Huyền thoại trên cao nguyên đá:

Khúc hoan ca phía những cổng trời

Thứ Ba, 15/03/2011, 16:45
Loạn phỉ được dập tắt, thời kỳ khống chế kinh tế, chi phối quyền lực của các thổ ty, chúa đất phong kiến đối với vùng đất Đồng Văn cũng vào hồi cáo chung. Nhưng núi cao hiểm trở, đi lại khó khăn; đất canh tác rất hiếm, lổn nhổn toàn đá tai mèo, lại không có nước, toàn miền Đồng Văn vẫn chìm trong đói nghèo lạc hậu.

Lúa nước hầu như không có. Ngô, cây lương thực chính của người Mông Đồng Văn trồng trong các hốc đất nằm kẹt giữa trập trùng đá núi cho năng suất chỉ khoảng 0,8tấn/ha. Sản xuất nông nghiệp không cung cấp đủ lương thực nuôi sống gia đình, hầu hết người Mông Đồng Văn những năm sau hòa bình (1954) vẫn chỉ trông chờ vào một cứu cánh: thuốc phiện từ cây anh túc.

Thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu thích hợp, trồng cây anh túc ở cao nguyên đá không khó. Bất kỳ hốc đá, kẹt núi nào thả hạt cây anh túc xuống đến mùa cũng có được ít nhựa thuốc phiện để thu hoạch. Trung bình mỗi ha đồi núi cũng thu được 1,5-2kg thuốc phiện, bán sang Trung Quốc cũng đủ tiền đong ngô làm mèn mén cho cả gia đình nhỏ sống suốt một nửa năm. Đọt non của cây anh túc, đồng bào Mông hái về luộc hoặc xào ăn thay rau. Khi những cây thuốc phiện còn nhỏ, đồng bào thường cấy rau cải bẹ xen kẽ. Rau cải trồng lẫn cây anh túc cho hương vị đậm đà khác hẳn, nấu canh với thịt chuột núi, ăn với mèn mén, người Mông xem là tuyệt hảo, không kém gì cao lương mỹ vị.

Ông Mã Văn Phứ ở Phố Bảng bảo: "Chỉ ở Đồng Văn  cách đây hơn nửa thế kỷ mới có thứ đặc sản kẹo... thuốc phiện. Bây giờ thì tiệt rồi. Hơn 1/4 thế kỷ nay, tôi cũng không còn nhìn thấy  món này nữa".

Bóp vỡ quả anh túc khô, phía bên trong tuôn ra một ít hạt  li ti  như hạt cải. Đem rang lên, hạt anh túc thơm lừng. Thắng đường đổ vào, ngào cho đến lúc khô, đổ thành thỏi như thỏi kẹo mè (vừng) là có món kẹo thuốc phiện, ăn thơm ngậy và rất bùi. Một thời, hạt thuốc phiện được các gia đình quyền quý ở Đồng Văn mang về Hà Giang, về xuôi làm quà như một thứ đặc sản đầu bảng. Nguồn lợi cao và quen thuộc như vậy nên công cuộc xóa bỏ thứ "thần dược chết người" này ở Đồng Văn vì thế đã trở thành một cuộc chiến gay go, nan giải và dai dẳng.

Từ năm 1959, Đảng và Chính phủ đã quyết tâm mở đường ôtô từ Hà Giang lên Đồng Văn rồi vòng sang Mèo Vạc, nhằm xóa thế bị cô lập của miền đá Đồng Văn, đưa ánh sáng văn minh xóa dần đêm đen đói nghèo lạc hậu, giúp hàng hóa  hai  miền xuôi ngược có điều kiện thông thương. Ngày 10/9/1959, tuyến đường chính thức khởi công. Bác Hồ đã đặt cho con đường này là đường Hạnh Phúc - Quản Bạ - Đồng Văn - Mèo Vạc. Quyền tổng chỉ huy công trường thi công tuyến đường được giao cho ông Vừ Mí Kẻ, lúc đó đang là Chủ tịch huyện Đồng Văn (cũ).

Ông Kẻ sinh năm 1929. Mồ côi nhưng khỏe mạnh, có bản lĩnh, 15 tuổi ông Vừ Mí Kẻ được "Vua Mèo" Vương Chí Sình đưa về dinh Sà Phìn làm chân giữ ngựa. Tuy không họ hàng thân thích, nhưng do bản tính cương trực, chí khí, ông được họ Vương rất coi trọng. Con ngựa quý của Vương Chí Sình cưỡi do đích thân ông chăm sóc. Năm 1946, khi Vương Chí Sình thay  mặt cha (Vương Chính Đức) về Hà Nội diện kiến Hồ Chủ tịch, cậu thanh niên 17 tuổi Vừ Mí  Kẻ cũng được tháp tùng, được vào tận Phủ Chủ tịch trong buổi Hồ Chủ tịch tiếp và kết nghĩa anh em với họ Vương.Sau đó không lâu, khi trở lại Sà Phìn, chính người thanh niên này đã thuyết phục Vương Chí Sình đem gần như toàn bộ tài sản, gồm 22 vạn đồng bạc trắng và 9kg vàng ủng hộ "Tuần lễ vàng" do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động. Vương Chí Sình đã giao cho Vừ Mí Kẻ áp tải số ngân lượng lớn này về Hà Nội.

Ở tuổi 82, ông Kẻ vẫn tráng kiện và minh mẫn để thuật lại chi tiết thử thách lớn đầu tiên của đời mình. Suốt 70 năm đô hộ Đồng Văn, dù muốn, người Pháp vẫn không làm nổi một con đường lên xứ này. Ông và đoàn áp tiêu phải dùng ngựa thồ men lối mòn, nhiều đoạn quá dốc và hẹp phải xuống nắm đuôi ngựa bò lên, đi ròng rã 3 ngày mới tới thị xã Hà Giang. Vương Chí Sình đã bố trí sẵn ôtô đón họ về Phú Thọ, từ đó theo tàu về Hà Nội. Gian khổ, nhưng tiền ủng hộ Chính phủ, ông vẫn đem nộp đầy đủ, không suy suyển một đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã được giác ngộ và đi theo Cách mạng. Năm 1950, mới 21 tuổi, ông đã được giao trọng trách  Chủ tịch xã Sà Phìn. Bảy năm sau, Vương Chí Sình  lúc này vào tuổi 72 tuổi, viết thư cho Hồ Chủ tịch nại lý do tuổi cao sức yếu đề nghị Chính phủ cử người lên để ông trao lại chức Chủ tịch huyện Đồng Văn (gồm cả Yên Minh, Mèo Vạc và một phần Quản Bạ ngày nay). Cao nguyên đá đang bị đặt trước một giai đoạn cực kỳ khó khăn, bạo loạn đang manh nha bùng nổ, cần có người đủ tài đức và uy tín với đồng bào các dân tộc để đứng mũi chịu sào. Trung ương, Khu ủy Việt Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang đã nhất trí chọn ông Vừ Mí Kẻ làm người tiếp nhận.

Ba năm sau, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa II năm 1960, ông và Vương Chí Sình, hai con người với hai xuất thân hoàn toàn trái ngược cùng nhau trở thành đại biểu của nhân dân Hà Giang tham gia Quốc hội. Với riêng ông, vị trí đại biểu này, ông còn được nhân dân tín nhiệm bầu liên tục 5 khóa liền!

Ở vị trí hành chính, từ cương vị Chủ tịch Đồng Văn, ông Vừ Mí Kẻ sau đó đã nắm giữ trọng trách Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên, rồi Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh. Ông sống giản dị, thanh bạch. Tài sản có giá trị nhất của ông cho đến khi nghỉ hưu chỉ là một chiếc xe đạp Thống Nhất. Ngày nghỉ, ông cũng tự tay cuốc đất, làm vườn trồng rau, chăn nuôi để cải thiện đời sống.

Có lần, vườn cải bẹ của ông đang lên xanh mơn mởn thì có mấy anh lính biên phòng đi ngang. Ngó quanh ngó quất không thấy ai, tiện tay mấy anh lính trẻ bèn bẻ đại một nắm. Ông trông thấy, ra mắng cho một trận. Lính trẻ không biết đó là ông Phó Chủ tịch tỉnh, hoảng quá xô ông qua một bên bỏ chạy. Ngày hôm sau, anh chỉ huy đồn biết chuyện, lật đật đưa lính đến xin lỗi ông rối rít. Ông Kẻ nghe xong, mắng ầm lên. Mắng vậy thôi, nhưng sau đó, tự tay ông ra vườn cắt một ôm cải to cho các anh lính mang về.

Là người đã đi bộ mòn vẹt núi, ông Kẻ bảo mình rất sung sướng và tự hào khi được Đảng giao làm Tổng Chỉ huy công trường mở đường Hạnh Phúc. Vừa khởi công, loạn phỉ nổi lên, đốt phá công trường, ông đã chỉ huy quân và dân Đồng Văn chống lại, vừa ngăn phỉ, tiễu phỉ, vừa tiếp tục tay choòng, tay búa đẽo đá mở đường. Sau 7 năm ròng rã, hơn 2 triệu ngày công của công nhân, dân công 18 dân tộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên và 2 tỉnh Hải Hưng, Nam Định đã hoàn thành tuyến đường ôtô dài 164km, xuyên cao nguyên đá, nối miền cổng trời Mèo Vạc, Đồng Văn với miền hạ Hà Giang. Ngày 15/6/1965, tuyến đường hoàn tất.

Từ sau năm 1964, khi thi công đoạn đường từ Đồng Văn qua Mèo Vạc, huyền thoại chinh phục cổng trời Mã Pí Lèng lại ghi nhận thêm một cái tên khác: Sùng Tài Dùng. Là Bí thư Đoàn thanh niên của công trường, ông Sùng Tài Dùng đã cùng đồng đội treo mình 11 tháng ròng rã trên vực sâu núi thẳm, đẽo đá gọt núi hoàn toàn bằng những phương tiện thủ công để nối thông Mèo Vạc với Đồng Văn. Tận mắt, ông Dùng đã phải chứng kiến 13 đồng đội của mình hy sinh khi bạt núi, có người rơi thẳng từ cổng trời trên ngàn mét xuống sông Nho Quế sâu hun hút phía dưới.

Phiên chợ Đồng Văn.

Sau công tác làm đường, ông Sùng Tài Dùng trở thành Bí thư huyện ủy Mèo Vạc,  Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Giang. Ông có biệt tài diễn đạt những khái niệm trừu tượng bằng ngôn ngữ hình tượng mộc mạc, dễ hiểu, dễ chinh phục bà con các dân tộc. Có lần, về Trung ương dự hội nghị, được mời lên phát biểu, ông đã nói: "Chính sách của Đảng và Chính phủ với bà con các dân tộc như biển rộng trời cao thì đúng rồi. Nhưng Hà Giang ở cao lắm, sông biển chảy ngược đến nơi khó lắm. Chỉ mong là chính sách của Đảng và Chính phủ đến Hà Giang, nếu không được cuồn cuộn như nước sông Đà thì cũng phải chảy tràn đầy như nước sông Nho Quế, chứ đừng chảy ri rỉ như mó nước mùa khô, cho bà con các dân tộc chúng tôi còn được nhờ...".

Ông nói vừa dứt câu, cả hội  nghị đã đứng dậy vỗ tay rào rào!

Cách  nói mộc mạc nhưng thuyết phục, ông Sùng Tài Dùng là người đã góp công lớn trong việc xóa cây anh túc, thay bằng cây cải dầu trên đất Hà Giang. Ông nói với đồng bào mình: "Trồng thuốc phiện không tốt đâu, Nhà nước cấm rồi. Mình cũng là người Mông, mình không  nói dối đâu. Bà con phải tin mình chứ". Đồng bào tin ông. Đến năm 1987, hai màu trắng - tím của hoa anh túc đã thật sự biến mất vĩnh viễn trên toàn cao nguyên đá.

Hậu duệ của họ Vương Đồng Văn cũng để lại cho cao nguyên một huyền thoại đẹp. Ngay từ khi còn là một thanh niên, ông Vương Quỳnh Sơn, cháu gọi Vương Chí Sình bằng chú ruột đã có nhiều đóng góp trong việc vận động các toán phỉ Đồng Văn, Mèo Vạc buông súng quay về. Đối với đồng bào Mông, ông rất có uy tín. Khi trở thành cố vấn của Ủy ban Dân tộc Trung ương, ông thường được gọi trân trọng bằng danh xưng Vương lão đồng chí. Chính ông đã chủ động liên hệ, thư từ trao đổi với những hậu duệ của "Vua Mèo" Mèo Vạc Dương Trung Nhân - dòng họ đối địch một thời nhằm mục tiêu xóa bỏ hiềm khích, hòa hợp dân tộc. Khi ông Dương Trung Nhân mất, ông đã gửi điện chia buồn, phúng viếng, cử chỉ đầy những ân tình. Đáp lại, ông Dương Đạo, một hậu duệ của "Vua Mèo" Mèo Vạc xưa đã trả lời ông bằng một  bức tâm thư đẫm  lệ:

"Mineapolis ngày 18/3/1995.

Kính gửi ông Vương Quỳnh Sơn, Ban Dân tộc Trung ương, 80 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Kính thưa anh. Em là Dương Đạo con trai thứ hai của ông Dương Trung Nhân. Em rất cảm động sau gần nửa thế kỷ em được đọc thư anh viết cho anh trai của chúng em.

Trước hết em và tất cả gia đình bên này xin thành thật cảm tạ anh đã gửi lời chia buồn khi cha chúng em Dương Trung Nhân tạ thế. Cha em mất lúc 82 tuổi, tháng 8/1994 ở tiểu bang Minnesota. Cha chúng em để lại Mỹ quốc hai vợ (vợ hai và vợ ba, vợ cả mất năm 1989), 12 con (6 trai, 6 gái), 40 cháu và 27 chắt.

... Em và mọi người trong gia đình em rất lấy làm sung sướng nghe lời của anh là chúng ta nên thương nhau. Chúng em cũng luôn nghĩ như anh. Những chuyện mà đã xảy ra giữa hai gia đình họ Vương và họ Dương chúng ta cách đây 50 năm dù sao cũng là một chuyện buồn.

Trước khi mất, cha em cũng nói rằng hai họ Vương và Dương là như một gia đình. Chúng ta nên xóa những sự buồn của quá khứ để yêu thương giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới văn minh.

Cha em cũng muốn trở về thăm quê hương một lần cuối trước khi nhắm mắt nhưng già yếu quá rồi sợ đi về không đến được quê. Chúng em người thì ở Mỹ, người ở Pháp, ai cũng đều mong rằng một ngày gần đây gia đình anh và gia đình chúng em sẽ có điều kiện gặp gỡ hội ngộ, giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới mở mang cho con cháu sau này.

Em luôn chống lại sự chiến tranh chỉ có phá hoại cho loài người mà ủng hộ sự phát triển giữa các dân tộc...

Cuối cùng em xin anh hãy thông cảm cho em vì không rành lắm tiếng Việt. Xin chúc đại gia đình ta may mắn.

Mr. Yang Dao (Dương Đạo)".

Một quá khứ đau buồn, đầy những xung đột, hiềm khích đã  vĩnh viễn khép lại, nhường chỗ cho một tương lai tốt đẹp trên  cao nguyên đá Đồng Văn. Di sản con người hàng trăm năm cần được nhắc lại, bảo tồn để di sản thiên nhiên hàng trăm triệu năm càng thêm giá trị. Đó là lợi thế tương lai, là vẻ đẹp lấp lánh, không kém phần huyền hoặc của Đồng Văn mà không một công viên địa chất toàn cầu nào khác có được.

Di sản con người ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên...

N.H.L.
.
.