Xâm hại trẻ em - cần chặn đứng từ nguy cơ

Không để trẻ mất đi tuổi thơ trong sáng (kỳ cuối)

Thứ Ba, 06/09/2016, 15:25
“Trẻ em như búp trên cành” - vậy mà mỗi ngày trôi qua, lại có thêm những cô bé, cậu bé bị mất đi tuổi thơ trong sáng hồn nhiên, bị ám ảnh cả ngày lẫn đêm, cả lúc thức cũng như trong những cơn mơ. Chúng tôi hy vọng rằng, sau loạt bài viết này, các cơ quản lý nhà nước cùng các tổ chức cộng đồng và toàn xã hội sẽ chung tay để tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em phải được giảm thiểu, tiến tới chấm dứt.

1. Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng XHTD trẻ em trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng về cả số lượng và tính chất vụ việc.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, mỗi năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó XHTD chiếm tới 70% (gần 1.200 em). Năm 2012 số vụ án xâm hại trẻ em tăng 1,4% so với năm 2011, năm 2013 tăng tới 17% so với năm 2012 và năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013.

Nguyên nhân chính khiến trẻ em bị xâm hại là do nhận thức của các bậc phụ huynh và cộng đồng về nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em chưa đầy đủ. Hầu hết thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người thân, người quen biết với trẻ. Khi vụ việc xảy ra thì các bậc phụ huynh thường có xu hướng giấu giếm, còn thủ phạm tìm cách thỏa thuận với người nhà nạn nhân. Việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột còn sao nhãng, trẻ em có nguy cơ cần sự bảo vệ đặc biệt chưa kịp thời. Ngoài ra, các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi cũng còn thiếu thốn, chưa bảo vệ được trẻ em, nhất là các trẻ em đã bị xâm hại.

Các tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn - truyền thông Cục BVCSTE đang trực tại đường dây.

Còn theo Thượng tá Hoàng Xuân Phóng, Trưởng Phòng 2 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì thời gian gần đây các loại tội phạm truyền thống đang có xu hướng chuyển sang hoạt động công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm XHTD trẻ em.

Trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị XHTD chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ XHTD trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ...

Đặc biệt, đối tượng sử dụng diễn đàn, mạng xã hội, nhắn tin trực tuyến để phạm tội ngày càng tinh vi. “Với cách này, tội phạm không cần lộ diện, không tốn nhiều công sức mà vẫn đạt được mục đích. Đặc biệt, với 31% dân số Việt Nam dùng mạng xã hội thì nguy cơ trẻ bị xâm hại từ chính những hình ảnh người thân phát tán là thực trạng đáng báo động” - ông Phóng cảnh báo.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này một phần do giáo dục nhà trường, đặc biệt là ở bậc tiểu học vẫn chưa đưa các nội dung phòng chống XHTD trẻ em. Trẻ em non nớt, không hiểu biết về giáo dục giới tính. Ngoài ra, các phụ huynh thường xuyên đăng tải hình ảnh con cái, trẻ em lên mạng xã hội mà không lường được con em mình có thể trở thành mục tiêu của loại tội phạm này.

Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội 3, Phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và tội phạm liên quan tới trẻ em (Phòng 6) Cục Cảnh sát hình sự (C45), cho chúng tôi biết hầu hết thủ phạm của các vụ XHTD trẻ em đều có quan hệ quen biết với các em, như hàng xóm, họ hàng, người thân quen, cha dượng... Một số có quan hệ với trẻ qua điện thoại và mạng Internet, trong khi thông tin và người quen trên mạng có tốt có xấu nhưng trẻ không đủ kỹ năng để phân biệt và bị lợi dụng.

“Ngoài ra, thời điểm vài năm trở lại đây có thể coi là giai đoạn đầu của hiện tượng “du lịch tình dục” ở Việt Nam. Cơ quan công an chưa phát hiện được nhiều, tuy nhiên nếu không có chế tài và biện pháp ngăn chặn thì có khả năng bùng nổ như từng xảy ra ở một số nước láng giềng. Dầu vậy cũng rất khó xử lý đối tượng do khách du lịch có thể rời khỏi các thành phố hoặc quốc gia khác ngay sau khi mua dâm/lạm dụng tình dục trẻ em” - Trung tá Oanh bày tỏ.

2. Trao đổi với chúng tôi bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục BVCSTE khẳng định thời gian vừa qua lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng như Cục BVCSTE luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những trẻ em bị XHTD nói riêng và trẻ bị bạo hành, bị mua bán, bị bỏ rơi... nói chung. Điều này được thể hiện rõ nét trong các hoạt động của Cục, đặc biệt là Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 (và tới đây là giai đoạn 2016-2020).

Cũng theo bà Hà, trong 5 năm qua Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của công tác bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, với việc củng cố nhân lực và các điều kiện cần thiết, hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em đã đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của công tác bảo vệ trẻ em.

Cụ thể như công tác quản lý phân loại trẻ em, xác minh đánh giá cụ thể từng hoàn cảnh của đối tượng được các địa phương quan tâm thực hiện; việc phát hiện và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã chủ động trong việc nắm bắt tình hình giải quyết kịp thời các vụ việc cũng như quan tâm nhiều đến các hoạt động trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực, ngược đãi, giúp các em phục hồi, hòa nhập cộng đồng.

Các bậc phụ huynh khi nghi trẻ bị XHTD có thể gọi đến đường dây tư vấn 18001567.

Công tác bảo vệ trẻ em ngày càng được quan tâm thực hiện ở cả 3 cấp độ. Công tác phòng ngừa được quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp với mọi trẻ em (67% xã phường đạt tiêu chuẩn Xã phường phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 37/QĐ-TTg), truyền thông giáo dục vận động xã hội nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Hệ thống bảo vệ trẻ em đã có thể nắm bắt kịp thời các yếu tố có nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em hoặc trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên cơ sở hoạt động của mạng lưới cộng tác viên thôn bản cũng như tiêu chí nhận dạng các nhóm đối tượng, vấn đề gây tổn hại cho trẻ em. Đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn hại do các hành vi xâm hại bạo lực đã được hệ thống quản lý lập kế hoạch can thiệp, trợ giúp bằng nhiều hình thức (như tư vấn, trị liệu tâm lý, trợ giúp dịch vụ y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội...).

Đánh giá về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567, lãnh đạo Cục BVCSTE cho chúng tôi biết. Sau gần 12 năm hoạt động, đường dây đã nhận hơn 2 triệu 185 ngàn cuộc gọi của trẻ em và người dân trên toàn quốc, trong đó 20% là các cuộc gọi tư vấn và trên 3.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán... đã được đường dây can thiệp trợ giúp. Số lượng cuộc gọi đến đường dây nhiều nhất là từ các tỉnh phía Bắc. Trong số 3% cuộc gọi về bảo vệ trẻ em thì gần 70% là liên quan đến XHTD trẻ em và bạo lực đối với trẻ em.

Đường dây đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế những tổn thương cho trẻ em, giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất về tinh thần và thể chất; phấn đấu không để trẻ bị mất đi tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên.

Trong những năm qua, đường dây tiếp cận đến từng trẻ em có nhu cầu được chăm sóc bảo vệ thông qua xử lý các cuộc gọi và giải quyết các trường hợp cần can thiệp khẩn cấp. Đồng thời đường dây đảm bảo cho những em có hoàn cảnh khó khăn nhất ở đô thị cũng như ở nông thông có thể tiếp cận đến với các dịch vụ điện thoại, từng bước vận động cung cấp dịch vụ cho trẻ em tại những nơi trẻ chưa thể tiếp cận được hoặc các dịch vụ đó chưa có đủ hoặc chưa hề có. Quan trọng hơn, đường dây tạo ra một mạng lưới phối hợp giữa những tổ chức, ban ngành và kết nối giữa các tổ chức này để hỗ trợ hệ thống chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.

3. Mặc dù công tác BVCSTE thời gian qua có nhiều kết quả, song để có thể giảm thiểu, tiến tới chặn đứng tình trạng XHTD trẻ em nói riêng, bạo lực đối với trẻ em nói chung thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Cũng theo bà Hà, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và vận hành Hệ thống bảo vệ trẻ em nhưng trên thực tế, hệ thống bảo vệ trẻ em mới được hình thành ở quy mô thí điểm tại 5.510/11.118 xã, phường, tại 447/713 quận huyện ở 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, các điều kiện để vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa đảm bảo vận hành một cách chuyên nghiệp. Do đó khả năng phòng ngừa phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em.

Việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị bóc lột chưa kịp thời. Hệ thống phát hiện và tiếp nhận các thông báo về trường hợp trẻ em bị xâm hại, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn thiếu chủ động, chưa kịp thời nên các biện pháp can thiệp, trợ giúp kém hiệu quả. Công tác giáo dục phục hồi hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa chuyên nghiệp; các vụ can thiệp chủ yếu mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ vật chất, động viên, thiếu các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi có hiệu quả...

Số lượng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên còn rất hạn chế. Hệ thống chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng cho trẻ em không được gia đình chăm sóc, còn thiếu và yếu. Thiếu các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp hỗ trợ cho trẻ em; chất lượng chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp trẻ em còn hạn chế. Còn xảy ra nhiều vụ bạo hành xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em...

Nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cộng đồng người dân về nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em cũng như về nhóm trẻ có nguy cơ cao chưa đầy đủ, chưa thấy hết được các yếu tố tiềm ẩn mới dẫn đến trẻ em có thể bị tổn thương; năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt...

Khi các bậc phụ huynh, người thân phát hiện con em mình có dấu hiệu bị XHTD thì điều đầu tiên là phải rất nhẹ nhàng, cởi mở, chia sẻ, động viên để các cháu tin tưởng vào cha mẹ và có thể tâm sự hết những vấn đề cháu vừa gặp phải. Đồng thời, cũng để các cháu có thể vượt qua cú sốc tâm lý. Thứ hai, khi đã được các cháu chia sẻ thì tùy theo những dấu vết để lại (nhất là ngay sau khi xảy ra sự việc) cha mẹ cần “giữ nguyên hiện trường”, không được giặt quần áo (hay tắm rửa cho cháu), lưu giữ tất cả các bằng chứng và đến ngay Cơ quan công an để trình báo về vụ việc.

Đồng thời, cha mẹ cũng cần liên hệ với các tổ chức bảo vệ trẻ em tại cơ sở để được hỗ trợ về y tế, tư vấn tâm lý. Dĩ nhiên, có thể gọi điện đến đường dây nóng 18001567 để được các tư vấn viên ở đây hỗ trợ.

(Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục BVCSTE khuyến cáo)

Minh Tiến
.
.