Ký ức lân sư rồng

Thứ Hai, 05/01/2009, 14:30
Sài Gòn những ngày cuối năm trời chầm chậm lạnh, nghe tin Đoàn Lân - Sư - Rồng Nhơn Nghĩa Đường, một trong những đoàn có thời gian hoạt động lâu đời nhất Việt Nam đang chuẩn bị làm con rồng dài nhất thế giới, chúng tôi háo hức sang tìm kiếm thông tin.

Võ sư Lưu Kiếm Xương, Trưởng đoàn Nhơn Nghĩa Đường nói là đã tìm được nguồn tài trợ, có kế hoạch chi tiết để bắt tay vô thực hiện, nhưng lại phải chờ vào dịp 1000 năm Thăng Long để cho có thêm ý nghĩa.

Vậy là ý định viết về con rồng dài nhất thế giới bị phá sản, ngồi trò chuyện với Lưu Kiếm Xương xoay quanh chuyện lân - rồng, cũng có nhiều cái thú vị mà chắc rằng, nhiều người chưa từng biết đến.

Tục múa lân - sư - rồng vào dịp tết Trung thu hay tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu hằng năm có nguồn gốc từ Trung Quốc, lâu dần múa lân - sư - rồng phát triển người ta gọi đó là nghệ thuật múa dân gian Á Đông. Khoảng đầu thế kỷ XX, lân - sư - rồng theo người Hoa nhập cư vào Việt Nam.

Ban đầu, múa lân - sư - rồng chỉ tập trung quanh khu vực có nhiều người Hoa sinh sống, như khu Chợ Lớn chẳng hạn. Võ sư Lưu Kiếm Xương nói người Hoa di cư, lập đoàn lân chủ yếu là để truyền bá võ công ít ai nghĩ đến lấy nghề này làm kế nuôi thân.

Như thân phụ ông, võ sư Lưu Hào Dương, sáng lập Nhơn Nghĩa Đường là để truyền bá môn võ Thiếu lâm Châu Gia. Ban đầu là thế, nhưng về sau nhiều môn sinh của đoàn lân mới lấy nghề múa làm nghiệp.

Truyền thuyết kể rằng, Đức Di Lặc đã hóa thân thành người và chế ngự được một quái vật (con lân) từ dưới biển lên bờ phá hoại. Đức Di Lặc hóa thân thành người, gọi là ông Địa, lấy cỏ linh chi trên núi cho quái vật ăn và hàng phục được nó, biến nó thành con thú ăn thực vật.

Từ đó, mỗi năm ông Địa lại dẫn nó xuống núi chúc tết mọi người, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện. Ông Địa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào.

Sau này, người ta thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được "thức ăn" này. Tất nhiên, ông Địa không cùng trèo với lân mà chỉ cùng lân múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru lân ngủ hoặc đánh thức lân dậy.

Kỳ lân xuất thế.

Cảnh ông Địa vuốt ve lân và lân mơn trớn ông Địa, thể hiện được tình cảm và sự hòa hợp sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, an lạc.

Trong màn múa lân - sư - rồng, tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa là loại nhạc nền đặc biệt quan trọng. "Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...", là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chập chõa. Trống đánh trong các cuộc múa lân - sư - rồng gọi là Thất tinh cổ (trống bảy sao).

Người đánh trống phải là người trưởng phái, hoặc phụ tá thứ nhất của trưởng phái. Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp của lân, sư hay rồng như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, nhờ đó mới có thể diễn tả được hết hùng khí của lân, sự oai phong của sư và rồng.

Thực tế, trước đây Sài Gòn không có múa rồng, mãi cho đến năm 1944-1945 múa rồng mới xuất hiện. Nguyên thủy của múa rồng Việt Nam do ông Trần Bồi, một chủ cơ sở sản xuất xà bông Trung Nam ở miệt Sa Đéc (Đồng Tháp), vốn là người gốc Phước Châu (Phúc Kiến - Trung Hoa), nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rồng, tổ chức đội múa từ các thanh niên là công nhân trong xưởng của ông. Múa rồng có rất nhiều điệu khác nhau, người ta cho rằng có đến hơn 30 điệu.

Trong múa lân, chia ra làm hai loại: loại lân có sừng và lân không sừng. Lân không sừng giống hổ là biểu tượng của tháng Giêng. Đầu lân không sừng dùng để múa, thường dính vào sau gáy một miếng vải đỏ, viết chữ Vương lớn và đậm nét, mình lân có vòng đen.

Lân có sừng chỉ có một sừng chính giữa nên còn gọi là kỳ lân, đầu tròn lớn, màu thân giống màu đầu lân, hay được sử dụng để múa nhất. Cái đầu lân được làm rất công phu, còn mình là vải thêu, viền rất khéo. Có loại lân đặc biệt, nửa giống lân, nửa giống rồng, nhưng ít xuất hiện trong các buổi trình diễn.

Có nhiều kiểu múa lân, như "Độc chiếm ngao đầu": một con lân biểu diễn, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng.

"Song hỉ": gồm hai con lân cùng biểu diễn, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp. "Tam tinh": gồm 3 con lân hợp múa với 3 màu vàng, đỏ, đen, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành (3 điều tốt gồm Phúc, Lộc và Thọ).

"Tam anh": gồm 3 con lân cùng múa, diễn tả Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vừa hùng dũng, vừa có chí lớn, vừa thương yêu, gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt... Cũng có khi, do khác biệt địa phương mà lân chia thành 2 phái: Nam sư và Bắc sư. Phái múa lân Nam sư bắt nguồn từ sông Trường Giang nằm ở phía nam Trung Hoa, thường gọi Nam Giang.

Phái Bắc sư có nguồn gốc ở vùng Bắc Kinh. Các bài múa của phái Nam sư được phỏng theo từng động tác của mèo, như: vồ mồi, ngủ, đi, đứng... nên thường mềm mại, uyển chuyển, vì thế các võ sinh ở phái này thường cao gầy, khinh công giỏi, nhanh nhẹn. Ngược lại phái Bắc sư mô phỏng các động tác lân theo tư thế của sư tử, nên rất dũng mãnh, sức khỏe cực tốt, cước bộ chú trọng chữ "Cương".

Một trong những cái tạo nên độ oai dũng cho lân - sư - rồng chính là phần họa tiết trên đầu. Trước năm 1975, phần đầu lân - sư hoặc rồng thường được nhập từ Đài Loan về Việt Nam. Mãi sau khi đất nước thống nhất, đầu lân - sư - rồng mới được làm tại Việt Nam.

Lân - sư - rồng "đặc chủng" là loại hàng cao cấp, dành cho các đội chuyên nghiệp múa có biểu diễn võ thuật. Một đầu lân, sư nặng từ 3kg đến 6kg và một đầu rồng có thể nặng từ 3kg đến 20kg. Thời gian hoàn tất cũng phải hơn một tuần đối với đầu lân - sư, và hơn nửa tháng đối với một đầu rồng.

Nếu như phần râu, lông mi, lông mày... của lân - sư - rồng "hàng chợ" được làm bằng sợi cước, lông dê, lông thỏ, lông nhân tạo...; thì ở loại hàng cao cấp này, thường được làm bằng lông cừu nhập từ nước ngoài.

Có khi lân - sư - rồng "đặc chủng" được trang trí thêm dàn đèn điện tử chớp tắt. Ở một đầu lân - sư được gắn từ 200 - 800 bóng đèn; còn ở rồng phải cần trên 4.000 bóng đèn cho toàn thân.

Võ sư Lưu Kiếm Xương nói cái thời lân - sư - rồng mới bắt đầu phát triển ở Sài Gòn, trong làng có những quy tắc không thành văn, bất di bất dịch. Đẳng cấp lân được thể hiện thông qua màu sắc của râu: râu đen, râu mè (vừa đen vừa bạc) và râu bạc. --PageBreak--

Với những con lân đeo râu đen, đoàn lân được thành lập chưa đến 10 năm, khi gặp lân râu mè (đoàn lân được thành lập gần 30 năm), phải cúi chào và nhường đường. Cái tục ấy đối với lân râu bạc cũng thế. Ít khi, với những con lân râu đen ngổ ngáo, gặp lân râu mè hay râu bạc, sau tiếng cheng và trống chào mà không tránh đường.

Chỉ cần lân râu mè hay râu bạc đá râu nhắc nhở, chưa phải đến độ "chạm đầu lân", lân râu đen ngay lập tức hiểu phận hậu bối của mình. Bởi đơn giản, những con lân râu bạc thường được điều khiển bởi các cao thủ võ công dày dạn kinh nghiệm. Lân râu đen khó có khả năng làm đối thủ khi xảy ra sự không hay.

Có chi tiết mà võ sư Lưu Kiếm Xương kể rất thú vị, là chuyện lân leo cột, hay gọi  là "Cao không hái lộc". Thì ra nguồn gốc của tiết mục này  xuất phát từ Việt Nam. Thời đó, để cho tiết mục múa lân thêm hấp dẫn các đoàn lân - sư - rồng ở khu Chợ Lớn, sáng tạo thêm trò leo cây cao để lấy tiền thưởng từ gia chủ.

Thân cây thời đó thường là loại tre già, cao ngất ngưởng. Một môn sinh mang đầu lân, sư hoặc rồng leo lên đỉnh hái "lộc", thường là tiền. Từ đó, "Cao không hái lộc” trở thành tiết mục được yêu thích ở nhiều nước thuộc vùng Á Đông, và thường được các đoàn lân - sư - rồng biểu diễn.

Một trong những tiết mục được ưa thích của múa lân - sư - rồng kế tiếp là màn biểu diễn Mai Hoa Thung. Theo truyền thuyết, để phân định thứ bậc trong giang hồ, mỗi năm cứ độ xuân về, các bậc cao thủ trong võ lâm hẹn nhau đến Mai Hoa Thung tranh tài cao thấp.

Đây là một rừng mai được cưa cành chỉ còn trơ lại gốc. Người đấu phải di chuyển từ gốc mai này sang gốc mai khác, chân không được chạm đất, nếu chạm đất hoặc ngã xuống thì coi như thua.

Những cuộc tỉ thí ở Mai Hoa Thung được gọi là "thập tử nhất sinh". Ngày nay, người ta mượn các chiếc cột từ thấp đến cao tượng trưng cho các gốc mai để các con lân, sư tử đứng tấn lúc biểu diễn.

Cứ thế, múa lân - sư - rồng đi dần vào tiềm thức của người Việt bao giờ chẳng rõ. Cái tiếng "tùng… tùng... cắc..." mỗi khi năm hết tết đến, luôn gợi ra sự háo hức, nôn nao khó tả trong lòng mỗi người.

Ngày ấy, lân - sư - rồng được điểm trang dưới chân màu đỏ quyến rũ của xác pháo, nay cái màu quyến rũ ấy đã không còn nữa. Nhưng, không vì thế mà lân - sư - rồng mất đi cái nét tâm linh độc đáo qua từng nét hỉ, nộ, ái, ố của chính mình - những nét hỉ nộ đời thường

Kinh Hữu
.
.