Khi học trò sập bẫy ma tuý

Chủ Nhật, 15/08/2010, 11:00
Chỉ một lần uống rượu say không làm chủ bản thân, một phút bốc đồng tự ái khi bố mẹ mắng hay buồn chán vì thi trượt, khi không cưỡng nổi lời rủ rê đường mật của đám bạn xấu, những cậu học sinh, sinh viên đã tìm quên trong men say của ma túy. Và khi đã trót sa chân vào mê hồn trận của ả phù dung, con đường rút cũng rất khó khăn, đầy thách thức và không kém chông gai thử thách.

Hết say rồi hít

Thoạt nhìn Ngần Văn Hương ở Trung tâm Giáo dục lao động Sơn La, tôi không thể hình dung được đó là một cậu bé mới học lớp 11. Dáng người nhỏ thó, giọng nói lơ lớ của một chàng trai người Thái mới lớn, trông Hương vừa thương lại vừa tội. Hương là cậu bé ít tuổi nhất trong trung tâm. Cậu bé hồn nhiên kể cho tôi nghe về lý do vì sao lại phải vào trung tâm cai nghiện này, chứ không phải một trường học nào khác. Ở Loóng Sập, quê cậu, chuyện dính nghiện và đi buôn ma túy đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện".

Mặc dù hoàn cảnh gia đình chẳng dư giả gì nhưng bố mẹ Hương cũng cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nhà làm nông, cậu chăm chỉ giúp cha mẹ làm nương. Hằng ngày, những lúc rỗi rãi, Hương theo đám bạn đi chơi, được rủ rê uống rượu. Khi nhà sắm được xe máy Tàu, cậu nhảy lên đi, không ngờ bị ngã, xe hỏng. Bố mẹ xót tiền rầy la, bức xúc quá, Hương tìm đến ma túy giải tỏa. Nghe bạn bè rủ đi chơi hồng phiến, cậu thử liền. Hai ngày sau quen mùi, lại hít tiếp. Đám bạn dạy cách cạo hồng phiến, rồi lấy giấy bạc trong bao thuốc lá, hơ lửa hít.

Cậu hớn hở khoe với tôi, chơi hồng phiến rất thơm, người lâng lâng bay bổng như đang ở trên trời, lại tỉnh rượu, không có không chịu được. Giá hồng phiến mua của người Mèo chỉ 40.000 đồng/viên, mấy thằng bạn nhiều tiền thường xuyên bao tiền chơi. Nhưng chẳng lẽ cứ dùng ké mãi, thế là Hương tìm cách kiếm tiền để hít. Hết bán gà, bán thóc, dần lấy các thứ khác trong nhà. Bảy, tám lần lấy trộm trót lọt thì bị bố mẹ phát hiện. Hương nói dối do thiếu tiền uống rượu, chơi bi-a, mua sách vở, tuyệt nhiên không hé nửa lời dùng tiền đi mua hồng phiến.

Có hôm vừa hít xong, đang phê, ngứa ngáy khắp người, trên đường về nhà gặp mẹ. Mẹ Hương quá hoảng la lớn và đánh đòn, Hương buộc phải khai nhận uống rượu say nên bị đám bạn rủ rê hút hít. Những hành vi chơi bời của cậu lập tức nằm trong "tầm ngắm" của an ninh bản. Trong một lần rình bắt, an ninh bản tóm gọn Hương cùng đám bạn đang chơi hồng phiến. Thế là Hương buộc phải xếp sách bút, gác việc học, ngậm ngùi vào trung tâm cai nghiện. Các bạn cùng lớp động viên cố gắng cai khỏi, đừng bỏ trốn.

Các học viên lao động tại Trung tâm.

Nhắc đến các bạn, Hương buồn thiu thở dài bảo nhớ trường, lớp. Những ngày đầu lên trại rất buồn, Hương được thầy Phạm Trung Kiên chủ nhiệm buồng coi như em út trong nhà, chỉ bảo những điều nhỏ nhặt nhất. Rất may, Hương cắt cơn nhanh. Tay thoăn thoắt khâu bóng, cậu bảo tôi, giờ chỉ mong cai xong sẽ về đi học tiếp. Thấy hồng phiến là cạch đến già, sợ ngứa lắm rồi.

Cũng từ làm bạn với rượu, không làm chủ bản thân mà cậu học sinh lớp 12, người dân tộc Thái Lò Văn Luân ở Chiềng Khương, Sông Mã làm bạn với ma túy. Bố Luân làm chủ tịch Hội Nông dân xã nên Luân được gia đình cho ăn học tử tế. Dẫu lực học không khá nhưng năm nào Luân cũng lên lớp. Học kỳ 1 năm cuối cùng cấp ba tưởng chừng trôi đi nhanh chóng thì cậu ta mắc nghiện. Số là hôm đó Luân cùng đám bạn uống rượu. Mấy đứa bạn nghiện ma túy nặng nháy nhau chuốc rượu say để đưa cậu vào đời. Lần đầu hít heroin, cảm giác phê, ngứa xâm chiếm toàn thân. Lần thứ hai đi uống rượu đám cưới, bạn rủ chơi, sau vài lần liền dính nghiện.

Tại Trung tâm Giáo dục lao động Sơn La, chàng trai người Mường Hà Văn Tằng, nhà ở thị trấn Nông trường Mộc Châu được các học viên gọi với biệt danh quen thuộc là "Tằng họa sĩ". Trên bức tường xung quanh giường Tằng kín đặc những bức tranh phong cảnh núi rừng Tây Bắc. Thấy tôi khen đẹp, cậu ta bảo, lúc nào rảnh rỗi, em lại vẽ để khuây khỏa. Vốn có khiếu vẽ, nên Tằng theo học Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh từ nhỏ. Học họa khá nhưng gia đình lại ép thi nhạc. Dẫu biết học nhạc khó hơn nhiều, nhưng tính thanh niên bốc đồng, nên Tằng nghe theo. Bài thi nhạc không khó, chỉ là đánh một bản nhạc hoặc gõ tiết tấu. Nhà không có đàn, lại ít có điều kiện tập luyện nên khi gặp chiếc đàn ócgan hiện đại, ký hiệu toàn tiếng Anh, Tằng luống cuống. Và kết quả tất yếu là cậu thi trượt.

Hà Văn Tằng đang vẽ tranh cổ động chống ma túy.

Quá buồn bã, cậu giấu biệt gia đình. Đến khi giấy báo điểm gửi về nhà, bố mẹ biết, quá sốc nên chửi mắng nhiều, không cho đi học, bắt ở nhà làm nương. Đúng lúc chán nản, bố mẹ Tằng cho hai người hàng xóm nghiện ở nhờ. Mấy hôm sau, anh ta nhờ Tằng đi mua thuốc để về hút và thưởng cho cậu vài chục nghìn đồng. Về sau, hai anh bảo không có tiền, trả công bằng một vài khói. Đang buồn chán, men rượu lâng lâng, Tằng mon men hút thuốc phiện. Ban đầu, chơi thuốc phiện, về sau chuyển sang dùng heroin.--PageBreak--

Cậu tâm sự, nguyện vọng duy nhất là vẽ những bức tranh cổ động phòng chống ma túy để mọi người cảnh giác, thấy rõ tác hại của ma túy để không lầm lỡ như mình; xóa vết xăm, trổ trên người, giã từ quá khứ những ngày ăn chơi trác táng. Có điều nỗi lòng cậu luôn canh cánh là hạnh phúc gia đình tan vỡ từ  ma túy. Khi biết Tằng nghiện, vợ Tằng ôm con bỏ nhà ra đi từ khi đứa bé mới 2 tuổi. Mỗi lần đến ôm con vào lòng, cổ họng Tằng như nghẹn lại. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Còn Vũ Quỳnh Thanh được đám bạn đặt cho biệt danh Thanh “chí” bởi tật nghiện rượu nặng. Gia đình muốn hướng cho Thanh một nghề có địa vị trong xã hội, nhiều người nể trọng là làm thầy giáo. Kinh tế nhà khá giả, có của ăn của để nên thời sinh viên học Cao đẳng Sư phạm Sơn La, Thanh sống sung túc hơn hẳn các bạn, tiền học tốn kém bao nhiêu bố mẹ cũng chu cấp. Có tiền, cậu sinh ra hư hỏng, chơi bời lêu lổng, thường xuyên trốn tiết. Một lần đi ôn thi, các bạn uống rượu say mua ma túy về dùng, Thanh cũng tò mò xin thử một vài khói. Lần đầu cảm giác khó chịu, nôn thốc nôn tháo, nhưng lần sau chơi thấy cảm giác quen, phê rất đã.

Ban đầu Thanh còn hít, sau chuyển sang chích cho nhanh, gọn, dễ phi tang. Thanh càng lún sâu vào con đường ăn chơi sa đọa, nợ nần ngày càng chồng chất, nhất là khi mắc nghiện. Không ít lần bố mẹ phải mang tiền lên các quán gần trường trả nợ. Sang năm thứ hai, Thanh bị đình chỉ học khi nhà trường phát động hòm thư tố giác và tiến hành thử bất chợt. Bố mẹ quá sốc, bàng hoàng nhưng nén nỗi đau trong lòng động viên con trai cai nghiện. Sau đó, Thanh quyết tâm cai ma túy tại nhà, đi học thợ may rồi lấy vợ. Nhưng rồi, bao nhiêu quyết tâm đổ xuống sông, xuống biển khi cậu tái nghiện.

Cán bộ Trung tâm đang động viên giáo dục Vũ Quỳnh Thanh.

Đã 10 lần cai nhưng Thanh vẫn chưa dứt cơn nghiện. Cậu hối hận, nguyên nhân cơ sự ngày nay cũng chỉ vì đua đòi, cả nể, ham vui quá đà không làm chủ bản thân. Ma túy đã lấy đi quá nhiều. Tay nghề khéo, khách hàng tới cửa hàng cắt may khá đông, nhưng bao nhiêu tiền lời cũng tan thành mây khói. Mỗi ngày, Thanh đốt hết 400.000 đồng. Và sức chịu đựng có hạn, vợ Thanh không chịu nổi đã chia tay.

Nhìn bóng dáng bố mẹ già lên thăm động viên, cổ họng Thanh như nghẹn lại. Cậu bảo sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, dẫu đã muộn. Nhưng không nóng vội được, phải có thời gian chứng minh. Đã làm mất lòng tin với mọi người, phải làm những việc để họ thấy, có nói cũng chỉ bằng không.

Đốt cháy tương lai

Câu chuyện của những sinh viên nghiện ma túy bỏ dở học hành đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng tôi có dịp tiếp xúc cũng chất chứa biết bao nỗi buồn xen lẫn ân hận xót xa. Những năm 2000, cơn bão ma túy đã lên đến đỉnh điểm ở thành phố Cảng. Khi Hoàng Anh Dũng thi đỗ vào Trường đại học Hàng hải, cả nhà vui mừng. Từ nhỏ, Dũng vẫn được nhiều người quý mến vì chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn. Năm thứ hai, lớp Dũng có vài người chơi ma túy. Tính cả nể bạn bè, nên Dũng không ngần ngừ nhập cuộc khi đám bạn bảo có một thứ thần dược này hay lắm. Sang năm thứ ba bỏ học nhiều, Dũng không đủ điều kiện thi hết môn và bị lưu ban.

Lò Văn Luân.

Trong đám bạn chơi, có người tỉnh ngộ từ bỏ ma túy, còn Dũng và một số bạn nghiện vẫn tiếp tục cuộc chơi chẳng khác thiêu thân lao vào lửa. Thiếu thuốc, cơ thể suy nhược, Dũng bỏ học, cả ngày chỉ nghĩ đến cách kiếm thuốc để “chơi” cho đỡ cơn vật. Cậu bảo, gặp lại anh em bạn bè đồng môn, thấy họ ra trường thành đạt, làm ăn khấm khá, mình thật hổ thẹn. Người thân mất hết lòng tin, sự nghiệp đổ vỡ. Được vào trung tâm cai nghiện là cơ hội cho cậu có khoảng thời gian tĩnh lặng, suy nghĩ về quãng đời uổng phí đã qua để vươn lên làm lại cuộc đời.

Còn Nguyễn Minh Tuấn, chỉ vì tò mò của tuổi trẻ, đua đòi mà trở thành “người tình trăm năm của ả phù dung”. Từ năm lớp 11, mỗi ngày thử vài khói, thấy người sảng khoái, hưng phấn, dần dần, cảm giác thèm, nhớ lôi cuốn đeo bám mãi cậu sinh viên dại dột. Khi sang học ở trường cao đẳng nghề ở trong thành phố, gặp thêm đám bạn xấu, Tuấn càng lún sâu vào con đường tội lỗi.  Cậu bảo, ước gì cho quay lại mấy năm trước, có lẽ em sẽ không dại dột làm bạn với ma túy.

Và không chỉ riêng Tuấn, những bạn trẻ trót sa chân nghiện ngập, chẳng ai muốn mình lại lao vào con đường tăm tối. Nhưng con đường ấy vẫn hun hút, mịt mùng hay lóe lên ánh sáng tương lai, tất cả đều phụ thuộc vào nghị lực của mỗi người

Nghĩa Nhân
.
.