Lại câu chuyện "giải cứu" nông sản
- Thanh niên, phụ nữ Công an “giải cứu” hàng chục tấn nông sản
- Đà Nẵng "giải cứu" nông sản giúp nông dân Hải Dương
“Mặc áo” cho nông sản vùng dịch
Những ngày này, trên các con đường ở TP Hồ Chí Minh cũng như các khu chợ, cổng công ty, Khu chế xuất tràn ngập hàng “giải cứu”, nhiều nhất là bắp cải Hà Nội, su hào, khoai tây, cà rốt Hải Dương... với giá rất “mềm”. Tại chợ Thủ Đức, bắp cải đổ đống bán 8-10 ngàn đồng/bắp, khoảng 1-1,2kg, cà rốt 10-15 ngàn đồng/kg. Nghe từ “giải cứu”, rất đông người dân, công nhân ào vào mua, người nào ít nhất cũng ủng hộ 1kg. Chưa đầy 1 tiếng hô hào, gào thét, chủ vựa đã bán sạch hàng tạ nông sản các loại.
Giá thành nông sản “giải cứu” mà các vựa đang bán ngoài vỉa hè hoặc xe ba gác rẻ hơn vài ngàn so với giá rau củ quả các tiểu thương bán trong chợ. Tuy nhiên, không hề có hiềm khích hay khó chịu giữa tiểu thương tại chỗ và lái buôn di động, đa số mọi người vui vẻ ủng hộ vì họ cho rằng, đó là cách chia sẻ với bà con vùng dịch.
Rau củ quả “giải cứu” được nhóm thiện nguyện bắc loa kêu gọi người dân tới nhận |
Bên cạnh đó, một số tiểu thương có nhiều kinh nghiệm buôn bán nông sản đã hoài nghi những chuyến xe “giải cứu” và cất công đi điều tra. Ông Lê Văn Đ. (45 tuổi, tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức) đã dành hẳn 2 ngày trời lần theo xe nông sản “giải cứu” của nhóm lái buôn do người đàn ông tên Hảo làm chủ.
Nhóm này gồm 5 người, 3 đàn ông và 2 phụ nữ xuất hiện gần một tháng nay và phân ra làm 2 nhánh. Một nhóm đổ hàng tại khu chế xuất Linh Trung 2, một nhóm về chợ Thủ Đức. Trung bình mỗi ngày, nhóm này bán được từ 3 -5 tạ nông sản bao gồm bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua. Theo điều tra của ông Đ., đây là nông sản từ Hà Nội nhưng không phải theo tinh thần “giải cứu”. Nhóm của Hảo thuộc F1, lấy nông sản từ một đầu mối F0 tại Hà Nội. F0 là một đại lý phân phối nông sản số lượng lớn đi khắp cả nước.
Họ có chân rết tại các vựa nông sản lớn ở phía Bắc. Mùa dịch, các chân rết đi thu gom hàng của nông dân với giá chạm đáy, buộc nông dân bán với giá rẻ như cho hoặc mang đi đổ bỏ. Giá củ cải trắng thu mua tại ruộng chỉ 1.000 nghìn đồng/kg, bắp cải 2.000 nghìn/kg, cà rốt 4.200 nghìn/kg... Đây là nông sản loại 1, nếu là loại 2 hoặc 3 thì giá giảm xuống một nửa.
Khi vào tới Tp. Hồ Chí Minh, những nông sản này được khoác chiếc áo “giải cứu” đầy nhân văn và cao thượng. Vì hàng “giải cứu” nên cũng không ai mặc cả hay kỳ kèo giá thành. Hễ người bán hô bao nhiêu thì là bấy nhiêu. Bắp cải, cà rốt, cà chua được “đội” lên gấp chục lần, tiền lời như nước đổ vào túi con buôn. Ông Đ. tính nhẩm, cứ một tạ củ cải trắng mua vào 100 ngàn, bán ra 1 triệu, 1 tạ bắp cải mua vào 300 ngàn, bán ra 1,5 triệu...
“Không có quy định nào cấm việc bán nông sản “giải cứu” giá cao. Chỉ là lương tâm của mỗi người tự suy xét mà thôi. Tôi đi tìm hiểu để thỏa mãn sự tò mò, muốn rõ ràng sự thật chứ chẳng làm thay đổi được gì. Thật ra, người nông dân trong cơn bĩ cùng bán được sản phẩm là mừng vui lắm rồi, họ không quan tâm hàng của mình được lái buôn bán ra bao nhiêu đâu”, ông Đ. xót xa tâm sự.
Trục lợi trên nước mắt người nông dân
Thấy việc bán nông sản “giải cứu” ngon ăn, một số người cũng lao vào kinh doanh. Một tuần nay, chị Lê Thị Tâm (28 tuổi, P. Tân Hưng, Q.7, TP HCM) cũng đang tập tành làm nghề buôn. Chị Tâm quê ở Hải Dương, gia đình trồng bắp cải. Ban đầu, chị đăng đàn hô hào bạn bè, người quen khắp nơi ủng hộ nông sản quê hương. Rất nhiều người đã ủng hộ, chị trở thành đầu mối phân phối. Sau, thấy việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, trôi chảy, chị Tâm quyết định đóng cửa tiệm tóc vốn đang ế ẩm từ sau tết đến giờ để đi buôn.
Bác Vũ Văn Toàn (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) chặt su hào cho bò ăn. |
Đã mang danh “giải cứu”, mua hàng là để ủng hộ chứ thực ra mấy người có nhu cầu thường xuyên. Xong đợt “giải cứu” đầu tiên, chị Tâm tiêu thụ được hơn 1 tấn hàng, vun vén được chút tiền lời. Lần thứ hai, chị Tâm hô hào kêu gọi chán chê mà chẳng thấy ai thương xót nữa, chị đành đổ đống ra vỉa hè đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) ngồi bán lẻ. Tâm xuất trình CMND chứng minh mình là công dân Hải Dương nên được chủ nhà cho ngồi trước cửa nhà bán hàng. Đống bắp cải của chị Tâm do nhiều ngày không bán hết, màu xanh chuyển dần sang màu trắng, mềm úa, nhìn không được bắt mắt nên bán rất chậm.
Cạnh đường Nguyễn Thị Thập là đường Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Tấn Phát cũng nhộn nhịp hàng hóa “giải cứu”. Ở đây, ngoài bảng giá treo to đùng trước xe, còn có tiếng loa đài chào hàng rầm rộ, mời gọi hấp dẫn. Rau củ quả rất tươi, xanh non mơn mởn, khách vào ra nườm nượp. Thấy bạn buôn bán đắt, chị Tâm nhìn vào đống hàng của mình chạnh lòng và sinh đố kỵ. Chị Tâm rỉ tai người mua: “Đó là hàng “nhái giải cứu”, không rõ xuất xứ đâu”.
1001 trò buôn
Từ manh mối của chị Tâm, chúng tôi đi một vòng quanh các con đường bán nông sản. Giữa một rừng hàng hóa, tiếng loa rao bán náo nhiệt là âm thanh chủ đạo, tất cả đều gắn mác “giải cứu” nên không thể phân biệt, cũng không thể nhận dạng trắng đen, xấu tốt.
Năm sào cà chua sai trĩu của bác Võ Văn Yên ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh giờ đành cắt gốc, đổ bỏ. |
Khi được hỏi về sự quan tâm đến nông sản “giải cứu”, chị Thanh Viên (công nhân khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) cho biết, chị mua vì thấy thương người nông dân vùng dịch và không để ý đến chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. “Người trần mắt thịt làm sao phân biệt được đâu là củ cà rốt Hải Dương, đâu là cái bắp cải Hà Nội. Mình cũng lo mua phải hàng kém chất lượng, hàng ướp tẩm hóa chất độc hại nhưng thú thực là không thể nhận dạng được nên cứ mua thôi”, chị Viên chia sẻ.
Chị Viên còn tiết lộ, trong dãy phòng trọ của chị có hai vợ chồng chuyên bán rau củ ở chợ Hiệp Phước (Nhà Bè). Bình thường, vợ chồng này nhập hàng từ chợ đầu mối Bình Điền (Bình Chánh). Từ ngày có phong trào “giải cứu” nông sản vùng dịch, tự nhiên thấy trên tấm bảng của vợ chồng có thêm từ “giải cứu” nữa. Chị Viên hỏi thì được trả lời: “Giờ người ta dồn vào mua hàng “giải cứu” nên phải làm thế mới bán được. Rau nào chả là rau”.
Mắt nhìn, tay nắm còn rơi vào ma trận, thực tế cụm từ “giải cứu” nông sản đã tràn lên cả mạng xã hội. Trên Facebook, đâu đâu cũng thấy “giải cứu”. Ngoài một số kênh có uy tín, được nhiều người biết tới, việc bán hàng “giải cứu” là thiết thực, nhân văn, đúng mục đích, còn rất nhiều “con buôn” chực chờ lên mạng ăn theo phong trào này.
Chỉ vài dòng status quảng cáo, kèm theo hình ảnh ruộng rau, hình người nông dân bần thần u sầu chống cuốc, lắp ghép vào trang bán hàng, thậm chí là livestream thánh thót để mời gọi thiên hạ ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ với bà con nông dân. Nếu tinh ý, chỉ cần vào trang chủ của người bán hàng kiểm tra sẽ biết đây là trang mới thiết lập, không có thông tin cá nhân, không liên kết bạn bè, chưa hề tồn tại lịch sử sử dụng.
Kiểu bán hàng này rất tinh vi, chủ nhân không hề có hàng dự trữ. Chỉ khi nào có đơn hàng, họ mới gọi cho mối cung cấp để lấy, rồi mang đi giao. Bởi vậy, lòng tốt của con người cần phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ.
Giải cứu có là giải pháp?
Cả tuần nay anh Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc HTX Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội phóng xe khắp các đồng bãi, xem xét các diện tích hoa màu. Diện tích nào đã quá lứa, không sử dụng được nữa thì cũng đành lòng chặt bỏ để chuẩn bị trồng vụ mới. Còn diện tích nào đang tới vụ, chất lượng đảm bảo thì cố gắng xoay xở trong những ngày tới để tìm nơi tiêu thụ, hỗ trợ được bà con phần nào hay phần ấy. Biết là không mua xuể, vì có cả trăm tấn cà chua đang cần bán nhưng vẫn cố vớt vát để bà con đỡ thiệt.
Theo anh Long, rau ở Đông Cao thời gian trước tiêu thụ khá dễ dàng. Nhưng hiện tại thương lái địa phương và HTX rất khó liên kết để tiêu thụ sản phẩm, phần vì do dịch bệnh, các nhà hàng, quán ăn, trường học vẫn đóng cửa nên đầu ra đang gặp khó. Phần vì một bộ phận bà con Hà Nội tập trung mua nông sản "giải cứu" Hải Dương nên lượng tiêu thụ rau củ Đông Cao giảm rõ rệt.
Quanh Hà Nội, không chỉ các vùng rau xã Tiền Phong, Tráng Việt của huyện Mê Linh đang ế ẩm mà vùng chuyên canh rau tại thị trấn Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ), tại HTX Yên Nội (quận Bắc Từ Liêm) giá rau củ cũng giảm sâu. Ngày 25-2, UBND huyện Mê Linh kiến nghị Sở Công thương Hà Nội giới thiệu các đơn vị thu mua, đơn vị thiện nguyện, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn Hà Nội xây dựng các điểm tiêu thụ nông sản giúp người dân. Ban Giám đốc HTX Đông Cao cũng khẳng định nông sản tại thôn cần hỗ trợ chứ không phải là giải cứu.
Thiết nghĩ, dù là “giải cứu” giúp người dân Hải Dương, hay “mua hỗ trợ” giúp người dân Hà Nội thì cũng đều ở tình thế đặng chẳng đừng, giá rau củ rẻ như bèo, người dân đành chịu thiệt thòi. Rau củ quả là mặt hàng thiết yếu hằng ngày, cần tiêu thụ ngay, không thể để dành. Bởi vậy, quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch cần được các bộ ban ngành bàn bạc, thống nhất đưa ra từ sớm để vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch vừa không để ách tắc hàng hóa. Chúng ta có cả năm đối phó với dịch nhưng cơ quan quản lý hàng nông sản chưa có quy định nào về hàng hóa từ vùng dịch đi các nơi thế nào. Thế nên mới có chuyện mạnh địa phương nào địa phương ấy làm.
Như câu chuyện nông sản ở Hải Dương. Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chính quyền Hải Dương đã lên tiếng nhưng nông sản vẫn không thể đi qua Hải Phòng để xuất khẩu trong thời gian dài, dẫn đến tồn ứ. Công cuộc giải cứu nông sản trên khắp các ngả đường Hà Nội diễn ra nhiều ngày qua và đến bây giờ vẫn chưa kết thúc. Rồi khi bà con mải mê giải cứu cho nông dân Hải Dương thì đến lượt các vùng rau củ khu vực Hà Nội kêu cứu. Vòng luẩn quẩn vẫn chưa có đường ra...
Mới đây, lãnh đạo Sở Công thương thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện có nông sản ùn ứ khẩn trương cung cấp đầu mối các mặt hàng có giá bán thấp trên địa bàn để từ đó Sở Công thương sẽ kết nối với các đơn vị doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chợ đầu mối... để hỗ trợ hướng ra cho nông sản. Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị các địa phương bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm với các sản phẩm thu hoạch. Sản phẩm nào không đạt yêu cầu phải tiêu hủy theo đúng quy trình.
Có lẽ, để không còn phải giải cứu nông sản như hiện nay, rất cần sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc kết nối, thông tin tới các đơn vị phân phối về sản lượng, giá, nhu cầu để tiêu thụ ổn định và lâu dài. Cần nắm bắt diễn biến thị trường, diễn biến dịch bệnh để vừa chống dịch, vừa có kế hoạch sản xuất phù hợp thực tế, không để dư thừa nông sản.
Thiết nghĩ, đối với những vựa nông sản có diện tích trồng ổn định hàng bao nhiêu năm nay, thì hướng đi tìm đầu ra cho nông sản phải luôn được đặt ra trước một bước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ thời điểm trước tết, nguồn tiêu thụ đã gặp khó một thời gian nhưng chỉ đến khi một diện tích lớn hoa màu phải chặt bỏ thì các địa phương mới đi tìm hướng ra theo kiểu vận động mua hỗ trợ. Đây hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài.