Phòng Cảnh sát truy nã, Công an TP Hồ Chí Minh:

Khi lưới đã giăng, tội phạm khó lọt

Thứ Ba, 19/07/2016, 11:10
Tuy mới thành lập được 5 năm, nhưng Phòng Cảnh sát truy nã - PC52, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ, vận động đầu thú gần 1.200 đối tượng, khám phá thành công 19 chuyên án. Lần lượt các đối tượng tưởng như không bao giờ bị phát hiện đã phải tra tay vào còng. Đó chính là những chiến công mà các cán bộ, chiến sĩ lập nên để chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7).


1. Gian khó, hiểm nguy… là những gì mà lực lượng công an phải trải qua, lực lượng truy nã không ngoại lệ. Nhận được tin báo đối tượng ở đâu, các anh lập tức lên đường. Nhiều khi vừa tới nơi, đối tượng đã cao chạy xa bay.  Chúng thường thay tên đổi họ, thay đổi hình dạng bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ, cải trang từ nam sang nữ… nhằm trốn tránh pháp luật.

Các trinh sát bắt giữ một tên giang hồ nguy hiểm.

Đăng Công Minh (SN 1975, quê Thừa Thiên - Huế) từng cầm đầu một băng nhóm giang hồ, chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn quận Gò Vấp. Năm 2000, do tranh chấp, giành lãnh địa với một băng nhóm khác do Giang "điên" cầm đầu, Minh đã dẫn 20 thủ hạ xông vào một quán karaoke trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, chém một đối tượng tên Giang trọng thương. Sau đó băng nhóm này di chuyển về địa bàn quận Gò Vấp và chém chết S., một đàn em của Giang. 

Sau khi gây án, lần lượt các tên đàn em của Minh bị bắt giữ còn hắn thì đã bỏ trốn khỏi địa phương, bị Công an TP Hồ Chí Minh ra lệnh truy nã. Sau khi rời khỏi địa phương, dựa vào nhiều mối quan hệ xã hội, Minh liên tục thay đổi chỗ ở gây khó khăn cho cơ quan điều tra. 

Cũng trong thời gian này, Minh đã kịp lấy vợ, sinh con. Vì thương con, thương chồng, thay vì vận động đối tượng ra đầu thú thì mẹ, vợ Minh lại che giấu. Mãi đến giữa năm 2014, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm mới nhận được thông tin đối tượng đang lẩn trốn ở Huế, nên nhanh chóng tiến hành lập chuyên án, cử trinh sát truy bắt. Nhưng phải 1 năm sau, lực lượng trinh sát mới bắt được Minh. 

Cái khó là sau 15 năm, khuôn mặt đối tượng có nhiều thay đổi. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã bắt "rắn ra khỏi hang". Ngày 28-7-2015, khi Minh và vợ con vào một quán ăn, chờ cho hắn ăn xong, trinh sát áp sát, khống chế.

2. Năm 2008, dư luận TP.HCM xôn xao về vụ án hiếp dâm, cướp của xảy ra ở Khu công nghiệp Tân Bình, thuộc quận Tân Phú. Kẻ cầm đầu được xác định là Lâm Minh Lý (24 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) khi gây án, Lý mới 16 tuổi. Tuy nhỏ tuổi nhưng Lý và đồng bọn dàn dựng một "vở kịch" hoàn hảo để đưa hai cô gái nhẹ dạ vào tròng. Một ngày đẹp trời, Lý hẹn hai cô gái mới quen đi uống cà phê giao lưu. Sau một hồi trò chuyện tán tỉnh, Lý cho biết, hôm nay là ngày sinh nhật của một người bạn trong nhóm. Hắn mời hai cô gái đi dự cùng cho vui.

Hoàng Lại Nam, tên tội phạm giả điên khi bị bắt (ảnh trái); đối tượng Đăng Công Minh (ảnh giữa) và đối tượng Lâm Minh Lý.

Thấy Lý ăn nói có duyên, gương mặt có phần hiền lành, hai cô gái gật đầu đồng ý. Chỉ chờ cái gật đầu, ngay lập tức, Lý và đồng bọn lấy xe máy chở hai cô gái chạy tới một bãi đất trống trong khu Công nghiệp Tân Bình. Khi hai cô gái chưa kịp chứng kiến tiệc sinh nhật vui vẻ ở đâu thì Lý và 9 đồng bọn đã lộ nguyên hình là những con "yêu râu xanh" cướp - hiếp.

Từ kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của bị hại, 9 đồng bọn của Lâm Minh Lý lần lượt bị bắt giữ. Riêng Lý, kẻ chủ mưu cầm đầu bỏ trốn khỏi địa phương.

Một trinh sát cho biết, khó khăn khi truy bắt Lâm Minh Lý là trước thời điểm Lý gây án, cha mẹ của Lý đã bán căn nhà ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 nhưng hộ khẩu vẫn còn tại địa chỉ cũ.

Khi chuyển nhà người dân và chính quyền địa phương không hay biết. Nhưng qua nắm tình hình, các trinh sát được biết, người thân của Lý thi thoảng vẫn về uống cà phê với bạn bè tại quán cà phê gần nhà cũ.

Từ đó ban chuyên án biết được cha mẹ Lý đang sống trong căn nhà bề thế ở đường DD6, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, nhưng gia đình này không khai báo hộ khẩu thường trú với chính quyền địa phương. Ban chuyên án nhận định, rất có thể Lý sống trong ngôi nhà này. Tại đây lại có đông thanh niên tầm cỡ tuổi như Lý sinh sống. Vậy đối tượng nào chính xác là Lý? Nếu xác định sai đối tượng, không chừng lâm vào thế "bứt dây động rừng".

Trong lệnh truy nã, hình ảnh Lâm Minh Lý chỉ là bức ảnh đen trắng, mờ nhạt. Trong khi vụ án xảy ra đã 8 năm, làm thay đổi sâu sắc chân dung, hình hài một con người, nhất là với một người trẻ như Lý.

"Nhiều lần mình đi ngang qua trước mặt tên Lý, nhìn thật kỹ hắn và những thanh niên khác nhưng vẫn còn hoài nghi không nhận ra", một trinh sát nói. Khoảng 7 giờ sáng ngày 22-6-2016, hai mũi trinh sát gồm 6 đồng chí do Thượng tá Lê Hoàng Sơn (Phó Phòng Cảnh sát truy nã) và Thiếu tá Nguyễn Hữu Tứ (Đội phó đội 2) dẫn đầu tiến hành bắt giữ khi Lý vừa từ trong nhà phóng xe máy ra.

Ngày 9-5-2011,  Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định truy nã đặc biệt Nguyễn Văn Nhứt (SN 1976, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM). Nhứt đã cầm đầu đồng bọn cầm dao và mã tấu chém trọng thương 3 người nước ngoài, sau đó y bỏ trốn.

Vụ án nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Được sự đồng ý của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, các thành viên ban chuyên án ngày đêm kiếm tìm thông tin và sàng lọc các điểm nghi vấn Nhứt ẩn náu. Là dân anh chị, Nhứt di chuyển chỗ ở liên tục qua các tỉnh ở miền Tây.

Các trinh sát không quản ngại mưa gió, đường xa liên tục theo dấu đối tượng. Sau 15 ngày, nhận được thông tin đối tượng đang về lại TPHCM, các mũi trinh sát lập tức bám sát hành trình của Nhứt. Chờ thời điểm thuận lợi, các trinh sát đã ép xe bắt nóng Nhứt khi hắn chưa kịp rút roi điện ra bắn cùng chiếc còng số 8 đeo bên hông.

Manh động, liều lĩnh chống đối lực lượng truy bắt là hành động của hầu hết các đối tượng truy nã. Hoàng Lại Nam là một đại ca giang hồ có số má tại các tỉnh phía Bắc. Nam liên quan trực tiếp đến vụ giết người, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và gây rối trật tự công cộng tại Hà Nội. Tháng 12-2014, Nam bị Công an tỉnh Lạng Sơn truy nã về tội "Cố ý gây thương tích" và lẩn trốn vào TPHCM hành nghề bảo kê, đòi nợ thuê. Là kẻ máu lạnh, liều lĩnh, lại cực kỳ ranh ma nên nhiều lần Nam đã thoát "nạn".

Ngày 13-12-2015, tổ công tác PC52 công an TP.HCM phát hiện Nam ngồi sau xe gắn máy lưu thông trên địa bàn Q.7 và ghé lại nhà số 354 đường Lê Văn Lương. Khi Nam xuất hiện trước cửa nhà thì tổ trinh sát ập vào, Nam tháo chạy lên lầu trốn vào nhà vệ sinh và có hành vi chống trả quyết liệt. Trinh sát đã nổ 3 phát súng chỉ thiên để cảnh cáo, sau đó trấn áp, khống chế được Nam.

Đáng nói là khi về tới Công an P.Tân Hưng, Q.7, Nam có thái độ giả điên, không khai báo. Thậm chí Nam đánh lại trinh sát và lực lượng công an phường, tìm đường thoát thân nhưng bị bắt giữ lại.

Tìm kiếm được nơi ẩn náu của đối tượng trốn nã là công việc cực nhọc và khó khăn. Đặc biệt là các đối tượng mang án nặng, án kinh tế, từng giữ chức vụ và quyền hạn cao.

Có tiền của trong tay nên chúng dễ dàng di chuyển nhiều nơi, thậm chí trốn qua nước ngoài. Nhiều chuyên án được PC52 xác lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Trần Văn Tém (Trưởng phòng) và sự  vào cuộc kịp thời của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, mang lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Ngoài liều lĩnh chống đối, nhiều đối tượng còn vu khống, làm ảnh hưởng, hạ thấp uy tín lực lượng Công an.

Cuối năm 2010, vụ án Trần Thị Mỹ Hiến (sinh năm 1954, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra. Đây là vụ án khá phức tạp, báo chí đăng tải nhiều thông tin không mấy thiện cảm với lực lượng Công an TPHCM trong điều tra, xử lý. Ngày 9-9-2011, Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định truy nã Hiến về tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.

Đại tá Trần Văn Tém, Trưởng phòng PC52 sớm chỉ đạo và vạch ra các phương án tác chiến cho trinh sát PC52 vào cuộc. Chỉ trong thời gian ngắn, Hiến đã sa lưới pháp luật. Con gái ruột của Hiến là Đỗ Trần Hạ Uyên cũng chấp nhận ra đầu thú. Việc khám phá thành công chuyên án là nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp đồng bộ thông tin với phía công an các tỉnh thành như: Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng trên hết là nhờ vào tinh thần không khoan nhượng trước tội phạm của các thành viên ban chuyên án.

Để có được những chiến công, đưa những tên tội phạm về thi hành pháp luật những chiến sĩ của Phòng PC52 đã phải trải qua rất nhiều những khó khăn gian khổ. Những chuyến công tác dài ngày để đeo bám đối tượng, những ngày mật phục nơi rừng rú, chuyện "ăn mì gói, uống nước suối" đối với anh em là chuyện thường.

Một trinh sát kể, có lần các anh đi ra Nghệ An để bắt đối tượng tên Khê. Hôm đó vào ngày rằm tháng 7, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi đi xe máy tới huyện miền núi Nghĩa Đàn vào lúc 3 giờ sáng. Vừa đói vừa mệt, chưa kịp nghỉ ngơi, các anh lại phải cuốc bộ tới nơi đối tượng trú ẩn. Thấy các anh tay xách cặp, chân đi giày, các đồng chí đơn vị phối hợp yêu cầu bỏ cặp vào bao tải, đi dép Lào, ăn mặc cho giống dân địa phương không thì sẽ bị lộ.

"Anh em thiệt thòi bao nhiêu cũng chịu được chỉ thương cha mẹ, vợ con ở nhà ngày đêm mong ngóng. Nhưng riết rồi thành quen. Đã chấp nhận lấy chồng là cảnh sát thì phải biết chờ đợi, sẻ chia, hậu phương không vững thì chúng tôi đâu có an tâm đi bắt nã", Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tứ tâm sự. 

Những ngày lễ tết, các gia đình khác được đoàn tụ chính là lúc các anh phải lên đường. Phát hiện đối tượng trong nhà, nhưng khi thấy hắn đang ôm mẹ già, bà cụ lập cập rờ tay lên mặt mũi con khóc lóc, trách hắn đi đâu mãi không về, lúc đó các anh không nỡ ra tay.

Đức Hà
.
.