Khi thiếu nữ “dạt vòm”

Thứ Ba, 01/09/2009, 23:10
Một ngày qua đi như mọi ngày nhưng có những bậc cha mẹ hốt hoảng đến phát sốt khi cô con gái yêu bỗng nhiên mất tích... Thảng hoặc, có cô còn chút lương tâm thì để lại vài dòng thư nguệch ngoạc, đại loại "con đi tìm chân trời mới, bố mẹ đừng tìm con làm gì". Còn lại, đa số thì lặn một một hơi dài, không sủi tăm. Phụ huynh, trong tâm trạng đầy lo lắng cho rằng con gái mình bị mất tích. Còn dân chơi thì gọi đó đơn giản chỉ là những cuộc "dạt vòm".

Từ một trào lưu nguy hiểm...

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP Hà Nội thì thời gian gần đây, mỗi tháng ước tính có hàng chục vụ mất tích kiểu như vậy được trình báo. Đó là chưa kể những vụ không trình báo hoặc trình báo ở cấp xã, phường, hoặc thuê công ty thám tử tìm kiếm... Cho nên thực tế, con số có thể còn cao hơn nhiều.

Chiều 5/8, khi tôi có mặt tại trụ sở Đội 12, một đội nghiệp vụ thuộc PC14 Công an Hà Nội, đơn vị chuyên đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em thì thiếu nữ ấy đã trở về. Tóc vẫn vàng hoe như rơm, vẫn áo hai dây ngắn cũn cỡn, trễ nải, cách cạp quần cả gang tay. Năm nay cô mới 14 tuổi, đang học lớp 9 ở một trường phổ thông nội thành Hà Nội nhưng cao trên 1,6m và cô bình thản kể rằng, đã trở thành đàn bà từ... năm ngoái.

Mẹ cô ngồi ở góc phòng, nhìn con, nghe con kể mà nước mắt vẫn lưng tròng, gương mặt vẫn thất thần. Nhớ lại cách đây 3 hôm, cũng tại căn phòng này, bà tới đây, nước mắt như mưa, trình báo về việc đứa con gái út đột ngột mất tích. Anh em trinh sát hướng dẫn bà làm đơn trình báo, bút giấy đưa đến tận tay bà mà cứ như người sốt rét, run cầm cập không viết nổi.

Hai vợ chồng làm kinh doanh, đi tối ngày, ở nhà chỉ có hai đứa con, một bà mẹ già và một người giúp việc cần mẫn nhưng cứ như người câm, hỏi gì cũng không biết. Cái hôm con bé mất tích, hỏi bà giúp việc, nó ra khỏi nhà vào giờ nào, bà cũng lắc đầu thay cho câu trả lời không biết. Đêm ấy, chờ cửa mãi đến sáng vẫn không thấy con trở về. Hôm sau, hôm sau nữa cũng thế.  Kiên nhẫn chờ đến ngày thứ ba mà con vẫn bặt tăm, bà mới đến PC14 trình báo.

Trớ trêu là cũng thời điểm ấy, khi người mẹ đang khóc ròng vì mất con thì bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, các trinh sát Đội 12 đã xác định được con bé đang phiêu du tại khu vực Kim Liên, đến chiều tối thì tiếp tục di chuyển đến bãi Phúc Xá.

Trong vòng 10 ngày trước, trong và sau khi mất tích, con bé gọi điện thoại cho bạn  trai đến cả hàng trăm cuộc, bảng kê dài tới... 43 trang. Xác định được nơi con bé tá túc, các trinh sát nhắn tin, con bé gọi về nhà dọa mẹ: "Mẹ muốn con nhảy xuống sông Hồng tự tử hay sao mà báo công an".

Hôm sau, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã đưa được con bé trở về. Nó kể, nó không mất tích mà dạt vòm đi với bạn trai thôi. Thuê khách sạn ở Kim Liên ngủ chán chê, nó lại quay về Tân Ấp ngủ tiếp trong khách sạn. Lẽ ra hôm các trinh sát nhắn tin là nó định về rồi vì thằng người yêu đã sắp hết tiền nhưng vì vướng một đám sinh nhật bạn vào đêm ấy nên nó xả láng nốt.

Chiều hôm ấy, về tới Phòng PC14 mà nó vẫn còn tây tây, chưa tỉnh rượu hẳn. Các trinh sát hỏi, uống ở đâu, nó bảo, từ đêm trước ở đám sinh nhật. Bạn trai nó cũng ở gần nhà thôi, ngày nào bố mẹ lên xe đi đến cửa hàng là nó cũng đi sang nhà bạn trai, ở lỳ đến chiều mới về. Việc ấy, chỉ có mỗi bà giúp việc biết nhưng có cậy mồm cũng chả dám hé răng nên suốt cả năm ròng hai đứa ăn ngủ với nhau mà cha mẹ nó chả biết gì. Chung đụng mãi nó bắt đầu chán và lại lên mạng tìm được bạn trai khác. Lần này, thằng giai trẻ mà chỉ nhìn qua webcam nó đã thấy mê rủ nó “dạt vòm”, thế là nó đi thôi...

Ghi lời khai xong, nó được cho về với mẹ. Tôi theo chân hai mẹ con ra khỏi Phòng PC14. Nó đi đằng trước, mông lắc liên hồi. Mẹ nó nhẫn nại bám ở đằng sau, lẩm bẩm: "Sao con dại thế, lại nghe mấy thằng ma cô đó rủ rê". Nó quay ngoắt lại, nói như quát: "Dại khôn cái  nỗi gì, thích thì đi chứ ai rủ". Mẹ nó không nói gì thêm. Chỉ thấy nước mắt chảy ròng trên gương mặt ủ ê.

Các trinh sát Đội 12 cho biết, gần đây, những vụ mất tích kiểu này khá nhiều. Thực chất là các cô gái này không mất tích mà chỉ bỏ nhà ra đi và thường là đi theo bạn trai. Nếu như trước đây các cuộc bỏ nhà ra đi thường là kết cục của những xung đột không thể giải quyết với cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình nhưng bây giờ thì khác. Những cuộc “dạt vòm” thường chỉ có một nguyên nhân duy nhất là "thích thì đi", hết tiền thì về.

Mới đây, ở Thường Tín vừa xảy ra một vụ cô dâu vừa mới cưới được 2 ngày, còn chưa bén hơi chồng thì bỗng dưng mất tích. Cả họ tá hỏa đi tìm. Công an cũng phải vào cuộc. Hóa ra, cô dâu không mất tích mà chỉ trốn chồng đi hú hí với người yêu cũ vài ngày thôi. Các trinh sát ở Đội 12 cho biết, thường các em chỉ đi loanh quanh ở khu vực Hà Nội. Trong số hàng chục các cuộc tìm kiếm gần đây thì xa nhất mới là ở Việt Trì. Thống kê của Phòng PC14 cũng cho thấy, trong các vụ việc kiểu này, hầu hết các em đều còn ở độ tuổi mười tám đôi mươi, thậm chí có em mới 13, 14 tuổi.

Có vẻ như “dạt vòm” đang trở thành trào lưu của giới trẻ. Ngay trên mạng Internet, chỉ cần gõ từ khóa "dạt vòm" trên trang tìm kiếm Google thì ngay sau vài giây, có thể tìm thấy hàng loạt kết quả. Trong đó có cả những cái gọi là "kinh nghiệm dạt vòm" được post lên các diễn đàn của teen. Trên một blog của teen có một entry có tên gọi "Dạt vòm, những điều cần biết". Trong đó phổ biến kỹ lưỡng những thứ kinh nghiệm khi dạt vòm, như: về tư tưởng - không được sợ hãi, nên thoải mái đầu óc; về nhận thức - không nên nghĩ đây là việc xấu mà coi như một lần đo tình cảm của bố mẹ dành cho mình như thế nào; về suy nghĩ - coi đây như một chuyến đi chơi dài ngày(!).

Như vậy, “dạt vòm”, nếu như trong các chuẩn mực đạo đức coi là một hành vi xấu thì trong nhận thức lệch lạc của giới trẻ, chỉ đơn giản là một thứ trào lưu. Trào lưu ấy, nguy hiểm ở chỗ nó đang đi ngược lại những chuẩn mực của xã hội về đạo đức, về lối sống.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của PV Chuyên đề ANTG về những bất thường có tính chất tiêu cực trong hành vi và lối sống của giới trẻ, tiến sĩ (TS) tâm lý học Hoàng Bích Ngọc - Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân - người đã từng có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tâm lý tội phạm khẳng định, đó là kết quả của sự lệch chuẩn trong nhận thức, biến thái của nhân cách. Khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội quá nhanh kéo theo là sự xuất hiện ồ ạt của những giá trị mới, trong tâm lý của con người bắt đầu xuất hiện những xung đột giữa giá trị mới và truyền thống cũ. Sự xung đột đó có thể tìm thấy ở xã hội, ở trong một nhóm người hoặc thậm chí ở ngay trong chính một con người. Trong sự xung đột đó, nếu con người không có những lựa chọn đúng, không biết lựa chọn những giá trị ổn định thì nhân cách sẽ biến thái lệch lạc.

Còn TS xã hội học Khuất Thu Hồng lại phân tích hiện tượng này ở một góc nhìn khác. Là một nhà nghiên cứu xã hội, bà cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn bao gồm cả những người làm công tác quản lý, giáo dục và phụ huynh học sinh.

Xã hội đang càng xuất hiện nhiều những gia đình mà cha mẹ vì quá mê mải với việc kiếm tiền mà lơi là trong việc quản lý con cái. Họ chỉ lo đáp ứng được nhiều, thật nhiều nhu cầu vật chất cho con và tưởng rằng chỉ cần thế là đủ. Khi con cái vuột khỏi vòng tay của cha mẹ và sa ngã, họ mới tỉnh ngộ rằng, vật chất không phải là thứ duy nhất cần thiết.

Hay như trong công tác giáo dục chẳng hạn. Sẽ không nên chỉ chú trọng đến giáo dục kiến thức mà cần thiết phải chú trọng đến giáo dục cả kỹ năng sống, kỹ năng biết vượt qua thử thách, cám dỗ trong một đời sống đầy biến động.--PageBreak--

... đến những hậu quả đau lòng

Khi “dạt vòm” ra đi, các thiếu nữ, có lẽ không bao giờ hình dung được những hậu quả đau lòng như trong những câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể dưới đây. Tất cả đều được trích trong hồ sơ của các vụ án đã từng xảy ra tại Hà Nội mà chúng tôi đã từng tiếp cận. Trào lưu “dạt vòm”, một thứ trào lưu xấu trong giới trẻ có thể sẽ biến các bé gái thành nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục hoặc sẽ là con đường ngắn nhất dẫn các em tới các hành vi phạm tội.

Một vụ án từng xôn xao cư dân mạng hồi giữa năm ngoái. Hai cô bé học lớp 9 đã bị xâm hại tình dục, trở thành đàn bà khi mới 14 tuổi, bắt đầu từ những cuộc “dạt vòm” đi theo tiếng gọi của người tình mà mãi sau này mới biết đó là một gã nghiện vật vờ ở bến xe phía Nam. Hai cô bé cùng tuổi nhưng sinh ra trong hai gia đình có hoàn cảnh không giống nhau.

Một cô là con gái duy nhất của một gia đình khá giả nhưng cha mẹ cô nuông chiều con hết mức đến nỗi cô bé này có bỏ học để cắm mặt vào máy tính chat với bạn trai cả ngày cũng chả sao. Còn cô kia thì hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp hơn. Cha làm xe ôm, mẹ chạy chợ, đồng tiền ít ỏi kiếm được của hai đấng sinh thành tất nhiên không thể cung phụng cho cô có một cuộc sống vương giả nhưng cô cũng được học hành, được ăn no, mặc ấm như biết bao bạn cùng trang lứa khác. Chỉ có điều do mải mê với chuyện kiếm tiền, cha mẹ cô có phần lơi là trong việc quản lý con cái khiến cô muốn đi đâu, làm gì với ai cũng được. Tuy khác nhau về hoàn cảnh gia đình nhưng hai cô cùng có chung một sở thích là đam mê chat và họ đã làm quen nhau trên net.

Cho đến khoảng đầu năm 2005 thì hai cô có thêm một người bạn mới trên net. Anh này tự xưng là sinh viên trường Bách khoa. Sau khi online để tán gẫu với nhau chán chê, họ quyết định gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Giáp Bát. Hai cô cùng trở thành người tình của một kẻ nghiện ma túy mà cả hai không hề hay biết. Những cuộc chơi đêm đã biến hai cô bé trở thành đàn bà khi mới 14 tuổi.

Đỉnh điểm của sự trượt dốc là một cô bỏ nhà đi luôn cùng với người tình còn cô kia thì lấy trộm cả xe máy của gia đình đi đặt để lấy tiền bao người tình và trang trải chi phí cho các cuộc "over night". Chỉ đến lúc này thì cha mẹ các cô mới tá hỏa tam tinh đi trình báo Công an.

Bí kíp “dạt vòm” được phổ biến trên Internet.

Kẻ hãm hại hai cô đã bị bắt, chiếc xe máy nghe đâu cũng đã chuộc lại được và cả hai cô đều đã “hồi gia”. Nhưng còn sự trong trắng của các cô thì đã vĩnh viễn mất đi, không thể tìm lại được. Và, có ai dám chắc rằng các em sẽ trở lại được cuộc sống bình thường như các bạn cùng trang lứa khi mà áo trắng em đã trót lấm bụi đời? Đã có biết bao nhiêu ví dụ đau lòng về sự sa ngã của những cuộc đời mà khởi thủy chỉ với những sai lầm như thế...

Cũng dạt vòm với bạn trai nhưng hậu quả với cô bé 14 tuổi ở Lạng Sơn còn đau đớn hơn khi cô trở thành đồng phạm với bạn trai về tội cướp. Đêm ấy, người dân thị trấn Cầu Đôi, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội xôn xao khi nghe tiếng kêu cứu của một người lái xe ôm. Lại gần, mới thấy, người lái xe ôm bị đâm trọng thương, người bê bết máu còn hai tên cướp đã chạy mất vào bóng đêm. Nhận được tin báo Công an xã đã tổ chức cho quần chúng nhân dân truy đuổi. Nhưng khi bắt được chúng thì tất cả đều ngỡ ngàng vì một trong hai tên là một cô bé.

Sau này, qua xác minh mới biết đó là Nguyễn Thương Huyền, 14 tuổi ở Lạng Sơn. Mẹ Huyền là giáo viên mầm non, nhà chỉ có hai chị em, Huyền cũng được học hành như tất cả các bạn cùng trang lứa. Thế rồi, đang học lớp 8 thì Huyền “dạt vòm” xuống Hà Nội, ở với một người bạn ở phố Hàng Lược.

Trong những ngày lang thang ở đây, qua chát chít, Huyền quen được với một số bạn. Ban đầu chúng bao Huyền ăn nghỉ ở một khách sạn trên phố Chùa Láng. Được vài ngày thì cả bọn hết tiền nên bàn nhau đi cướp. Huyền cùng với Khải, một bạn trai trong nhóm đóng giả là đôi tình nhân thuê xe ôm về Đông Anh. Đến thị trấn Cầu Đôi thì cả hai ra tay hành động.

Mẹ Huyền, từ ngày con gái bỏ đi đã tìm kiếm ở khắp nơi mà không thấy, mãi đến khi Huyền bị bắt, Công an báo về nhà mới biết. Bà xuống Hà Nội, nhìn thấy con tại trụ sở Công an mà như đứt từng khúc ruột. Đứa con gái đã từng đi thi học sinh giỏi cấp huyện, từng là niềm tự hào của gia đình, chỉ sau vài ngày “dạt vòm” ngắn ngủi đã trở thành tội phạm. Đoạn cuối của những cuộc “dạt vòm”, đớn đau như thế này, các thiếu nữ liệu có biết hay chăng?

Đ.H.
.
.