Kho báu đời người

Thứ Tư, 24/12/2014, 11:15
Khơi mào cho câu chuyện từng được đề cập nhiều lần trên Báo ANTG trong suốt 16 năm qua (1998-2014) là một sự kiện, đúng hơn, một phong trào xảy ra tại đất Philippines xa xôi từ hơn 40 năm trước. Gốc rễ vấn đề, xa hơn nữa, lại khởi nguồn từ cách đây xấp xỉ 7 thập kỷ, khi Thế chiến II đang vào hồi kết thúc.

Trước viễn cảnh thảm bại đã cầm chắc, quân đội Nhật Bản chủ trương vơ vét bạc vàng châu báu, cổ vật, tài nguyên quý hiếm… của nhiều nước bị chiếm đóng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa xuống tàu chở về đảo quốc Phù Tang bằng đường biển. Liên tục  bị máy bay Đồng Minh truy đuổi và oanh tạc, nhiều con tàu chất  đầy báu vật đã vĩnh viễn nằm lại giữa Thái Bình Dương  sâu ngàn thước nước.

Để bảo vệ phần lớn khối báu vật, Đô đốc Tomoyuki Yamashita - Tư lệnh quân đội Thiên hoàng tại châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi chủ trương. Viên tướng này ra lệnh chia số báu vật vơ vét được thành nhiều phần và cho chôn giấu lại ở nhiều quốc gia, nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực Đông Nam Á.

Sử sách, văn kiện chính thống không hề ghi, nhưng truyền thuyết thì vẫn râm ran: toàn bộ nhân công người bản xứ, thậm chí cả những đốc công người Nhật tham gia chôn giấu kho báu đều bị thủ tiêu sau khi lấp miệng hầm. Bí mật kho báu được giữ kín, chỉ có tướng Yamashita cùng một vài sĩ quan cao cấp trong quân đội phát xít Nhật nắm giữ. Mỗi kho báu được lập một tấm bản đồ vị trí, không có bản sao, giao  cho một sĩ quan bí mật cất giữ.  Đợi kết thúc chiến tranh, thời cơ thuận lợi, người Nhật sẽ bí mật quay  lại khai thác.

Hàng chục năm sau đó, "cơn khát thời đại" mang tên "Kho báu Yamashita"  đã đẩy  hàng ngàn, hàng vạn con người giàu tham vọng ở các quốc gia Đông Nam Á vào những cuộc phiêu lưu, tìm kiếm và tranh giành khốc liệt. Nhưng cho đến nay, chỉ duy nhất gia đình cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos được ghi nhận là đã từng tìm thấy một  trong số những kho báu Nhật Bản. Giới truyền thông quốc tế  đánh giá số bạc vàng châu báu tìm được này giá trị lên tới 3,2 tỉ USD!

Thực tế là ngay trước khi tuyên bố thiết quân luật ngày 21/9/1972, Tổng thống Marcos đã ra lệnh bí mật tuyển mộ một nhóm quân nhân đặc biệt tinh nhuệ vào một đơn vị bí mật được gọi là "Task Force Restoration". Nhiệm vụ của đơn vị đặc biệt này là lùng tìm kho báu Yamashita trên một vùng rộng khắp quốc đảo Philippines, nhất là trong các vùng ven bờ biển do phe nổi dậy và ly khai chiếm giữ. Thay vì được cấp vũ khí để chiến đấu, đơn vị Task Force Restoration lại được cung cấp… cuốc, xẻng, xe ủi, xe xúc, cần cẩu…

Đêm 27/4/1973, trong khi đào xuống đến độ  sâu 12m trên một khu đất rộng khoảng nửa hecta gần hồ Caliraya, cách thủ đô Manila vài kilômét về phía đông, họ đã tìm thấy 10 căn phòng bằng bêtông chứa các thùng thép và những kiện hàng bằng đồng. Trong các thùng và kiện hàng đó là vàng, đá quý và vô số báu vật khác (sau này được ước đoán có trị giá 590 triệu USD, thời giá năm 1973).

Ngay sau đó, Tổng thống Marcos, tướng Fabian Ver, đại tá Ramon Cannu và đội cận vệ Tổng thống đã xuất hiện trên một chiếc trực thăng. Đi theo họ còn có 4 người Nhật Bản lớn tuổi.

Nhiều năm sau, bị cáo buộc là đã tham nhũng ngân sách, đục khoét tài nguyên quốc gia làm giàu bất chính trong thời gian nắm quyền suốt 13 năm, gia đình Marcos đã biện bạch rằng số của cải mà họ tích lũy được là từ kho tàng mà quân Nhật chôn giấu và họ đã tìm ra. Không chỉ một kho báu từng được tìm thấy ở vùng hồ Caliraya, trên toàn đất nước, gia đình Marcos đã từng tìm được và chiếm hữu tới khoảng 30 kho báu lớn nhỏ như vậy.

Lời biện bạch, không ngờ lại dấy lên một làn sóng phẫn nộ mới. Hàng trăm quân nhân tại ngũ và đã phục viên từng trực tiếp tham gia đơn vị đặc nhiệm do Marcos lập ra tập hợp nhau lại thành một tổ chức có tên gọi "The Forgotten Claimants of Yamashita World War II Treasures Versus the Marcos Estate Inc". (Những người bị lãng quên đòi hỏi về kho báu Yamashhita trong Thế chiến II và chống lại tài sản của Marcos). Những năm cuối thế kỷ XX, chiến dịch đòi lại một phần trong số tài sản của Marcos của các cựu quân nhân Philippines vẫn sôi sùng sục.

Tập hợp những tư liệu xung quanh vấn đề kho báu và cuộc đấu tranh này của các quân nhân Philippines, giữa năm 1998, Báo ANTG đã cho đăng một bài viết  nhan đề: "Kho báu của viên tướng Nhật". Báo đăng hôm trước, hôm sau chúng tôi đã được tiếp một vị khách đặc biệt ngay tại tòa soạn ở TP HCM.

Ông cho biết: "Tôi là Trần Phương Tiệp, 83 tuổi (sinh năm 1915). Tôi đang nắm giữ tài liệu và tiến hành tìm kiếm, khai thác "Kho báu Yamashita" tại Việt Nam suốt 10 năm nay. So với kho báu mà tôi đang tìm, kho báu nhà Marcos đã chiếm được….chẳng là cái gì cả".

Cụ Trần Phương Tiệp, người hơn nửa thế kỷ đi tìm kho báu Yamashita.

Không chỉ khẳng định chắc như đinh đóng cột, vị độc giả cao tuổi còn trưng cho chúng tôi xem hàng trăm bức ảnh, thư tay, tài liệu, bản chụp bản đồ, tài liệu khảo sát địa chất, địa hình…3 nơi mà ông khẳng định là "ba kho báu" do người  Nhật chôn lại từ thời thế chiến. Không hề có biểu hiện nào thường gặp ở những người hoang tưởng; không chút ngần ngừ bối rối trước những câu hỏi chất vấn thẳng thừng, những vặn vẹo, tranh luận có sức nặng nghiêng về chiều đả phá của chúng tôi, cụ Tiệp liên tục khẳng định: "Đây chỉ mới là một phần nhỏ của tài liệu. Trí tưởng tượng của các anh không đủ lớn để hình dung ra kho báu đồ sộ mà tôi đang nắm trong tay đâu. Vàng, đá quý, châu báu hay gì nữa thì tôi không biết, nhưng chắc chắn là không dưới 4.000 tấn!".

2 trong số 3 kho báu, một ở Vũng Tàu, một nằm trong khu vực rừng già (cũ) thuộc xã Suối Kiết, huyện tánh Linh, Bình Thuận, cụ Tiệp cho rằng "vẫn chưa đến thời điểm lịch sử thích hợp để khai thác, dù độ xác thực chẳng có gì phải bàn cãi" nên không bàn đến. Cụ chỉ tìm đến Báo ANTG vì chuyện kho báu núi Tàu, nằm sát ngay bên Quốc lộ 1, đối diện Nhà máy Nước suối Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, nơi ông đang đặt công trường để khoan, đào, tìm kiếm.

Cụ đặt thẳng vấn đề: muốn Báo ANTG là đơn vị độc quyền truyền thông cho cuộc tìm kiếm thế kỷ này. Rồi ông nói luôn: "Quá rõ. Chỉ có người thiếu hiểu biết mới tỏ ra nghi ngờ sự tồn tại kho báu này. Tôi là người kinh doanh. Nếu không xác thực, tôi đã không bỏ cả 10 năm, chi phí hàng tỉ đồng cho việc tìm kiếm. Tôi đã chạm nắp hầm, đang làm thủ tục để khui hầm và khai thác"!

Rất có thể là chúng tôi thiếu hiểu biết thật, bởi "báu vật" lớn nhất mà chúng tôi dám nghĩ tới là con người, cùng lắm chỉ  nặng khoảng trên dưới 50kg chứ không khổng lồ tới 4.000 tấn. Tuy nhiên, ngoại trừ những tuyên bố quá hùng hồn, những tham vọng quá hoành tráng, rất nhiều chi tiết trong câu chuyện của cụ  Trần Phương Tiệp lại nằm trong một xâu chuỗi lịch sử khá logic với người thật, việc thật. Nhiều người trong số đó đã và đang nắm giữ những vị trí quan trọng của bộ máy chính quyền, quân đội của nhiều giai đoạn khác nhau. Họ đều không từ chối tiếp xúc, cung cấp thông tin và tranh luận thẳng thắn khi chúng tôi yêu cầu.

Nặng ký nhất là những bằng chứng mà ông Lê Văn Hiền (Tám Hiền), nguyên Bí thư Tỉnh ủy  tỉnh Thuận Hải (cũ) cung cấp. Thời chống Mỹ, ông Tám Hiền  từng giữ nhiều trọng trách của Khu VI, rất am tường thông tin và có nhiều tài liệu lịch sử các thời kỳ  của Khu VI, trong đó có tỉnh Bình Thuận.

Năm 1976, tỉnh Thuận Hải đã cho thợ lặn ra Cù Lao Câu cách Núi Tàu khoảng  hơn 4 hải lý lặn tìm những con tàu đắm dưới biển. Kết quả, trong một con tàu đắm  chỉ có 76 thỏi Ăng-ti-moan, mỗi thỏi nặng khoảng  hơn 12kg. Những dấu vết để lại dường như hé lộ rằng hàng hóa trên tàu (có thể là báu vật, kim loại  quý?) đã được bốc đi  hết. Phải chăng, núi Tàu có thể là nơi chôn giấu những báu vật trong con tàu  đắm đó?

Cụ Trần Phương Tiệp trong lần bị trục xuất khỏi núi Tàu - tháng 8/2000.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM vào giữa năm 2000, ông Tám Hiền cho biết thêm: vào năm 1987 khi được điều về làm việc tại Ban Nội chính Trung ương, ông đã có dịp tiếp xúc nhiều với bằng chứng và cơ sở về việc quân đội Nhật chôn giấu kho báu tại núi Tàu trước khi Thế chiến II kết thúc.

Tháng 3/1971, Thượng nghị sĩ chế độ Sài Gòn, tỉ phú Hoàng Kim Quy đã dẫn đầu một đoàn cả dân sự lẫn quân sự nhiều lần dùng trực thăng đổ người xuống đào xới, thăm dò trên đỉnh núi Tàu. Dẫn đường cho những chuyến thăm dò là một tay trung đội trưởng bảo an người địa phương. Bố của ông này trước năm 1945 là công nhân gác ghi của Đề pô xe lửa Vĩnh Hảo, cách núi Tàu không xa lắm, người được xem là đã từng tận mắt chứng kiến từ  xa công đoạn bí mật chôn giấu kho báu của người Nhật.

Một  người bạn chiến đấu khác của ông Lê Văn Hiền là ông Huỳnh Xuân Há, nguyên cán bộ Phòng Công nghiệp Thuận Hải đã chủ động gặp ông Tiệp "góp thêm tư liệu". Ông Há có một người bạn là Lê Bửu, trước giải phóng là một nhà tư sản giàu thuộc hàng nhất nhì tỉnh Bình Thuận.

Cha ông Lê Bửu là một trong những người tham gia đôn đốc việc chôn giấu kho báu vào một hang đá tự nhiên trên núi Tàu, sau đó lèn đá lấp lại, nghi trang thành sườn núi tự nhiên. Trước ngày giải phóng, cha ông Lê Bửu từng nhiều lần dẫn con trai lên núi Tàu chỉ vị trí kho báu và dặn đi dặn lại: "Sau này đất nước độc lập, thống nhất, con phải báo cho Cách mạng khai quật, đừng để kho báu lọt vào tay kẻ xấu"… Nhưng, chưa tìm được dịp thuận tiện để thực hiện lời dặn của cha, ông Lê Bửu đã đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông.

Hàng loạt những thông tin như thế có vẻ như đều trùng khớp với những gì ông Trần Phương Tiệp đang nắm giữ. Thuyết phục hơn cả, sau nhiều đợt khảo sát bằng máy dò cạn Forstep TYP 4051, ngày 31/8/1986, nhóm chuyên viên Bộ Quốc phòng đã có "phúc trình về kết quả dò bom" trên núi Tàu, có nội dung: "Có một khối lượng lớn với diện tích nhiễm từ xấp xỉ 1.200m2. Tại sườn chiều cao theo hướng đông, đông nam và hướng nam có dấu vết rạn nứt… nghi là hướng cửa hầm". Với ông Tiệp, chẳng có bom mìn gì trên đỉnh núi cả, đó đích thị là kho vàng!

Bắt đầu từ năm 1986, bao nhiêu tiền của tích cóp được, ông Tiệp không ngần ngại đổ hết vào công trình bạt núi, làm đường lên đỉnh núi và đào xới, phá tung hàng ngàn khối đá cứng để quyết bật cho được cửa hầm. Ban đầu ông làm một mình, sau này ông làm chung với chính ông Bí thư  Tỉnh ủy hồi hưu Lê Văn Hiền. Ông Hiền mất vì tuổi cao sức yếu, ông Tiệp tiếp tục hùn vốn làm chung với nhiều người khác khắp trong Nam ngoài Bắc, tiêu tốn hàng ngàn lượng vàng, cả chục lần bị lừa nhưng kho báu vẫn bặt vô âm tín.

Một số “báu vật” được cho là đã tìm thấy tại hố khai quật ở núi Tàu.

Trong 28 năm đeo đuổi, ông đã không dưới 20 lần xin giấy phép "gia hạn lần cuối cùng" của cả tỉnh Thuận Hải cũ lẫn tỉnh Bình Thuận sau này. Cũng không dưới chục lần, ông đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế, trục xuất buộc rời núi Tàu. Về TP HCM được ít tháng, ông lão bát tuần, cửu tuần và bây giờ là sắp bách tuế lại lóc cóc bò lên núi, với một tờ "gia hạn cuối cùng mới". Lần này, giấy phép cho "giấc mơ thế kỷ" của ông có giá trị đến tháng 1/2015.

Vào khoảng giữa năm 2012, ở tuổi 97, ông Tiệp tìm đến Báo ANTG để hồ hởi báo tin sắp khui được cửa hầm. Trước đó, ông viết cho chúng tôi một lá thư rất tình cảm: "Trong nhiều năm qua, các anh đã theo sát cuộc tìm kiếm kho báu Yamahita của bác. Ăn được miếng ngon phải nhớ người đầu bếp, nếu không sẽ là loại "thực bất tri kỳ vị". Bác muốn báo tin mừng, long trọng mời các anh tham dự, chứng kiến giây phút bác mở cửa hầm kho báu”.

Chúng tôi nhận lời. Đáng tiếc, điều mà chúng tôi được chứng kiến lại là một cảnh cưỡng chế trục xuất một lần nữa đối với những con người mang khát khao cháy bỏng nhưng khá mơ hồ. Lần này, ông Trần Phương Tiệp đã quá già nên không có mặt trên đỉnh núi. Đại diện cho ông là anh Trần Phương Hồng, con trai và một cộng sự trẻ hơn ông Tiệp nhiều: bác sĩ Ngô Xuân Quýnh, 83 tuổi.

Anh Trần Phương Hồng, người con trai được cụ Trần Phương Tiệp chỉ định và ủy thác tiếp tục theo đuổi việc săn tìm kho báu Yamashita còn dang dở là một trường hợp hy hữu. Năm 1988, lúc cắm trại tại núi Tàu, cụ Tiệp bị một mảnh đá văng vào làm hỏng một con mắt, phải nằm viện điều trị nhiều tháng trời. Khi vết thương được chữa lành thì cụ Tiệp cũng có thêm một cậu con trai ở tuổi ngoài 70. Mẹ của Trần Phương Hồng chính là người phụ nữ đã chăm sóc cụ Tiệp suốt trong thời gian ở núi Tàu lẫn trong những tháng nằm bệnh viện, thua tuổi cụ gần nửa thế kỷ!

Ngoại trừ bạc vàng châu báu là vẫn chưa thấy đâu, cuộc săn tìm kho báu Yamashita của cụ Trần Phương Tiệp đã khiến cụ tiêu tốn và mất đi nhiều thứ. Cho đến nay, câu chuyện về cụ vẫn là vụ việc mà Báo ANTG chúng tôi theo đuổi lâu dài nhất, tốn nhiều giấy mực nhất. Cũ, nhưng câu chuyện chưa bao giờ cạn phần ly kỳ hấp dẫn. Bởi lẽ, đó là câu chuyện về khát vọng, giấc mơ và số phận con người.

Nguyễn Hồng Lam
.
.