Lãng mạn với “Nữ hoàng biển Adriatic”

Thứ Sáu, 20/02/2015, 19:25
Nước Ý hấp dẫn tôi bởi thành La Mã khiến đấu trường lòng ai cũng phải hoang phế theo. Rồi tháp nghiêng Pisa kỳ thú, đến nơi nghiêng xiêu vẹo méo mó đó, thì kể cả người xấu nhất cũng thấy mình đẹp theo cách riêng của mình. Cũng chẳng thể bỏ mỳ Ý spagetti, dẫu tôi chẳng thích thú gì món này cho lắm.

Nhưng tôi tin, sau khi ăn một cái kem Ý thứ thiệt bên đài phun nước Trevi - đẹp và cổ nhất thế giới - ở Roma hoặc bờ thành cổ kính của đất nước nhỏ bé nhất thế giới Vatican, thì chắc chắn bạn cũng sẽ như tôi: sẽ không còn muốn ăn một que kem nào trên thế giới này nữa, nếu như nó không phải là kem Ý.

Kinh thành nổi tiếng chưa từng có sự hiện diện của ôtô

Nhưng! Kem, ăn thấy ngon rồi hơi nhơ nhớ. Tháp nghiêng ngó một chút rồi thấy nó cũng thăng thẳng và đồ rằng hết tò mò rồi cũng thấy bình thường. Đấu trường La Mã (Colosseum) giống như cổ thành vừa được khai quật lộ thiên, cứ rêu mốc bám muội, tôi cũng như nhiều người, đến chụp cái ảnh dang tay ưỡn ngực rồi về.

Ngẫm lại, cả châu Âu, ám ảnh nhất là Ý, điều này thì ít ai còn tranh cãi. Và bây giờ nhắm mắt lại, hỏi nơi nào của châu Âu bạn nhớ nhất, tôi sẽ nói là: Vơ-ni-dơ (Venice). Bởi quần đảo này, khu “đầm phá” Di sản thế giới này, cả thực thể sống 62.000 người (dân số chỉ bằng vài ba cái xã ở châu thổ Bắc Bộ nước ta) ở kinh thành trên sóng biển này luôn có quá nhiều thứ để được nhân loại tiến bộ vinh danh là “nên đến trước khi bạn chết” (before you die).

Tôi thích gọi Venice theo đúng kiểu tiếng Pháp, như ông tôi, rồi bố tôi và các trí thức nước Việt bao năm nay vẫn gọi: Vơ-ni-dơ, một “nữ hoàng biển Adriatic”, cũng có nghĩa là nữ hoàng vùng Địa Trung Hải.

Thật lòng tôi không muốn vỗ tay theo người khác, nhưng đúng là thế giới này có cái lý rất lớn để vỗ tay bầu chọn Vơ-ni-dơ trở thành thiên đường nơi hạ giới. Họ gọi đó là thành phố của những cây cầu, thành phố của những con kênh, kinh thành nổi, kinh thành ngự trên mặt sóng biển hoặc “nữ hoàng đại dương”. Hoặc “thành phố mặt nạ”.

Mà kể cũng lạ thật. Nằm ở một khu vực “đầm phá” mênh mông thuộc miền Đông Bắc nước Ý, nếu Italia là cái ủng dựng đứng trong nước biển Địa Trung Hải ngăn ngắt tỏa màu xanh trong  nắng vàng, thì Vơ-ni-dơ ở rìa miệng ủng. Nhìn từ tàu bay xuống hoặc lật bản đồ ra, thì thấy khu “phá” được công nhận Di sản thế giới này vô cùng rộng lớn, nó gồm bùn loãng, bãi bồi, cộng với nhiều hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô. Có 118 hòn đảo trong số đó để Vơ-ni-dơ tọa lạc.

Nói là hơn 118 hòn đảo nhưng nó nhỏ lắm, nhỏ đến mức số dân sống trên đó (như đã ví ở trên) chỉ bằng số người đang vui vầy trong vài xã của nước ta. “Kinh thành trên sóng” này có tới hơn 400 cái cầu. Và đến giờ vẫn là vùng dân cư đông đúc và rộng lớn nhất thế giới mà chưa từng có sự hiện diện của một chiếc ôtô nào.

Tính về địa giới hành chính thì Vơ-ni-dơ là thủ phủ của tỉnh Venezia, thuộc vùng Veneto, nước Ý. Tỉnh này có cờ và có huy hiệu riêng. Theo những gì mà thế giới còn có thể ghi chép và truyền thuyết lại, thì Vơ-ni-dơ bắt đầu đông đúc dần vào khoảng năm 421. Bấy giờ có nhiều người chạy trốn khỏi cuộc chiến khốc liệt ở khu vực có thành La Mã cổ của Roma bây giờ.

Đến năm 568, cuộc chiến tạm ngưng, với sự ra đời của Đế chế La Mã miền Đông, với dải đất lớn nằm ven biển Adriatic. Từ đó, vị cha xứ nổi tiếng Olivolo ra đời, rồi nhà thờ Thánh Mark (vị thánh bảo trợ cho Vơ-ni-dơ đến tận ngày nay) được xây dựng hết sức công phu.

Lúc đầu, ngoài lý do tôn giáo, nhà thờ và các cung điện đã tồn tại kiêm vai trò của các pháo đài phòng thủ. Sau  này, thêm các thánh vật cưỡng đoạt được từ chiến tranh được đưa về nhà thờ Thánh Mark, nơi này càng trở nên nổi tiếng. Vị trí trọng yếu trên tuyến hàng hải toàn khu vực, thế mạnh điều khiển thuyền chiến của các chiến binh sông nước vùng Vơ-ni-dơ được phát huy, một đế chế hàng hải của Tây Âu đã ra đời.

“Khu đô thị tráng lệ nhất châu Âu” này ngạo nghễ mọc trên sóng nước, với hơn 1.000 năm tự chủ, cho đến khi Hoàng đế Napoleon Bonaparte cất quân đánh chiếm vùng Venezia trong chiến dịch Đại liên minh lần thứ nhất (năm 1797). Người Vơ-ni-dơ mãi mãi tự hào, họ sớm trở thành một đô thị tráng lệ nhất châu Âu, có ảnh hưởng rộng lớn đến nghệ thuật, kiến trúc và văn học của cả vùng.

Đặc biệt, ở lĩnh vực âm nhạc, từ thế kỷ XVI, Vơ-ni-dơ đã trở thành kinh đô âm nhạc của toàn châu Âu, đi đầu trong phong cách sử dụng nhiều nhóm nhạc, nhiều nhạc cụ cùng lúc. Nổi bật hơn cả là lĩnh vực kiến trúc, ở Vơ-ni-dơ, nhà thờ, quảng trường hay di tích Dinh tổng trấn nổi tiếng đến mức, thế giới có cả thuật  ngữ phong cách kiến trúc Gô-tích kiểu Vơ-ni-dơ (Venetian Gothic Style).

Đến tận lúc này, Vơ-ni-dơ vẫn tự hào là kinh đô kiến trúc nghệ thuật của thế giới: cứ hai năm một lần Triển lãm Vơ-ni-dơ lại diễn ra, các nghệ sĩ khắp thế giới lại “bơi” về kinh thành trên mặt sóng này để hội ngộ một lần, rồi cùng đưa ra các tuyên ngôn về nghệ thuật và kiến trúc.

Người Ý nổi tiếng hào hoa. Và có đến Vơ-ni-dơ mới thấy người Ý bảnh bao tới mức nào, kỹ càng, duy mỹ ra làm sao. Cái gì ở đây cũng được nâng lên thành nghệ thuật. Quảng trường Thánh Mark hoành tráng đến rợn ngợp, đến điên rồ ở trên sóng nước với các hòn đảo nhỏ bé. Khối đá rộng thuênh và cao vòi này.

Hơn 100 hòn đảo tràn ngập cờ và huy hiệu đã ra đời từ rất rất sớm trong lịch sử. Nó như một giấc mơ cho người chiêm bái. Tôi đến thăm “Nữ hoàng biển Địa Trung Hải” vào ngày quốc khánh của tỉnh này. Cờ vàng cam, trên đó vẽ ngài sư tử có cánh, hình như là linh vật của Thánh Mark, vị thánh bảo trợ cho toàn vùng. Cờ bay nhiều hơn áo người Vơ-ni-dơ và du khách. Cờ phủ vàng mọi ngóc ngách, người ta công kênh nhau lên, hò hét, cuốn cờ ngang thân mà chạy ào ào, nhiều người tay cầm chai bia cực kỳ phấn khích.

Lúc đầu tôi cứ tưởng có biểu tình. Vô số nhà thờ cao vòi vọi, các vị thần thánh đứng trên nóc, đùi nần nẫn (thánh nữ), đội vương miện, có người gõ chuông bên các cấu kiện dát vàng ròng. Dinh Tổng Trấn toàn đá, cao vòi vọi, to khổng lồ, đứng dưới chân nó, sát rìa đảo nước xanh trong, bất cứ ai cũng thấy choáng ngợp.

Hơn 400 cây cầu, nhiều cây kỳ vĩ, đá nguyên khối, nặng không biết bao nhiêu tấn, cầu trùm qua cả các con kênh lớn. Dinh thự, quảng trường, nhà thờ bằng đá nhiều vô kể. Bởi thế, nhiều  người đã gọi đây là những thành phố nổi “điên rồ” và ngạo nghễ kiêu bạc nhất quả đất.

Những “lâu đài trên sóng” đang chết chìm?

Lại nói chuyện màu mè. Nghe nói các thủy thủ, các chiến binh sông nước dũng mãnh nhất thường đi xa đánh giặc hay kiếm cá, vợ con ở nhà “lấy chồng miền biển hồn treo cột buồm”, nên họ cứ ngóng trông, cứ sơn nhà màu mè để từ xa xôi sóng nước những người đàn ông biết lối tìm về. Nếu họ chết, thì đến lượt linh hồn họ biết trở lại nhà.

Ở các vụng biển, ven đường tàu hỏa nhìn ra các hòn đảo xanh mướt, bé xíu không đủ để dân cư sinh sống, tôi cũng gặp đậm đặc màu sắc của vô số con thuyền buồm. Một lần đang ngủ lơ mơ, xe lướt qua các hòn đảo ven bờ, tôi kinh ngạc thấy trên mặt biển xanh mê mải, xanh rất Địa Trung Hải, vô số các cánh bướm đủ màu sắc đang đậu đậu bay bay. Trời ơi là thuyền buồm. Thuyền căng hai buồm vải, nó giống con bướm đang đậu hơn cả một con bướm.

Chả trách, từ thế kỷ XV, nghe nói ở nghị viện vùng Venezia đã có cuộc tranh luận nảy đom đóm về việc nam giới nên mặc quần nhiều màu sắc theo truyền thống nữa hay thôi. Hai bên cãi bay cối đá, rồi quyết định giữ nguyên màu mè, chỉ phủ thêm ít trang phục che bớt màu sắc của cái quần đàn ông đi thôi.

Lại nói chuyện màu sắc, ở Vơ-ni-dơ, nổi danh khắp địa cầu với tài chế tác thủy tinh màu. Ít du khách nào đến Ý, nhất là đến Vơ-ni-dơ mà lại không thưởng thức vẻ đẹp và sự tinh tế tài hoa của các nghệ nhân làm thủy tinh màu ngoài 118 hòn đảo của “Nữ hoàng biển Adriatic”.

Kỹ thuật chế tác thủy tinh có từ thời La Mã cổ, qua thời gian, công nghệ này bị tàn lụi ở châu Âu. Số người “giữ bí quyết nhà nghề” được đưa ra đảo Murano sinh sống và “thắp lửa” để tránh hỏa hoạn. Đã có thời, nhà cầm quyền ra lệnh: ai truyền nghề ra khỏi đảo thì sẽ bị xử tử. Họ luyện thủy tinh từ cát mịn hiếm có, bằng “vũ điệu ánh sáng” của mình, cộng với vàng nung chảy để tôi luyện ra màu hồng; bạc nung thành nước chưng cất với cát biển để cho ra màu hổ phách; coban pha với đồng tan chảy để sáng tạo ra màu xanh nước biển Adriatic..., họ đã làm cả thế giới phải nghiêng mình. Họ đã sáng tạo ra một phong cách nghệ thuật mới.

Cửa hiệu nào cũng bán thủy tinh màu. Trong xưởng, mấy anh chàng vạm vỡ, khò lửa ra, rồi nung dẻo thủy tinh, pha màu thế nào đó, rồi tay cầm cái kẹp sắt, tay giơ cục thủy tinh dẻo, chỉ bằng vài thao tác mà anh ta chế tác ngay ra hình con gà, con ngựa, con chó vô cùng sinh động. Màu sắc thì thôi rồi, giá cả cũng “thôi rồi” là đắt, toàn vàng, bạc nung chảy mà lị.

Làm thủy tinh màu kỹ. Đến que kem người Vơ-ni-dơ chế tác cũng lạ, cái dĩa ăn bánh bằng gỗ cũng lạ. Nó là vật dùng một lần, có khi ở ta “tư thương” chế bằng nhựa tái chế oặt ẹo mang từ bãi rác về, còn bà con “thành phố nổi” họ vót, đẽo rất tài hoa. Nhiều người ăn xong, nhớ cái thớ gọt cong veo ở cây dĩa gỗ mà giữ lại làm kỷ niệm. Cái bánh của họ, cọng rau thơm nhỏ xíu không hề bị dập mặt lá khi trao cho du khách.

Món quà thú vị nhất mà hầu hết người đến Vơ-ni-dơ đều mua, ấy là mặt nạ. Cái mặt nạ thì chả có mấy dân tộc trên thế giới này từng chơi, từng làm. Song, người của “Nữ hoàng biển Adriatic” lại có sự tài hoa khác để chinh phục những vị khách kỹ tính nhất. Cả thế giới đổ về “Thành phố mặt nạ” Vơ-ni-dơ trong lễ hội hóa trang mặt nạ thường niên ở nơi này, cũng vì lý do đó.

Các sách du lịch khuyên họ đến Vơ-ni-dơ một lần trước khi chết là vì họ đang sốt vó lo lắng: thành phố di sản khổng lồ này đang chìm dần qua thời gian. Những đêm ở Vơ-ni-dơ, tôi luôn nghĩ về việc: thành phố nổi này có nổi được mãi để đón lượng khách hàng triệu người mỗi năm cứ ùn ùn kéo về, rồi các công trình bằng gạch đá, bê tông kỳ vĩ cứ ùn ùn mọc lên kia không?

Trận lụt năm 2000, nó tàn phá Vơ-ni-dơ, khiến UNESCO phải đau lòng nghĩ lại về một di sản văn hóa lừng danh đang ngất ngư trên mặt sóng như thế. Riêng Quảng trường Thánh Mark, đại sảnh tuyệt vời kỳ vĩ của châu Âu (như lời Napoleon), đã bị ngập sâu trong nước biển suốt 250 ngày.

Cùng năm, mùa Giáng sinh thiêng liêng, mà các di tích có từ thế kỷ XVI của nhà Thánh bị ngập trọn vẹn cả 17 ngày. Các nhà nghiên cứu nhìn thấy nước biển dâng trong thảm họa biến đổi khí hậu, hệ thống kiệt tác của quả đất tại Vơ-ni-dơ đang bị đe dọa từng ngày. Dự kiến, 80 năm nữa, kinh đô trên mặt sóng sẽ nằm dưới đáy biển.

Năm 2000, hơn 1.000 người dân và các chủ cửa hiệu ở Vơ-ni-dơ đã đem 1.000 đôi ủng đến Quảng trường Thánh Mark để tuyệt thực cho “ngày đi ủng” (vì lụt lội), nhằm biểu tình phản đối sự thờ ơ của chính quyền trước sự chìm đắm kinh hoàng đang xảy đến với “thành phố của những con kênh”.

Các dự án “thần thánh” và táo gan nhất đã ra đời,  họ xây các bức tường thành biết nhô lên từ đáy biển khi cần thiết, để ngăn cách Vơ-ni-dơ với phần còn lại của đại dương. Một lần nữa, “Nữ hoàng biển Adriatic” lại làm thế giới phải kinh ngạc!

Những hiệu mặt nạ Ý loang lổ màu sắc, những vựa kem Ý rực rỡ như một cái chợ bán phẩm màu. Ở “đại sảnh của châu Âu”, ấy là nơi mà hải âu bay nhiều nhất mà tôi từng biết. Chim bồ câu ở đây cũng nhung nhúc và dạn người nhất. Chúng nó thậm chí không thèm bay, trước líu díu chân người.

Có cô bé tóc vàng, ôm một cái cả khoang trời toàn chim bồ câu. Các chàng lái thuyền gondola đều đẹp trai như cầu thủ Ý (nhiều phụ nữ Việt Nam xem bóng đá Ý chỉ vì muốn ngắm sự đẹp trai của các cầu thủ!). Họ hát các bài dân ca trầm ấm như chắt lọc từ vị mặn biển Địa Trung Hải, họ hứng lên múa ở đầu thuyền, với mái chèo vạm vỡ.

Có người viết trong sách: Thế giới này sẽ trở nên nghèo nàn hơn, buồn tẻ hơn, nếu như không có Vơ-ni-dơ. Đến với kinh thành trên mặt sóng này, con người ta bị tê liệt hoàn toàn những tham sân si khổ hạnh của kiếp người. Có lẽ thế.

Tản mạn của Đỗ Doãn Hoàng
.
.