Làng cách ly không cô đơn

Thứ Năm, 02/04/2020, 08:03
Làng nhỏ, nằm giữa đồng, quanh năm khô cháy, lúa chỉ làm được một vụ vì không có nước thủy lợi. Giờ, làng phải cách ly y tế với cộng đồng cả tháng trời. Đã hơn chục ngày liền, trẻ con trong thôn không ra khỏi cổng nhà cả ngày lẫn đêm... Chắc chắn, ai đã từng trải qua sẽ nhớ mãi cái “hạn virus” ào về làng như nước lũ năm nay.

Làng Chăm Văn Lâm 3, vốn là một trong 4 thôn của làng Văn Lâm cũ thuộc xã Phước Nam. Nhỏ, nhưng đây là làng có số dân đông nhất nhì huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với 1.010 hộ và trên 5.000 nhân khẩu.

Đêm 16-3, bệnh nhân số 61 dương tính với COVID-19, là người trong thôn, mới từ Malaysia về, nhanh chóng được lan truyền từ ngõ trên xuống ngõ dưới. Ngày hôm sau cả thôn sôi lên như tổ ong gặp khói bùi nhùi rơm. Khi quyết định cách ly y tế ít nhất 28 ngày của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận được ban hành và thực hiện ngay trong đêm 17-3, mấy chục người bao gồm già trẻ, gái trai được đưa đi cách ly tập trung trên tỉnh thì không chỉ một thôn Văn Lâm 3 mà cả 3 thôn còn lại cùng lặng đi.

Công an huyện Thuận Nam trực chốt giúp chuyển hàng cho bà con.

Đã hơn 10 ngày, đi quanh các thôn Văn Lâm không một bóng con nít ngoài đường. Người lớn có công việc gì mới ra khỏi nhà. Họ đi với những bước chân hối hả. Khó khăn lắm mới có thể nhận ra nhau vì ai cũng khẩu trang kín mặt.

Những ngày đầu trong khu cách ly cái gì cũng thiếu. Nào có mấy người kịp tích trữ thực phẩm vật dụng sinh hoạt hằng ngày đâu. Mua thì không thể có ngay được. Người bên ngoài không có nhiệm vụ không được vào, người bên trong không có việc cần thiết và không được phép thì không được ra. Tâm lý chung trở nên căng thẳng đến nỗi có vài người ra chỗ chốt chặn, đòi ra ngoài rồi lớn tiếng với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Từ đêm 16-3, duy nhất có một nơi người xe ra vào suốt ngày đêm, đấy là trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phước Nam, nơi ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của xã, tiếp nhận cứu trợ từ khắp nơi ủng hộ và phân phối các vật dụng y tế, lương thực, thực phẩm đến đồng bào thôn Văn Lâm 3. Những ngày đầu, cái khó khăn nhất là xã là thiếu thốn mọi thứ nhất là trang thiết bị y tế bảo vệ cho người dân, như khẩu trang, cồn xịt khuẩn...

Tổ chức cách ly hơn 5.000 người là việc làm chưa từng có ở địa phương. Chính quyền dù đã có kế hoạch nhưng vẫn bất ngờ, rồi chưa có kinh nghiệm, nhân lực và vật lực. Chính quyền, đoàn thể các cấp kêu gọi, các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội kêu gọi... cả nước, cả tỉnh Ninh Thuận, cùng hướng về Văn Lâm 3, một thôn nghèo, của một xã nghèo, ở một huyện nghèo, trong một tỉnh nghèo; nơi chỉ cần ra ngoài khu dân cư là đã thấy ngút tầm mắt màu vàng cháy khét của những đám ruộng nứt nẻ trơ gốc rạ vì đã nhiều tháng nay không có nước. Hạn hán và hạn dịch như thể cùng rủ nhau về hoành hành trên mảnh đất cuối cùng của cực Nam Trung bộ.

Song, hơn lúc nào hết, trong hoạn nạn, con người nơi đây lại đoàn kết, nắm chặt tay nhau không kể vùng miền, dân tộc cùng với sự động viên, sẻ chia của nhân dân cả nước gồng mình chống trả sự tàn khốc của trời đất, bệnh dịch. Tất cả đang gắn kết với nhau thành một khối, đùm bọc, sẻ chia, họ truyền cho nhau tinh thần quật cường của người miền Trung bất khuất.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, những doanh nghiệp, cá nhân bất kể những khó khăn về kinh tế, họ chở gạo, mỳ tôm, dầu ăn, cá mắm chuyển cho dân vùng đang được cách ly với tinh thần “Mọi người vì Văn Lâm 3 - Văn Lâm 3 vì mọi người”.

Công an kiểm tra, khử trùng người, xe qua lại đường làng.

Anh Bá Văn Tính, một hộ kinh doanh nhỏ trong làng, ngay ngày đầu tiên, đã vận động quyên góp khẩu trang tặng người dân rồi hô hào anh em xin với chính quyền, thành lập nhóm tình nguyện với 22 thành viên đến bốc xếp, đóng gói hàng cứu trợ và huy động 2 xe tải nhỏ, hằng ngày chuyển hàng vào đến từng gia đình trong khu cách ly. Họ hoàn toàn tự nguyện, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng mà không một lời ca thán, đi vào vùng cách ly dịch bệnh cũng không đòi hỏi bất cứ một ưu đãi nào.

Tôi hỏi Ha Lim, một thành viên trong nhóm: “Bạn đi vào đó có sợ bị mắc bệnh không?”  "Dạ, ban đầu em cũng hơi lo lắng nhưng chỉ tâm niệm mình đi giúp bà con làng mình thôi, chứ có nghĩ đến nguy hiểm đâu. Nhưng, đêm về nhà nghĩ lại vẫn còn cảm thấy ớn trong người. Chỉ cần sơ suất nhỏ trong khâu bảo hộ, diệt khuẩn là có thể bị lây bệnh ngay, bệnh không chỉ cho mình mà cho cả nhà nữa. Cũng may được cộng đồng động viên, anh em trong nhóm ai cũng vui vẻ đồng lòng và hết mình vì công việc. Ai cũng bảo hộ rất kỹ theo khuyến cáo, hướng dẫn".

Một nhóm phụ nữ rủ nhau tự lấy tên là Play Răm (phụ nữ tự nguyện) vận động mọi người góp kinh phí, cùng với một nhà hảo tâm xin nấu cháo dinh dưỡng để sáng sáng lại ra chốt phân phát cho đám con nít trong thôn. Sa Ty, cô nhân viên của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường nghỉ thế là xin ra chỗ đóng quân dã chiến của công an huyện đang làm nhiệm vụ ở đây để nấu cơm giùm với tinh thần như chị nói là: “Giúp các anh em đến khi nào hết dịch thì thôi”.

Rồi những người thân trong làng, bạn bè ngoài địa phương gọi nhau ra chốt gửi qua hàng rào vào khu cách ly cho người thân vài con cá, mớ rau hay đơn giản là một ly nước mía. Bức ảnh bà mẹ đi chợ, chờ gửi đồ cho con, bên hàng rào cách ly có ai đó ghi nguệch ngoạc câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng... Văn Lâm 3 cố lên” như một lời động viên, nhắn gửi yêu thương, cổ vũ của mọi người với thôn Văn Lâm 3.

Tiếp tế thực phẩm qua hàng rào.

Bất kể ngày nào kể từ khi Văn Lâm 3 có 1 rồi 2 ca dương tính với COVID-19, cán bộ và cả những người dân ở đây đã quen bóng dáng của một người lúc nào cũng có chiếc máy ảnh trên tay, ông là cựu chiến binh già của một làng thuộc huyện bên cạnh. Những ngày qua, trên trang Facebook cá nhân của mình - nickname Núi Xanh -   người ta thấy ông luôn động viên những người dân trong và ngoài vùng cách ly; chia sẻ những khó khăn trước mắt của người dân, kêu gọi bạn bè trong cả nước góp sức ủng hộ bà con.

Nhà nghèo gặp khó khăn, trẻ em thiếu sữa... ai gọi ông, ông chuyển đến chính quyền rồi cùng phối hợp giải quyết ngay. Ai cho gánh rau, bọc trái cây hoặc chỉ dăm chục cái khẩu trang, thùng mỳ tôm hay vài chục ngàn, ông phóng xe tới nhận rồi chuyển cho chính quyền và lực lượng đang làm nhiệm vụ. Những vật dụng y tế, lương thực, thực phẩm và cả tiền mặt ủng hộ cho Văn Lâm 3 đến giờ cũng đến cả trăm triệu đồng.

Nhiều người dân nhắn tin trên mạng xã hội, cảm ơn ông và coi ông như nguồn động lực để họ yên tâm trong những ngày ở vùng cách ly. Nhiều người bạn ngoài tỉnh vận động nhau, chỉ vài ngày là có hàng chục tấn rau củ quả từ Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên nối nhau chuyển về chất đống trong sân UBND xã. Có nhóm cổ động viên bóng đá của CLB Dược Nam Hà - Nam Định ở Đồng Nai, đa phần chưa biết đến vùng đất này nhưng nghe lời kêu gọi của những người bạn đã tổ chức quyên góp trong cộng đồng để mua quà vào tặng bà con.

Thật cảm động và ấm tình người khi một người nông dân bình thường, sáng hái một xe rau, thay vì chở ra chợ bán, cô chạy thẳng tới UBND xã, không xưng danh, chỉ nói là của ít lòng nhiều xin chia sẻ với bà con rồi vội vã ra về, đôi chân lội ruộng còn bê bết bùn. Khi nhìn thấy hình ảnh những chiến sĩ công an cùng các lực lượng chức năng vất vả ngày đêm chốt chặn khu vực cách ly, nhiều cá nhân đã cảm thông, động viên và đến tặng quà, ngoài những hộp sữa tươi, hũ yến chưng, dăm chục cân nho, trăm trái dưa hấu, thùng trà giải nhiệt hay vài lít mật ong... còn không quên chúc các anh mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ.

Người phụ nữ trước tấm bảng kêu gọi đoàn kết, chia sẻ.

Nhìn vào danh sách các đơn vị cá nhân tới ủng hộ đồng bào Văn Lâm chống dịch thì gần như không thiếu một thành phần nào của xã hội. Từ các cơ sở đảng, chính quyền, các đơn vị công an, quân đội, các doanh nghiệp, những hội đoàn thể, giáo viên, học sinh và cả những người dân bình thường, thậm chí nếu ở xa thì bây giờ họ mới biết đến cái tên Văn Lâm 3.

Có một cô gái nhắn tin từ trong khu vực cách ly: “Hôm nay là ngày thứ sáu cách ly, con cảm ơn các chú thời gian qua đã đồng hành cùng tụi con. Văn Lâm cảm phục tấm lòng của các chú dành cho mọi người, Văn Lâm sẽ cố gắng, cố gắng hết sức, cố gắng đoàn kết để đáp lại tấm lòng của mọi người đã hướng về Văn Lâm 3.

Văn Lâm không một ai muốn bị cách ly nhưng một khi có dịch bệnh thì Văn Lâm buộc phải cách ly để cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh.

Cảm ơn những tấm lòng bao dung, lúc nào cũng động viên, hỗ trợ Văn Lâm 3. Văn Lâm cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã lo từng phần thức ăn cho đồng bào Văn Lâm.

Mong rằng 28 ngày sẽ sớm trôi qua trong sự may mắn để đáp lại công ơn của tỉnh Ninh Thuận, Đảng và Nhà nước đã dành cho Văn Lâm”.

Sau ngày thứ 10, những con ngõ dẫn vào khu cách ly vẫn thưa thớt bóng người. Sáng sáng các bà mẹ xếp hàng chờ nhận cháo cho con, những bó rau, con cá thỉnh thoảng vẫn được chuyển qua hàng rào. Việc chăm sóc đời sống bằng việc cung ứng gạo, rau, cá... và những nhu yếu phẩm vẫn được chính quyền đều đặn chuyển vào từ những nguồn hỗ trợ. Trong thôn đã có vài hàng quán mở lại để bán cho người làng. Nhịp sinh hoạt thời bệnh dịch dần trở thành nếp nghĩ, thói quen của mọi người. Trong mỗi căn nhà đã rộn rã tiếng cười của đám con nít đùa giỡn, khung dệt thổ cẩm lại lách cách như thể dịch bệnh chưa hề đến chỗ này.

Khi tôi viết những dòng này tại trụ sở UBND xã Phước Nam thì ngoài kia, giữa trưa nắng, đoàn xe cứu trợ của Hội Phật giáo tỉnh đang bốc gạo, mỳ trái cây mà các phật tử quyên góp. Giữa màu áo xanh của Đoàn Thanh niên là những chiến sĩ bộ đội, công an và cả lưng áo bạc nắng của nhóm tình nguyện Văn Lâm đang hối hả chuyển hàng xuống, phân chia thành gói nhỏ và chuyển vào tận ngõ cho hơn ngàn hộ gia đình đang trong khu cách ly. Nhìn những giọt mồ hôi đẫm lưng của mọi người, tôi hiểu họ đang mệt lắm nhưng qua ánh mắt, tôi vẫn thấy nụ cười của họ.

Tôi biết họ đang làm tất cả vì những người dân trong kia, họ làm để mọi người dân ấy hiểu rằng: dù Văn Lâm 3 đang cách ly nhưng họ vẫn không cô đơn. Để mỗi người hiểu rằng tinh thần lạc quan, đoàn kết của cả cộng đồng, ý thức trách nhiệm của mỗi người cùng với quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc chống nạn dịch toàn cầu chính là thứ vaccine tốt nhất trong lúc này.

Bỗng trong tôi chợt vang lên câu hát: “Rằng, trong cơn hoạn nạn, mới hiểu lòng nhau...”. Cũng không có gì lạ vì người Việt Nam chúng ta là vậy. Phẩm chất Việt Nam là vậy. Những khi khó khăn, hoạn nạn thì nào kể vùng miền, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, mỗi người một tay cùng gắn bó sẻ chia. Mà có lẽ chính vì thế, dân tộc ta mới trường tồn và phát triển như hôm nay.

Trần Thanh Sơn
.
.