Kỳ bí Ma Thiên Lãnh

Chủ Nhật, 01/02/2015, 19:45
Vùng Đông Nam Bộ có 3 ngọn núi lớn gồm núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai), và núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Nhắc đến 3 ngọn núi trên hầu như ai cũng biết bởi cả thảy đều là những vùng sơn linh thủy tú, đồng thời là điểm dừng tâm linh với hàng triệu khách hành hương hằng năm. Ma Thiên Lãnh xét trong chừng mực nào đó cũng thuộc Đông Nam Bộ nhưng khi nhắc tên thì chẳng mấy ai biết đến!
Kỳ thực thì Ma Thiên Lãnh là một phần trong quần thể núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh. Nơi này vừa qua được nhiều người biết đến qua sự việc lạc rừng của 20 sinh viên… mê đi phượt!

Bí ẩn chốn… ma thiêng!

Người ta đồn Ma Thiên Lãnh là chốn ma thiêng, tựa vùng "Mã Đà sơn cước anh hùng tận" ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Vì là chốn "anh hùng tận" nên Mã Đà là vùng rừng tử thần, anh hùng nơi đâu không biết, chỉ biết một khi lạc chân vào Mã Đà xem như tận số.

Ma Thiên Lãnh cũng vậy. Vì là chốn ma thiêng nên ai đó chẳng may lạc chân vào chẳng thể tìm được lối ra. Thế nên mới có chuyện nhóm sinh viên vì lạc giữa chốn ma thiêng đã hoảng loạn phát tín hiệu cấp cứu.

Việc Công an tỉnh Tây Ninh giải cứu cho nhóm sinh viên lạc rừng Ma Thiên Lãnh là chuyện có thật. Nhưng vì sao ngọn núi này lại được mệnh danh "chốn ma thiêng"? Có hay không chuyện nơi này là cấm địa của những hồn ma bóng quế? Và có hay không chuyện Ma Thiên Lãnh có "biệt tài" che mắt người lạc rừng? Những câu hỏi trên rất đáng để tìm lời giải và trên hành trình kiếm tìm câu trả lời, chúng tôi ghi nhận dấu lặng không mong đợi!

Quần thể núi Bà Đen do 3 ngọn núi hợp nhau mà thành, gồm núi Phụng, núi Heo và núi Bà Đen. Dân bản xứ cho biết, Ma Thiên Lãnh không phải núi, mà kỳ thực là thung lũng, là vùng trũng giữa 3 ngọn núi hợp thành quần thể núi Bà:

"Nhiều người đồn đãi thung lũng Ma Thiên Lãnh ăn sâu qua đất bạn Campuchia nhưng không phải. Về mặt hành chính, nơi này thuộc địa bàn xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh). Tiếng là thung lũng nhưng cấu trúc địa hình của Ma Thiên Lãnh rất lạ, đường vào một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực sâu mà nếu khinh suất, người ta rất dễ bỏ mạng.

Ông Thành ở nơi có nhiều rắn sinh sống.

Nhờ có địa thế hiểm trở, có suối trong vắt tuôn chảy từ nhiều mạch nguồn, không khí tươi mát quanh năm, cây rừng rậm rì, ngút ngàn nên có người ví Ma Thiên Lãnh là Đà Lạt của Tây Ninh. Dân Sài Gòn, các nhóm bạn trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm thường chọn Ma Thiên Lãnh làm điểm đến để thỏa những trải nghiệm kỳ thú".

Theo những lối mòn, bỏ xe dưới chân núi, chúng tôi cùng ông Tư Thành, một cư dân cố cựu ở Ma Thiên Lãnh dấn bước thượng sơn.

Ở tuổi 54, ông Thành tỏ ra rất rành rẽ thung lũng bí hiểm này. Ông cho biết rất nhiều người nhầm lẫn, gọi Ma Thiên Lãnh là Ma Thiêng Lãnh.

Vì nhầm lẫn giữa "Thiên" và "Thiêng" nên người ta giải thích nhầm ý nghĩa của tên gọi của thung lũng này: "Khá nhiều người luận giải Ma Thiêng Lãnh là lãnh địa của những hồn ma linh thiêng. Nhưng Thiên ở đây là… trời. Ma Thiên Lãnh có thể hiểu nôm na là lãnh địa của các hồn ma nơi trần thế" (?!).

Mỗi người có cách hiểu cũng như cách giải thích khác nhau về cội nguồn của tên gọi "thung lũng ma thiên".

Tuy nhiên, cách giải thích của ông Nguyễn Vạn, 67 tuổi, người huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), nay đã là người thiên cổ mà tôi có dịp gặp 4 năm trước tại lưng chừng Ma Thiên Lãnh khi đến vùng sơn linh này tìm hiểu về loài nưa (giống trăn khổng lồ-PV), là thuyết phục nhất.

Ông Vạn lý giải kỳ thực Ma Thiên Lãnh là tên một ngọn núi hiểm trở ở Triều Tiên. Sử liệu ghi năm 666, Vua Đường Cao Tông (thời Tiền Đường) phong danh tướng Tiết Nhân Quí (hay Nhơn Quí - PV) làm Hữu Uy vệ Đại tướng quân, lấy uy xuất binh chinh Đông (Cao Câu Ly- PV).

Quy hoạch Ma Thiên Lãnh thành khu du lịch đến nay vẫn… ngủ yên.

Trong cuộc viễn chinh này, quân Đường đã bỏ mạng rất nhiều ở ngọn núi hiểm trở có tên Ma Thiên Lãnh.

"Sơn nữ"... vẫn ngủ yên!

Câu chuyện quân Đường do Tiết Nhân Quí làm thống lãnh tử trận hằng hà sa số ở Ma Thiên Lãnh được ghi truyền trong lịch sử Trung Hoa.

Một số học giả cho rằng, từ sự kiện "Tiết Nhơn Quí chinh Đông" ấy, người đời sau thường dùng tên Ma Thiên Lãnh đặt cho những vùng sơn linh hiểm trở, thâm u, gắn với nhiều chiến trận khốc liệt.

Đây cũng chính là lý do vì sao vùng Đông Nam Bộ có nhiều địa danh mang tên Ma Thiên Lãnh: Đó là Khu di tích Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc (căn cứ của Tỉnh ủy An Giang thời kháng chiến, nay thuộc địa bàn xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) áng trên ngọn Sà Lon thuộc núi Ngọa Long Sơn, trong cụm Thất Sơn. Đó là ngọn núi Ma Thiên Lãnh - một trong 7 ngọn núi hợp thành đảo Hòn Sơn hoang sơ, tuyệt mỹ (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang).

Ngoài ra còn có địa danh cầu Ma Thiên Lãnh ở Côn Đảo (nơi có đến 356 người tù bị chết thảm vì bị quân Pháp buộc phải lao động khổ sai trong quá trình xây dựng 2 mố cầu trên đèo Ông Đụng) và hẳn nhiên, có cả Ma Thiên Lãnh ở quần thể núi Bà Đen.

Sau này chúng tôi được biết tên gọi "chốn ma thiên" được hình thành vào thời kháng Pháp - Mỹ, khi mà những toán quân tìm diệt tràn vào đây hòng tiêu diệt quân cách mạng đều bị đánh tan xác không tìm được lối về...

Bất kỳ ai khi đã hòa mình giữa khung cảnh tươi mát với núi rừng thâm u ở "Đà Lạt của Tây Ninh" đều mê đắm. Nhất là khi biết được ngoài khung cảnh thiên thai với sương giăng, suối đổ, lá reo....

Ma Thiên Lãnh còn là lãnh địa của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là các loài mãng xà. Tôi biết được điều này từ chia sẻ của nhiều cán bộ kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh).

Còn nhớ cách đây không lâu, khi được hỏi thăm chuyện sếu đầu đỏ về rừng, anh Lê Văn Sang, chốt trưởng chốt bảo vệ rừng Tà Nốt ở vườn quốc gia giáp biên giới Campuchia này không chỉ kể chuyện sếu mà còn khoản đãi cho chúng tôi nghe nhiều chuyện ly kỳ về rắn khổng lồ.

Từ câu chuyện của những người giữ rừng, mới biết nhờ được lực lượng kiểm lâm tỉnh bảo vệ nghiêm ngặt nên các "cư dân" mãng xà chính hiệu và rắn được tịch thu trong các chiến dịch truy quét nạn buôn bán động vật hoang dã được thả ở Ma Thiên Lãnh...  có rất nhiều.

Điều lạ kỳ khó giải thích là khi chúng tôi thượng đỉnh Ma Thiên Lãnh tìm gặp những cư dân cố cựu sinh sống ở đây, qua trò chuyện, tất cả họ đều kể nhiều chuyện đối mặt với rắn khổng lồ, thậm chí rắn hổ to bằng bắp chân người lớn vào nhà rượt gà đuổi chó, nhưng từ trước đến nay, chưa có bất kỳ ai phải bỏ mạng vì nọc độc của các loài rắn dữ!

Đến quần thể núi Bà Đen nói chung, thung lũng Ma Thiên Lãnh nói riêng, cứ như thế chúng tôi ghi nhận nhiều tâm tình cởi mở cũng như những chuyện bí ẩn, kỳ lạ khó giải thích của dân bản xứ như "rắn độc có Phật tính" chẳng bao giờ cắn người, trên núi có những giếng nước chẳng bao giờ cạn, trên núi đó đây có những dấu chân người hằn sâu trong đá…

Điều đáng buồn ở chỗ Ma Thiên Lãnh đẹp, bí ẩn và hấp dẫn như thế nhưng với rất nhiều khách du lịch và cả người dân Tây Ninh, nơi này đến nay vẫn là khái niệm xa lạ với nhiều người trong họ: "Nếu như cái tên núi Bà Đen nổi danh bao nhiêu thì Ma Thiên Lãnh lặng lẽ bấy nhiêu.

Nhắc đến núi Bà người ta liên tưởng đến truyền thuyết hóa thần của Bà Đen, rằng Bà là vị thần  quyền năng luôn lắng nghe, thấu hiểu mọi lời khấn cầu của ngàn vạn khổ đau trong nhân gian.

Vì sùng tượng nên vào rằm tháng Giêng hằng năm, người ta từ khắp mọi nơi không quản ngại đường xa đổ đến núi Bà Đen viếng bà đông nghẹt.

Giữa biển người ấy, chẳng mấy ai biết gì hay nghĩ đến chuyện du ngoạn ở Ma Thiên Lãnh" - Phương Vinh, hướng dẫn viên của Công ty lữ hành Sông Xanh, ở quận Bình Thạnh, trò chuyện.

"Ma Thiên Lãnh ít được biết đến có lẽ vì đường vào hiểm trở, hoang vắng. Muốn vào cấm địa thiên thai này, có rất nhiều con đường mòn đổ từ núi Phụng, núi Heo, núi Bà Đen...

Khung cảnh thiên đường của "Đà Lạt của Tây Ninh" vẫn đang đợi đánh thức.

Nhưng con đường dễ đi nhất mà xe gắn máy có thể đến tận chân núi là phải vòng ra sau núi Bà, đi về phía huyện biên giới Tân Châu, theo ngã 3 đường bụi bặm rẽ vào và cứ thế theo con đường 785 đi sâu vào núi.

Tóm lại, khoảng cách từ chân thung lũng Ma Thiên Lãnh đến lối chính dẫn vào Khu Du lịch núi Bà Đen khoảng gần chục cây số.

Đường vào xa, ngoằn ngoèo, cheo leo, dịch vụ không có gì nên khách phương xa đến viếng vùng đất ma thiêng này chỉ là những nhóm bạn trẻ khoái đi phượt thôi" - anh Nguyễn Phương, 42 tuổi, người nhiều lần đối mặt với những con rắn hổ chúa khổng lồ ở Ma Thiên Lãnh, giải thích.

Thông điệp chưa có hồi kết!

Trở lại với chuyện lạc rừng của nhóm sinh viên (9 nam và 11 nữ) đang theo học tại nhiều trường đại học ở TP HCM.

Chuyện rằng lúc 19h15 ngày 11/1 vừa qua, Công an tỉnh Tây Ninh nhận được tin báo nhóm sinh viên này đi lạc trên núi Bà Đen cần được giải cứu. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, ngay trong đêm, Công an địa phương đã triển khai lực lượng cứu hộ trên quy mô và phạm vi lớn.

Qua quá trình túa ra nhiều hướng núi kiếm tìm, lực lượng cứu hộ phát hiện và "giải cứu" được 4 cô gái ở một nhóm khác (nhóm có 9 người, trong đó có 5 người tìm được đường xuống núi), sau đó tiếp cận được khu vực nơi nhóm sinh viên bị lạc kia từ ánh đèn mà nhóm này phát ra tại đoạn sườn dốc ông Gạo, nơi có nhiều vách đá cheo leo, hiểm trở thuộc Ma Thiên Lãnh. Sau hơn 5 giờ tích cực giải cứu, lực lượng cứu hộ đã đưa 20 sinh viên đang trong tình trạng đói khát, sây sát xuống núi an toàn….

Sau khi được giải cứu, lúc được hỏi thăm, các sinh viên trên cho biết, trong quá trình đi du lịch bằng đường mòn dân sinh ở chân thung lũng Ma Thiên Lãnh thì… gặp sự cố. Quanh việc này, dưới góc nhìn của dân đi rừng, cái sự lạc kia của nhóm sinh viên chẳng có gì lạ.

Cái sự lạc ấy bắt nguồn từ việc các bạn trẻ này thích đi phượt chốn rừng sâu, khoái phiêu lưu mạo hiểm nhưng lại thiếu hoặc không có kỹ năng đi rừng. "Đi thám hiểm rừng sâu không phải là cuộc dạo chơi. Đã vào rừng là phải chuẩn bị tâm thế đối mặt với đủ bất trắc như bị rắn cắn, trăn siết, cây đổ, đá đè, cọp vồ, gấu chụp...

Để đối mặt với các tình huống ấy trong tư thế chủ động, tay phượt cần phải thông thạo các kỹ năng sinh tồn nơi rừng sâu, bằng không rất dễ trả giá bằng mạng sống" - Phúc Quân, 24 tuổi, nhóm trưởng nhóm phượt có tên Tây Nguyên, chia sẻ. 

Khép lại câu chuyện Ma Thiên Lãnh ở núi Bà Đen - Tây Ninh, cùng với thông điệp gửi đến các bạn trẻ mê phượt rằng hãy thận trọng với các chuyến đi thám hiểm vào chốn rừng hoang.

Nhân đây chúng tôi nêu lên trăn trở của người dân sở tại, tuy được thiên nhiên ưu đãi ban cho cảnh trí tuyệt mỹ, song Ma Thiên Lãnh đến nay vẫn thâm u.

Đã có nhiều dự án, nhiều ấp ủ, dự định đưa vùng rừng núi tuyệt mỹ này trở thành "Đà Lạt" đúng nghĩa với các khu nghỉ dưỡng, vui chơi. Nhưng đến nay, đã nhiều năm trôi qua, sự thể vẫn giậm chân tại chỗ khi có nhiều công ty đến khảo sát đầu tư du lịch... rồi đi không hẹn ngày quay lại.

Thế nên Ma Thiên Lãnh bây giờ vẫn hoang lạnh, đã thế trên núi đầy rác thải do các nhóm khách du lịch dã chiến quẳng thải. Rồi tình trạng một số hộ dân canh tác ở lưng chừng núi vứt bừa bãi các chai lọ đựng thuốc trừ sâu trên các triền đồi, hang đá...

Những điều ấy đã như những vết cọ nhem nhuốc làm xấu đi hình ảnh của "chốn ma thiêng" tuyệt mỹ này!

N.T.Dũng
.
.