Khốn khổ vì làm đẹp

Thứ Tư, 28/08/2019, 20:05
Mỡ nhân tạo hay là một dạng silicon lỏng nhập lậu, đã bị cấm sử dụng nhưng lại đang thịnh hành trong phong trào làm đẹp ở Việt Nam. Đã có những cái chết vì bơm silicon rởm chỉ vì muốn nâng cấp “vòng 2”, “vòng 3” hoặc làm lớn “của quý”.

Gần đây, liên tiếp các ca tiêm silicon nâng mông, tiêm chất làm đầy nâng ngực, tạo má baby được gọi là “thông cơ” gây biến chứng hãi hùng, không còn hy vọng phục hồi, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.

Làm đẹp bằng silicon - lợi ít, hại nhiều

Ở tuổi 45, “vòng 3” của chị N.N.H. xẹp lép. Muốn có cặp mông căng tròn, chị đã đến một cơ sở thẩm mỹ tư nhân tiêm dung dịch lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác. Khi tiêm, chị cũng không biết chất trong chai là gì. Sau khi bơm dung dịch vào vùng mông 1 ngày, chị H thấy có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét. Chị vội tới Bệnh viện 108 để điều trị.

Đại tá, PGS. TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện 108 cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân N.N.H. thì “vòng 3” của chị đã bị hoại tử rất nặng. Dung dịch đựng trong chai thủy tinh tiêm cho chị H. khả năng là silicon lỏng. Nhìn hình ảnh lở loét toàn bộ vùng mông, những lỗ thủng chảy mủ dầm dề do hoại tử, chúng tôi không khỏi hãi hùng về cách làm đẹp “thảm họa” này.

Các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình đã chẩn đoán chị H. bị hoại tử diện rộng da, mô mỡ vùng tiêm, viêm lan tỏa bẹn đùi. Bệnh nhân được mổ nạo vét khoảng 2.500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ. “Tuy nhiên, một điều chắc chắn là mông của bệnh nhân sẽ bị biến dạng” - BS Lâm nhấn mạnh. Theo ông, nếu sử dụng silicon, chất làm đầy “rởm” để làm đẹp, có thể chị em phải chịu biến chứng, hoại tử vô cùng nặng nề.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức đang giải cứu “vòng 2” cho nữ bệnh nhân sau khi tiêm mỡ nhân tạo nâng ngực.

Cách đây hơn 1 tháng, Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ của Bệnh viện Việt - Đức cũng giải cứu “vòng 2” cho một phụ nữ 33 tuổi ở Hà Nội bị biến chứng sau khi bơm silicon dạng mỡ nhân tạo trôi nổi nâng ngực. Do mặc cảm “vòng 1” nhỏ sau 2 lần sinh nở, chị này đã giấu chồng đi bơm ngực ở một cơ sở thẩm mỹ tư nhân. 2 tuần sau ngày bơm mỡ nhân tạo, ngực của chị sưng, đau nhức cả hai bên, ngực phải bị rò chảy dịch.

Lo lắng, chị lại đến một cơ sở thẩm mỹ khác ở Hà Nội và được bác sĩ tại đây đục lỗ đặt ống hút dịch. Tưởng hút sẽ hết, nào ngờ vài ngày sau, cả hai bên ngực đều chảy dịch ồ ạt, sưng tấy, nhiễm trùng nặng nề. Chị được gia đình đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu.

“Bệnh nhân này sau nâng ngực 2 tháng mới tới viện. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện 2 bên ngực bệnh nhân nham nhở, đưa máy siêu âm và cộng hưởng từ vào chụp thấy các hang hốc có vài chục khối viêm, nhiễm trùng, nhiều ổ dịch chảy mủ lan tỏa hết ngực, nguy cơ nhiễm trùng máu, sốc tử vong rất cao” - TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt - Đức cho biết.

Ca phẫu thuật tiến hành trong 4 giờ đồng hồ nhưng vẫn không lấy hết được silicon trong ngực bệnh nhân. Do vậy nữ bệnh nhân này phải điều trị thêm 3 tuần mới ổn định hơn nhưng bộ ngực vẫn còn méo mó, để phục hồi được như trước là rất khó khăn. Vì bên trong vẫn còn chất làm đầy nên bệnh nhân còn phải theo dõi một thời gian dài.

Tiêm silicon lỏng để nâng cấp “vòng 2, vòng 3” rộ lên từ nhiều năm trước và trở thành trào lưu làm đẹp. Năm 2013, một thanh niên 21 tuổi ở Tiền Giang chỉ vì bị chê “mông lép” đã tự mua 500cc silicon lỏng về nhờ bạn bơm trực tiếp vào mông. 2 ngày sau, hai mông anh này sưng lên kèm đau nhức và khó thở.

Người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu thì đã muộn. Các bác sĩ lấy ra nhiều cục lổn nhổn ở mông bệnh nhân nhưng do lượng silicon đã ngấm vào các mô mỡ và mạch máu gây ra tắc phổi kèm suy hô hấp nặng, nam thanh niên đã tử vong sau đó.

Theo các bác sĩ, cả trăm ca tiêm silicon lỏng trôi nổi để nâng ngực, nâng mông thì gần như 100% đều gặp biến chứng. Tuy đã có rất nhiều bài học nhãn tiền nhưng tiếp tục vẫn có người lao vào vết xe đổ, để rồi phải hối hận trong muộn màng. Đặc biệt, một số quý ông còn có sở thích quái đản, đó là tiêm silicon vào “của quý” để tăng kích cỡ.

Cái chết mới nhất của nam thanh niên 28 tuổi (người Mỹ) do biến chứng từ tiêm silicon vào “của quý” là bài học đắt giá. Sau tiêm silicon, kích cỡ “cậu nhỏ” của thanh niên này tăng “siêu khủng” nhưng một thời gian sau nó sưng bất thường, biến dạng và dẫn đến việc tích tụ dịch cũng như chảy máu trong và dẫn tới tử vong.

Tại Việt Nam, tiêm silicon vào “của quý” diễn ra khá nhiều vài năm trước. Có thời điểm Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu gần 30 ca bị biến chứng vì tiêm silicon vào “cậu nhỏ”. Thế nhưng, đến giờ vẫn có nạn nhân vì muốn tăng kích cỡ để tìm cảm giác trong quan hệ tình dục đã tiêm chất này vào “của quý”.

Điển hình là gần đây, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phẫu thuật lấy silicon dạng lỏng ra khỏi dương vật của bệnh nhân 57 tuổi. Theo bệnh nhân thì cách đây gần 1 năm, nghe bạn bè rỉ tai về phương thức làm tăng kích thước “cậu nhỏ”, nhiều người khẳng định bơm silicon là phương thức tốt nhất khiến bệnh nhân này làm theo. Ông này mua silicon trôi nổi trên thị trường về nhà tự bơm.

Thời gian đầu, kích thước có to lên nhưng gần đây dương vật bỗng xuất hiện nhiều khối sưng, đau đớn. Ngại ngùng, bệnh nhân cố nhịn đau nhưng cuối cùng không chịu được nữa mới tới bệnh viện. Các bác sĩ phẫu thuật lấy ra một lượng dung dịch silicon lỏng lớn đã dính chặt vào mô xốp xung quanh thể hang và thể xốp dương vật của bệnh nhân. 

Tiêm “thông cơ” tạo má baby - những điều nhìn thấy

Một năm nay, trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo về một kỹ thuật thông cơ có thể làm đầy thái dương, tạo má baby, thậm chí làm tăng thể tích của ngực mà không cần tiêm filler hay chất làm đầy nào khiến chị em “sốt xình xịch”. Theo quảng cáo, người dùng sẽ được châm cứu, đả thông các cơ tại chỗ, sau đó tiêm một lượng nước muối biển vào vùng cần làm đầy và đợi vùng đó tự phồng lên mà không lo biến chứng. Nhiều bạn trẻ muốn có khuôn mặt và bộ ngực đẹp đã tìm đến phương pháp này và hậu quả thật thảm hại.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y, giảng viên bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Đại học Y Hà Nội cho biết, BS vừa tiếp nhận 2 ca biến chứng do thông cơ tạo má baby và làm đầy ngực. Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân đến viện trong tình trạng mặt vón cục, lổn nhổn, áp xe do tiêm filler rởm không vô trùng, chảy nhiều chất nhờn mỡ qua da.

Phần mông bị hoại tử của bệnh nhân nữ 45 tuổi sau khi tiêm silicon.
Silicon vón thành cục lấy ra từ mông nam bệnh nhân.

Bệnh nhân cho biết chị thông cơ tạo má baby cách đây 1 năm, một thời gian sau xuất hiện biến chứng. Bệnh nhân đã đến một bệnh viện tuyến Trung ương để trích rạch nạo vét mủ nhưng vẫn chưa hết. Bệnh nhân lại tìm đến BS Dung để điều trị. Hiện trên má bệnh nhân xuất hiện những lỗ chảy mủ, áp xe, bác sĩ phải nặn, nạo mủ. Tình trạng của bệnh nhân khó khỏi, lúc nào mủ “xì” ra thì lại tới viện.

Trường hợp thứ hai là làm đầy ngực bằng thông cơ tại một cơ sở spa tư nhân. Nhân viên spa nói với bệnh nhân thông cơ bằng tiêm nước muối biển. Mũi tiêm hết 20 triệu, vài ngày sau, ngực bệnh nhân sưng đỏ, chị này tới spa “bắt đền”. Lúc này nhân viên mới thú nhận đã tiêm cả chai filler “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng) vào ngực chị. Đây là một thủ đoạn lừa bịp khách hàng nhưng đáng tiếc, nạn nhân này do ngần ngại nên không đứng ra tố cáo. Đây là bài học nhãn tiền cho chị em thích làm đẹp nhưng lại chủ quan, thiếu hiểu biết, để mặc cho nhân viên tiêm chất lạ vào người mà không kiểm tra.

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung, ở nhiều spa, nhân viên đi học tiêm vài ngày về là tiêm filler nâng mũi cho khách, dẫn tới một loạt trường hợp biến chứng mù mắt. Hay gặp biến chứng nữa là những trường hợp đến “làm mẫu” cho spa. “Nhiều người bị mê hoặc bởi quảng cáo hình ảnh trước và sau tiêm” - BS Dung nói.

 Các biến chứng do tiêm chất làm đầy được thực hiện bởi người “tiêm dạo” liên tục được cảnh báo như nhiễm trùng, biến dạng, tắc mạch, tử vong... nhưng vẫn có những người đồng ý sử dụng các chất không rõ nguồn gốc tiêm vào cơ thể mình với chi phí không hề rẻ.

GS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn từng tiếp nhận một ca tiêm chất làm đầy nâng cấp “vòng 3” khá hy hữu. Nữ bệnh nhân 33 tuổi, đã có 1 con, vì muốn có “vòng 3” như ý đã chấp nhận cho người từ TP Hồ Chí Minh bay ra tiêm chất làm đầy vào mông nhưng không cần biết người này tiêm chất gì, điều kiện thực hiện cuộc tiêm ra sao. Kết quả, ngoài áp xe hai mông không liền thương, kết quả xét nghiệm bệnh nhân còn dương tính với HIV.

Đừng để bi kịch “tiền mất, tật mang”

Theo một số nạn nhân, nhiều người khi làm đẹp, không hề biết mình được tiêm silicon mà cứ ngỡ là tiêm mỡ nhân tạo hoặc mỡ tự thân. Đây là “chiêu trò” của nhiều cơ sở thẩm mỹ, họ tư vấn cho khách hàng là bơm ngực bằng mỡ nhân tạo nhưng thực chất đó chỉ là một dạng silicon lỏng nhằm “né” cái tên silicon. Silicon được ví là thảm họa làm đẹp khi nó gây ra nhiều biến chứng như sốc, hoại tử, nhiễm trùng và nguy cơ gây ung thư.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy lưu hành trên thị trường được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Trong khi đó, một số thẩm mỹ viện có thể chạy theo lợi nhuận nên dùng chất làm đầy bị cấm. Trong đó, silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền được sử dụng nhiều nhất.

Theo BS Vũ Ngọc Lâm, năm 1995, Bộ Y tế đã ban hành cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể. Nhưng hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ sở làm đẹp “chui” sử dụng silicon công nghiệp - chất tuyệt đối không được sử dụng trên người thành chất làm đầy. Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây ra biến chứng tắc mạch. Khi bị tắc mạch, máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó, nguy hại nhất là có thể gây tử vong cho người sử dụng.

Còn theo BS Vũ Trung Trực, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình -Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt - Đức, ngoài việc tiêm chất làm đầy để làm đẹp còn có kỹ thuật tiêm mỡ tự thân. Mỡ tự thân qua quy trình xử lý thành mỡ tinh chất, sau đó bơm vào ngực. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật rất khó, phải qua một quy trình và phải thực hiện ở những bệnh viện chuyên khoa.

Bác sĩ Vũ Ngọc Lâm khuyến cáo: “Khi đi làm đẹp, chị em cần phải tỉnh táo, đừng bao giờ ham rẻ, tiêm chất làm đầy mà mình không biết là chất gì, không nghe theo lời rủ của bạn bè, người thân tới các cơ sở làm đẹp không có uy tín. Nếu muốn tiêm chất làm đầy để làm đẹp, nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Vì người tiêm chất làm đầy phải là các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ có đào tạo về chuyên môn, có chứng chỉ chuyên môn và cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề mới có thể thực hiện được”.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm làm đầy trôi nổi không có nguồn gốc xuất xứ. Vì thế, trước khi tiêm chất làm đầy được phép, người đi làm đẹp cần chú ý tới thành phần ghi trên vỏ thuốc. Cụ thể là thành phần HA (Acid Hyaluronic hữu cơ), khi thấy thành phần có silicon tuyệt đối không nên dùng. Ngoài ra, cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trần Hằng
.
.