Ký ức “vua voi” trăm tuổi

Thứ Tư, 23/12/2009, 22:55
Săn voi, công việc đặc biệt của người dân Buôn Đôn đã từ lâu không còn được tổ chức như trước. Người săn voi nổi tiếng nhất Tây Nguyên một thời bây giờ đã bước sang tuổi 100 và sống chủ yếu nhờ bài thuốc nam gia truyền. Dẫu vậy, ký ức của "vua voi" Ama Kông về những ngày tháng oai hùng ấy vẫn không thể nào quên.

Bản Đôn (Buôn Đôn) gắn với tên núi, tên sông về một vùng đất trữ tình rất nên thơ trong làng văn hóa du lịch Tây Nguyên. Đến Đắk Lắk, du khách ai ai cũng nghĩ ngay về vùng đất bản Đôn kỳ thú, nơi có dòng sông Sêrêpôk chảy qua tuyệt đẹp, uốn quanh như sóng lượn quanh Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đến đây, du khách được vui lòng với những chú voi chăm chỉ phục vụ, những chiếc lông đuôi voi được biến thành quà lưu niệm đặc trưng. Và đặc biệt, du khách còn được gặp một nhân vật có một không hai ở Tây Nguyên - "vua voi" Ama Kông, người được mệnh danh có sức mạnh kỳ diệu và dẻo dai nhất vùng đất thiêng này, hiện đang bước sang tuổi 100…

Khi nhắc đến chuyện săn voi, mắt Ama Kông sáng hẳn lên như có "lửa", trong đầu ông tái hiện lại ngay những cuộc săn voi kỳ thú một thời ở Buôn Đôn. Ama Kông kể, trước khi đi săn voi, bắt đầu bằng việc tổ chức nghi lễ cúng báo với tổ tiên, đọc lời tuyên thệ, uống rượu cần... với mục đích cầu thần linh phù hộ cho đội đi săn voi gặp may mắn. Sau phần lễ, đội săn sẽ vào rừng sâu tìm voi. Đội săn voi thường là những thanh niên cường tráng, dũng cảm, cưỡi trên các con voi to, cao, đi săn dưới sự chỉ huy của một thợ săn lão luyện.

Chuyến đi săn nhiều khi kéo dài đến một vài tháng. Voi rừng sẽ bị quăng thừng vào chân sau và bị bắt về nhà để thuần dưỡng. Trong nghề săn voi, ai săn được từ 36 con trở lên mới được coi là thợ săn lão luyện. Voi sau khi về bản Đôn sẽ trở thành người bạn thân thiết, chuyên vận chuyển hàng hóa, lao động giúp ích cho con người...

Ama Kông là cháu của "vua săn voi" - Khun Ju Nốp, bắt đầu vào nghề săn voi từ năm 13 tuổi. Khi ấy Ama Kông đã làm thợ phụ trong đoàn săn voi của buôn, đến năm 17 tuổi ông trở thành thợ chính. Có những chuyến đi Ama Kông đã bắt được gần chục con voi. Chuyến đi săn voi cuối cùng của Ama Kông vào năm 1985, ròng rã 48 ngày, qua tận Campuchia và bắt được 7 con voi.

Trong chuyến săn lịch sử đó, ông đã bắt được một lúc 2 voi rừng khá đặc biệt. Một trong 2 voi cuối cùng Ama Kông bắt chính là con Khăm Thưng nổi tiếng thông minh, từng vô địch trong các hội voi Buôn Đôn. Khá nhiều voi trong tổng số 298 voi rừng cả đời Ama Kông săn được đã hiến cho cách mạng dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí.

Nhờ thành tích góp voi cho kháng chiến, năm 1954 Ama Kông được Bác Hồ gửi giấy khen kèm khoản tiền thưởng 50 nghìn đồng. Ngày ấy Ama Kông và hai người anh em kết nghĩa là Thiếu tướng Y B'lôk và cố bác sĩ Y Ngông rủ nhau đi học trường Tây. Sau đó hai người này đi theo cách mạng kháng chiến, còn Ama Kông ở nhà bắt voi đổi lương thực cung cấp cho bộ đội.

Ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk hiện có một khu nghĩa địa nhỏ với những ngôi mộ được xây cất rất đặc biệt, nằm lọt thỏm trong một khu rừng thưa, chỉ dành riêng cho những Gru (dũng sĩ săn voi) nổi tiếng của bản Đôn. Mộ của "vua săn voi" - Khun Ju Nốp nằm ở vị trí trung tâm khu nghĩa địa.

Khun Ju Nốp tên thật là Y Thu Knul, sinh năm 1828, mất năm 1938, thọ 110 tuổi, là một trong những người khai phá, sáng lập ra bản Đôn và nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây. Bản Đôn là cách gọi của người Lào, còn người Ê Đê gọi là Buôn Đôn. Thành tích của Khun Ju Nốp săn bắt được khoảng gần 500 con voi, trong đó có nhiều con voi đực 1 ngà. Đặc biệt, ông là người đã săn được con voi đực màu trắng. Theo luật tục, chỉ có các bậc vua chúa mới được sử dụng voi trắng nên ông đem con voi này biếu cho vua nước Xiêm La và được ông vua này phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp, nghĩa là "vua săn voi". Có một bi kịch là "vua săn voi" thọ đến 110 tuổi, nhưng không có con trai nối dõi.

Ama Kông gói thuốc để bán.

Ngôi nhà sàn của "vua săn voi" lớn nhất vùng bản Đôn, nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đã có tuổi thọ khoảng trên 130 năm. Ama Kông kể rằng, ngôi nhà được Khun Ju Nốp mua với giá "12 con voi đực có cặp ngà lớn". Sau khi Khun Ju Nốp qua đời, do không có con trai nối dõi nên ngôi nhà được giao lại cho Ama Kông, cháu ngoại của "vua săn voi".

Năm 1954, ngôi nhà bị cây đổ xuống đè sập mất một gian và cho đến nay, những người trong gia đình Ama Kông chưa có điều kiện tu sửa lại nên vẫn giữ nguyên hiện trạng. Hiện ngôi nhà là một điểm du lịch thuộc Trung tâm Du lịch sinh thái văn hóa bản Đôn.

Kỷ vật còn lại duy nhất của "vua săn voi" Khun Ju Nốp là chiếc mâm đồng. Tương truyền đây là chiếc mâm mà Khun Ju Nốp thường dùng để cúng voi khi ông sang Lào săn voi. Nó được con cháu "vua săn voi" tìm kiếm và đưa về Việt Nam năm 1959.

Cháu ngoại của "vua săn voi" Khun Ju Nốp là Ama Kông được tôn vinh từ thành tích đạt kỷ lục săn bắt 298 con voi rừng. Tên trong khai sinh của Ama Kông hiện tại là Y Prông Êban. Còn tên theo người Lào của ông là Khăm Proong. Nhưng theo phong tục của người dân bản địa, sau khi lấy vợ, sinh con thường lấy tên con gọi cho cha.

Y Prông Êban sinh con trai đầu lòng đặt tên Y Kông nên thường gọi ông là Ama Kông (tức cha thằng Kông). Ama Kông không chỉ nổi tiếng về tài nghệ săn và thuần dưỡng voi mà còn nổi tiếng là người "sành điệu" các loại nhạc cụ dân tộc như thổi tù và... khiến các thiếu nữ vùng bản Đôn say đắm.--PageBreak--

Trong hồ sơ căn cước của Ama Kông ghi sinh năm 1917, nhưng theo phía gia đình ông cho rằng Ama Kông sinh năm 1910. Đến giờ, tổng kết cuộc đời đã qua của Ama Kông có tới 4 vợ, 21 người con. Đặc biệt, Ama Kông có bài thuốc gia truyền, tráng dương, bổ thận được ca ngợi hết lời. Bài thuốc này cũng từng bị tranh giành một cách quyết liệt về sự kế thừa bản quyền sản phẩm.

Vợ đầu của Ama Kông là H'Nô, con ruột của Y Leo. Y Leo là em ruột của Y Thu và Y Ki. Vì Y Thu (Khun Ju Nốp) không có con nên khi Ama Kông và H'Nô còn nhỏ đã được “vua săn voi” Y Thu đưa về nuôi và sau đó cho 2 người lấy nhau thành vợ chồng. Đây là cuộc hôn nhân bất thường vì cùng huyết thống (con anh em ruột lấy nhau), nhưng theo lý giải vì khi ấy anh em Y Thu - Y Ki - Y Leo từ Đôn Thâu, Pắc Xế (Lào) sang lập nghiệp ở vùng bản Đôn, săn được nhiều voi và thú rừng trở nên giàu có nhất khu vực nên họ quyết định cho con cái lấy nhau để không phải chia của cải cho người ngoài dòng tộc.

Sau khi sinh được 2 người con thì H'Nô mất năm 1941 do bị bệnh hậu sản. Theo tục nối dây, em gái của H'Nô là H'Hốt thay chị lấy Ama Kông. Ama Kông từng được người Pháp đưa ra Buôn Ma Thuột học chữ Tây và chữ ta, nhưng chỉ đến lớp 4 thì ông bỏ học.

Năm 1961, Ama Kông săn được con voi trắng quý giá, thứ voi chỉ dành riêng cho vua chúa sử dụng, nên ông đành phải đem biếu cho Ngô Đình Diệm và được Ngô Đình Diệm tặng lại 3 khẩu súng và rất nhiều tiền bạc. Ông dùng số tiền đó mua 1 con voi đực lớn chỉ có 1 ngà, 1 xe Jeep... Con voi đực này sau đó đã có công lớn trong việc giúp bộ đội ta vận chuyển lương thực, đạn dược.

Sau khi Nhà nước nghiêm cấm săn bắt thú rừng, Ama Kông về làm việc tại Vườn Quốc gia Yok Đôn và bây giờ nghỉ ở nhà sống nhờ bài thuốc nam gia truyền. Vua voi Ama Kông từng chinh phục gần 300 chú voi dữ tợn, đấu với hàng trăm bò rừng và cũng là người sở hữu hàng trăm bài thuốc quý, nổi tiếng đào hoa nhưng rồi cả đời cũng khổ vì... tình. Chuyện săn voi ông giỏi, “săn gái" thì cũng thật tài.

Năm 1973, Amí Liêng, người vợ mới sinh con út được ít hôm thì Ama Kông dẫn về nhà cô bạn tình H'Biai với đứa con gái riêng 5 tuổi để xin vợ hai cho phép cưới vợ ba. Amí Liêng đau khổ đòi uống thuốc độc tự tử. Ama Kông hoảng sợ và cuối cùng cưỡi một con voi đực 2 ngà cùng bộ đồ nghề săn voi qua buôn Trí sống với mẹ con H'Biai.

Nhỏ hơn Ama Kông 20 tuổi, H'Biai lại say sưa ăn chơi, rượu chè nên cuối cùng Ama Kông và H'Biai cũng chỉ ở với nhau hạnh phúc chưa đầy 10 năm. H'Biai chết vì trúng gió sau một cơn say. Sau đó Ama Kông gặp Hồng Khăm... Những mối tình đầu của ông đẫm nước mắt khi chia lìa, còn tình sau kết thúc bằng sự ly hôn...

Báo chí gần đây nói nhiều về chuyện tình cuối đời của Ama Kông với Hồng Khăm, người vợ chính thức cuối cùng của Ama Kông. Hồng Khăm nhỏ hơn Ama Kông 50 tuổi nhưng khi gặp nhau nàng lại muốn ngỏ ý cưới Ama Kông làm chồng. Rồi ngày ngày Ama Kông cưỡi voi vào rừng hái thuốc về bán để chăm lo cho người đẹp. Từ đó bài thuốc T'klơng M'lêng trở thành mặt hàng bán đắt như tôm tươi, nổi danh khắp thiên hạ và tạo lòng tham cho nhiều người muốn tìm cách chiếm đoạt, dẫn đến kiện tụng.

Voi tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Mới đây, Sở Y tế Đắk Lắk đã cấp cho Khăm Phết Lào giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền Ama Kông. Khăm Phết là con thứ 7 của bà vợ hai Ama Kông, người được Ama Kông truyền nghề thuốc và được thừa kế thương hiệu thuốc của Ama Kông. Bài thuốc cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ ký Quyết định số 72097, ngày 24/11/2008 chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu kế thừa bài thuốc nam gia truyền chuyên trị đau lưng, nhức mỏi, kém ăn, mất ngủ, khớp, bổ thận tráng dương của Ama Kông.

Kể từ ngày Y Thu được Vua Thái Lan phong danh hiệu Khun Ju Nốp có nghĩa là "vua săn voi", thì những Gru săn voi nổi tiếng từ Lào, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia đến thăm hỏi và tặng quà thường là một bài thuốc gia truyền. Nhờ đó, Y Thu biết hơn 2.000 bài thuốc quý. Ama Kông khéo thuyết phục lắm mới được truyền cho những bài thuốc quý này. Trong xã hội hiện đại ngày nay, không ít người trở thành nạn nhân của tệ ăn nhậu, chơi bời nên sớm bị bất lực và bài thuốc trị chứng "trên bảo dưới không nghe" ấy lại càng được tôn vinh như thuốc thần.

Trở lại chuyện mối tình cuối của Ama Kông, do ngày càng rơi vào bi kịch nên đã phải chia tay. Cuộc phân chia đất vườn, căn nhà lớn, 2 con trâu đều cho mẹ con Hồng Khăm và Amí Búp. Ama Kông chỉ nhận về mình 4 con bò, căn chòi nhỏ, 2 sào ruộng và 2 chỉ vàng để chi phí điều trị bệnh. Tuổi 100 của ông đang dần qua với bao nỗi buồn cuối đời, nhưng ông lại cảm thấy thảnh thơi để có phút giây tự mình nghĩ về đời mình. Câu chuyện của một chàng thợ săn voi dũng mãnh, đa tình một trăm năm đã đi qua

Ngọc Như
.
.