Câu chuyện Sầm Nưa:

Kỳ 1: Chuyện ghi trên chuyến chuyên xa

Thứ Tư, 31/12/2008, 14:30
Xin mượn tạm từ chuyên xa để gọi chuyến xe chở 12 cụ lão thành cách mạng sang Sầm Nưa dự cuộc giao lưu các nhân chứng lịch sử thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, dự Hội thảo Quốc tế Căn cứ địa Sầm Nưa biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Với người viết bài này thì có thể kêu bằng chuyên xa được lắm bởi có xe cảnh sát dẫn đường, có xe cứu thương khóa đuôi tiễn các cụ từ Hà Nội đến tận cửa khẩu Na Mèo.

Từ Na Mèo, xe của cảnh sát, y tế Lào lại hộ tống các cụ đến Sầm Nưa. Suốt dọc đường non 80 cây số, tôi tỉ mẩn đếm cả thảy 34 làng bản, dân Lào nam phụ lão ấu có cả cứ giăng giăng như thế mà vẫy cờ hoa chào mừng các cụ.

Ngạc nhiên bởi chưa khi nào được chứng kiến số lượng dân ra đón lại đông và nhiệt thành như thế nên đến Sầm Nưa tôi có buột ra câu hỏi với Tiến sĩ Phănkhăm Vilaphăn, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Hủa Phăn rằng, việc đi đón như thế có phiền toái gì không, có phải vận động dân không? Hay là trong đoàn có Bí thư TW Đảng Tô Huy Rứa và Ủy viên TW Đảng Nguyễn Bắc Son, Phó ban Tuyên giáo TW nên tỉnh nhà biểu thị sự trọng thị với quan khách Việt  Nam?

Vị Tiến sĩ Tỉnh trưởng ngay lập tức chiếu cái nhìn thông cảm vào người hỏi, cười mà rằng, cán bộ của tôi chỉ thông báo với dân là hôm nay có các cụ lão thành cách mạng Việt Nam, người ít thì mươi năm, người nhiều thì gần 40 năm từng vào sống ra chết với nước Lào  đến thăm Sầm Nưa  thì dân nói ngay là bậc bố bậc mẹ về với con cháu rồi...

Đồng bào Sầm Nưa vui mừng đón chào các cụ.

Và ngay tại thị xã Sầm Nưa, chỗ quảng trường trung tâm, số lượng người đón kể có hàng vạn. Một cuộc đón không có thủ tục giới thiệu đại biểu, không có diễn văn khai mạc bế mạc mà chỉ có chiêng trống cờ hoa cùng vô vàn nụ cười tươi rói. Những cái cười đồng bộ mà hiếm khi tôi được thấy nghĩa là hết cỡ, miệng cười mắt cũng cười! Mái tóc bạc của các cụ nhà mình thấp thoáng trong rừng cờ và rừng cười ấy!

Có lẽ tôi phải làm cái việc điểm danh các cụ trên chuyến chuyên xa ấy một chút. Những hàng ghế trên là cụ Nguyễn Trọng Vĩnh năm nay 93 tuổi. Cụ là Ủy viên TW Đảng từ năm 1960 đến năm 1976. Năm 1964, theo đề nghị của đồng chí Cay Xỏn, TW ĐCS Việt Nam cử Nguyễn Trọng Vĩnh khi đó đang là Bí thư TW Thanh Hóa sang làm Trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Lào.

“Trước khi tôi đi Bác Hồ cho gọi lên ăn cơm. Trong bữa ăn Bác dặn tôi nhiều điều nhưng nhớ nhất vẫn là câu chú sang bên ấy có ý kiến gì góp ý với bạn để bạn làm chứ chú không được làm ông Toàn quyền! Thấm thía lời Bác dạy tôi không được mang tư tưởng nước lớn và qua đó tôi càng thấy rõ tinh thần quốc tế trong sáng của Bác tinh thần bình đẳng luôn tôn trọng độc lập chủ quyền của các bạn Lào...”.

Suốt 10 năm Trưởng đoàn Nguyễn Trọng Vĩnh phụ trách tất cả công việc của đoàn chuyên gia  Quân, Dân, Chính quyền Đảng, Đoàn tại căn cứ địa Sầm Nưa. Năm 1965, Trưởng đoàn Nguyễn Trọng Vĩnh về Hà Nội họp và dự cơm với ba Tổng bí thư của ba Đảng: Lê Duẩn, Cay Xỏn và Salotsa (tức Polpot sau này) tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội để đánh giá tình hình và bàn bạc kế hoạch phối hợp. Chúng ta rất biết ơn sự hy sinh giúp đỡ to lớn của các bạn Lào, vô cùng quý trọng tình bạn chiến đấu son sắt thủy chung ấy! Cụ Vĩnh bồi hồi nhớ lại...

Ngồi kế bên là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương năm nay 89 tuổi quê ở Quảng Ngãi. Từng có nhiều năm là chuyên gia quân sự ở Sầm Nưa. Hiện tại, cụ là Trưởng ban Liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào.

Đồng bào Sầm Nưa vui mừng đón các vị khách quý.

Cụ nhiệt thành lý giải cho tôi tường tận thêm rằng, tại sao lại chọn Sầm Nưa làm căn cứ địa kháng chiến đối với cách mạng Lào vì Sầm Nưa hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Thiên thời là Sầm Nưa, nơi tích lũy hào khí bất khuất của nhân dân các bộ tộc Lào, là nơi sinh ra và nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của các bộ tộc Lào. Địa lợi là Sầm Nưa có thế núi cao hiểm trở nhiều hang động tiếp giáp với 3 tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An của Việt Nam - hậu phương căn cứ địa. Nhiều đường giao thông nối với Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Luông Phabang, Uđomxay, Luôngnâmtha, Phoongxaly... tiến thoái đều thuận lợi ở thế cơ động.

Nhân hòa là nhân dân Sầm Nưa có truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc hiểu rõ từng thước đất ngọn núi đầu sông sẵn sàng đi theo cách mạng. Khi người lãnh đạo ở đây lấy giáo dục nghĩa vụ giải phóng dân tộc làm cơ sở phát động phong trào cách mạng thì làm cho người dân tăng cường tình đoàn kết tạo lòng tin vững chắc vào Liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Hàng ghế thứ sau là cụ Lê Thanh, 85 tuổi, Thiếu tướng nguyên cộng tác viên Đội Vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở Khu Xiềng Khọ căn cứ địa Sầm Nưa. Cụ bà nguyên là Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Cụ bà tiễn cụ ông ra tận xe, khi xe chạy còn đứng vẫy mãi. Mấy ngày bên Lào, bữa nào cụ ông cũng phôn cho cụ bà yên tâm về tình hình sức khỏe. --PageBreak--

Người ngồi bên cạnh Thiếu tướng Lê Thanh là cụ Nguyễn Cần năm nay 87 tuổi, nguyên Phó ban Công tác Lào của BCH TW Đảng giúp Lào từ năm 1953 đến năm 1989, từng đã 33 năm ở Lào. Cụ cũng sẵn lòng phân tích cho tôi hiểu thêm về đặc thù của thời kỳ cách mạng Lào tham gia Chính phủ Liên hiệp cũng như mật danh Đoàn 959 để gọi Đoàn miền Tây do TW Đảng ta lập ra để giúp bạn phục hồi cơ sở chắp nối liên lạc từ TW đến các khu, các tỉnh. 

Hàng ghế sau là Thiếu tướng Nguyễn Minh Long, 80 tuổi, Trưởng ban Liên lạc F324 nguyên Cục phó Cục Tác chiến. Cụ đã tốt nghiệp hai trường quân sự Frunde và Vôrosilov ở Liên Xô cũ, từng dự nhiều trận đánh ở Lào với tư cách cán bộ tác chiến...

Ngồi bên cụ Long là cụ Nguyễn Tự Lạc năm nay 76 tuổi, Đại tá nguyên Đoàn phó 576. Cao tuổi hơn Đại tá Lạc nhưng có lẽ sức khá hơn là Đại tá Hà Minh Tân năm nay 81 tuổi, từng phụ trách Tuyên huấn Đoàn 959 đã có nhiều năm giúp bạn viết lịch sử quân đội.

Trẻ hơn một chút ngồi ghế cuối là các cụ Nguyễn Trọng Hưng 70 tuổi, chuyên viên Trưởng ban Liên lạc Đoàn 766 căn cứ địa Sầm Nưa; Đại tá Vũ Đức Mai năm nay 76 tuổi, nguyên Phó trưởng ban Xây dựng căn cứ địa Sầm Nưa; Đại tá Nguyễn Khiên 82 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Công binh 217. Cụ Nguyễn Khiên có lẽ là một pho sử sống về tất cả các hang động ở Sầm Nưa. Cụ đã chỉ huy Trung đoàn Công binh 217 xây dựng cải tạo một số hang để làm nơi ở, hội họp cho nhiều vị lãnh đạo tối cao cũng như một số cơ quan Lào.

Ngồi dưới một chút là cụ Quách Bá Đạt, Đại tá có tới 38 năm công tác ở Lào nhiều nhất vẫn là địa bàn Sầm Nưa, Hủa Phăn. Có một dịp thích hợp, bạn đọc sẽ làm quen với vị đại tá gọi thi sĩ Quách Tấn bằng bác ruột này. Thời gian rất nhiều năm công tác ở Văn phòng đồng chí Cay Xỏnphômvihản của cụ Đạt có lẽ là kho tư liệu quý cho những sự viết lách sau này...

Người ngồi cuối  là Đại tá Tăng Xuân Ngọc cùng tuổi cụ Đạt, 74 tuổi. Có sự trùng hợp khá thú vị giữa cụ Ngọc với cụ Đạt. Hai cụ cùng quê Bình Định, cùng nhập ngũ  và cùng vào Đảng một ngày. Lại cùng một ngày vào Trường Lục quân và sang Lào cùng một ngày! Sang Sầm Nưa hai cụ lại được bố trí ngẫu nhiên vô ở một phòng. 

Nghề tình báo hình như có duyên với cụ từ thời điểm nhập ngũ năm 1946. Hồi kháng chiến chống Pháp khi đồng chí Phunxiphaxớt (sau này làm Thủ tướng Lào) làm Khu trưởng khu Hạ Lào thì cụ Ngọc phụ trách tình báo khu. Trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cụ Ngọc là liên lạc viên giữa cụ Chu Huy Mân và Cay Xỏn với Trung úy Koongle. Từng dự cơm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân Đại tướng với sự hiện diện của cả Koongle. Được Đại tướng trao nhiệm vụ trực tiếp bay bằng máy bay Li2 từ Gia Lâm đáp xuống Viêng Chăn...

Trong chống Mỹ, cụ làm công tác tham mưu quân báo cho Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Lào và Quân tình nguyện Việt Nam. Trong một trận trinh sát luồn sâu ở mặt trận Nam Lào, cụ Ngọc đã giáp mặt với tướng phỉ Vàng Pao. Do nguyên tắc công việc phải giữ tuyệt đối bí mật nên cụ đành thở dài bỏ đi một dịp may trừ khử tên tướng phỉ. Cụ Ngọc còn nhớ được rành rẽ thời gian lần giáp mặt ấy! Đó là đêm ngày 21/1/1968. Đêm đó trời sáng trăng...

Cụ cũng vinh dự được nhà vua Lào tặng thưởng Huân chương Lạnxạn (Triệu Voi) là phần thưởng cao quý. Người được mang huân chương của nhà vua Lào được quyền miễn trừ tất cả những thủ tục về mặt tư pháp. Cụ đã hoàn thành hai tập hồi ký nhưng một mực không xuất bản và nói rằng, chỉ in vi tính ra để cho con cháu đọc có tính chất lưu hành nội bộ mà thôi!

...Ngắm ngó các cụ những ngày ở Sầm Nưa, thầm biết ơn cái duyên nào đó của trời đất của cơ chế đã sắp đặt cho cuộc về nguồn cuộc gặp thân thương này. Những cái bắt tay những động thái ôm chầm thân thiết. Và cả tuổi già hạt lệ như sương ấy thế mà vẫn có những giọt nước mắt giành cho ngày gặp gỡ đoàn tụ! 

Ngắm mái tóc bạc của cụ Xixavat Kẹobunphăn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước tuổi chẵn 80 thấp thoáng bên mái đầu bạc của cụ Vĩnh, cụ Tân, cụ Lạc... tưởng như thời gian như ngưng lại. Tôi giật thột vội không tiếp tục với một ý nghĩ thảng thốt rằng còn được bao cuộc gặp nữa đây giữa các vị cao lão ấy? (Hồi nãy cụ Tân cho hay, mới cách đây vài năm lần họp Ban liên lạc còn ngồi đông đông 120 cố vấn quân sự và 300 chuyên gia mà nay ngồi lại không quá 60 cụ).

Ngó những sải bước tự tin như đi giữa vườn giữa sân nhà mình khi các cụ trên đường phố Sầm Nưa vồn vã hỏi chào các bà các chị các cháu chợt nhớ nhận xét của dân Hủa Phăn qua phản ánh của Tiến sĩ Bí thư kiêm Tỉnh trưởng  Phănkhăm là cuộc trở về của các bậc bố mẹ!

Người ngồi cuối cùng là Đại tá - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và Đại tá trẻ Đỗ Thọ, Phó ban Kinh tế Báo Quân đội nhân dân và tôi, người được ngồi hầu chuyện các cụ cả chặng đi lẫn về. Nhớ thêm khi về đến Hà Nội cái bắt tay cùng động thái thở phào của Tiến sĩ Nguyễn Bắc Son, Phó ban Tuyên giáo TW người chịu trách nhiệm về chuyến chuyên xa, may quá là may, đi lẫn về đường sá xa ngái diệu vợi nhiều chặng xóc nảy người như thế mà các cụ đều khỏe mạnh an lành cả! Còn cậu lái xe tên là Kiên thì cười, chưa bao giờ em chở một thứ hàng đặc biệt mong manh rất dễ... vỡ như thế này cả!

(còn tiếp)

Xuân Ba
.
.