Khơi dậy niềm tin cho người lầm lỗi
Sự động viên, khuyến khích, quan tâm của người thân và gia đình chính là động lực để các phạm nhân vượt qua mặc cảm, yên tâm tiếp tục lao động, cải tạo tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Một buổi đoàn tụ đặc biệt trong Trại giam Thủ Đức đã lưu lại nhiều ý nghĩa.
Thân tình như một gia đình
Hội nghị Gia đình phạm nhân năm 2019 của Trại giam Thủ Đức (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tổ chức mới đây đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người tham dự.
Các phạm nhân cải tạo tốt đã được gặp gỡ người thân, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc, niềm vui về kết quả của quá trình học tập, lao động của mình ở nơi đây, những lời động viên phạm nhân cố gắng lao động, cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội, làm người lương thiện.
Đại tá Lê Bá Thụy tặng hoa cho thân nhân, phạm nhân và khách mời tại buổi giao lưu. |
Đặc biệt, phần giao lưu, tọa đàm về sự phối hợp giáo dục phạm nhân giữa gia đình, cộng đồng với Trại giam Thủ Đức diễn ra sôi nổi và đầy ý nghĩa với những câu chuyện đậm chất nhân văn. Thân nhân, gia đình và các phạm nhân cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội đã có sự chia sẻ, gửi gắm những câu chuyện, tình cảm xúc động, nhằm động viên, tạo động lực cho phạm nhân yên tâm cải tạo.
Phạm nhân Bùi Văn Sơn (ngụ Bình Dương) có 3 tiền án và hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” với án tù 20 năm. Sơn cho biết trong thời gian chấp hành án phạt tại trại giam, anh nhận tin vợ có thai. Niềm vui lớn và ý thức được vị trí, vai trò của người làm cha, làm chồng đã giúp anh có thêm động lực lớn để cố gắng tiếp tục cải tạo tốt, mong tiếp tục được giảm án, sớm trở về với gia đình, vợ con.
Nghe tâm sự của con trai, bà Viên Thị Nga, mẹ anh Sơn, chia sẻ rằng giờ đây mỗi lần tới trại bà chỉ cười chứ không còn khóc như vài lần đầu nữa. Bà Nga cho biết từ thành phố Vinh, gia đình bà quyết định chuyển vào Bình Dương để mong con trai mình tránh xa những thói hư tật xấu từ nhỏ ở quê.
“Từ năm 8 tuổi, Sơn đã có biểu hiện hư hỏng. Sợ mất con, tôi đã chọn một tỉnh xa ở phía Nam là Bình Dương để cả gia đình chuyển vào. Nhưng khi vào đây, con tôi vẫn thế, gần như là đứa bỏ đi với đủ thứ chơi bời quậy phá. Dù nhiều lần khuyên nhủ, động viên, tôi tưởng như đã mất đứa con trai khi Sơn liên tục “dính chàm”.
Thư viện của Phân trại 2, Trại giam Thủ Đức. |
Một lần phạm tội nhận án 2 năm tù, rồi sau đó là án 1 năm tù, tiếp đến nặng nhất là cái án 20 năm tù giam. Tôi gần như không còn tin là con tôi có thể quay lại làm người tốt. Vậy nhưng từ khi vào Trại giam Thủ Đức, được các cán bộ, chiến sĩ ở đây giáo dục, chỉ bảo, con tôi đã thay đổi rất nhiều, bỏ thuốc lá, thay đổi tính cách theo chiều hướng tích cực. Tôi không biết có lời nào để cảm ơn Trại giam Thủ Đức. Tôi đã hiểu vì sao đơn vị này 2 lần đạt được danh hiệu Anh hùng”, bà Nga xúc động nói.
Qua câu chuyện của con trai, bà Nga cũng gửi lời nhắn nhủ với tất cả các phạm nhân khác rằng hãy cố gắng lao động, cải tạo, chấp hành nội quy của trại, để sớm có cơ hội được giảm án, tha tù, về làm công dân lương thiện.
Một thân nhân khác có con đang lao động, cải tạo tại Trại giam Thủ Đức là anh Phạm Anh Lâm (quê Phan Thiết, Bình Thuận). Anh Lâm vui vẻ cho biết khi đến đây, nếu không nói chắc không ai biết đây là trại giam bởi nó giống như một khu du lịch sinh thái. Con trai anh Lâm là Phạm Hoàng Long rơi vào vòng lao lý cách đây mấy năm (bị bắt tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vì tội “Cố ý gây thương tích” với mức án 7 năm tù giam.
Sau đó, con trai anh lần lượt trải qua khá nhiều trại giam khác nhau như Chí Hòa, Bố Lá..., sau đó mới chuyển về Trại giam Thủ Đức. “Khi con tôi được chuyển tới đây, tôi đã vào thăm con nhiều lần và thấy trại có không gian mở, nhiều cây xanh. Ở khu giam giữ, nơi lao động cải tạo, rồi đến thư viện, tôi thấy đều rất ổn, tất cả đã giúp phạm nhân yên tâm cải tạo”, anh Lâm cho biết.
Nhắn nhủ thêm với các thân nhân khác, anh Lâm gửi gắm mong muốn: “Với các thân nhân, trong trại giam có thể vật chất không quá quan trọng nhưng thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình, cha mẹ, vợ con. Vì vậy, các gia đình cần có sự thăm hỏi, quan tâm hơn nữa đến con em mình trong trại để họ nhận được sự yêu thương, là động lực để tiếp tục cải tạo tốt”.
Trên đây chỉ là hai câu chuyện điển hình tại buổi “đoàn tụ” đặc biệt này. Đến dự hội nghị có gần 100 đại biểu đại diện cho thân nhân gia đình phạm nhân; một số người đã chấp hành xong án tù có việc làm và cuộc sống ổn định cũng có mặt cùng hơn 300 phạm nhân tiêu biểu, có nhiều cố gắng trong quá trình thụ án, đại diện cho hàng ngàn phạm nhân của trại được chọn tham dự hội nghị cùng người thân, gia đình.
Tặng quà các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ cải tạo tiến bộ. |
Đường về rộng mở
Để những người lầm lỡ có thể trở về với cuộc sống lương thiện, cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, cộng đồng, trong đó, gia đình phạm nhân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Sự động viên, khích lệ, quan tâm của người thân chính là động lực để các phạm nhân vượt qua mặc cảm, yên tâm tiếp tục cải tạo tốt để trở thành người có ích cho xã hội.
Theo Đại tá Lê Bá Thụy, Giám thị Trại giam Thủ Đức, Hội nghị Gia đình phạm nhân là hoạt động nhằm xây dựng mối quan hệ phối hợp có hiệu quả, phát huy vai trò trách nhiệm của thân nhân, gia đình, các tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương cùng với trại giam để quản lý, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Thông qua đó để các thân nhân có điều kiện được thăm nơi ăn ở, học tập, lao động của con em mình trong thời gian chấp hành án.
Đồng thời cũng là dịp để cán bộ chiến sĩ trao đổi tình hình chấp hành án của các phạm nhân qua đó mọi người hiểu thêm về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, cùng với trại giúp cho những người bị vấp ngã hướng về tương lai tươi sáng ở phía trước.
Nhiều năm qua, Trại giam Thủ Đức luôn làm tốt các hoạt động này, trại luôn coi trọng công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội. Đảng ủy, Ban Giám thị và cán bộ chiến sĩ luôn luôn đoàn kết nhất trí, lấy bao dung, độ lượng với tình thương trách nhiệm để giúp nhiều phạm nhân gột bỏ lỗi lầm, ăn năn hối cải, thi đua cải tạo trở thành người có ích, trả về cho xã hội những công dân lương thiện. Các phong trào thi đua, hoạt động từ thiện, gây Quỹ Tấm lòng vàng trong phạm nhân luôn thực hiện hiệu quả.
Phần giao lưu, chia sẻ diễn ra sôi nổi và đầy ý nghĩa với những câu chuyện đậm chất nhân văn. |
Đặc biệt, Trại giam Thủ Đức đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội tại địa phương và gia đình phạm nhân quản lý, giáo dục, tư vấn, thực hiện chính sách pháp luật đối với phạm nhân ngày càng đạt chất lượng, hỗ trợ, động viên các phạm nhân yên tâm cải tạo tiến bộ.
Cùng với các phạm nhân, nhiều đại biểu và gia đình phạm nhân đã bày tỏ cảm nhận và sự biết ơn đối với các cán bộ chiến sĩ của Trại giam Thủ Đức đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để con em họ được rèn luyện, phấn đấu hoàn lương, sớm trở về với gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, những chia sẻ về kinh nghiệm, nghị lực phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng của một số người làm ăn, kinh doanh thành công từng là phạm nhân của trại đã thu hút sự chú ý của các phạm nhân và thân nhân.
Những chia sẻ đầy tâm huyết sẽ tiếp thêm động lực cho các phạm nhân cố gắng cải tạo, rèn luyện, phấn đấu sớm được trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng thành công. Một số doanh nghiệp đến dự hội nghị (như Công ty Cổ phần May Phương Đông ở Gò Vấp) đã ngỏ ý muốn hỗ trợ về việc làm cho các phạm nhân sau khi chấp hành án phạt tù. Đây là hành động có ý nghĩa to lớn giúp phạm nhân hết án tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Buổi gặp gỡ và chia sẻ của phạm nhân và thân nhân thêm phần thú vị khi nhà văn Trần Trà My, tác giả cuốn sách “Tin vào điều tử tế” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) cũng có nhiều chia sẻ cảm động với các phạm nhân và thân nhân về nội dung đặc sắc của cuốn sách và nhất là những câu chuyện, những số phận được chị ghi nhận và viết lên như những “điều tử tế”. Đáng nói, nhà văn này là một người khuyết tật có nhiều tác phẩm văn học được bạn đọc yêu thích.
Theo nhà văn Trần Trà My, qua nội dung cuốn sách, hy vọng sẽ mang đến cho người đọc nhiều câu chuyện với những thông điệp ý nghĩa như lời chị tâm sự: “Trong cuộc sống, với những thông tin tiêu cực đầy rẫy trên các trang báo, mạng xã hội, khiến không ít người khủng hoảng niềm tin, nhất là thế hệ trẻ. Thông qua cuốn sách nhỏ này, tôi hy vọng có thể khơi dậy niềm tin ở mọi người. Hãy tin rằng, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người tốt, nhiều người tử tế; chính vì vậy, các bạn hãy cố gắng sống tích cực vì bản thân, vì gia đình và xã hội”.
Nữ nhà văn này cũng gửi lời chia sẻ, mong muốn các phạm nhân nữ hãy cố gắng, yên tâm lao động, cải tạo, chấp hành nghiêm túc nội quy của trại để có cơ hội được giảm án, tha tù, làm người có ích. Trong buổi giao lưu, nhà văn Trần Trà My đã tặng 100 cuốn sách “Tin vào điều tử tế” cho phạm nhân và cán bộ Trại giam Thủ Đức.
Tại hội nghị, nhiều phạm nhân có thành tích lao động cải tạo tốt đã được cá nhân, tổ chức đoàn thể tặng quà. Đồng thời, để có thêm nguồn kinh phí giúp đỡ các phạm nhân thuộc diện ốm đau thường xuyên đang điều trị tại bệnh xá, bệnh viện; phạm nhân không được thăm nuôi, không được nhận tiền, quà của thân nhân và số các cháu nhỏ theo mẹ vào trại, giúp đỡ họ khắc phục một phần khó khăn trong đời sống, sinh hoạt để an tâm tư tưởng chấp hành án, Trại giam Thủ Đức đã phát động quyên góp ủng hộ cho Quỹ Tấm lòng vàng và đã được ủng hộ nhiệt tình của nhiều gia đình phạm nhân và các doanh nghiệp...
Để giúp phạm nhân yên tâm cải tạo tốt hơn, Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức thường xuyên gặp gỡ, động viên phạm nhân, đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của các phạm nhân cũng như những vướng mắc trong quá trình thi hành án. Đặc biệt, khen ngợi, biểu dương những tấm gương điển hình người tốt việc tốt, những phạm nhân tích cực trong quá trình cải tạo được giảm án để các phạm nhân khác có thêm động lực tiếp tục cải tạo. Trong 9 tháng năm 2019, trại đã khen thưởng hơn 500 phạm nhân với số tiền gần 55 triệu đồng, 88 tập thể đội phạm nhân và biểu dương gần 2.400 phạm nhân có thành tích xuất sắc trong lao động cải tạo. |