Khi tội phạm nước ngoài gây khó khăn cho Cơ quan Công an

Thứ Bảy, 15/08/2009, 20:45
Ba năm trở lại đây, tội phạm người nước ngoài gây án ở nước ta ngày càng nghiêm trọng. Từ những vụ lừa đảo, cướp giật, trộm cắp của tội phạm mang quốc tịch Trung Quốc, Iran, Indonesia, đến những vụ buôn bán vận chuyển ma túy, tẩy rửa tiền của tội phạm gốc Phi, hoạt động phạm pháp của những người nước ngoài đang diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp. Cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý những đối tượng phạm pháp này...

Những trở ngại trong quá trình tố tụng

Trong thông báo của Bộ Công an về tình hình công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội 6 tháng đầu năm 2009 của lực lượng cảnh sát các tỉnh, thành phía Nam, tội phạm có yếu tố nước ngoài đang có xu hướng gia tăng. Tại một số địa phương TP HCM, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang... xuất hiện một số nhóm người nước ngoài (quốc tịch các nước châu Phi, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ...) đến các tiệm vàng, ngân hàng, doanh nghiệp giả mua bán, giao dịch, đổi tiền, lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản.

Tình trạng số người gốc Phi đang lưu trú bất hợp pháp có nhiều dấu hiệu hoạt động phạm tội... Từ tẩy rửa tiền, lừa đảo, mại dâm, cướp giật, buôn ma túy đến giết thuê. Tội phạm gốc Phi, Trung Đông không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm ăn tại Việt Nam...

Đến nay, Lực lượng Công an đã mưu trí khám phá, bắt giữ hầu hết những vụ án do tội phạm người nước ngoài gây ra. Điển hình là Chuyên án 907T, triệt phá băng nhóm cướp tiền người Indonesia.

Trước thực trạng các vụ cướp tiền trên đường vận chuyển liên tiếp xảy ra tại TP HCM, các đối tượng gây án "xuất quỷ, nhập thần", hầu như không để lại dấu vết khiến người dân hết sức hoang mang. Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khẩn trương xin ý kiến xác lập Chuyên án mang bí số 907T, do Đại tá Phan Anh Minh làm trưởng ban, với thành viên tham gia chủ yếu là lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm (thuộc PC14), Công an quận 1 và Công an quận 3.

Qua truy xét trong nhiều ngày, các thành viên của Ban chuyên án xác định, nạn nhân của các vụ cướp đa số là những người đến giao dịch tại các ngân hàng trên địa bàn quận 1, chủ yếu đi xe 7 chỗ, mang biển kiểm soát  ngoại tỉnh. Sau nhiều ngày điều tra, sàng lọc từng đối tượng, nghi can bị lực lượng công an đặc biệt chú ý đến là một nhóm người Indonesia lưu trú tại 2 khách sạn thuộc phường Bến Thành, quận 1. Ban chuyên án tổ chức nhiều nhóm trinh sát đeo bám, mật phục để bắt quả tang các đối tượng.

Đến 11h55' ngày 14/7, khi nhóm người Indonesia gồm 8 đối tượng, thực hiện việc làm xẹp lốp xe ôtô để cướp 22.900 USD của 3 người vận chuyển tiền tại giao lộ Trần Hưng Đạo, quận 1, 6 đối tượng đã bị bắt tại trận.

Băng nhóm tội phạm người Indonesia.

Đại tá Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP HCM, Trưởng ban chuyên án cho biết thêm, hiện băng nhóm trên đã thừa nhận là "tác giả" gây ra những vụ làm xẹp lốp xe ôtô để cướp tiền. Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án đã gặp nhiều khó khăn.

Nhóm người này đã "đòi" Cơ quan điều tra (CQĐT) thực hiện quy trình tố tụng theo tiếng... Indonesia, bất hợp tác với CQĐT, chỉ trả lời CQĐT bằng tiếng địa phương. CQĐT đã phải tìm 3 giảng viên, giáo sư tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM có thể thông dịch theo yêu cầu và những người biết tiếng Indonesia để thực hiện quá trình điều tra.

Chắc chắn rằng, khi qua Việt Nam, tiến hành theo dõi các “con mồi” trong nhiều ngày để thực hiện những phi vụ cướp tiền, nhóm người Indonesia này không thể không biết tiếng Anh, hoặc những ngôn ngữ để có thể giao tiếp được tại Việt Nam, tuy nhiên, các đối tượng chỉ cố tình sử dụng thổ ngữ để gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án. Việc truy thu số tài sản, tiền đã bị trộm gặp trở ngại, khi nhóm người trên đã chuyển phần lớn tiền trộm được ra nước ngoài và nướng hết vào cờ bạc.

Tuy nhiên, vụ án mà tội phạm là người Indonesia dàn cảnh rải đinh làm xẹp lốp xe để trộm tiền không phải xảy ra lần đầu tiên ở nước ta. Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 3/2008 chúng đã vào Việt Nam, hoạt động tại Hà Nội. Công an Hà Nội cũng đã triệt phá một băng nhóm, bắt giữ 5 tên với đầy đủ vật dụng hành nghề.

Theo thông tin chúng tôi có được, 2 năm trước, những băng nhóm cướp tiền bằng những thủ đoạn tương tự đã hoạt động tại Campuchia và đã bị lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia triệt phá. Vụ án này đã đặt ra một vấn đề, trong đấu tranh với tội phạm người nước ngoài tại Việt Nam, sự phối hợp giữa các ngành, ngoại giao, lao động - thương binh và xã hội, chưa đồng bộ, CQĐT gặp nhiều khó khăn khi vụ án xảy ra.

Theo tài liệu của Bộ Công an, hiện ở nước ta đã xuất hiện các tổ chức xã hội đen nước ngoài như hội 14K; Tam hoàng; Trúc liên bang; Tứ Hải v.v... Các đối tượng này đã vào thăm dò tình hình, được doanh nghiệp hoặc cá nhân người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam thuê để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong làm ăn. Nhiều cuộc thanh trừng đã diễn ra trong các nhóm tội phạm gốc Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia để giải quyết mâu thuẫn trong hợp tác làm ăn ở các khu giải trí, khách sạn. Điều đáng nói, các vụ án do tội phạm người nước ngoài đều được thực hiện bằng những thủ đoạn, phương thức mới.

Mới đây, Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã bắt giữ 15 người, chủ yếu là người gốc Phi với gần 6 kg hêrôin. Trong vụ án này, thủ đoạn của chúng là lấy vợ hoặc sống như vợ chồng với một số phụ nữ Việt Nam. Sau đó, chúng sử dụng số chị em này vận chuyển ma túy. Nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khó khăn, hám lợi nên dễ trở thành đồng phạm với chúng. Một cán bộ điều tra chua xót cho biết, vì sự nhẹ dạ, cả tin, nhiều phụ nữ không hề biết mình đang tiếp tay cho bọn tội phạm người nước ngoài...--PageBreak--

Báo động tội phạm gốc Phi, Trung Đông

Mới đây, Công an TP HCM lại tiếp tục xử lý thêm một trọng án liên quan đến những người gốc Phi: một người da đen bị đâm tại cao ốc Conic nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP HCM). Tối 25/7, 4 người da đen đi taxi tới cao ốc Conic, lên lầu 8 lô E dùng dao đâm 1 đối tượng da đen khác (hiện tên tuổi vẫn chưa được tiết lộ) đang lưu trú tại đây trọng thương. Đối tượng bị đâm bỏ chạy xuống tầng trệt báo bảo vệ trong lúc 4 đối tượng định giết người lên xe taxi tẩu thoát. Theo thông tin ban đầu, có khả năng đây là vụ thanh toán giữa bọn tội phạm ma túy nằm trong một đường dây vừa bị triệt phá.

Trước đó, ngày 23/7, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17B) đã triệt phá 1 đường dây ma túy, thu giữ hơn 2 kg hêrôin được giấu trong cúc áo, bìa sách và đế giày, bắt giam 7 đối tượng (5 người Nigieria, 2 phụ nữ người Việt), trong đó có 2 đối tượng tạm trú tại cao ốc Conic... Như vậy, buôn bán ma túy, thanh trừng, thủ tiêu đồng bọn, tội phạm gốc Phi đã trở thành hiện tượng đáng báo động.

Ở TP HCM đang có nhiều người nước ngoài không có nơi ở cố định, không có việc làm... đây chính là nguy cơ dễ dẫn đến các tệ nạn và hành vi phạm tội trong nhóm đối tượng này.

Theo ghi nhận của Công an TP HCM, số người nước ngoài lang thang trên địa bàn thành phố chủ yếu là người đến từ các quốc gia châu Phi, Trung Đông, tập trung ở các nước Nigeria, Ghana, Congo... Số người này ngoài tập trung với mật độ dày đặc tại quận 1, có khi lên tới cả hàng trăm người.

Thời gian gần đây, để trốn tránh các cơ quan chức năng, họ dần chuyển sang các quận vùng ven như Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú... Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18) Công an TP HCM cho biết, tình trạng người nước ngoài lang thang, vi phạm pháp luật ngày một nhiều.

Về người nước ngoài gốc Phi, Trung Đông tại TP HCM, các ngành cơ quan chức năng khó có thể có con số chính xác, bởi ngoài đối tượng nhập cảnh qua đường hàng không đã có thông tin lưu trữ, còn có nhiều người nhập cảnh qua đường bộ, qua cửa khẩu, một số ít nhập cảnh qua đường tiểu ngạch không khai báo.

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP HCM: "Hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng người nước ngoài lang thang, phạm tội trên địa bàn".

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, Thượng tá Nguyễn Văn Anh - Trưởng phòng PA18 Công an TP HCM cho biết: "Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, PA18 đã xử lý, tiến hành buộc xuất cảnh 186 trường hợp người nước ngoài phạm tội, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái, từ những vi phạm hành chính đến hình sự".

Thượng tá Nguyễn Văn Anh cũng khẳng định: "Hiện nay hành lang pháp lý để xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Như việc chỉ tạm giữ người nước ngoài có dấu hiệu phạm tội 24 tiếng, thời gian quá ngắn để củng cố tài liệu vi phạm, làm rõ một vụ án. Dường như, tội phạm nước ngoài biết rõ điều luật này của chúng ta, và họ biết cách để khai thác triệt để. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có nhà tạm giữ dành riêng cho tội phạm người nước ngoài".

Trong nhiều trường hợp, chính cán bộ, chiến sĩ PA18 phải bỏ tiền túi hoặc đi vận động người dân giúp đỡ tài chính để mua vé máy bay cho đương sự về nước. Đau đầu nhất là các đối tượng không có giấy tờ, không có tiền, không có nơi cư trú nhất định thì biện pháp xử lý rất khó. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia mà họ mang quốc tịch lại chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam nên không dẫn độ được.

Còn nếu buộc họ phải quay về thì họ viện cớ hết tiền. Có trường hợp ta mua vé đưa họ về nhưng khi đến nơi, quốc gia họ từ chối tiếp nhận. Rất nhiều tội phạm không có giấy tờ tùy thân, hoặc cố tình giấu, nên không thể làm thủ tục trục xuất họ qua các cửa khẩu. Trong các trường hợp vi phạm pháp luật chưa đến mức độ xử lý hình sự, công tác truy xét, xử lý cũng gặp không ít trở ngại, bởi các đối tượng không chịu hợp tác, cơ quan công an phải trả tự do cho họ sau thời gian tạm giữ hành chính.

Nhiều đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng (lừa đảo, trộm cắp, cướp giật...), nhưng do bất đồng ngôn ngữ, không có người phiên dịch, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu thập chứng cứ nên rất khó khăn trong việc tiến hành xử lý hình sự. Hầu hết tội phạm người gốc Phi, Trung Đông đều sử dụng thổ ngữ... nên việc điều tra, hỏi cung gặp không ít trở ngại.

"Pháp luật cho phép tội phạm sử dụng ngôn ngữ của nước họ, cho nên một số tội phạm lợi dụng điểm này, dù biết tiếng Anh, họ vẫn cố tình sử dụng thổ ngữ, chúng ta rất khó khăn trong việc giam giữ, kết tội họ", một cán bộ điều tra cho biết.

Nhiều vụ án trong quá trình điều tra, truy tố diễn ra suôn sẻ vì bị can sử dụng tiếng Anh và chấp thuận ngôn ngữ đó là ngôn ngữ chính trong quá trình tố tụng, nhưng đến khi ra tòa lại đổi ý, giả vờ không hiểu tiếng Anh, thông dịch giải thích kiểu nào cũng lắc đầu ra dấu không hiểu nên tòa đành phải hoãn xử để mời thông dịch tiếng mẹ đẻ của bị cáo. Điển hình là vụ án giết người tại khách sạn Quyền Thanh, TP HCM, khi ra tòa, bị cáo Denchai Nutiphanich yêu cầu sử dụng tiếng Thái vì "bị giam lâu quá quên hết tiếng Anh" dù trước đó Denchai sử dụng tiếng Anh rất thành thạo.

Thượng tá Nguyễn Văn Anh cho biết thêm, với nhiều ngôn ngữ, việc tìm một người phiên dịch để phục cho công tác điều tra, xử lý các đối tượng rất khó khăn, khi có được người phiên dịch thì chế độ tài chính cho họ, thanh toán ra sao, hiện nay cơ chế cũng chưa có. Còn nếu nhờ cơ quan đại diện, chủ quản của đối tượng thì chắc chắn không thể có sự khách quan trong công tác điều tra, phá án.

Thượng tá Nguyễn Văn Anh đề xuất: "Để hạn chế tình trạng người nước ngoài phạm tội, chúng ta cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn "đầu vào", và quan trọng là cần có quy chế về xử lý người nước ngoài chặt chẽ, nhà tạm giữ, ngân sách phục vụ cho công tác xử lý...".

Công an TP HCM đã đề xuất sớm ban hành các quy định cụ thể về quản lý, xử lý tội phạm người nước ngoài; hỗ trợ kinh phí đào tạo tin học, ngoại ngữ, nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác tư pháp. Bên cạnh đó, PA18 Công an TP HCM cũng đề xuất thành lập một trại thu gom tạm thời những ông "Tây" sống lang thang. Ở cấp độ cao hơn, UBND TP HCM cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm vào cuộc, cùng thành phố giải quyết những phức tạp liên quan đến tình trạng người nước ngoài sống lang thang, phạm tội trên địa bàn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao có những giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để khắc phục tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng cục Cảnh sát đã và đang tham mưu cho Bộ Công an về việc quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc cấp visa cho người gốc châu Phi

Thuận Thiên
.
.