăm nó, rồi nó sống sao. Vậy mà, bây giờ nhờ các cô ở trường này, nó không chỉ tự biết ăn biết mặc, mà còn biết vẽ, biết viết nữa. Hai vợ chồng ôm nhau mà biểu con mình được cứu rồi. Ở nhà, mỗi mình tui chăm nó đã khổ, ở đây, cô giáo phải đánh vật với hơn chục đứa thì phải nói các cô giỏi cỡ nào” - chị Mỹ Hương thán phục.

Với cô Võ Thị Phương Thùy, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, niềm vui của cô là thấy trẻ biết cầm lấy một vật, biết lăn quả bóng cho cô, hay cho bạn, hay có chút kỹ năng tự phục vụ, chịu ngồi, chịu nhìn, nghe và hiểu đôi lời cô nói, bi bô gọi ba, gọi mẹ, nói từ, câu... Thật cảm động khi nghe phụ huynh nói: “Cô ơi, con tôi đã làm được cái này, cái kia...”. Thậm chí, nhiều học trò của cô Thùy còn trở thành trò giỏi, đạt nhiều giải thưởng các hội thi vẽ tranh, viết chữ đẹp.

“Bao năm dạy trẻ có khiếm khuyết, càng gần gũi các em, tôi nhận ra rằng tình cảm trong các em dành cho tôi càng đậm đà, thắm thiết. Ấm lòng nhất là khi các em gọi thân thương: “Má Thùy! Má Thùy!...”. Niềm vui càng nhân lên khi thấy học sinh của tôi có em đã thành nhân, có việc làm, có gia đình riêng thật hạnh phúc” - cô cười, nụ cười thật hiền.

Ngày 20-11 của các cô cũng khác rất nhiều với giáo viên bình thường khác. Nhận được bông hoa tươi thắm từ tay những học trò đặc biệt ấy là cả một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Câu chúc trọ trẹ, bước đi xiêu vẹo, nụ cười ngờ nghệch mà ấm áp... làm cô trào nước mắt.

Những hy sinh không dễ nói thành lời

Cô Phạm Thị Thu Thanh, Nguyễn Ngọc Hạnh và Võ Thị Phương Thùy là 3 cô giáo điển hình được chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” lần 4  - 2018 vinh danh vào đúng dịp 20-11 tại Hà Nội. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Bắt đầu khởi động từ cuối tháng 7, chương trình năm nay tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo (mỗi tỉnh thành chọn một giáo viên) đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trung tâm bảo trợ xã hội...

Chia sẻ về lý do lựa chọn đối tượng của chương trình năm 2018, đại diện ban tổ chức cho biết nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Hằng ngày, các giáo viên kiên trì, chịu khó, tận tụy dạy dỗ từng em với những nghiệp vụ chuyên biệt, những áp lực trong công việc này không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các thầy cô còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những sinh hoạt khác nhau của mỗi em với tình yêu thương to lớn như những người cha, người mẹ. 

Hai mươi năm gắn bó với nghề, cô Võ Thị Phương Thùy, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long là người mẹ hiền với nhiều thế hệ trẻ khiếm thính, bệnh down, tự kỷ.

Cô Nguyễn Ngọc Hạnh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên dạy trẻ đa tật. Nhưng, tấm gương của cô cháu gái bị ung thư xương đã trở thành động lực giúp cô vững bước gắn bó với nghề. Tuổi học trò lắm ước mơ, hoài bão nhưng cô nữ sinh lớp 11 đã phải hứng chịu căn bệnh quái ác. Những khối u và cơn đau chết điếng mỗi lần em phải đoạn chi và hóa trị. Dù đau đớn, vật vã với cơn đau, cô bé vẫn nhờ người thân cõng mình đến trường. Rồi em thi đậu đại học trong sự nể phục của mọi người.

Ngày nhập học, những vết thương lên cơn hành hạ, ba mẹ không nỡ đưa em đến trường. Cả nhà ứa nước mắt khi cô bé cứ nằng nặc đòi cha đưa em đến giảng đường, dự tiết học đầu tiên của đời sinh viên mà em ao ước. 2 tháng sau, em mất. “Cái chết của cháu gái giúp tôi hiểu rằng dù con người có bị khiếm khuyết đến mức nào đi nữa thì trong họ vẫn có một tiềm năng để phát triển, quan trọng là chúng ta có biết cách đánh thức tiềm năng đó hay không. Tấm gương của cháu thôi thúc tôi làm những việc thật ý nghĩa, thiết thực nhằm góp phần xoa dịu những sự mất mát, nỗi đau của những đứa trẻ khuyết tật” - cô Hạnh chia sẻ.

Mai Quỳnh Nga
.
.