Ký ức “thời hoa lửa” của một Đại tá Công an Hà Nội

Thứ Hai, 30/04/2018, 17:59
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có hơn 1.000 cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam (B, C, K). Họ đã hy sinh một phần tuổi xuân, thậm chí cả xương máu của mình để góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong những cựu binh ấy có Đại tá Nguyễn Việt Cường - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội. Sau 2 lần đi B, ông trở lại miền Bắc tiếp tục cống hiến cho Công an TP Hà Nội.

1. Chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ trên phố Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong tiết trời se lạnh của cái “rét nàng Bân”. Năm nay bước sang tuổi 76, Đại tá Nguyễn Việt Cường vẫn rất minh mẫn. Ông nhắc lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa một cách say mê, tự hào.

Năm 1972, Đại tá Cường (khi ấy mới mang quân hàm trung sỹ) được sự phân công của Công an TP Hà Nội, cùng hàng trăm đồng đội tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước đó, bộ đội ta đã mở chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị.

“Sau hàng chục ngày hành quân, khi thì đi ô tô, lúc lại tăng bo, tổ công tác chúng tôi đã có mặt tại tuyến lửa Vĩnh Linh. Tại đây, dưới sự chỉ đạo từ Bộ Công an và Quân ủy Trung ương, chúng tôi bắt tay vào một chiến dịch không tiếng súng nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là “chiến dịch Rồng xanh” - Đại tá Cường nhớ lại.

Thời điểm từ năm 1968-1971, Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhận thấy một trong những nguyên nhân thất bại của chúng là việc in thẻ căn cước cấp cho nhân dân miền Nam, kỹ thuật khá sơ sài, Đây là điều kiện để cán bộ cách mạng và các chiến sĩ biệt động, tạo thế “hợp pháp” đi lại tự do, đưa vũ khí, đạn dược từ căn cứ vào vùng chúng kiểm soát.

Đại tá Nguyễn Việt Cường (bên trái) cùng anh trai tại TP Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng.

Chính vì vậy, một trong những biện pháp ngăn chặn của chúng là thay đổi thẻ căn cước cấp cho nhân dân miền Nam. Thẻ căn cước mới có hình “rồng xanh” trên bề mặt thay cho hình “khóm tre”, có chất phát quang sẽ hiện lên khi đưa vào máy kiểm tra, ngoài được ép nhựa dẻo bảo vệ. Toàn bộ vật tư, công nghệ làm thẻ căn cước là của Mỹ đưa sang và thực hiện công đoạn cuối ở Sài Gòn. Chúng tin tưởng rằng, với giải pháp kỹ thuật này, “Việt cộng” không thể làm giả.

Việc chính quyền Sài Gòn thay đổi thẻ căn cước cấp cho nhân dân miền Nam đã gây cho ta những khó khăn rất lớn, cán bộ ta hoạt động trong lòng địch, nhưng không có những giấy tờ cần thiết để “hợp pháp hóa”.

Cùng với các cán bộ chiến sỹ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ ở Hà Nội, tổ công tác của Đại tá Cường ngày đêm lao vào nghiên cứu, tìm tòi để làm sao có thể sản xuất thành công thẻ căn cước giống hệt thẻ “rồng xanh”, khiến kẻ địch không thể phát hiện ra.

Sau nhiều ngày khổ công nghiên cứu, thử nghiệm, tổ công tác của Đại tá Cường, được sự hỗ trợ từ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) đã sản xuất được hàng vạn thẻ căn cước “rồng xanh”, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, cấp cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động an toàn, “hợp pháp” trong vùng địch kiểm soát.

“Xác định tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, cán bộ chiến sỹ trong tổ công tác luôn cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm ấy vừa từ nước bạn trở về nhưng tôi đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mọi bề. Những bữa cơm độn khoai độn sắn, thậm chí ăn hạt bo bo không làm giảm ý chí chiến đấu. Bên cạnh việc làm giấy tờ, căn cước “rồng xanh”, anh em còn xuống tận cơ sở để tham gia công tác “lọc” ngụy quân ngụy quyền còn sót tại nhiều thôn, xã các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh...”.

Sau gần 2 tháng “nằm” ở Quảng Trị, khi liên quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tổ chức cuộc phản công nhằm chiếm lại thành cổ, Đại tá Cường cùng tổ công tác thuộc Bộ Công an được lệnh rút ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Trên đường trở ra Bắc, tổ công tác đã nhiều lần bị máy bay địch ném bom, hút chết. Có đồng đội của Đại tá Cường còn bị lạc, sau 3 tháng mới tìm về lại đơn vị.

Tháng 2-1975, Đại tá Cường tiếp tục được lệnh đi B lần thứ hai. Khi tổ công tác vừa vào đến Huế thì Huế giải phóng. Sau đó là Đà Nẵng. Khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, tổ công tác được lệnh hành quân vào tiếp quản, đến sáng 3-5-1975 thì có mặt tại thành phố. Tại đây, Đại tá Cường cùng đồng đội được phân công tiếp quản kho hồ sơ, tài liệu của tổng nha cảnh sát Việt Nam Cộng hòa. Tổ công tác nhanh chóng đảm nhận các nhiệm vụ mới là nghiên cứu về phương pháp kỹ thuật hình sự của Việt Nam Cộng hòa, tiến hành phối hợp làm rõ các vụ án giết người cướp của trên địa bàn  thành phố; mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật hình sự cho lực lượng công an các tỉnh miền Đông, miền Tây... Cho đến cuối năm 1978, Đại tá Cường trở lại công tác tại Công an TP Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Việt Cường (ngoài cùng bên phải) và đồng đội trong một buổi họp mặt truyền thống.

Theo tài liệu từ Công an thành phố, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hơn 1.000 cán bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng của Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam. Đã có gần 70 chiến sỹ hy sinh, trước khi Sài Gòn được giải phóng.

Mới đây trong buổi gặp mặt thân mật cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tá Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc Công an  thành phố nhớ lại. Ngày ấy được lệnh lên đường, các cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô ai cũng háo hức muốn được ra ngay mặt trận. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đường đi là những gian lao, hiểm nguy, bom đạn rình rập, không ai nản chí, các cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội đã vượt mọi gian lao vất vả, nêu cao vai trò xung kích, tham gia các mũi tấn công, kịp thời chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của các tổ chức tình báo, biệt kích, cảnh sát, chiêu hồi, nhà lao, nhanh chóng triển khai các công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng giải phóng. Mỗi cán bộ Công an Hà Nội đều rất vinh dự và tự hào đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975.

2. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thuở nhỏ Nguyễn Việt Cường rất có năng khiếu với kỹ thuật, máy móc. Hơn chục tuổi, cậu đã có thể tháo lắp toàn bộ các chi tiết của một chiếc xe máy. 18 tuổi, Nguyễn Việt Cường vào làm việc tại một xưởng cơ khí. Tuy nhiên, đường đời của anh đã rẽ ngoặt sang một hướng khác, khi mà trong lúc chờ đợi người chủ xưởng đồng ý, Cường thử nộp đơn vào lớp huấn luyện 4 tháng của Công an thành phố và trúng tuyển.

Sau nhiều ngày miệt mài tại trung tâm huấn luyện và trên thao trường, Nguyễn Việt Cường được phân về làm cảnh sát giao thông rồi cảnh sát trật tự... Năm 1967, Nguyễn Việt Cường được lãnh đạo Công an  thành phố cử sang Cộng hòa dân chủ Đức, học lớp nghiệp vụ về khoa học hình sự. Tốt nghiệp, Nguyễn Việt Cường trở về nước và nhận lệnh tăng cường đi “B” như chúng tôi đã kể ở trên.

Trở lại Công an  thành phố, Chuẩn úy Nguyễn Việt Cường trải qua nhiều vị trí công tác như cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự. Có thời điểm ông được điều làm Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng. Song, cuối cùng ông vẫn quay về Phòng Kỹ thuật hình sự.

Hơn 20 năm tham gia điều tra các vụ trọng án cùng lực lượng cảnh sát hình sự, Đại tá Nguyễn Việt Cường cùng đồng đội đã giải quyết hàng trăm vụ án lớn nhỏ. Đặc biệt ông đã “ghi dấu ấn” trong nhiều vụ kỳ án. Một trong số đó là vụ án “cái đầu lâu” xảy ra trên địa bàn quận Đống Đa vào năm 1992.

Một buổi sáng, người dân đi vớt bèo phát hiện ra tại ao bán nguyệt (quận Đống Đa) một chiếc đầu người, nằm gọn trong chiếc gầu múc nước đang nổi lập lờ. Thông tin này nhanh chóng được báo về Cơ quan công an. Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm một phần tử thi, cơ quan điều tra sơ bộ kết luận chiếc đầu đó là của nam giới, chết trước đó khoảng 1 tuần lễ.

Tham gia ban chuyên án, Đại tá Cường đề xuất 2 phương án tìm kiếm manh mối liên quan từ chiếc gầu múc nước. Một là tìm kiếm những nhà dân có bán kính từ 3-5km tính từ tâm hiện trường vụ án mà có giếng khơi. Cùng với đó là rà soát những gia đình bán hoa, cây cảnh nơi hay sử dụng gầu múc nước - cũng trong bán kính đó.

Sau nhiều ngày rà soát, trinh sát hình sự phát hiện tại ngôi nhà của một tay bác sỹ có một chiếc gầu múc nước mới tinh. Đại tá Cường đã có mặt tại đây. Sau vài câu hỏi thấy vợ tay bác sỹ có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tiếp tục quan sát trong vườn nhà đối tượng, Đại tá Cường thấy một hố rác, trước kia là hố tôi vôi, có những biểu hiện “lạ”. Ông dùng một thanh sắt 6 cắm xuống vài mét và đưa lên mũi ngửi. Giác quan của một kỹ thuật viên hình sự lâu năm đã không đánh lừa ông. Tiến hành đào bới tại hố rác, cơ quan điều tra thu được một phần thi thể người. Tay bác sỹ được mời lên đấu tranh, song hắn vẫn một mực không khai.

Tiếp tục kiểm tra vườn nhà đối tượng, Đại tá Cường phát hiện ra một số cây hồng có lá tươi, lá héo. Ông lại gần nhổ lên (rất dễ, vì mới trồng) thì phát hiện ra thêm nhiều phần thi thể khác của nạn nhân được chôn phía dưới. Cùng với các chứng cứ khác, cơ quan điều tra đã buộc tay bác sỹ phải thú nhận hành vi giết người. Do mâu thuẫn về làm ăn với nạn nhân, gã đã dùng vật tày giết và dùng dao phân xác “chia” đi khắp nơi nhằm che giấu tội lỗi.

Đại tá Nguyễn Việt Cường (ngoài cùng bên trái) và đồng đội nghiên cứu dấu vết một vụ án.

Năm 1999, tại Hà Nội xảy ra vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh gây rúng động dư luận. Tham gia điều tra vụ án nổi tiếng này, Đại tá Cường trực tiếp tiến hành giải phẫu tử thi của 4 nạn nhân. Cơ quan công an cũng thu được một chứng cứ rất quan trọng là dấu vân tay có dính máu của hung thủ.

Sau 3 ngày khẩn trương rà soát, nghiên cứu giám định hơn 20 danh chỉ bản của các đối tượng tình nghi được gửi từ các tỉnh về, giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự vẫn chưa xác định được vân tay trùng khớp với mẫu so sánh. Đại tá Cường, sau khi họp ban chuyên án về đã tự tay rà lại từng danh chỉ bản một. Ông dừng lại rất lâu trước vân tay của đối tượng Nguyễn Minh Châu (trú tại Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Bằng kinh nghiệm cả đời làm kỹ thuật hình sự, bằng niềm tin nội tâm, ông khẳng định dấu vân tay của đối tượng giết người với Nguyễn Minh Châu là một.

“Khi mang tài liệu sang báo cáo với lãnh đạo Công an Hà Nội, tôi đã dùng khoa học hình sự giải thích, do danh chỉ bản của đối tượng được chuyển qua fax nên vân tay không thể chuẩn được 100%. Tôi đã lấy danh dự của mình ra khẳng định hung thủ chính là Nguyễn Minh Châu, đề nghị ra lệnh truy nã hắn. Ít ngày sau đó, tên Châu đã bị bắt giữ” - Đại tá Cường nhớ lại.

Năm 2002, Đại tá Cường nhận quyết định nghỉ chờ hưu. Năm 2003 thì nhận quyết định chính thức. Về sinh hoạt tại địa phương, ông vẫn tham gia công tác tại hội cựu chiến binh, làm thơ ngợi ca cuộc sống. Mỗi dịp 30-4, ông lại tụ họp anh em bạn bè, để nhớ về một thời gian lao, để tri ân những đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Minh Tiến
.
.