Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Tia Sáng:

Khoảng tối sau tấm áo “nhân đạo”

Thứ Tư, 19/08/2009, 20:45
Ngày 24/6/2009, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an quận Tân Phú, TP HCM, phối hợp cùng Đội quản lý thị trường quận Tân Phú, đã phát hiện trong hai kho hàng của Công ty TNHH Tài Lan Anh, có rất nhiều những bộ quân phục chỉ dành cho lực lượng công an, bộ đội, cùng các thiết bị chuyên dùng như máy phá sóng điện thoại, mũ kêpi, áo giáp chống đạn, dùi cui, khiên chắn, mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113...

Điều đáng nói là Giám đốc Công ty Tài Lan Anh - ông Tô Tuấn Anh lại cũng chính là người lập ra Trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Tia Sáng, đặt tại xã Đại Lào, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nơi những đứa trẻ đáng thương bị đối xử tàn tệ và thậm chí đã có thể bị biến thành hàng hóa...

8h ngày 2/8/2009, trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi đến Trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Tia Sáng (từ đây gọi tắt là TTS), nằm ở số 667B, Quốc lộ 20, xã Đại Lào, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Quang cảnh thật vắng lặng và xơ xác bởi lẽ cánh cổng sắt của trường đã khóa kín còn phía trên, là tấm bảng nhỏ có dòng chữ viết bằng sơn trắng: "Cho thuê mặt bằng, liên hệ chú Tuấn, điện thoại xxx".

Hỏi thăm người dân xung quanh, họ cho biết: "Nghe nói ngày 28/7, UBND thị xã Bảo Lộc ra quyết định giải thể trường. Sau đó, ông Tô Tuấn Anh sai người đem các cháu đi đâu không biết. Tới chiều ngày 31/7, tự nhiên lại thấy có xe đưa các cháu về rồi ngay tối hôm ấy, Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Lâm Đồng và Phòng LĐ-TB&XH thị xã Bảo Lộc chuyển hết các cháu lên Đà Lạt".

Sát cạnh truờng, là Công ty Thanh Nga, cũng do ông Tô Tuấn Anh thành lập, được biết như  đơn vị bảo trợ cho TTS, nay cũng treo bảng... cho thuê mặt bằng. Và mặc dù không vào được khuôn viên trường, nhưng qua quan sát và qua lời kể của người dân quanh đó, chúng tôi không khỏi nghi ngờ một "ngôi trường" mà cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, lại có thể làm tốt chức năng nuôi - dạy trẻ em - nhất là các em khuyết tật.

Thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 21/3/2002 theo Quyết định số 136 của UBND thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, TTS do ông Tô Tuấn Anh đứng tên sáng lập, nhưng ủy quyền cho hai ông Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Mạnh quản lý,  mà mục đích nghe qua thì rất nhân đạo: Cứu giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật - hậu quả của chất độc da cam, trẻ lang thang, cơ nhỡ.

Vào thời điểm đông nhất, TTS có  trên 30 em nhưng từ khi hoạt động đến ngày 18/5/2009 - là ngày mà UBND thị xã Bảo Lộc ra quyết định tạm thời giải thể TTS vì không đảm bảo các điều kiện quy định về thành lập và hoạt động của một cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, thì TTS chưa bao giờ báo cáo cho các ngành chức năng về nhân sự, giáo dục, nuôi dưỡng, dạy nghề, về tình hình thu, chi tài chính... Thậm chí, TTS còn tự ý tiếp nhận hoặc chuyển trẻ em ra khỏi trường mà không lập hồ sơ, cũng như không có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng - ông Ngô Hữu Hay, nói: "Theo nguyên tắc, các cơ sở bảo trợ xã hội phải đáp ứng được 3 tiêu chí. Đó là nhà cửa phòng ốc phải đảm bảo cho việc nuôi dưỡng trẻ em, người già, người khuyết tật, phải có cán bộ chuyên trách về y tế, giáo dục và phải báo cáo chế độ tài chính, thu chi đúng quy định nhưng cả ba tiêu chí này, TTS đều không có".

Một chuyện nữa cũng cần nêu lên: Ấy là đơn vị "đỡ đầu" cho TTS, là Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Anh Nga - mà sau này trở thành Công ty Sản xuất thương mại Thanh Nga. Phó phòng LĐ-TB&XH thị xã Bảo Lộc - là ông Dung, cho biết: "Thoạt đầu, ông Tô Tuấn Anh lập Công ty Anh Nga. Năm 2007, Anh Nga giải thể rồi thay vào đó là Công ty Thanh Nga do ông Trần Văn Hữu làm giám đốc và đồng thời cũng là quản lý TTS. Nhưng quản lý bằng lệnh miệng của ông Tô Tuấn Anh thôi chứ có giấy tờ quyết định gì đâu".

Trong thời gian điều hành Công ty Thanh Nga, ông Tô Tuấn Anh đã làm thủ tục, xin thành lập TTS. Sau khi Anh Nga giải thể, Thanh Nga lại tiếp tục "đỡ đầu" cho TTS. Tất cả những cơ quan chức năng ở thị xã Bảo Lộc mà chúng tôi đã tiếp xúc, đều khẳng định:  Mặc dù trên danh nghĩa, TTS do ông Trần Văn Hữu quản lý nhưng mọi quyết định, đều thuộc quyền ông Tô Tuấn Anh.

Cũng cần nói thêm vài nét về ông Tô Tuấn Anh: "Đó là một con người lập dị". Mỗi khi từ TP HCM về Bảo Lộc để "chỉ đạo" hoạt động của TTS, ông Tô Tuấn Anh đều xuất hiện trong bộ quần áo bộ đội, đầu đội mũ bộ đội bằng vải mềm, có gắn phù hiệu Quân đội nhân dân, và thường nói chuyện bằng... tiếng Anh! Đặc biệt hơn nữa, ông đeo rất nhiều vàng - toàn là vàng 24K.

Bà Trương Thị Bích Hoa, phụ trách bộ phận kiểm tra giám sát các cơ sở bảo trợ xã hội, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, kể: "Tôi đã từng tiếp xúc với ông Tô Tuấn Anh cả chục lần và lần nào cũng thấy cổ ổng đeo dây chuyền vàng, tay đeo lắc vàng còn 10 ngón tay thì có đến... 6, 7 ngón đeo nhẫn vàng".

Sự lập dị ấy còn thể hiện trên tờ danh thiếp của ông ta: Đó là một tấm nhựa cứng giống y hệt thẻ tín dụng, in hình ông Tô Tuấn Anh, Tổng giám đốc, cử nhân kinh doanh - Công ty cổ phần Anh Nga ở thị xã Bảo Lộc, và Công ty cổ phần Tân Toàn Quốc ở đường Vườn Lài, quận Tân Bình, TP HCM. Cũng trong tấm danh thiếp này, chức năng hoạt động của hai công ty vừa nêu, ngoài việc sản xuất, cung cấp quân trang, quân dụng, như áo chống đâm, chống đạn, dù, lều bạt cấp tiểu đội, trung đội,  thì còn có "nuôi dạy các cháu mồ côi".

Trong suốt 7 năm hoạt động, TTS đã nhận được rất nhiều những đóng góp của các cá nhân, đơn vị hảo tâm. Có nơi cho tiền, có nơi cho phẩm vật mà cụ thể là gạo, dầu ăn, đường, sữa, quần áo..., đặc biệt có chùa như chùa Huyền Trang ở thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP HCM, thường xuyên cho gạo nhưng không phải tất cả đều được sử dụng vào việc nuôi nấng các cháu khuyết tật, mồ côi.

Chị Bùi Thị Thanh, làm công việc bảo mẫu ở trường, cho biết: "Trước khi các cơ quan ở Bảo Lộc tiến hành thanh tra (21/5/2009), TTS có 31 em nhưng mỗi ngày chỉ được cấp 60 nghìn đồng tiền đi chợ...". Vị chi mỗi em ở trường được gần... 2 nghìn đồng/ngày!

Xác minh thông tin này với bà Trương Thị Bích Hoa, cán bộ phụ trách kiểm tra giám sát các cơ sở bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, bà Hoa nói: "Những lần Sở kiểm tra mà có thông báo trước, thì các cháu được cho ăn khá hơn. Còn xuống kiểm tra đột xuất, tôi thấy thức ăn chỉ toàn củ su su nấu canh" trong lúc su su là loại rau củ rẻ nhất ở Bảo Lộc, nhiều hộ mua về cho heo!

Một số người dân sống cạnh TTS cho biết thêm: Tháng 8/2008, một ông Hàn Quốc khi đến thăm TTS, và khi nhìn thấy những thiếu thốn, đã cho trường mượn 4 chiếc giường mátxa để phục vụ trong việc vật lý trị liệu cho các em khuyết tật. Được vài hôm, ông Tô Tuấn Anh đưa cả 4 chiếc giường về nhà riêng của ông, nằm cách đó khoảng 1km rồi treo bảng... cho thuê với giá từ 20 nghìn đến 30 nghìn/giờ. Được khoảng 3 tháng, khi nhà hảo tâm Hàn Quốc bất ngờ quay lại thăm trường và phát hiện ra nên đòi lại.

Đã vậy, tuy mang tiếng là "trường", nhưng trẻ em ở TTS mỗi khi đau ốm, ghẻ lở, thì chỉ được chữa theo... kinh nghiệm của các cô bảo mẫu bởi lẽ "trường" không hề có cán bộ y tế, còn xin đi trạm xá, bệnh viện thì không phải trường hợp nào cũng được phép.

Bà Trương Thị Bích Hoa, cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, nói tiếp: "Trước đây, có một cô tên Hoàng Kim Phượng, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, đã tình nguyện về làm việc cho "trường", nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã phải bỏ việc vì không chịu nổi cách điều hành của những người quản lý TTS". --PageBreak--

Tiếp xúc với một cán bộ thuộc Phòng Giáo dục thị xã Bảo Lộc, chúng tôi được biết thêm, ông quản lý Trần Văn Hữu được coi như "hiệu trưởng" của TTS, nhưng ông "hiệu trưởng" ấy  không có hồ sơ ở Phòng, và cũng chưa bao giờ được Phòng chuẩn y bổ nhiệm!

Không chỉ nhập nhèm trong việc tiếp nhận và xử lý cơ sở vật chất do các nhà hảo tâm trao tặng, TTS còn có những bất minh về quản lý giấy tờ mà theo đơn tố cáo của một số cán bộ, công nhân viên, thì TTS đã "bán" giấy giới thiệu cho những ai muốn sử dụng danh nghĩa của "trường" để làm ăn: Sáng ngày 8/7/2009, trước cổng Trường đại học Kiến trúc TP HCM, nơi phụ huynh đang tập trung rất đông để đưa đón con em mình đi thi đại học, bỗng xuất hiện một nhóm 5 người, tất cả đều là nữ giới. Gặp gỡ từng phụ huynh, họ đưa ra những gói tăm nhỏ, bao bì có in hàng chữ "Tăm tre nhân đạo - Trường mồ côi, khuyết tật Tia Sáng", mời mua.

Ông Phan Ngọc Thanh, nhà ở khu phố 2, quận Bình Tân, TP HCM, kể: "Lúc gặp tôi, một cô trong nhóm đưa cho tôi một gói tăm khoảng 20 cây, nói là tặng, kèm theo đó là một tờ danh sách, ghi rõ họ tên những nhà hảo tâm ở nhiều địa phương đã từng đóng góp cho trường, rồi xin tôi... ủng hộ".

Ngẫm nghĩ rằng con mình đi thi, lại thêm đây là cơ sở nhân đạo nên làm phước, làm đức để mong may mắn đến với con mình, ông Thanh đã không ngần ngại móc túi ra, tặng 100 nghìn đồng rồi được ghi họ, tên, địa chỉ vào bảng danh sách các nhà hảo tâm một cách rất... cẩn thận.

Vẫn theo ông Thanh, thì chỉ trong ít phút, ông thấy có mấy người khác cũng ủng hộ, và số tiền thu được có lẽ không dưới 500 nghìn. Tuy nhiên, nhận thấy hành vi của nhóm người này có những điểm bất thường, nên một phụ huynh đã điện thoại, báo cho Lực lượng Công an.

Khoảng nửa tiếng sau, khi 5 cô "bán tăm nhân đạo" đang ngồi uống nước ở một quán nằm đối diện với Trường Múa TP HCM, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thì được mời về Công an phường. Tại đây, 5 cô ấy là Phạm Thị Nhung, 19 tuổi; Đinh Thị Yến, 16 tuổi; Dương Thị Hiền, 18 tuổi; Dương Thị Bình, 17 tuổi - tất cả cư ngụ tại Hà Nội và Vũ Thị Thùy, 18 tuổi, ở Đắk Lắk, cùng 250 gói tăm, một số danh sách "những nhà hảo tâm đã ủng hộ tiền".

Theo lời khai của các cô, công việc mà các cô đang làm được một thanh niên tên Thắng, quản lý. Hàng ngày, từ chỗ ở trọ thuộc quận Tân Bình, Thắng đưa các cô đến những địa điểm  khác nhau để bán tăm, xin tiền ủng hộ. Cứ hễ kiếm được 100 nghìn đồng, các cô sẽ được Thắng chi lại cho 30 nghìn đồng.

Thông tin nêu trên được báo về cho các cơ quan chức năng ở Bảo Lộc nhưng  người quản lý TTS là ông Trần Văn Hữu, xác nhận rằng TTS không sản xuất tăm tre và cũng không chủ trương cho người đi bán tăm để xin tiền ủng hộ.

Tuy nhiên, một số nhân viên của TTS khẳng định, rằng việc "bán" giấy giới thiệu của "trường" cho người khác để sử dụng vào việc "bán hàng ủng hộ từ thiện" dưới danh nghĩa "cộng tác viên" là có thật. Mỗi giấy giới thiệu có ký tên, đóng dấu, giá 300 nghìn đồng.

Cán bộ y tế Trung tâm BTXH Tỉnh Lâm Đồng bôi thuốc chữa ghẻ cho một cháu ở TTS.

Tiếp xúc với chúng tôi, Phó phòng LĐ-TB&XH  thị xã Bảo Lộc - là ông Dung, cho biết: "Việc TTS có bán giấy giới thiệu hay không thì Phòng  chưa nắm được bằng chứng cụ thể. Nhưng trước đây, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đã điện thoại hỏi về việc này vì họ phát hiện ra một nhóm người sử dụng giấy giới thiệu của TTS để quyên tiền. Lúc mời TTS lên để làm rõ, thì họ nói không có chuyện cấp giấy".

Ông Dương Đình Hay, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: "Chị Mai Hoa ở Sở LĐ-TB&XH TP HCM cũng đã từng có lần gọi cho tôi, hỏi về giấy giới thiệu của TTS khi có một nhóm người sử dụng giấy này để xin ủng hộ".

Công bằng mà nói, khi TTS vừa ra đời, đã được sự ủng hộ của các ngành chức năng ở thị xã Bảo Lộc nói riêng, và tỉnh Lâm Đồng nói chung vì nó góp phần nuôi dưỡng, chăm sóc cho những mảnh đời bất hạnh.

Ông Dung, Phó phòng LĐ-TB&XH thị xã Bảo Lộc, cho biết: "Khi ấy, nhiều gia đình vì nghèo quá, đã gửi con vào TTS để xin nuôi. Thậm chí có những đứa bé vô thừa nhận, được những người tốt bụng đưa đến, TTS cũng cho vào luôn". Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau - mà cụ thể là cuối năm 2002, khi tiến hành kiểm tra, Phòng LĐ-TB&XH thị xã Bảo Lộc, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng đã nhận thấy có những dấu hiệu bất bình thường.

Ông Dung cho biết tiếp: "Ngay cả việc những nhà hảo tâm  đến tặng quà thì theo nguyên tắc, TTS phải báo cáo về Phòng để Phòng nắm được số lượng cũng như cách thức sử dụng những món quà ấy. Nhưng từ khi đi vào hoạt động đến ngày bị giải thể, TTS không hề có một chữ nào. Kể cả báo cáo miệng cũng chẳng có".

Vì thế, vẫn theo lời ông Dung: "Dù không xảy ra vụ quân trang quân dụng có liên quan trực tiếp đến ông Tô Tuấn Anh ở TP HCM, các ngành chức năng ở Bảo Lộc  cũng quyết định phải giải thể TTS vì nếu không, cuộc sống của 31 cháu ở TTS sẽ còn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi..." mặc dù sau 7 năm, mới quyết định giải thể TTS là đã muộn.

(Còn nữa)

Cao – Duyên
.
.