Kỵ mã trên thảo nguyên Lang Biang

Thứ Sáu, 24/11/2017, 14:02
Với bộ ria rậm rịt, búi tóc dài, cùng chiếc mũ rộng vành của một chàng kỵ mã, anh hiện thân như một nghệ sĩ đậm chất lãng tử, phong trần tựa một người Lạch (dòng K’Ho) chính hiệu. Nhưng khi gặp nhau, tôi càng bất ngờ về anh. Đó là Nguyễn Anh Dũng, tuy không phải người Lạch nhưng lại mang dòng máu của Tây Nguyên, phóng khoáng, ngang tàng. Anh phi ngựa từ trên dốc cao xuống đón tôi...

Chuyện ngựa - chuyện người

Ngôi nhà của gia đình Nguyễn Anh Dũng ở trên ngọn đồi, ngay bên đường Hồ Xuân Hương, nhìn sang hồ Than Thở. Tôi hào hứng khi nhìn thấy vườn hoa phía trước. Vợ anh, một cô gái miền Bắc dịu dàng mang ra khay nước trà, rồi xin phép ra vườn cắt hoa đem qua chợ Đà Lạt bán. Anh Dũng cười xởi lởi vuốt lại mái tóc bồng bềnh, rồi kể lại cho tôi nghe cả một quãng đường dài đến với những con ngựa trên cao nguyên Đà Lạt, và vì sao chúng lại dẫn anh đến cái nghề làm yên ngựa hiện nay.

Từ bé, Anh Dũng theo bố quẩn quanh bên trường đua ngựa ở Sài Gòn, nơi ông làm việc. Khi lớn lên, anh đã làm quen với công việc chăn ngựa, nên hiểu biết khá rõ đặc điểm của từng giống ngựa. Nhiều đêm chăm sóc ngựa ốm, Dũng càng hiểu ra loài ngựa rất hiền hậu và trung thành, một lòng vì chủ. Anh đã từng khóc khi phải chia tay những con ngựa giống mà mình từng chăn dắt ngày đêm. Và không ít lần những con ngựa ấy cũng ứa lệ, buồn rầu vì nhận biết ra nỗi niềm xa cách với người bạn nhỏ tốt bụng đã yêu thương mình.

Nghệ nhân Nguyễn Anh Dũng.

Cái kiếp người chăm ngựa, ngựa yêu người như đã in dấu cả quãng đời niên thiếu của Anh Dũng. Và mối nhân duyên ấy lại tiếp tục, khi Anh Dũng theo cha lên Đà Lạt sinh sống, lúc mới 14 tuổi. Ấy là năm 1980. Ở nơi này, ngựa mới chính là lẽ sống còn của người Lạch, những thổ dân đầu tiên sống hoang dã, mơ mộng trên cao nguyên một thời.

Ngựa ở đây được thuần hóa từ rất sớm, cùng với sự xuất hiện của dòng người Lạch đầu tiên, chủ nhân của xứ sở Đà Lạt. Nhà nào cũng có dăm ba con ngựa và trở thành những người bạn không thể thiếu đối với người cao nguyên. Chúng giúp người chở hàng, vượt đèo dốc núi cao, đưa người đi kiểm tra công việc trên buôn rẫy và săn bắt.

Xưa, gia đình người Lạch thường dành tặng con gái hai con ngựa làm của hồi môn, để đi bắt chồng. Cũng vì sự gắn bó mật thiết giữa người và ngựa như vậy, các chàng trai K’ Ho đã biết cưỡi ngựa từ bé, chăm sóc và yêu thương chúng như với con người vậy.

Cũng từ đó, chàng trai Nguyễn Anh Dũng tập phi ngựa, trở thành tráng sĩ K’Ho lúc nào không hay. Anh rành rọt kể cho tôi nghe từng giống ngựa Đà Lạt với những đặc điểm khác nhau. Ngựa sinh trưởng trên đất cao nguyên này thường có dáng đẹp đẽ, oai vệ nhưng lại hiền lành, thanh nhã. Chúng được phân biệt gọi tên theo sắc thái của màu lông như, màu trắng gọi là ngựa bạch, nếu trắng mà pha chút đen gọi là ngựa kim.

Cảnh đua ngựa không yên ở Đà Lạt.

Vừa nói, Anh Dũng vừa mở máy tính cho tôi xem các hình ảnh về ngựa Đà Lạt, mà anh sưu tầm được. Anh hướng dẫn tôi, nếu ngựa đen tuyền gọi là ngựa ô, còn nếu đen pha đỏ tươi là ngựa vang. Nhưng khi lông ngựa đen pha tím đỏ lại thành ngựa tía... Sau đó anh chỉ cho tôi xem con ngựa vằn cao lớn đã được phối giống để làm du lịch. Đó chính là con ngựa đã gắn bó khá lâu trong cuộc mưu sinh của hai cha con anh một thời gian dài.

Khi đó anh là nài ngựa, chăn dắt cho khách thập phương đến thuê chụp ảnh và cưỡi lên núi. Anh Dũng vừa là hướng dẫn viên, vừa là người điều khiển con ngựa, chiều theo ý thích của khách. Biết bao câu chuyện đã xảy ra với hai cha con anh trên núi Lang Biang và bên cánh đồng cỏ của hồ Than Thở.

Thời gian trước đây, du khách cưỡi ngựa không có yên cương, nên dễ bị ngã. Thường xảy ra tai nạn cho du khách nếu người chăn ngựa sơ suất không để ý. Đúng là làm ăn đâu có dễ. Có lần, một cô bé ngập ngừng bày tỏ, ước gì con ngựa này có một chiếc yên như trong câu chuyện cổ Ba Tư, như nàng tiên cưỡi ngựa bay lên đám mây trên đỉnh núi. Thật đẹp biết bao. Không ngờ ước vọng ấy làm động lòng Anh Dũng. Mỗi khi cúi xuống làm bệ cho khách nhảy lên lưng ngựa là Anh Dũng lại mơ đến chiếc yên ngựa.

Đã hàng chục năm qua, ngựa Đà Lạt chỉ gấp bao bố làm đệm cho du khách ngồi chụp ảnh, chứ tiền đâu mà mua yên ngựa. Khi ấy một chiếc yên ngựa ngoại nhập về có giá tới 1.500 USD, nghĩa là bằng giá cả 6 con ngựa gộp lại. Nhưng Anh Dũng chợt nghĩ, không có tiền mua thì tự làm lấy yên ngựa, để cho du khách hài lòng. Trước hết là bảo đảm sự an toàn cho khách mỗi khi nhảy lên ngựa. Ánh mắt long lanh của cô bé ngày nào lại hiện lên như muốn thúc giục anh quyết tâm làm chiếc yên ngựa. Niềm khát khao ấy đã làm Anh Dũng thao thức nhiều ngày đêm. Và đó cũng là một khúc ngoặt bất ngờ của chàng chăn ngựa ở tuổi 17. 

Quanh chiếc yên ngựa

Mải nghe chuyện, mãi sau đó tôi mới nhận ra căn phòng mình đang ngồi ngổn ngang những dụng cụ dao kéo búa đục và vật liệu các loại da màu bao vây quanh mình. Anh Dũng mang cho tôi xem chiếc cốt yên ngựa làm theo đơn đặt hàng mới nhất. Anh bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cách đây hơn ba mươi năm khi bắt tay làm chiếc yên đầu tiên. Đó là những đêm dài “mổ xẻ” chiếc yên ngựa bằng da của một người Pháp để lại từ 50 năm trước.

Hai cha con anh vừa gỡ từng đường chỉ, vừa vẽ phác lại từng chi tiết, và ghi chép kích thước, góc cạnh của miếng da. Nhìn ngỡ tưởng đơn giản vậy mà bộ yên và dây cương ngựa có tới hàng chục chi tiết rời rạc được lắp ghép lại. Sau ba ngày đêm còng lưng lập hồ sơ cho công việc dựng một chiếc yên ngựa, hai cha con anh bắt tay cưa xẻ tấm gỗ dầu, để đẽo hình chiếc yên ngựa đầu tiên.

Tập tài liệu dày cộp được bày ra trước mặt để vừa làm vừa kiểm tra. Nào đo. Nào đẽo. Nào cưa đục, gọt giũa. Nói là theo mẫu cụ thể nhưng những đường lượn để khớp với lưng ngựa đâu có dễ. Nếu không êm ắt chú ngựa sẽ đau. Vậy là mỗi lần sửa lại một lần ra đặt lên lưng ngựa cưỡi thử. Cứ vậy suốt cả ngày nhảy lên nhảy xuống lưng ngựa cả trăm lần thử nghiệm. Đến ngày thứ hai, chú ngựa mới đứng yên vì không bị đau. Lúc ấy nó nghển đầu hý một tiếng vang cả ngọn đồi, tỏ vẻ hài lòng.

Kể đến đây, Anh Dũng mỉm cười nhớ lại, lúc đó quả là một sự kiện quan trọng ở Đà Lạt, bởi lẽ chưa bao giờ những chàng trai người Lạch cưỡi ngựa có yên cả. Họ thường kẹp đùi vào bụng ngựa, cùng với bàn tay nắm bờm để điều khiển. Năm nào trong những cuộc thi đua ngựa vào mùa xuân, người Lạch cũng phi ngựa không yên cương.

Chỉ có người Lạch mới phi ngựa không yên cương. Không ít người ngã trong cuộc thi nhưng bao giờ những chàng trai này cũng biết cách ngã sao cho không đau và có thể nhảy lên lưng ngựa đua tiếp. Khi lên Đà Lạt anh mới biết, người Lạch học cưỡi ngựa và còn học cả cách ngã từ bé, nên không mấy ai bị gãy tay chân hay chấn thương nặng. Chính vì thế nơi đây, dưới chân núi Lang Biang, là nơi duy nhất trong cả nước tổ chức cuộc thi đua ngựa không yên hằng năm.

Các kỵ mã nơi khác đến đều chỉ chạy chưa được một vòng là bị rớt đài, bay xuống bãi cỏ, vì không có cọc yên để nắm giữ thăng bằng. Hàng trăm năm nay vẫn thế. Các chàng trai người Lạch không bao giờ mơ tới chiếc yên ngựa trên đường đua. Tính lì lợm và gan dạ của họ đã làm nên màu sắc độc đáo nơi đây.

Mỗi lần phi nước đại, các chàng kỵ mã như bay lên cao. Họ nắm bờm ngựa và dướn người về phía trước rồi phi lên ngọn núi cao 2.000 mét. Đó chính là hình ảnh của những “Thánh Gióng” lãng mạn nhất trên cao nguyên Lang Biang.

Nhưng cũng chính vì thế mà không ít chuyện đã xảy ra với những nghệ sĩ điện ảnh lên Đà Lạt làm phim. Không ít người bị ngã ngựa chỉ vì không có bộ yên cương. Hoặc chiếc yên không đúng tiêu chuẩn. Anh Dũng nhớ lại các nghệ sĩ gạo cội như Lý Huỳnh, Chánh Tín, hay Hồ Kiểng đều bị tai nạn vì ngã ngựa. Riêng Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng bị gãy xương sống phải đi chữa trị cả nửa năm trời mới tiếp tục cảnh phim quay sau đó.

Những chú ngựa bên Hồ Xuân Hương.

Anh Dũng kể vào năm 2010, nghệ sĩ Lý Huỳnh quay phim dã sử ở Đà Lạt đã thuê đàn ngựa tới 70 con. Nhưng các yên ngựa đóng không chuẩn, nên ai cũng bị ngựa hất xuống đất vì đau lưng. Sau đó, ông đã phải thuê các chàng trai người Lạch phi ngựa không yên đóng thế cho nghệ sĩ trong các cảnh quay.

Theo ký ức của người Lạch kể lại, ngay từ những ngày đầu tiên lên thám hiểm Lang Biang năm 1893, bác sĩ Yersin cũng đã thuê ngựa của người Lạch để cưỡi xuyên rừng núi. Mặc dù đã bọc lót nhiều tấm bao tải êm trên lưng ngựa để cho bác sĩ ngồi lên, nhưng vẫn phải có hai người đi kèm, phòng khi ông bị tuột tay bờm ngã xuống vực núi...

Tuy sôi nổi với câu chuyện của mình, Anh Dũng vẫn không quên đưa cho tôi xem chiếc yên ngựa thứ 300 mà anh mới hoàn thành, theo đơn đặt hàng của một kỵ mã ở trường đua Sài Gòn. Anh nhớ lại, sau chiếc yên ngựa bọc da đầu tiên ngày ấy, dường như cả trăm cỗ xe ngựa chở hàng và đưa khách du lịch đi tham quan đến đặt làm yên da. Từ đó hai cha con anh ngày đêm đóng những chiếc yên ngựa mới.

Ngôi nhà trên đồi trở thành công xưởng của gia đình. Từ nơi đây cho ra đời những chiếc yên ngựa mang nhãn hiệu “Made in Da Lat”. Xưởng của Anh Dũng phát triển và có nhiều thợ trẻ góp tay làm hàng. Bởi sau này, xưởng còn được đặt hàng làm áo và mũ da cho các chàng kỵ mã. Anh Dũng trở thành nghệ nhân đầu tiên, duy nhất hiện nay ở Đà Lạt, chuyên làm yên cương ngựa và các kiểu dáng áo, mũ da cho kỵ mã.

Anh kể có năm phải thực hiện hợp đồng làm 50 bộ yên cương ngựa, cho vận đơn xuất khẩu, đã tạo nên niềm hưng phấn lớn cho sự phát triển của công việc. Hiện yên ngựa của Anh Dũng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Nhất là ở các trường đua ngựa, bộ yên cương tốt là điều kiện tiên quyết để giành chiến thắng. Khi ấy ngựa sẽ phi nhanh hơn dưới sự điều khiển bộ dây cương của các chàng kỵ mã. Nhất là những chú ngựa đua có cá tính, đều thích những bộ yên da đẹp về mẫu mã, lại phải hợp cả màu da. 

Những chiếc mũ “cowboy” thú vị

Cùng với những bộ yên da, bên góc tường nhà, tôi còn thấy những hàng mũ rộng vành mà Anh Dũng mới làm. Đó chính là những chiếc mũ dành cho những chàng chăn ngựa, chăn bò trên thảo nguyên. Một hình ảnh thú vị thường xuất hiện trên các bộ phim Mỹ. Anh Dũng cũng đã nghiên cứu nhiều kiểu dáng phù hợp để làm.

Người đặt làm yên ngựa thường đòi anh cắt thêm chiếc mũ, hay áo da cùng màu cho đồng bộ. Đó cũng là một thú chơi cả bộ của những chàng kỵ mã trên thảo nguyên Lang Biang. Bên những chiếc xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy đưa khách đi du ngoạn bên hồ hay các nẻo đường vắng bên rừng thông, ai cũng thích thú với những chiếc mũ rộng vành.

Lát sau Anh Dũng đưa tôi ra vườn hoa bên hiên nhà cùng với những vạt cỏ hồng trổ búp non phơn phớt trong nắng mai. Đây là giống cỏ mới, mang một ánh sáng màu cho những vườn hoa ở Đà Lạt. Ở nơi đó, những chú ngựa cao lớn đang gõ móng chào đón mọi người. Có lẽ chúng rất vui với bộ yên cương mới bằng da mềm, sẽ đưa du khách lên thảo nguyên bao la.

Những vạt cỏ hồng nghiêng nghiêng trong gió. Muôn ngàn sắc hoa như bay theo cùng đoàn xe ngựa đưa du khách vào cõi mộng mơ của thung lũng tình yêu. Hình ảnh chiếc mũ cao bồi (cowboy) thấp thoáng trên con đường, giữa hàng thông cao vút làm tôi thêm xao xuyến hơn, với huyền thoại về tình yêu trên đỉnh núi Lang Biang...

Vương Tâm
.
.