Lại một cuộc chiến mới với COVID-19
- Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về phòng chống dịch COVID-19
- Hà Nội cho học sinh nghỉ học để phòng chống COVID-191
Các chuyên gia nhận định, virus biến chủng mới ở Anh đã làm tăng nhanh tốc độ lây lan dịch tại Hải Dương. Đây cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác khoanh vùng, dập dịch của chúng ta.
Ổ dịch tại Hải Dương hết sức phức tạp
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh ổ dịch tại Hải Dương hết sức phức tạp. Sở dĩ Hải Dương được đánh giá là ổ dịch nghiêm trọng bởi lần đầu tiên trong một ngày, tại đây đã có 84 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ổ dịch này phức tạp bởi dịch xảy ra tại Công ty TNHH Poyun (TP Chí Linh, Hải Dương), nơi có 2.300 công nhân làm việc, nguy cơ lây từ nhà máy ra cộng đồng rất cao, vì công nhân làm theo ca, tan làm về nhà trọ và về một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh. Đến nay, các tỉnh khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng đã ghi nhận ca bệnh, đều có mối liên hệ với Hải Dương. Hơn nữa, theo các chuyên gia, nguồn lây của Hải Dương được Nhật Bản đã giải trình từ gene và cho kết quả nhiễm biến chủng từ SARS-CoV-2 từ Anh, đây là biến chủng có tốc độ lây lan nhanh về độc lực, cao hơn 70% so với chủng trước.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành chiều 28-1. |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đến chiều 28-1, con số phát hiện dương tính tại Hải Dương rất nhiều và cho rằng số ca dương tính của khu vực này có thể tăng rất nhanh. Sự phức tạp của ổ dịch còn bởi nhiều yếu tố khác ngoài lây lan nhanh do biến chủng của virus mới. Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ công tác phỏng vấn 72 trường hợp dương tính ở Hải Dương về lịch trình để truy vết, có 3 đặc điểm cần lưu ý.
Điểm thứ nhất: Trong các ca mắc COVID-19 tại Hải Dương chủ yếu là nữ công nhân có con bé và còn đi học, họ thường xuyên đưa con đi học. Cần tính toán phòng từ xa, trường học là nguy cơ cần phải truy vết nhiều hơn. Số lượng truy vết F1 ở Hải Dương đã truy vết được đang khá thấp so với thực tế bệnh nhân tiếp xúc.
Điểm thứ hai: Các trường hợp phỏng vấn rất nhiều trường hợp đã đi khám bệnh từ 18 đến 25-1 tại các bệnh viện. Bệnh nhân thường đi khám do các triệu chứng viêm họng, viêm phổi. Thậm chí đã có những trường hợp tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Từ đó, cần cảnh báo tất cả các cơ sở y tế không chỉ ở Hải Dương mà khắp cả nước cần nâng cao cấp độ cảnh giác, phân luồng, nhận diện bệnh nhân đi khám chữa bệnh có biểu hiện liên quan đến COVID-19. Đồng thời, lưu ý hệ thống nhà thuốc về vấn đề thống kê, báo cáo các trường hợp mua thuốc điều trị viêm họng, đau họng, hô hấp...
Điểm thứ 3: Có khá nhiều trường hợp mắc bệnh đi dự đám cưới. Có nhiều người tỉnh khác và ở Hà Nội về. Vì vậy, cần truy vết rộng các trường hợp đi tham dự đám cưới này.
Có thể Bệnh đã ủ trong cộng đồng từ 10 ngày trước
Tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch 63 tỉnh, thành vào chiều 28-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên nước ta có nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng như vậy. Theo Phó Thủ tướng, vì đây là chủng virus mới, có tốc độ lây lan rất nhanh. Theo sơ bộ ban đầu nhận định, tại Chí Linh (Hải Dương) có thể virus đã tồn tại trong cộng đồng 10 ngày nay. Chủng virus mới lan nhanh hơn nhiều, chỉ cần 3 ngày đã hết 1 vòng lây nhiễm, 10 ngày qua dự kiến có 4 vòng lây nhiễm ở địa phương này. Chính vì tình huống khẩn cấp, Bộ Y tế đã cấp tập chỉ đạo, trong 24h đã tổ chức 4 cuộc họp.
Phó Thủ tướng cũng cảnh báo, thời gian vừa qua một số nơi, nhất là các địa phương chưa có ca bệnh còn lơ là, chủ quan. Trong ngày 27-1, Bộ Y tế đã chi viện cho Hải Dương 6 đơn vị, nếu có 2-3 nơi như Hải Dương, Bộ Y tế rất khó khăn chi viện và 10 nơi như Hải Dương thì Bộ Y tế không đủ sức chi viện. Vì vậy, các địa phương đặc biệt phải nêu cao cảnh giác, nâng mức phòng, chống dịch cao lên một bước và luôn chủ động dự phòng cho tình huống dịch xảy ra tại địa phương để chuẩn có biện pháp ứng phó.
Vì chủng virus lây lan rất nhanh nên Phó Thủ tướng khuyến cáo: Điều vô cùng quan trọng lúc này không chỉ đối với Hải Dương mà còn với các tỉnh, thành khác là chúng ta phải giữ bằng được an toàn ở bệnh viện. “Chủng virus mới lây rất nhanh, nên chúng ta phải nâng mức báo động lên. Tất cả thầy thuốc, bác sĩ phải đặt cảnh giác cao hơn một mức so với trước đây. Chủng lây nhanh nếu lan ra bệnh nhân rất nguy hiểm, đặc biệt là lây cho thầy thuốc”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy dịch lây lan nhanh nhưng chúng ta phải bình tĩnh ứng phó, do đã có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước nên Phó Thủ tướng nêu quyết tâm: Đà Nẵng mất 23 ngày dập dịch, giờ chúng ta hết sức cố gắng và phấn đấu dập dịch nhanh hơn sự lây lan của con virus, phấn đấu 10 ngày chúng ta khoanh và dập ổ dịch.
Tổng lực hàng loạt các biện pháp để dập dịch
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ không dừng ở con số 1-2 trăm bệnh nhân mắc COVID-19 mà có thể cao hơn, do vậy Hải Dương phải chuẩn bị sẵn sàng công tác điều trị. Và để phấn đấu sớm khoanh vùng, dập dịch trong 10 ngày, Bộ Y tế đã dốc tổng lực lực chi viện cho Hải Dương. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đây là đợt điều động các tổ giám sát, điều trị, xét nghiệm xuống địa phương nhanh và lớn nhất từ trước tới nay, nhiều hơn cả chi viện cho Đà Nẵng.
Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tại chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19. |
Ngay chiều tối 28-1, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương để điều trị tại chỗ các ca bệnh. Đặc biệt, ngay trong đêm 28-1, Hải Dương phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thiết lập bệnh viện dã chiến thứ nhất tại Trung tâm Y tế Chí Linh. Người đứng đầu Bộ Y tế chỉ đạo đưa các trang thiết bị hiện đại tới Trung tâm Y tế Chí Linh để thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU) đảm bảo đủ điều kiện như tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để phục vụ điều trị, với quan điểm điều trị ngay tại địa phương.
2 bệnh viện dã chiến còn lại thiết lập tại Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương. Bộ Y tế sẽ đưa toàn bộ trang thiết bị tại cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) hồi tháng 8 năm ngoái ra lắp đặt tại bệnh viện dã chiến thứ 3 là nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương. Bộ Y tế cũng điều đội ngũ nhân lực y tế của Đà Nẵng đã có kinh nghiệm xử lý tình huống tương tự vào đợt dịch trước ra để giúp Hải Dương làm tốt công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo các chuyên gia, vì virus biến thể lây lan nhanh, nên chúng ta phải nhanh chóng truy vết thần tốc đến F3 để cách ly và có thể lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, bởi người mắc ở 2 địa phương đều trẻ tuổi, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc rộng trong cộng đồng. Hiện Quảng Ninh đã rà soát, truy vết đến F4 để cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng ra Chỉ thị đóng cửa sân bay Vân Đồn để chống dịch.
Để phấn đấu khoanh vùng dập dịch trong 10 ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh khoanh vùng thần tốc, lấy mẫu và xét nghiệm trên diện rộng hơn nữa và lấy mẫu cả ở cộng đồng để làm sao xét nghiệm càng nhanh càng tốt. Người đứng đầu Bộ Y tế cũng quán triệt, tất cả các trường hợp F1 phải cách ly tập trung 21 ngày, không có ngoại lệ. Các lực lượng chi viện của Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với địa phương khẩn trương tăng tốc thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung; tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời. Tất cả hành khách (kể cả chuyên gia nước ngoài) đi từ sân bay Vân Đồn và đi từ Chí Linh từ ngày 15-1 lại đây liên hệ ngay với y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm.
Chúng ta đã có kinh nghiệm trong lần chống dịch ở Đà Nẵng và đã có sự chuẩn bị, lường trước sẽ có ca bệnh khi thế giới đang cực kỳ phức tạp nên khi ổ dịch bùng phát tại Hải Dương, với sự chi viện tổng lực của Bộ Y tế, công tác xét nghiệm đã nâng công suất gấp nhiều lần. Bộ trưởng Nguyến Thanh Long đánh giá, nếu như trước đây Đà Nẵng mất mấy ngày thì nay một ngày ở Hải Dương đã lấy được 5.000-6.000 mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế đã điều thêm 600 sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã được tập huấn để lấy mẫu. Việc lấy mẫu nhanh, xét nghiệm nhanh là một trong những yếu tố thắng lợi trong dập dịch. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Y tế cũng lưu ý, đợt dịch này liên quan tới virus SARS-CoV-2 chủng mới, nên cần đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho lực lượng y tế tham gia chống dịch tại đây.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, chúng ta không quá hoang mang, song không được chủ quan. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 từ việc thành công ngăn chặn các ổ dịch trước. Vì vậy, người dân phải nâng cao cảnh giác, thực hiện tuyệt đối Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), đồng thời bình tĩnh, tin vào chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, cũng như các ban, ngành khác trong việc dập ổ dịch lần này.
Lấy mẫu nhanh, truy vết nhanh, dập dịch sẽ nhanh 39 chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc 4 đơn vị của Bộ Y tế đã tới Hải Dương. GS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác xét nghiệm tại Hải Dương cho biết, 4 cán bộ của NIHE trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, sau đó vận chuyển về phòng xét nghiệm của Viện để thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và giải trình tự gene với các mẫu dương tính. Sau khi lấy mẫu trong ngày, NIHE sẽ phân bổ các mẫu cho 4 phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và NIHE để thực hiện xét nghiệm. Đại học Y Hà Nội cử 29 cán bộ mang theo trang thiết bị lấy mẫu để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo điều phối của GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai. Trường Đại học Y tế công cộng đã cử nhóm đầu tiên gồm 3 kỹ thuật viên xuống Hải Dương phối hợp lấy mẫu xét nghiệm. Cuối ngày sẽ vận chuyển mẫu xét nghiệm về phòng xét nghiệm của trường để thực hiện xét nghiệm RT-PCR. Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã huy động được 1.180 giảng viên và sinh viên năm cuối tham gia chống dịch, đồng thời chỉ đạo bệnh viện của trường, labo sinh học phân tử lập kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm để tham gia lấy mẫu, xét nghiệm khi có yêu cầu. Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai đã tới hỗ trợ cho Hải Dương về công tác chuyên môn. Đoàn điều tra, giám sát dịch tễ do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn đã tới Hải Dương 2 ngày nay để trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát dịch tễ và truy vết các ca bệnh.
|