Làng đá bên sông Vân

Thứ Ba, 15/08/2017, 20:10
Người ta nói nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình đã hình thành hơn 500 năm. Nhiều di tích cổ quanh vùng Hoa Lư còn minh chứng cho sự xuất hiện những người thợ chạm khắc đá tài hoa ở nơi đây kể đã tới ngàn năm. Khi đến đây ai cũng ngạc nhiên vì sự bề bộn, ngổn ngang khắp nơi, với những công trường đá. Hàng trăm thợ xẻ mài, cẩu kéo, đục đẽo suốt ngày đêm. Cả ba làng nghề trong xã như một đại công trường, hối hả, rầm rập những đoàn xe nối đuôi nhau vào ra...

Cây Thị và những bài thơ trên vách đá

Nói đến làng đá Ninh Vân là nói đến cây thị cổ hàng trăm năm, bên ngôi đình bằng đá, ở làng Xuân Vũ. Thân cây thị cả chục người ôm, tán rộng và dày như cái nơm khổng lồ, xanh mướt tỏa bóng mát quanh năm. Người làm đá nơi đây đều truyền lại cho con cháu, cây thị linh thiêng đem sự bình an cho dân làng hàng trăm năm nay. Mọi người yên tâm làm ăn bên hai con sông chảy qua làng.

Sông Vân và sông Trà Tu đã nuôi dưỡng hồn làng quanh bên cây thị, ấm áp tình làng, nghĩa xóm. Dãy núi đá vôi phía đông của làng cũng ăn con nước sông Vân, để lại những âm thanh và hương hoa bí ẩn, trong từng thớ đá. Chính vì lẽ đó chăng mà các làng đá nơi đây thường được khách đến đặt làm tượng phật, khánh đá, lư hương và bia khắc đầu rồng...

Cổng làng đá kỷ lục Ninh Vân.

Từ xa xưa đã lưu dấu bàn tay người thợ Ninh Vân, qua những câu thơ khắc trên núi đá chùa Non Nước, bên sông Vân ngày nào. Mỗi bài thơ trên núi Thúy là một câu chuyện đọng lại hồn thiêng sông núi nước non. Đó là những thi phẩm của các nhà thơ như Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Lê Hiển Tông, Tự Đức, Thiệu Trị, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Tàn Đà... Và khi đó, bàn tay thợ chạm khắc Ninh Vân cũng bồi hồi với những nhịp thở thời đại.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng sinh thời đã dịch một bài thơ của Nguyễn Trãi trên vách núi. Hồn thơ đưa ta vào cõi mộng: “Cửa biển có non tiên. Từng qua lại mấy phen. Cảnh tiên rơi cõi tục. Mặt nước nổi hoa sen. Bóng tháp hình trâm ngọc. Gương sông ánh tóc huyền...”. Còn phía trên cao là vần thơ đầu tiên của Trương Hán Siêu thăm thẳm nỗi tiêu dao: “Non xanh xanh vẫn như xưa. Du nhân đi mãi mà chưa thấy về. Sóng in bóng tháp Bồ đề. Mở toang cửa động liền kề chân mây...” (bản dịch của Trần Văn Giáp).

Những lưu bút còn thể hiện nghệ thuật và tài năng khắc đá với kỹ nghệ tinh xảo và tài hoa bậc nhất của các nghệ nhân Ninh Vân thuở xưa. Trải qua thời gian khắc nghiệt, với phong ba, bão táp, những bài thơ chữ Hán-Nôm được khắc từ chân núi lên đỉnh núi đều còn rõ nét, vẫn sáng tỏa hồn thơ của bao thế hệ. Chúng là những bản tạo hình, như báu vật tô điểm cho núi Thúy thêm kỳ ảo với thời gian. Đến nay có thể coi đây là một bảo tàng văn chương Hán-Nôm, hơn 40 tác phẩm thơ cổ, độc đáo nhất thế giới.

Những bài thơ này còn gắn liền với những sự kiện lịch sử trên bến sông Vân. Nơi đây có vị trí quan trọng, đồn tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư (nhà Đinh), một chốt chặn không thể thay thế, án ngữ toàn bộ ngã ba sông Đáy, sông Vân và quốc lộ 10 cùng nhiều đường giao thông quan trọng. Tiếng vọng của thành quách Hoa Lư vang lên trong tâm hồn tôi những nét rực rỡ ngàn năm để lại.

Chùa Non Nước được dựng lên từ thời Lý nay vẫn còn đó bóng dáng bồn chồn của Dương Vân Nga, vị Hoàng hậu nhà Đinh, đứng trên bến sông trao long bào cho Lê Hoàn. Một quyết định thay đổi vương triều để trị quốc an dân. Những nét chữ tài hoa sinh động luôn có sự đồng cảm với tâm hồn thi nhân. Khắc khoải nỗi niềm.

Chính ngay trên đất quê hương mình, Hoa Lư, những người thợ làng đá từng để lại những mồ hôi và nước mắt trên những thành quách, thời Đinh (968-980) và Tiền Lê cách đây cả ngàn năm. Hiện còn lại di tích cổ nhất trong khu di tích lịch sử văn hóa Hoa Lư là cây cột kinh phật (cao 4,16m) nằm trong chùa Một Cột (Ninh Bình). Ngôi chùa nằm phía đông thành Hoa Lư và là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh (thế kỷ 10).

Cột kinh phật ở chùa Nhất Trụ (Hoa Lư).

Những người thợ chạm khắc đá Ninh Vân đã tham gia việc chế tác cột kinh phật bằng đá (Nhất trụ), đặt tên là cột kinh Lăng Nghiêm, vào năm 995. Có thể nói cột kinh Lăng Nghiêm là tác phẩm bằng đá hội tụ sự tài hoa của những người thợ khắc đá đầu tiên của làng Ninh Vân. Cột đá tạo hình bát giác. Mỗi mặt là những bài kinh phật, được khắc chữ Hán cổ, đẹp và rõ ràng.

Cho dù đã trải qua hơn 1.000 năm, hàng ngàn chữ đều là văn tự sâu sắc về Phật giáo. Thông qua bản khắc cho biết, cột kinh Lăng Nghiêm được chính vua Lê Hoàn quyết định xây dựng. Và cái tên chùa Một Cột (Hà Nội) cũng được bắt nguồn từ đây, khi triều đình nhà Lý rời Hoa Lư chuyển về kinh đô Thăng Long, năm 1010.

Vậy mới thấy nghề chạm khắc đá đã xuất hiện từ ngàn năm ở Ninh Vân. Từ xưa, những người thợ giỏi của làng đã được chọn đi xây dựng những công trình lớn của các triều đình phong kiến trải dài khắp đất nước. Từ đó tạo nên một dòng văn hóa đá mỹ nghệ, được hiện diện trong các công trình xã hội như chùa, đền, cung điện và quảng trường. Ngay tại làng còn giữ được cặp rồng đá tại đền thờ đức ông Thần hoàng làng Xuân Vũ có niên đại cách đây 700 năm.

Những công trình xa hơn, như lăng Khải Định (Huế) cũng do bàn tay thợ Ninh Vân tạo nên, với vẻ đẹp thâm sâu của đá trong từng nét chạm khắc tinh tế. Bên cạnh đó còn những công trình đá cổ của người Ninh Vân như nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), lăng bà Chúa Liễu (Nam Định)...

Những kỷ lục của đá

Gần nửa thế kỷ qua, nghề làm chạm khắc đá Ninh Vân ngày càng phát triển. Hiện có tới 1.600 hộ chế tác đá, với hơn 4.000 thợ các thế hệ, trong 3 làng và các tỉnh khác đổ về cùng làm ăn. Chính vì thế người ta gọi Ninh Vân là một “Vương quốc đá” quả không ngoa. Ngoài những công trình đá cổ xưa, những người thợ trẻ tài hoa Ninh Vân ngày nay đã để lại nhiều dấu ấn mới lạ, hoành tráng với những kỷ lục độc đáo.

Đầu tiên là kỷ lục cổng làng bằng đá. Với độ cao và rộng hàng chục mét, cổng làng Ninh Vân đã đứng hàng đầu danh sách các cổng làng được xây bằng đá, to và đẹp nhất nước. Điều khác biệt ở đây là các cột được xây từ những tảng đá nguyên khối chồng lên. Các cột đều có những hoa văn rồng uốn lượn, tạo nên sự bay bổng hài hòa, làm giảm đi cảm giác nặng nề. Đường nét kẻ vẽ trên đá, nhìn thanh thoát nhưng không kém phần kỳ vĩ và thu hút người qua lại.

Bia đề thơ cổ do thợ Ninh Vân khắc trên núi Thúy.

Điều thú vị hơn nữa là những công trình điêu khắc lớn của người thợ Ninh Vân ở nhiều địa phương cũng mang dấu ấn kỷ lục, tồn tại trong hàng chục năm qua. Có thể kể đến cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc, ở TP Hồ Chí Minh; Cụm tượng đài Thanh niên xung phong, chống Mỹ cứu nước, ở Quảng Trị; hay tượng Mẹ Suốt, tại Quảng Bình; tượng Trần Hưng Đạo, thuộc Chí Linh (Hải Dương); đặc biệt là cụm tượng đài ở nghĩa trang Trường Sơn và tượng đài Bác Hồ ở Nghệ An đều đạt độ lớn và đều bằng đá lớn ghép liền mạch.

Thêm nữa kỷ niệm không kém phần xúc động, đó là vào năm 1988, hợp tác xã của làng đã thực hiện hợp đồng lớn, thi công tượng đài Liên minh đoàn kết Việt Nam - Campuchia đặt tại Hoàng cung Campuchia. Những tác phẩm do bàn tay thợ Ninh Vân thực hiện luôn thể hiện được cái hồn của nhân vật, làm rung động lòng người, cho dù bố cục lớn và hoành tráng đến đâu.

Nhưng có lẽ kỷ lục làm nên 500 pho tượng la hán khác nhau, mỗi bức đều là đá nguyên khối nặng từ 5 đến 6 tấn, bày tại chùa Bái Đính là ấn tượng nhất từ xưa đến nay. Những người thợ đá Ninh Vân đã gây ngạc nhiên cho hàng triệu du khách, trong nước và quốc tế. Hành lang kéo dài hàng cây số bày các pho tượng la hán, thuộc các tông phái qua lịch sử Phật giáo, vẫn còn chấn động cho bất kỳ ai đến đây. Nhiều chuyên gia và du khách Trung Quốc đến Bái Đính đều sửng sốt, không những vì độ lớn của các pho tượng đều cao 2 đến 3m, mà còn ở linh hồn tác phẩm.

500 dáng vẻ khác nhau và 500 ánh mắt cũng như tâm trạng khác nhau của cuộc sống được hiện lên từng khuôn mặt tượng. Người xem đều gặp sự thư thái, lắng đọng trong tâm hồn và như gặp lại được chính mình trong mỗi ánh mắt hay khóe môi an nhiên tự tại. Ai nấy đều thán phục bàn tay thợ tài hoa Ninh Vân. Đó chính là những nghệ sĩ biết gọi hồn đá ngân lên trong thế giới tâm linh diệu kỳ.      

Người ta còn nói đến một kỷ lục mới khác, bên 500 pho tượng la hán, là một bia khắc khổng lồ, nặng hơn 10 tấn, được làm bằng đá xanh nguyên khối. Đây là bia đá cao hơn 6m lớn nhất trong hàng ngàn bia đá trên đất nước ta. Nó đứng bên 54 bia đá khác, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, hiện được đặt tại chùa Bái Đính. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Việt cùng bạn thợ của mình ở Ninh Vân đã thực hiện thi công và tạo dựng bia đá khủng này.

Thân bia được chạm khắc 200 con rồng nổi, phản ánh đúng hồn cốt văn hóa thời Lý, biểu trưng cho sức mạnh của chế độ phong kiến xưa. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Việt nói, thật kỳ công với từng nét chạm khắc, cùng 10 người thợ, anh phải làm trong 2 năm trời mới hoàn thành tấm bia kỷ lục này.

Giai điệu của đá

Khi chúng tôi vào thăm ngôi nhà đá cổ của gia đình bà Đinh Thị Long ở thôn Xuân Phúc, thì đã nghe một bản nhạc ở đâu đó vang lên nhẹ nhàng. Những âm thanh vui tai, trong trẻo lẫn lộn với tiếng cưa đục đá bên công trường dội về. Đây là một trong những ngôi nhà đá cổ của làng. Bà chủ nhà kể, sau khi ông nội bà tham gia xây xong nhà thờ đá ở Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình thì rủ thợ về làm ngôi nhà này.

Tính cho đến nay, tuổi thọ ngôi nhà được tính bằng số năm của nhà thờ Phát Diệm, chừng 115 năm. Những họa tiết trên đá, như hoa sen, cùng những hình linh vật được khắc nét mềm mại, như những đường vờn bay bổng. Khung ngôi nhà bằng đá được gá mộng khéo léo không có chút gia cố sắt thép nào nhưng vẫn vững bền hơn trăm năm qua. Những cột đá mỗi ngày một bóng mịn theo thời gian, hiện rõ những vân đá tự nhiên hài hòa. Giờ đây, ngôi nhà đá của bà Long được coi là một địa chỉ tham quan, sau những di tích lịch sử văn hóa đá khác như đình, đền của Ninh Vân.

Người thợ làm bia rùa đá.

Bất ngờ tiếng nhạc vang lên, cùng với tiếng trống và lời ca tiếng hát rộn ràng, mỗi lúc một sôi nổi. Chúng tôi thêm một lần ngạc nhiên trước cảnh núi rừng và con nước sông Vân êm đềm trôi qua làng. Thì ra ban nhạc trẻ của Ninh Vân đang tập luyện, để chuẩn bị cho hội làng nghề vào tháng 8 âm lịch, tưởng nhớ đến Tổ nghề Hoàng Sùng. Bài hát về đá nghe sao mạnh mẽ và rộn ràng trong âm hưởng hiện đại, thôi thúc lòng người.

Tôi bỗng nhớ có lần nhà điêu khắc nổi tiếng Nguyễn Phú Cường, khi về đây đã chia sẻ với những người thợ Ninh Vân bằng những vần thơ mang âm hưởng của đá: “Đục và búa. Chát chúa. Đập nát chính mình. Tạc tâm linh. Hình hài nghệ sĩ. Lao động như nô lệ. Sáng tạo như thượng đế. Biết bao thế hệ nối nhau. Niềm vui dâng hiến. Nỗi đau riêng mình”.

Có lẽ đó là hình ảnh của người thợ chạm khắc đá Ninh Vân, đầm đìa mô hôi đổ trên từng thớ đá, nhưng lại say mê sáng tạo. Mỗi khi cầm búa, họ luôn trao gửi những góc cạnh tâm hồn mình tràn lên mặt đá. Chúng tôi đi trong tiếng chuông, tiếng khánh đá bên vườn tượng ngân lên thanh tao; nghe như trong mỗi bước đi nhẹ tựa gió bay, bên những tượng phật mỉm cười thân thiện.

Vương Tâm
.
.