Chuyện về “Thánh phượt” Việt Nam: Lần đầu hút chết

Thứ Năm, 16/04/2015, 15:00
Ngày 10/4/1993, mảng Từ Phúc được vận chuyển lên một chiếc tàu vận tải, rời vịnh Hạ Long tiến sang Hồng Công, điểm xuất phát của cuộc thám hiểm. Ngư dân Lương Viết Lợi cũng rời Hạ Long, về Hà Nội làm hộ chiếu cho chuyến xuất ngoại đầu đời. Có một chi tiết ít người biết, và Tim Severin cũng không đề cập đến trong tác phẩm của mình, là suýt đã có một người Việt Nam thứ 2 tham gia hành trình của Từ Phúc, nhưng đã phải bỏ cuộc vào phút cuối, vì… bị vợ phản đối dữ dội!
>> Chuyện về “Thánh phượt” Việt Nam: Mảng Từ Phúc trước khi khởi hành

1. 12 ngày đóng buồm ở Quảng Ninh, Tim Severin đi đến một quyết định mới: mời thêm một người Việt, tên là Hợi, tham gia hành trình. Ông Lương Viết Lợi cho biết, theo dự định của Tim, ông Lợi sẽ phụ trách toàn bộ kỹ thuật và sửa chữa mảng tre, còn ông Hợi sẽ phụ trách toàn bộ các vấn đề về buồm.

Là họ hàng của nghệ nhân đóng buồm Phạm Văn Chính, ông Hợi tham gia tích cực quá trình hoàn thiện đôi buồm nâu cánh dơi, và được Tim Severin đánh giá rất cao. Trong những chuyến hành trình thám hiểm như thế này, tính chuyên nghiệp và chuyên biệt của các thành viên được đặt lên hàng đầu, và có một chuyên gia về buồm, sẽ khiến cho hành trình thuận lợi hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc có thêm một người Việt nữa trên mảng Từ Phúc, sẽ là nguồn động viên lớn cho ông Lợi. Cùng văn hóa, cùng ngôn ngữ, trên một chiếc mảng lênh đênh nhiều tháng trời, sẽ khiến họ không rơi vào tình trạng lạc lõng về văn hóa, stress, thậm chí trầm cảm.

Nhưng người tính nhiều khi không bằng… vợ tính! Theo lời ông Lợi, khi tất thảy mọi thủ tục liên quan đến chuyến đi của ông Hợi đã được các ban ngành hỗ trợ nhiệt tình, thì chuyện đến tai vợ ông Hợi. Đùng đùng làm dữ, cuối cùng, thành viên mới dự tính của đoàn đã phải ngậm ngùi gác lại chuyến đi…

May mắn thay, 12 ngày ở Quảng Ninh cũng đã khiến ông Lợi nắm chắc được kết cấu và kỹ thuật điều khiển hệ thống buồm nâu cánh dơi do gia đình ông Chính đóng. "Chiếc buồm này hay hơn buồm đơn của Sầm Sơn rất nhiều, và đặc biệt phù hợp với chuyến đi của Từ Phúc. Tùy thuộc vào con gió, buồm sẽ được mở nhiều hay ít, cuốn nhiều hay ít, rất linh động và an toàn. Trong khi đó, buồm Sầm Sơn chỉ có hai lựa chọn: kéo hay hạ toàn bộ", ông Lợi nhận định.

Trong giông bão, với những con sóng cao hơn chục mét, Từ Phúc vẫn thể hiện được sự vững chãi, êm ái và an toàn đến kỳ lạ. Ảnh: Rex Warner.

Và thế là, sau khi đăng ký làm hộ chiếu tại Hà Nội, ông Lương Viết Lợi bắt xe khách về Sầm Sơn, tạm biệt gia đình làng mạc. Để lại cho vợ 3 đứa con nhỏ, đứa bé nhất mới được 8 tháng tuổi, chàng ngư dân Sầm Sơn lúc đó, bắt xe ra Hà Nội, bắt đầu bước vào một hành trình, rồi mai này sẽ đi vào lịch sử thám hiểm hàng hải thế giới.

2. Đặt chân đến Hồng Công, Lương Viết Lợi được Tim Severin đón và đưa về khách sạn. Ông Lợi kể lại, cho đến tận bây giờ, sau 22 năm đã trôi qua, ông vẫn không khỏi hết choáng ngợp về hình ảnh phồn hoa xa xỉ của Hồng Công lúc đó: những khách sạn bóng lộn sang trọng, những đường phố đông nghìn nghịt người, những cửa hàng ê hề hàng hóa, những tiệm ăn lúc nào cũng náo nhiệt và tỏa ra mùi thơm vô cùng quyến rũ…

Nhưng hành trình thỏa mãn trí tò mò của chàng trai ngư dân Sầm Sơn không được kéo dài. Ngay hôm sau, anh được bố trí lên sống trên mảng Từ Phúc, hiện đã được neo đậu tại khu cảng Averdeen giàu có của Hồng Công, nơi chiếc mảng tre Sầm Sơn trở nên thực sự khác biệt giữa hàng tá du thuyền sang trọng.

Tim Severin và một bậc thầy về tâm lý, ông biết chỉ có ở trên chiếc mảng tre quê nhà, Lợi mới cảm thấy thực sự thoải mái, thực sự tự tin… những yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng để đặt nền móng cho một hành trình dài.

Trong quãng thời gian 3 tuần neo đậu ở Hồng Công để chờ tập hợp các thành viên của đoàn thám hiểm, Tim Severin đã kịp trang bị cho mảng Từ Phúc những trang thiết bị an toàn bắt buộc phải có: radio vệ tinh chạy bằng năng lượng mặt trời; radio phát tín hiệu định vị; pháo sáng; bộ đồ cứu sinh cho các thành viên; bè cứu sinh… Gần như toàn bộ khoản tiền ứng trước từ nhà xuất bản và quỹ cá nhân của Tim Severin đã được dùng gần hết cho các chi phí này.

May mắn, danh tiếng của Tim Severin, và danh tiếng của chuyến đi khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, đã đem đến cho dự án Từ Phúc nhiều nhà tài trợ hảo tâm. Bảo tàng Hàng hải bang Virginia hỗ trợ tài chính với điều kiện mảng Từ Phúc sẽ thực hiện một cầu nối thông tin với các em học sinh ở Virginia thông qua điện thoại vệ tinh; Hongkong Telecom nhận chi trả những chi phí phát sinh khi sử dụng vệ tinh; một trong những ông trùm chuyển phát nhanh thế giới là DHL đã đồng ý chuyển miễn phí đến Hồng Công tất cả phụ tùng dành cho chuyến du hành, và trở thành trung tâm liên lạc của đoàn lữ hành trong suốt cả chuyến đi…

Danh sách tình nguyện viên chính thức trên mảng Từ Phúc: Tim Severin, Joe Beynon, Lương Viết Lợi, Rex Warner, Trondur Patursson, Nina Kojima, Mark Reynolds (trái qua, trên xuống).

3. Các thành viên khác của mảng Từ Phúc lần lượt xuất hiện, bên cạnh 2 cái tên Tim Severin và Lương Viết Lợi.

Người đầu tiên là Nina Kojima, một nữ họa sĩ tự do người Nhật chuyên vẽ tranh minh họa cho sách và tạp chí. Chính Nina là thành viên đầu tiên tiếp xúc với Tim, xin được tham gia vào chuyến thám hiểm. Nina cũng là người đi cùng Tim Severin vào Sầm Sơn để đóng chiếc bè thử nghiệm, rồi sau đó có mặt suốt ở Sầm Sơn cho đến khi mảng Từ Phúc hoàn toàn được đóng xong. Nhiệm vụ của Nina là tiến hành những bản vẽ phác thảo toàn bộ quá trình đóng Từ Phúc, và sau này, là cho cả chuyến đi.

Đối với ông Lợi, Nina là một người bạn rất thân, phụ nữ có tính cách rất kỳ lạ, một cá tính không hề để ý đến chuyện người ta để ý hay nhìn mình như thế nào. Nina cũng là người bơi rất giỏi, và sau này đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần để thăm hỏi và giúp đỡ Lương Viết Lợi.

Thành viên thứ 4 của mảng Từ Phúc là Joe Beynon, một bác sĩ kiêm nhiếp ảnh gia người Anh. Hai kỹ năng này khiến Joe lọt ngay vào mắt xanh của Tim Severin, vì đây là hai kỹ năng không thể thiếu được trong mỗi chuyến thám hiểm, và đặc biệt nó lại cùng ở trên một thành viên. Theo yêu cầu của Tim, Joe đã nhanh chóng đi học thêm một lớp thuyền buồm, và học lấy chứng chỉ điều khiển điện đàm để thỏa mãn điều kiện đủ giấy phép để Từ Phúc được đem theo radio vệ tinh.

Đối với ông Lợi, Joe là một chàng trai cực kỳ vui tính, dễ hòa đồng, dễ mến. Ngoài ra, Joe còn đóng vai trò thầy giáo, là người dạy Lương Viết Lợi những chữ tiếng Anh đầu tiên, cho đến khi Lợi đã có đủ khả năng giao tiếp đơn giản với các thành viên của Từ Phúc.

Thành viên thứ 5 của mảng Từ Phúc là Rex Warner, cũng là người Anh. Tiểu sử của Rex là một mình đi thuyền gỗ vượt gần 65.000 km trên biển, có trình độ chuyên môn xuất sắc và là giảng viên thuyền buồm và hàng hải học.

Thành viên thứ 6 của mảng Từ Phúc là Mark Reynolds, cũng là người Anh. Mark là dân "phượt" chính hiệu, lang thang khắp thế giới để học… đánh trống. Mark lọt vào mắt xanh của Tim Severin vì ông là một thợ mộc tài hoa, kiêm thợ làm dây thừng.

Nhận lời mời tham dự Từ Phúc của Tim, Mark thú thực, là lúc đầu anh chỉ định đi mua một chiếc bóng đèn, tình cờ nhặt được thông tin về Từ Phúc, chạy qua ngó xem có giúp đỡ được gì không, thoạt đầu nhận lời chỉ đi cùng đến Đài Loan, rồi sau đó là bị "nghiện" và đi tới gần… nước Mỹ.

Tình nguyện viên thứ 7 tham gia Từ Phúc là Geoffrey Dobbs, một thương gia Hồng Công thành đạt, người đã từng tham gia cùng Tim Severin 2 chuyến hải hành thám hiểm trước đây. Dự tính của Geoffrey là chỉ tham dự một hành trình ngắn từ Hồng Công tới Đài Loan cho đỡ "nhớ nghề". Chính vì vậy, trong danh sách chính thức tình nguyện viên sau này của "The China Voyage", cái tên Geoffrey không được đề cập tới.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời bảo đảm hệ thống radio vệ tinh, máy tính xách tay, radio tín hiệu định vị... hoạt động trong quãng thời gian dài trên biển. Ảnh: Joe Beynon.

4. Ngày 17/5/1993, chiếc mảng Từ Phúc từ từ rời khỏi cảng Hồng Công, tiến ra Thái Bình Dương, hướng về phía Đài Loan, điểm tới đầu tiên của hành trình dự tính dài tới 10.500 km.

"Lợi di chuyển quanh mảng thoăn thoắt như thể đang một mình lèo lái, xoay buồm theo hướng gió và điều chỉnh xiếm để tránh cho mảng giạt sang một bên", Tim Severin miêu tả ngày đầu tiên của cuộc hành trình, ca ngợi Lợi trong khi thừa nhận những thành viên khác "giống như dân tập sự".

"Sự ổn định của mảng quả là đáng khâm phục. Nó không trồi lên hay tròng trành khiến bạn mất thăng bằng hay phải bám vào chỗ vịn tay. Khi con tàu lớn đầu tiên đi ngang qua chúng tôi và gửi kèm theo một con sóng khổng lồ tiến về phía chúng tôi, Mark hô lên báo hiệu cho mọi người bám vào. Nhưng con sóng chỉ đến và đơn giản đi xuyên qua lớp tre. Từ Phúc gần như không lắc lư. Điều đó thật dễ chịu", Tim ca ngợi về sự ổn định và vững chãi của Từ Phúc trong ngày đầu khởi hành.

"Không bao giờ có một cú tròng trành đột ngột. Bạn có thể đặt một cốc cà phê lên sàn buồng lái, và ngay cả khi cơn giông đang ở đỉnh cao (gió cấp 6-PV) thì mực chất lỏng cũng không bao giờ tràn khỏi miệng cốc. Bản thân chiếc cốc không trượt đi đâu cả. Từ Phúc là một mặt bằng ổn định đến đáng kinh ngạc.

Từ Phúc không chống cự lại những cơn sóng, mà đơn thuần hấp thu năng lượng của chúng vào cấu trúc mở của thân mảng bằng tre. Cứ mỗi lần sóng đánh vào thân mảng, bọt của nó cuộn tròn trong buồng lái và thúng cabin, tiếp tục đi và thoát ra phía bên kia. Từ Phúc chỉ lắc lư nhè nhẹ trước đợt công kích dữ dội. Cứ như thể sức mạnh dữ dằn của biển cả đã được biến hóa trở thành làn nước dịu hiền như ca dao tục ngữ thường ngợi ca. Từ Phúc tuyệt đối an toàn", Tim Severin thán phục viết!

…Nhưng nguy hiểm không đến từ biển cả, mà lại đến từ những sản phẩm khác của con người. Lương Viết Lợi nhớ lại, cũng trong cơn giông đầu tiên này, khi mọi người đang tận hưởng sự êm ái của Từ Phúc trong những cơn sóng dữ, thì đột nhiên ông Lợi phát hiện có những tiếng động bất thường, ngẩng đầu lên và chăm chú lắng nghe.

Thấy Lợi căng thẳng, Tim cũng cố gắng lắng nghe, và phát hiện, đó là tiếng động cơ rất mạnh của một con tàu lớn. Chắc chắn, con tàu phải đang ở rất gần, thì những người trên bè mới nghe được tiếng máy, trong khi cơn giông đang gầm rú bên ngoài.

"Tất cả chúng tôi đều nhận thấy mình không thể làm gì, kể cả có muốn tránh. Từ Phúc đang bị cơn giông cuốn đi sang ngang, và chúng tôi thì bất lực. Lợi hét lên và chỉ tay. Trong khoảnh khắc đứng tim đó, chúng tôi thấy một cái bóng to màu đen đi ngang qua chúng tôi, ngay phía trước mặt, gần đến nỗi chúng tôi phải ngẩng đầu lên mới nhìn thấy một đốm đỏ của đèn hàng hải ở rất cao phía trên…", Tim Severin viết lại.

"Hắn to như trái núi. Húc vào thì chắc chắn bè sẽ tan ra từng mảnh, rồi nước sẽ cuốn và vùi dúi người thẳng xuống đáy biển", ông Lợi bần thần nhớ lại.

Điều nguy hiểm là ở chỗ, mảng Từ Phúc nằm quá thấp trên mặt biển, khi thân bè gần như chìm trong mặt nước. Vì vậy, các máy dò đường bằng rada trên các con tàu vận tải lớn không thể phát hiện được Từ Phúc để tránh hay còi báo hiệu, dù thiết bị dội sóng rada đã được mọi người treo lên tận cột buồm.

Sau này, chúng tôi còn gặp một lần suýt chết như thế nữa, ông Lợi cười, mà mặt khá căng thẳng, dù đã qua hơn 20 năm…

Việt Đông
.
.