Làng đóng giày của “Thánh Gióng”

Thứ Tư, 27/09/2017, 12:20
Có một hình ảnh cứ bồi hồi trong tâm hồn tôi, mỗi khi thấy chàng trai nào đó đi bán giày da trên phố, với chiếc ba lô nặng trĩu phồng căng, chứa hàng chục chiếc giày. Chưa hết, trên hai cánh tay anh cũng có bốn đôi giày, thậm chí có hôm trên cổ cũng quàng hai đôi. Ai gọi mua thì dừng lại. Ngày nắng đổ lửa hay những hôm giá rét căm căm cũng vậy. Chàng trai ấy vẫn lầm lũi trên đường...

Người làng giày cầu Giẽ

Mặc dù hiện nay có hàng trăm cửa hàng giày của nhiều hãng khác nhau mọc lên khắp nơi, cùng với phố Hàng Dầu còn được coi là trung tâm mua bán giày ở Hà Nội; nhưng không thể ngờ khi đến làng Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, công việc làm giày da vẫn hối hả, tấp nập ngày đêm.

Người dân ở đây cho biết, giày của họ được các địa phương, cửa hàng mua về, rồi đóng nhãn mác khác để bán được lãi nhiều. Tôi quả bất ngờ. Khi hỏi những chàng trai lang thang bán giày trên phố có phải người làng mình? Thì một ông già bên quán nước nói như quát lên vậy - “Chứ sao nữa”.

Tôi tò mò hỏi thêm, vì sao vậy? Thì ông rành mạch nói, đó là những người thợ tự làm giày và không muốn cho ai dán mác nhãn khác vào giày của mình. Rồi ông chỉ dọc đường làng nói, hàng giày phố Giẽ mọc lên dài tới cả cây số, chứ phố giày Hàng Dầu thấm gì.

Nghệ nhân Lê Văn Thịnh và Lê Văn Hải.

Theo ông làng Giẽ được coi là chợ đầu mối giày da, cung cấp cho nhiều tỉnh quanh vùng, nhất là trung tâm Hà Nội. Nhiều khi họ mua về đóng cả nhãn mác nước ngoài, rồi nói đó là hàng nhập, giời biết. Nhưng cứ nhìn đường khâu, mũi giày là nhận ra ngay, chỉ rặt là đồ làng Giẽ.

Thật may tôi tìm gặp được anh Nguyễn Như Diên, Phó Chủ tịch Hội Giày da Phú Yên, ngay tại cửa hàng của gia đình trên trục đường làng. Anh trầm tĩnh nói, việc tạo dựng thương hiệu giày của làng quả còn nhiều khó khăn. Khối lượng xuất giày ở làng Giẽ, mỗi năm tới 6 đến 7 triệu đôi chứ không ít, thu về từ 50 đến 60 tỷ đồng, nhưng đều là hàng không nhãn mác.

Cho dù hơn chục năm qua, có một số công ty hay xưởng giày lớn đã đăng ký tên riêng gia đình, nhưng vẫn chưa nổi lên là một thương hiệu với đúng nghĩa của nó. Hiện xã đã quyết định thống nhất thương hiệu “giày Phú Yên” chung cho các cơ sở sản xuất tại địa phương. Nhưng sức cạnh tranh với các thương hiệu mạnh trên thị trường không dễ dàng gì, vì thế giày làng Giẽ vẫn phải sống nhờ nhãn mác của thiên hạ như người ta nói, cũng không sai.

Phải chăng đó chính là đặc điểm của làng chợ giày da đầu mối Phú Yên!? Do vậy sự phát triển nghề ở đây không ngừng tăng trưởng, toàn xã có tới hơn 500 cơ sở sống được, thậm chí làm giàu với công việc sản xuất giày da trong gia đình. Không khí làm việc hằng ngày thật sự sôi nổi.

Hàng ngàn thợ trong làng cùng với hàng trăm thợ ở khắp nơi tụ về. Họ làm giày, mở cửa hàng tạo nên phố thị dọc con lộ 75, bên sông Nhuệ. Khách đến mua hàng, tấp nập tàu xe chạy từ Cầu Giẽ, ngã ba quốc lộ 1 tỏa đi khắp nơi.

Có lẽ điều thú vị nhất, khi theo anh Diên đến trụ sở Hội Giày da của xã, tôi mới hay ở đây trưng bày một chiếc giày lớn, thật quá sức tưởng tượng. Người ta đặt tên cho chiếc giày bự này là “Nhịp bước thời đại”, bởi nó dài tới 2,72m, cao 1,1m, chiều rộng 1,05m và nặng 70 cân

 Tôi ngạc nhiên hỏi vui, ai mà đi vừa chiếc giày này được nhỉ? Không ngờ anh Diên nói ngay, chiếc giày này được làm cho Thánh Gióng đi chứ sao! Rồi anh cười giải thích, đó là ý tưởng của nghệ nhân Lê Văn Thịnh, một thợ giày giỏi nhất làng cùng các học trò ông thực hiện, trong cuộc thi “Tạo mẫu thiết kế giày”, với chủ đề “Nhịp bước thời đại”, cách đây 10 năm. Sau đó, chiếc giày được xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam, và là niềm tự hào đối với người làm giày ở Phú Yên.

Tôi tò mò leo lên ghế, bước vào ngồi trong chiếc giày, rồi nằm doãi người lọt thỏm phía dưới với cảm giác kỳ thú. Anh Diên nảy ra ý muốn đưa tôi đến gặp tác giả của chiếc giày kỳ lạ này. Tôi mừng rỡ, rảo chân trên con đường ngược về nhà nghệ nhân Lê Văn Thịnh, ở đầu làng.

Chuyện bên chiếc giày kỷ lục

Nghệ nhân Lê Văn Thịnh năm nay đã ở tuổi 80. Vừa đến, tôi hơi ngỡ ngàng vì nhà ông ở ngay bên đường cái, nhưng không mở cửa hàng bán giày. Khi hỏi, ông Thịnh hiền hậu nói, gia đình ông chỉ nguyện làm thuê, vì tránh mọi bon chen trong chuyện mua bán. Ông sợ con cháu sa vào sự tính toán và gian lận trong thương trường. Cứ giỏi nghề như các cụ ta xưa nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

Lúc này anh Diên mới cho tôi biết, tay nghề ông Thịnh nức tiếng thiên hạ, nên khách đến đặt làm giày nhiều, làm không hết việc. Anh kể năm 2003, khi làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu làng nghề, xã đã đặt ông đóng 4 đôi giày mẫu, để gửi kèm. Đây là những sản phẩm tiêu biểu cho tinh hoa làng nghề, đẹp và bền với chất liệu da do chính người dân Phú Yên làm ra, nên Hội nghề Giày da Việt Nam đánh giá cao và chính thức đề nghị thành phố cấp danh hiệu cho làng từ đó.

Trò chuyện với tôi, nghệ nhân Lê Văn Thịnh bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, đi theo bố là nghệ nhân Lê Văn Giầu học đóng giày tận Hải Phòng. Ông không bao giờ quên những ngày đêm miệt mài từng đường khâu mũi chỉ bên sông Cấm.

Anh Diên bên chiếc giày kỷ lục.

Rồi những ngày lang thang mang giày đi rao bán trên đường phố. 12 tuổi, cậu bé Thịnh đã thông thạo mọi việc, phụ cho bố đóng giày do khách đặt hàng. Nhiều đêm đói bụng, nhưng cậu bé Thịnh không tìm cái ăn mà chỉ tìm giấy vẽ mẫu giày cho quên đi thời gian. Đó là những mẫu giày cần phải thuộc lòng từng chi tiết. Thịnh nhớ bố thường dặn, muốn no nê phải giỏi nghề, và hết lòng với công việc. Khi ấy giày mới đẹp, khách mới nhớ cửa hàng.

Đinh ninh trong lòng lời cha dạy dỗ, cậu bé Thịnh đi tầm sư học đạo khắp nơi. Gặp ai giỏi nghề đóng giày là lại học thiết kế mẫu mới. Thời gian miệt mài trôi đi, Thịnh lớn lên trong niềm say mê với kim chỉ, dao kéo, bên chiếc bàn đế. Đến năm 1955, ở tuổi  tuổi 17, Thịnh quay về Hà Nội mở quán đóng giày cho khách trên phố. Anh muốn tự lập và kiếm những đồng tiền của riêng mình qua những mẫu giày tây phố biến ở Thủ đô.

Nhưng rồi có lần theo học nghệ nhân Nguyễn Lương Mạc, người đầu tiên sáng lập ra nghề đóng giày ở quê, Lê Văn Thịnh mới dần dần nhận ra “Cầu Giẽ, hai tiếng quê hương thân thương, lên tiếng gọi anh về”. Mấy năm sau anh vác đồ nghề trở về quê, cùng gia đình dựng nghiệp tại chính nơi mình sinh ra, bên sông Nhuệ.

Từ đó cho đến nay, nghệ nhân Lê Văn Thịnh nức tiếng trong làng với bàn tay tài hoa, đạt những danh hiệu và giải thưởng trong các cuộc thi đóng những đôi giày đẹp, đoạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, và được thành phố Hà Nội phong danh hiệu nghệ nhân, năm 2013.

Chợt nhắc đến chuyện năm 2007, nhận lời đóng đôi giày lớn cho xã, ông vẫn còn nhớ như in những ngày tháng đầy cam go ấy. Nào là bản thiết kế mẫu mới; nào là dự toán vật liệu; nào là vận dụng công nghệ máy móc ra sao; và đặc biệt là tìm cho ra những tấm da bò lớn để làm thân giày, chứ không được lắp ghép thô kệch. Một chiếc giày lớn gấp 10 lần mẫu bình thường, nhưng cũng phải đẹp và nuột nà với chất lượng cao nhất.

Có lần trong giấc mơ, chiếc giày khổng lồ ấy hiện về, ông đi theo ra phía bờ sông Nhuệ. Những rặng tre rì rào uốn cong trong cơn gió lớn. Sông nước cuộn trôi về xa. Chợt hình ảnh Thánh Gióng cũng hiện lên, đứng vụt dậy cao lớn, dũng mãnh phi ngựa lên trời. Ông reo lên trong giấc mộng sẽ đóng đôi giày cho Thánh Gióng trong ngày xuất quân đánh giặc Ân.

Thế là ông ngồi bật dậy, tỉnh giấc. Trong lòng khấp khởi với ước mơ đóng một đôi giày lớn cho chàng trai người trời đánh giặc ngoại xâm. Ngay hôm sau, ông bắt đầu tìm kiếm, mua những con bò lớn nhất. Nhưng không ngờ tìm đâu cũng không ra con bò nào sẽ thuộc được tấm da lớn, dài và rộng theo đúng mẫu thiết kế - một chiếc giày bướm như mọi người vẫn ưa dùng.

Mãi sau đó, được sự giúp sức của đồng nghiệp trong hội làng nghề, ông mới mua được 4 con bò lớn giống Ấn Độ để thực hiện ý tưởng. Phải nói cả làng như vào hội, vất vả từ công việc mổ xẻ, thuộc da, rồi cắt mẫu, rậm rịch suốt ngày đêm. Anh Diên kể làm được chiếc giày lớn này, dưới sự chỉ huy của ông Thịnh, 10 tay thợ giỏi trong làng phải liên tục làm việc suốt 2 tháng trời.

Quá trình hình thành phải dùng hết 40m da bò, 300m chỉ, 30kg keo dán và nhiều khối bê tông để làm phom giày... Ông Thịnh mang bộ hồ sơ thiết kế cho chúng tôi xem. Hàng chục bản vẽ và hàng trăm chi tiết được vẽ ra, tất cả đều được cắt trên mẫu bìa cứng để kiểm soát tiến độ thi công. Đúng là ngắm chiếc giày “khủng” dài 2,7m, chúng tôi không hề thấy xa lạ, bởi đó đúng là chiếc giày mọi người vẫn đi.

Lê Văn Hải và chiếc giày nhỏ nhất hiện nay.

Nó gây ngạc nhiên cho con mắt nhưng lại vẫn mỹ miều, nuột nà thân thiện, với những nét cắt sắc gọn và đường chỉ chắc chắn đều tăm tắp. Đúng như nghệ nhân Lê Văn Thịnh nói, không có cảm giác to thô, phải hài hòa, duyên dáng. Ngay đến nước xi cũng mịn màng, đều màu, không một chút gợn nhăn. Hơn 60 năm làm nghề, nghệ nhân Lê Văn Thịnh tạo nên một thành quả đáng tự hào, thể hiện một mỹ cảm thời trang hiện đại của người thợ làng Giẽ.

Trao đổi với chúng tôi về nghề, ông tâm sự cả một đời ông xoay xỏa với vẻ đẹp của mũi giày, gót giày mà không hề mệt mỏi. Nghệ nhân Lê Văn Thịnh mỉm cười, bởi ông chợt nhớ một thời xã Phú Yên đã trở thành “Thủ đô kháng chiến” và cũng là mảnh đất sông quê nuôi cảm xúc cho nhà văn Nam Cao viết nên thiên truyện nổi tiếng “Đôi mắt”.

Đó là cách nhìn sâu sắc của nhà văn về bản chất của sự sống. Cảm xúc trong tôi bỗng dâng lên, và nghĩ trong tâm hồn nghệ nhân Lê Văn Thịnh, mỗi đôi giày là một tác phẩm nghệ thuật, mang theo suốt cuộc đời mình. Cách nhìn ấy thể hiện đúng “Đôi mắt” người thợ làng Giẽ.  

Đôi hài cổ tích của nàng tiên

Vừa hay, đúng lúc người cháu nội của nghệ nhân Lê Văn Thịnh mang một mẫu giày mới về nhà. Đó là người thợ trẻ Lê Văn Hải. Theo anh Diên nói, Lê Văn Hải tiêu biểu cho lớp thợ trẻ, lứa thứ tư trong những gia đình 4 đời làm nghề đóng giày ở làng Giẽ.

Khi mới 24 tuổi, Lê Văn Hải đã từng đoạt giải nhì (HCB), trong cuộc thi thiết kế mẫu giày quốc tế, ở Trung Quốc năm 2009. Trước đó, chính Hải cũng là một trong những thợ trẻ phụ ông làm đôi giày kỷ lục, và còn biết vận dụng công nghệ thông tin trong thiết kế mẫu giày.

Hằng ngày, anh cùng với ông nội thiết kế mẫu và làm giày theo hợp đồng mới. Nơi đây được coi là điểm hội ngộ, trao đổi nghề nghiệp, giao lưu của những người thợ trẻ đóng giày trong làng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hải rụt rè ngồi sau ông nội, luôn đỏ mặt mỗi khi được đề cập đến thành tích của mình. Nhưng đột nhiên, anh đứng dậy đến bên tủ hàng, rồi đưa chúng tôi xem 2 đôi giày nhỏ xíu. Một đôi giày da màu nâu, bằng hai ngón tay và một đôi giày da trắng xinh xinh dài hơn đốt ngón tay trỏ.

Tôi ngỡ ngàng với những cảm xúc mới lạ, bởi câu chuyện bỗng ngoặt sang một hướng mới. Từ đôi giày lớn nhất dài 2,7m đến đôi giày nhỏ nhất, dài 2,7cm. Đó hẳn là một câu chuyện cổ tích về chiếc hài công chúa bị rơi bên đường. Thì ra đây còn là một kỷ lục về chiếc giày nhỏ nhất, cho dù chưa có một cuộc thi nào tổ chức, nhưng lại vẽ lên một ước mơ cháy bỏng về sự khát khao sáng tạo của tuổi trẻ.

Tôi bỗng nhớ đến câu ca dao xưa của làng rằng: “Giai làng làm thợ giày may. Con gái ngày ngày giữ việc đăng ten. Ai đi qua đấy đều khen. Nhìn cảnh làng Hạ mà thèm đến chơi”. Đúng thế, tôi đoan chắc ai đi qua cũng “thèm” rẽ vào, ắt hẳn sẽ mê mẩn với những đôi giày đẹp làng Giẽ, nơi phố thị bên sông.

Vương Tâm
.
.