Lang thang tôi với giang hồ

Thứ Năm, 19/01/2017, 13:20
Cái tên Mạc Can được lưu ký như một nghệ sĩ tên tuổi, đa tài. Ông là ảo thuật gia lừng danh, nghệ sĩ hài nổi tiếng, diễn viên đóng nhiều vai phụ nhất được ghi tên trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam. Ông thành "nhà văn trẻ" khi bước sang tuổi 60, giành nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (2004), của UBND TP HCM (2003 - 2004) và của Trung tâm Doanh nhân văn hóa Việt Nam (2005).

Vậy nhưng, thời hoa niên, ông lại là một gã bụi đời thậm khổ, cứ rạc  rài theo những đoàn lô tô, hội chợ, gánh hát rong - tạp kỹ lang thang vô định khắp Nam Kỳ lục tỉnh, không biết gia đình lưu lạc ở  đâu. Mãi đến năm 17 tuổi, ông mới… tình cờ gặp lại người cha, ảo thuật gia Lê Văn Quý và quay về đoàn tụ với gia đình trong một căn nhà thuê nhỏ xíu trên kênh nước đen ở Sài Gòn.

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, phim chiếu rạp ở miền Nam hoàn toàn nhập ngoại. Cả Sài Gòn, mỗi phim chỉ nhập về đúng một bộ, chiếu luân chuyển giữa các rạp. Khoảng chờ đợi giữa hai lần thay phim là cơ hội kiếm sống của các nghệ sĩ tạp kỹ. Thấp, nhỏ, chân tay khuềnh khoàng, dáng dấp hậu đậu, cái tướng "nhìn quá oải" của Mạc Can hóa ra lại là một lợi thế để vào vai chọc cười thiên hạ.

Mạc Can thời làm ký giả tự do trước 1975.

Ông diễn hề, kết hợp với bàn tay phù thủy của người cha ảo thuật gia Lê Văn Quý, trở thành đôi bạn diễn  nổi tiếng mua vui cho khán giả quên khoảng thời gian đợi thay phim. Nghèo vẫn hoàn nghèo nhưng dẫu sao rời sàn diễn, nghệ sĩ nổi danh của tương lai vẫn còn có một gia đình làm nơi chốn đi về.

Lớn chút nữa, đến tuổi bị bắt lính, Mạc Can trốn chui trốn nhủi. Mỗi lần nghe chó sủa hay tiếng xe jeep phanh cái "rét" đầu hẻm, bà Mạc Thị Hào lại ấn đầu anh con trai xuống sàn nước thò ra giữa lòng kênh, chờ cảnh sát đi xa lại lôi lên. Nhưng trốn mãi cũng không thoát. Khoảng giữa năm 1966, Mạc Can bị bắt, tống vào trại Chí Hòa.

Mạc Can bị nhốt vào cùng phòng với Của "Xóm Chùa" (còn gọi là Của "Gia Định"). Xóm Chùa xưa, nay là đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh. Thập niên 1960, đó là vùng ven lầy lội của  tỉnh Gia Định, chỉ có dân lao động nghèo không nghề, đám lưu manh bị pháp luật săn đuổi không nơi ẩn náu mới dạt về đó sống chui nhủi.

Nguyễn Văn Của là một tay anh chị sô lô (không băng nhóm) không cướp của người nghèo, chỉ cướp hàng quân tiếp vụ. Của thấp, đậm, người chắc nịch, rất giỏi võ, từng biểu diễn  phang ống quyển cong cả cột hàng rào lưới B40 bằng thép. Đám cảnh sát mò vào Xóm Chùa truy bắt du  đãng, Của không chạy mà quay lại đánh cho cả đám chạy có cờ. Đám du thủ du thực vừa nể, vừa sợ, xem Của như đại ca toàn vùng.

Đầu năm 1966, Của "Gia Định" bị bắt, tống vào trại Chí Hòa với tội danh "gian nhân hiệp đảng". Từng tập tọng viết tin, Mạc Can đương nhiên từng nghe danh Của đại ca. Nhập phòng, tay chân anh nghệ sĩ nghèo đâm bủn rủn, sợ toát mồ hôi hột.

Nhưng Của "Gia Định" lại là một tay anh chị khoái văn nghệ, cũng biết danh Mạc Can nên rất quý. Anh ta thét đám cô hồn dạt ra hai bên để "nghệ sĩ lớn (vô tù thì lớn, ra ngoài thì nhỏ xíu, vì... đói ăn) biểu diễn tài năng". Tối, Mạc Can diễn xong, đại ca còn bắt đám "tù con so" (vô tù lần đầu) và đám "âm binh mất ma" (giang hồ chưa có số má) kê nệm, đấm lưng cho Mạc Can dễ ngủ.

Có bao nhiêu mánh lới, tài nghệ cả ảo thuật, hề, kịch câm, Mạc Can vắt óc mà nhớ, cố diễn cho bằng hết để giữ vị thế. Bù lại, tuy là tù "con so", Mạc Can dù chẳng có "số má" gì trong giang hồ vẫn tránh được màn ăn đòn hội chợ, lại được cơm bưng nước rót tận răng.

Diễn mãi cũng hết vốn, Mạc Can cố tìm chiêu để khỏi bị hành hạ và tiếp tục được hưởng an nhàn. Anh bày trò coi bói, tán ngang: "Trời ơi! Đường sinh đạo của đại ca dài thấy bà cố. Chắc như bắp, một tuần nữa là đại ca sẽ được hưởng an nhàn". Của "Gia Định" khoái lắm.

Bốc phét chẳng gặp thời. Đêm  25-8-1966, bị  kích động, Của "Gia Định" đã cùng ba trùm du đãng khác là Đại Cathay (Lê Văn Đại), Lâm "Chín Ngón" (Lê Ngọc Lâm) và Ngọc Heo cầm đầu khoảng 800 tù thường phạm hai dãy ED, FD tấn công, đánh đập khoảng hơn 100 chính trị phạm cùng bị giam chung trong dãy lầu 3D. Trong lúc say máu, đám tù thường phạm đã đập phá và nổi lửa đốt luôn cả trại Chí Hòa.

Mất gần trọn một đêm, Cảnh sát dã chiến mới dập được lửa và ốp được đám thường phạm quá khích về lại các buồng giam. Một tuần sau, Của "Gia Định" cùng những kẻ  đầu têu bất trị đã bị kết án và đày ra Phú Quốc. Quẻ bói không linh, gã "thầy bói" Mạc Can bị những tên tù còn lại "bề hội đồng" thừa sống thiếu chết, cho chừa tội "xạo ke giỡn mặt với đại ca".

Những năm 1995-1996, vì khoái viết về giới giang hồ, người viết bài này đã bỏ ra nhiều năm tìm và giao du với đám đám du đãng nổi tiếng một thời. Lúc này, Lâm "Chín Ngón" vừa ra tù, trở thành ông chủ một quán thịt chó kiểu Bắc (Lâm quê gốc Hà Tây, dân Công giáo theo Chúa vào Nam từ  1954, lúc mới 9 tuổi) trên đường 3-2, Quận 10. Thời điểm đó, anh ta đã rắp ranh tái xuất giang hồ nhưng chưa tham gia vào vụ bảo kê cảng cá Vũng Tàu để rồi làm dậy sóng đen trên thành phố biển với vụ Minh Samasa khét tiếng (1997).

Nguyễn Văn Của hơn Lâm 6 tuổi, lúc buông đao không may mắn như "đồng nghiệp" giang hồ. Nhờ sự dẫn đường của một giang hồ già, cựu thượng sĩ quân cảnh Việt Nam Cộng hòa, tôi đã tìm được Của “Gia Định” đang thuê trọ trong một căn nhà trọ xập xệ nằm sâu trong hẻm, đường Bạch Đằng, Bình Thạnh. Của đang sống gá nghĩa với một phụ nữ nghèo đã lớn tuổi, không con cái. Bản thân ông ta thì đau ốm triền miên, sống lay lắt dựa vào mẹt hàng lạc - xoong của bà vợ hờ.  Khi tôi gặp, hai chân của tay võ sĩ lừng danh một thuở đã phù nề như chân voi, ấn ngón tay vào thành một cái lỗ  sâu hoắm.

Nghệ sĩ Mạc Can giao lưu với khán giả truyền hình.

Cám cảnh, tôi cho Của ít tiền. Của tỏ ra mừng rỡ khi biết tôi quen biết Lâm “Chín Ngón”, nằng nặc nhờ tôi chở lên quận 10 để  hai gã giang hồ già hết thời hội ngộ trùng phùng sau 30 năm. Vì nghĩa cử đó, Lâm "Chín Ngón" coi tôi như người quen thân thiết, thường chủ động tìm uống cà phê, trò chuyện giang hồ và dẫn mối đi tìm những giang hồ già khét tiếng một thời ở đất Sài Gòn. Tiếp xúc nhiều, tôi biết chắc chắn Lâm vẫn còn ảo tưởng số má, không làm gì có chuyện giã từ "dặm đường cong" nên đã nhiều lần góp ý. Tất nhiên, Lâm không nghe.

Tối 14-7-1999, Lâm chở vợ con đến ăn tại quán Lồi trong khu cư xá Bắc Hải, Quận 10. Khi vợ con đã vào quán, Lâm đang lui cui dựng xe thì một thằng oắt con lạ mặt đã sấn đến, tạt thẳng vào mặt  Lâm một ca acid. Con hổ già ngã lăn ra đường quằn quại. Vụ này sau đó đã thành một trong 7 đầu án trong phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn vào 4 năm sau đó.

Theo cáo trạng, chính Năm Cam đã sai Dung Hà tổ chức đàn em tạt acid Lâm “Chín Ngón”, nhằm loại trừ một đàn anh - đồng bọn ngang ngược dù đã hết thời trên chốn giang hồ.

Thoát chết, Lâm thuê một nhà trọ trong khu bãi xe quân đội Quận 10, đường 3-2 làm nơi tá túc, dưỡng thương, thực chất là để trốn đòn thù tiếp theo từ phía đối thủ có thể diễn ra, nhằm "truy tận giết tuyệt" và phòng hậu hoạn. Gia đình Lâm không cho ai biết nơi Lâm tá túc. Tôi là một ngoại lệ. Lâm “Chín Ngón” đoán ra rằng tôi đọc được vụ việc, có thể suy luận tìm hiểu được thủ phạm, Lâm nằng nặc xin tôi đứng ngoài, không điều tra, không đưa vụ việc (Công an chưa tìm ra hung thủ) với các suy đoán lên mặt báo.

Anh ta bảo: "Coi như đây là nghiệp chướng tôi phải mang (trong tù, Lâm từng đâm chết 3 người, đều là giang hồ). Bọn sát thủ không đụng vào vợ con tôi là còn nương tay. Nếu giờ anh viết, vợ con tôi sẽ gặp nguy hiểm. Mà anh cũng nguy hiểm. Anh biết đấy, thế lực họ (thủ phạm) mạnh lắm."

Khi nghe Lâm nói thế, tôi hiểu anh ta đã thừa nhận có cùng suy đoán thủ phạm là ai, giống như tôi đang nghĩ. Và Lâm sợ thật sự. Không muốn vợ con anh ta  gặp bất trắc, bất đắc dĩ tôi đành phải hứa với Lâm  tạm thời chưa đụng tới vụ việc.

Lâm “Chín Ngón” tại phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn tháng 3-2003.

Thay vào đó, tôi đã nhờ đồng nghiệp Vũ Cao của báo ANTG, nguyên là một bác sĩ đến thăm khám cho Lâm ngay tại căn nhà anh ta đang ẩn thân. Acid khiến  toàn khuôn mặt Lâm biến dạng, da thịt chảy ra khiến cằm dính vào ngực không ngẩng đầu lên được. Hai mí mắt, da thịt chảy dính vào nhau. Ấn ngón tay vào, nước mắt chảy ra đục như nước gạo. Đời tay giang hồ khét tiếng một thời chìm hẳn trong bóng tối.

Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của anh Vũ Cao, Lâm "Chín Ngón" đã được  đích thân tay "đại đao" - bác sĩ Nguyễn Văn Tráng, khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy mổ tái tạo hai hốc mắt miễn phí. Khi tháo băng cho Lâm bác sĩ Tráng đã nói: "Hãy coi như chúng tôi giúp anh có cơ hội nhìn lại cuộc đời lần nữa. Dù mỗi bên chỉ còn 2 và 3/10 thị lực, nhưng mong anh nhìn rõ đen trắng, đúng sai hơn".

Lâm cảm ơn rối rít, hứa đủ thứ và... quên ngay. Năm Cam vừa bị bắt, Lâm lập tức đứng ra tố cáo. Tòa mở, Lâm gặp báo chí tuyên bố om sòm, lên án om sòm, đòi hỏi om sòm, cứ như thể anh ta là một nạn nhân lương thiện. Tôi có gặp khuyên Lâm kiềm chế, Lâm trả lời bằng một bài lên lớp về đạo đức… giang hồ.

Tháng 6-2003, tôi đã viết một loạt bài 3 kỳ trên báo ANTG có tựa đề "Giang hồ Sài Gòn - thời hai tay ba đao", lấy các biến cố giang hồ của chính cuộc đời Lâm "Chín Ngón" để giải mã triết lý sống sặc mùi bạo lực và con đường tội lỗi của cái gọi là "nghĩa khí giang hồ". Báo in xong kỳ 2, Lâm "Chín Ngón" đeo mặt nạ che bộ mặt bị acid tàn phá xách theo 5 đệ tử đi 3 xe máy vác mã tấu đến tận tòa soạn tìm tôi "nói chuyện phải quấy". Tôi bảo Lâm: "Anh kêu mấy thằng mã (tấu) về đi, nếu muốn tôi nói chuyện. Đừng vô ích tìm một cơ hội vô tù lần nữa".

Suốt nửa buổi sáng, gần như chỉ mỗi mình Lâm to tiếng, đe dọa. Không chứng minh được tôi viết sai điểm nào, Lâm quay sang tấn công tình cảm, hy vọng tìm sự mủi lòng: "Tôi vô quán ăn sáng, bà bán phở thấy tôi là khiếp, chặt thịt gà chặt rụng luôn cả ngón tay. Thực khách thì bỏ chạy hết. Tại họ vừa đọc báo, biết tôi là Lâm "Chín Ngón", họ nhìn tôi ghê sợ. Anh và Báo lấy gì đền bù cho sự… đau khổ này?".

Tất nhiên Lâm cường điệu, chẳng có ai chỉ vì đọc báo ANTG nên kinh sợ anh ta đến mức chặt rụng cả ngón tay. Lần lượt, tôi nhắc cho Lâm nhớ khá nhiều điều cần nhớ và tìm cách hạ cơn điên của gã. Thỉnh thoảng, nhà thơ Trương Nam Hương lại ghé vào, đệm sau lời trần tình, thắc mắc của Lâm một vài câu ra chiều thông cảm: "Ừ, đấy! Đúng, đúng rồi! Anh Lâm nói phải, ừ đấy!"

Hết buổi sáng, Lâm quên mất mục đích đến báo để "trị tội thằng phóng viên cà chớn" là tôi đang đứng khoanh tay hơi bỡn cợt, cứ nắm tay Trương Nam Hương mà bắt lia lịa, cảm kích rằng anh "nói chuyện hay quá, thấu lý đạt tình", rằng "rất quý báo ANTG với những người sâu sắc, hiểu biết như anh". Lâm vừa về, tôi lại quay lại công việc, soát lỗi để đăng tiếp kỳ 3 bài báo về chính anh ta.

Một tuần sau, ngày 21-6, Lâm "Chín Ngón" lại đến. Lần này thay cho mã tấu, anh ta mang một ôm hoa to đến chúc mừng ngày nhà báo. Nằng nặc, Lâm cứ dứt khoát gặp, chào cho bằng được thi sĩ Trương Nam Hương, người mà anh ta "rất quý mến vì nói chuyện đầy am hiểu".

Chơi với giang hồ bao nhiêu năm, tôi vẫn không tài nào hiểu nổi sao tay giang hồ già lại bị chinh phục giản đơn đến thế. Từ đầu chí cuối, tôi chẳng thấy anh Trương Nam Hương có chiêu độc gì để "trị" giang hồ. Ngay cả lời nói, ông nhà thơ cận thị cũng chỉ tuôn được  mỗi mấy chữ "Ừ, đấy! Đúng rồi!" là chấm hết.

Giang hồ  gì kỳ vậy trời?

Nguyễn Hồng Lam
.
.