“Kho báu” trên đỉnh Tà Xông

Chủ Nhật, 07/06/2020, 13:03
Có một loại cây mà suốt nhiều năm qua mỗi cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò vẫn coi là “kho báu”. Họ bảo nhau, phải giữ bằng được loài cây ấy. Cây còn, Khu bảo tồn còn...

Đó là loài Thông Pà Cò - loài thực vật được đưa vào “sách đỏ” mà nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đang lo ngại về sự biến mất của loài cây này. Với ý nghĩa đó, Thông Pà Cò đã trở thành “linh hồn” của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò. “Chính nhờ loài Thông ấy mới có Khu Bảo tồn này...”, đồng chí Bùi Văn Đoàn, Trưởng Ban quản lí Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò chia sẻ.

Ban quản lý Khu bảo tồn cùng người dân Hang Kia - Pà Cò bàn cách giữ rừng.

Gian nan tìm “vàng” trên đỉnh núi đá

Là người của những cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh núi Tà Xông nên không chỉ Sùng A Vàng, Phó Ban quản lý (BQL) Khu BTTN mà cả những người như anh Nguyễn Tiến Khanh, Đội trưởng Đội Pháp chế; Hà Công Tùng, cán bộ phụ trách các xã Cun Pheo, Bao La; Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách các xã Hang Kia - Pà Cò đều thuộc rừng như lòng bàn tay.

Dẫu vậy, ai cũng hiểu chốn rừng hoang, luôn rình rập những hiểm nguy. Nhất là khi họ phải “kèm” những kẻ “không chuyên” như chúng tôi trong một chuyến đi xuyên rừng cheo leo, hiểm trở để đến với những “báu vật” của Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò: Thông Pà Cò.

Không chỉ những người “bạn” đường rừng, trước chuyến đi, Trưởng BQL Khu BTTN Bùi Văn Đoàn còn cẩn thận dặn dò: “Thông Pà Cò là loại thực vật chỉ thích độ cao. Các quần thể thông này chỉ mọc ở độ cao từ 1.000m trở lên. Dựa theo sự phân bố theo các quần thể, BQL khu bảo tồn đã chia thành 15 tuyến để quản lý, bảo vệ. Các quần thể thông Pà Cò đều mọc trên đỉnh núi hoặc ở các vách đá cheo leo nên rất khó tiếp cận. Thế nên anh chị đi đường phải thật cẩn thận. Bởi chỉ một sơ sẩy cũng để lại hậu quả khôn lường...”.

Quả thực, để đến với những quần thể thông Pà Cò trên đỉnh Tà Xông khó hơn những gì mà chúng tôi tưởng tượng. Là một trong những đỉnh núi cao nhất của dãy núi Pà Háng, thường xuyên có sương mù, mây phủ. Đường đi, chủ yếu men theo vách núi đá phủ đầy rêu và địa y trơn trượt. Trên là đá, dưới là vực lởm chởm tai mèo sắc ngọt. “Chỉ cần trượt chân là rơi xuống vực sâu cả trăm mét. Một người trượt ngã sẽ kéo theo những người phía sau ngã theo”, Sùng A Vàng liên tục lưu ý.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vịn cây, bám đá dò dẫm, chúng tôi cũng đã đến được điểm có thông Pà Cò. “Nó ở ngay gần đây rồi. Từ đây lên đến chỗ quần thể 3 cây thông trên đỉnh núi chỉ còn khoảng 150m nữa. Nhưng sẽ phải đi bằng... tay nhiều hơn. Trời nhiều sương mù, nếu đi cũng không an toàn”, anh Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách địa bàn xã Hang Kia, Pà Cò vừa ngước mặt lên phía trên vừa bảo.

Đó là một vách núi dựng đứng ướt sũng. Không dễ để trèo, bám. Sau khi hội ý, chúng tôi quyết định không mạo hiểm. Từ đây, sẽ đi tuyến khác. Nơi có quần thể 11 cây thông Pà Cò...

“Kho báu” nơi cổng trời

Từ tuyến thông trên đỉnh Tà Xông sau gần 1 giờ xuyên rừng, chúng tôi đã có mặt trên đỉnh núi Pà Cò ở độ cao gần 1.300m. Giữa cánh rừng nguyên sinh, những cây thông Pà Cò vút cao, xòe tán. Thân, rễ khỏe khoắn bám chặt vào vách núi cheo leo. Thông đấy! bất chợt có tiếng reo vui lẫn trong tiếng gió vi vút thổi.

Không lẫn với loài cây nào khác. Dù ở nơi đỉnh núi, chỉ toàn đá nhưng thông vẫn hiên ngang, mạnh mẽ vươn mình đón nắng. “Những hôm trời quang, không có sương mù thì đứng ở xa cũng có thể nhìn thấy thông Pà Cò. Nó có tán xòe ra như những chiếc ô. Không lẫn vào đâu được”, Sùng A Vàng chia sẻ. Giống như những cây thông Pà Cò khác tại Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò, quần thể 11 cây thông trên đỉnh Pà Cò có đường kính từ 40-60cm với chiều cao trung bình từ 5-7m đều được đánh số và được bảo vệ nghiêm ngặt.

“Nhìn vậy thôi nhưng chúng đều là cổ thụ rồi đấy. Vì sinh trưởng trên đỉnh núi đá, có điều kiện khắc nghiệt về thời tiết và dinh dưỡng nên cây phát triển rất chậm. Các cây thông ở đây hầu hết đều có tuổi lên đến hàng trăm năm”, tay xoa vào thân, mắt thì hướng theo tán lá vươn rộng ra phía khoảng không đón ánh mặt trời, anh Bùi Văn Công nói như tâm sự với chính những cây thông đã hiên ngang vượt qua giông gió trên đỉnh núi từ bao đời nay.

Xác định vị trí của quần thể thông Pà Cò.

Theo thống kê, Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò hiện còn 200 cây thông Pà Cò. Trong đó, 186 cây đã được treo biển định danh, đánh số thứ tự, 14 cây còn lại do mọc ở những địa hình khó tiếp cận, chênh vênh trên vách đá cao nên không thể treo biển, đánh số. Để quản lý, bảo vệ, BQL Khu BTTN đã chia thành 15 tuyến. Thường xuyên có cán bộ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ. Tất cả đều được đánh dấu tọa độ trên bản đồ điện tử.

“Em là người may mắn khi được tự tay đóng biển đánh số, định danh cho toàn bộ 186 cây thông Pà Cò. Mỗi lần đánh số cho một cây, có cảm giác như mình được đặt tên cho một đứa con vậy, cảm giác khó tả lắm”, Bùi Văn Công chia sẻ thêm. Không chỉ Bùi Văn Công mà ở khắp vùng núi Pà Cò này, vẫn còn có nhiều người yêu thông như Khà A Lứ, Vàng Thị Mại ở xóm Hang Kia (xã Hang Kia), Sùng A Lư ở Pà Cò (xã Pà Cò)... Họ đã không tiếc công, tiếc của tự nguyện bảo vệ, giữ gìn không chỉ thông mà giữ cho cả những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh tốt.

“Đây thực sự là một điều rất cần thiết. Bởi không giữ được những quần thể thông Pà Cò thì sẽ vĩnh viễn mất đi một “kho báu” vô cùng lớn về nguồn gen quý trong bảo tồn đa dạng sinh học mà không thể phục hồi được”, đồng chí Bùi Văn Đoàn, Trưởng BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò chia sẻ thêm.

Nước mắt cho... thông

Cũng bởi tình yêu dành cho thông quá lớn, nên ngày 11-2-2020, khi nghe tin trên đỉnh Tà Xông A có 3 cây thông Pà Cò bị Vàng A Trớ (SN 1984, trú tại xóm Hang Kia) chặt hạ, ngay lập tức Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách địa bàn xã Hang Kia - Pà Cò đã vùng dậy, bất chấp cả mưa rét chạy thẳng vào khu vực có 3 cây thông nói trên...

“Giữa hiện trường ngổn ngang thân cây bằng một ôm người lớn được đánh số, định danh 101, 102, 103 vừa mới bị chặt hạ, gốc còn rỉ nhựa đỏ như máu, chẳng ai bảo ai, nước mắt cứ thế lăn rơi pha lẫn với những giọt mồ hôi mặn đắng”, anh Công nhớ lại.

Đó không phải là lần đầu, giọt nước mắt của những người giữ rừng phải chảy vì thông Pà Cò bị chặt hạ. Mà theo anh Nguyễn Tiến Khanh, Đội trưởng Đội Pháp chế - BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò thì vào khoảng năm 2009 cũng đã xảy ra vụ chặt trộm thông Pà Cò. Ngay sau đó, đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý hình sự. Tuy vậy, thiệt hại là vô cùng lớn. Vì “trong suốt nhiều năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn đang bó tay trong việc nhân giống để gìn giữ, phát triển loài thông này.

Hiện nay, ngoài Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò thì tại Việt Nam, loài cây này phân bố rất hẹp, chỉ gặp ở một số vùng núi có độ cao từ 1.000m trở lên ở các tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Hòa Bình.

Không chỉ có giá trị cao trong đời sống, gỗ thơm, vân đẹp mà Thông Pà Cò còn có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Bởi hiện nay các quần thể thông Pà Cò cũng còn ít và nhỏ lẻ. Hiện tại quần thể thông Pà Cò ở Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò còn giữ được xem là lớn nhất Việt Nam.

Trong tự nhiên, khả năng tái sinh của loài này cũng rất kém. Hầu như không gặp cây con tái sinh mà chỉ gặp những quần thể cây trưởng thành. Số cá thể trưởng thành của loài cây này đang bị suy giảm nghiêm trọng, quần thể đang bị chia cắt và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ, mất dần nguồn gen”, đồng chí Bùi Văn Đoàn, Trưởng BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò lo lắng.

Nhờ dân giữ rừng

“Có một thực tế là ở nơi nào còn “giàu” về tài nguyên rừng thì nơi đó đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ. Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò cũng không nằm ngoại lệ. Nhất là khi cuộc sống của đại bộ phận người dân nằm ở “vùng lõi” khu bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn”, đồng chí Nguyễn Tiến Khanh nhấn mạnh.

Theo đó, khu vực “lõi” bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn nằm trọn trên địa bàn 2 xã Hang Kia - Pà Cò. Trong khi đó, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông với tập quán canh tác làm nương rẫy, phục thuộc vào rừng. Do vậy đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ tại những nơi này.

Cây thông quý trên đỉnh Tà Xông.

Theo ghi nhận của BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò thì hầu như các vụ xâm hại rừng chủ yếu xảy ra tại địa bàn 2 xã này. Nguyên nhân là do điều kiện sống, phong tục tập quán cũng như điều kiện kinh tế của người dân. Người Mông thường ở trên các rẻo núi cao. Do vậy, người ta không trồng, canh tác lúa nước. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào làm nương trên các sườn đồi, núi cao.

Trong khi đó, diện tích rừng thuộc vùng “lõi” của Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò lại nằm chủ yếu ở địa bàn 2 xã này. Trên thực tế, “chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động người dân rất nhiều. Nhưng tình trạng khai thác, xâm hại rừng vẫn diễn ra. Trong đó, vụ xâm hại, chặt phá 3 cây thông Pà Cò vào ngày 11-2 vừa qua là một ví dụ điển hình”, đồng chí Sùng A Vàng cho biết.

Còn theo Đội trưởng Đội Pháp chế Nguyễn Tiến Khanh thì, không riêng gì ở Hang Kia - Pà Cò mà tình hình xâm hại rừng diễn ra ở hầu khắp các xã có diện tích rừng của Khu BTTN. Trong khi đó, về phía Khu BTTN lực lượng thì mỏng. Hiện tại, cả BQL chỉ có 11 cán bộ. Trong đó, có 6 người trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, người ta xâm hại, chặt phá rừng bằng phương tiện, máy móc hiện đại.

Nếu như ngày xưa người ta chỉ chặt phá bằng dao, rìu thì bây giờ, người ta chủ yếu sử dụng cưa máy nên việc quản lý, bảo vệ rừng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Với các loại cưa xăng phổ biến như hiện nay, việc xâm hại, chặt phá diễn ra rất nhanh. Chỉ dăm bảy phút là người ta có thể chặt hạ được một cây to bằng cả ôm người lớn. Khi mình phát hiện thì cây đã bị chặt hạ.

Như trong tháng 2 vừa qua BQL đã phát hiện 3 vụ chặt phá rừng nghiêm trọng. Điển hình, vào ngày 7-2, khi kiểm tra tại khu vực rừng thuộc xóm Chà Đáy xã Pà Cò đã phát hiện 14 cây gỗ với tổng khối lượng đo được là 8,639m3 bị chặt hạ; ngày 11-2, phát hiện vụ chặt hạ 3 cây thông Pà Cò với tổng khối lượng 1,291m3. Tiếp đó, ngày 12-2 phát hiện 44 cây gỗ bị chặt hạ tại khu vực xã Hang Kia với tổng khối lượng 5,289m3 trên diện tích rừng bị phá là 1.660m2...

Xuất phát từ thực tế đó, “chúng tôi xác định để giữ được rừng thì cần phải dựa vào dân. Coi người dân trở thành tai mắt, cánh tay nối dài; đưa họ trở thành những người giữ rừng. Đã có nhiều người như ông Khà A Lứ, Sùng A Lơ, Sùng A Vơ, Vàng Thị Mại... từ chỗ chỉ biết gắn cuộc sống của mình với rừng đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Như ông Khà A Lứ và bà Vàng Thị Mại đã nhận giữ hàng trăm ha rừng. Trong đó, diện tích rừng mà gia đình ông Khà A Lứ nhận bảo vệ có 11 cây thông Pà Cò cùng nhiều loại cây quý. Với cách làm đó, diện tích rừng được giao cho người dân quản lý, bảo vệ đều được quản lý, giữ gìn tốt, không có vụ xâm hại nào xảy ra”, đồng chí Bùi Văn Đoàn nhấn mạnh.

Từ thành công đó, hiện nay BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đang triển khai việc giao rừng cho người dân cùng với cán bộ của BQL để quản lý, bảo vệ. “Điều này là rất tốt nhưng chúng tôi vẫn chưa biết phải làm sao vừa phải giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gắn với quản lý, bảo vệ rừng. Khi cuộc sống người dân ổn định, không phụ thuộc vào rừng thì khi đó, mình mới yên tâm, không lo rừng bị xâm hại”, anh Sùng A Vàng, Phó BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò băn khoăn... 

Ngô Thủy
.
.